Tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 27/01/2015 - 07:01

tangcuongquanhematthietgiuadang

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; là lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam; người xây nền, đắp móng cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Sinh thời, Người luôn luôn căn dặn: Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi; cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại 1.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt trong gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Năm 1986, khi khởi xướng, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã xác định tư tưởng chủ đạo có ý nghĩa nền tảng của đổi mới là: “Trong mọi hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “ lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”2.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đồng lòng, nhất trí, phát huy cao độ tinh thần lao động, sáng tạo, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển.  Sự hòa hợp ý Đảng, lòng dân đã tạo thành sức mạnh kỳ diệu của đổi mới, đưa tới những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử: kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định; văn hóa phát triển; vai trò và vị thế đất nước ở khu vực và quốc tế được nâng cao.  Nhìn lại một chặng đường đổi mới, Đại hội lần thứ X của Đảng đã đúc kết bài học kinh nghiệm sâu sắc: Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân; xuất phát từ thực tiễn, thường xuyên tổng kết thực tiễn; phát hiện, nhân rộng nhân tố mới, từng bước tìm ra quy luật phát triển là chìa khóa thành công của đổi mới3. Thực tiễn đổi mới cũng giúp Đảng nhận thức sâu sắc hơn bài học về xây dựng Đảng: Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân..., xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường3.

Đầu năm 2011, tổng kết lịch sử 80 năm cách mạng của Đảng, chắt lọc kinh nghiệm từ những thắng lợi vĩ đại và cả những sai lầm, vấp váp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đúc kết bài học thấm thía về mối quan hệ máu thịt ĐẢNG - NHÂN DÂN. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường của cách mạng, của chế độ xã hội  chủ nghĩa, của Đảng4. Đây là một trong những bài học lớn, phản ánh nét đặc sắc mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam.

2. Hiện nay, Việt Nam đang phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược: đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Để thực hiện thành công mục tiêu có ý nghĩa lịch sử đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, xem đó một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tháng 6 năm 2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới6, nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; bồi đắp sự đồng thuận xã hội; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và tài năng lao động, sáng tạo tiềm tàng của nhân dân.

Trong  thời kỳ phát triển mới, việc tăng cường quan hệ giữa Đảng và nhân dân có những thuận lợi cơ bản:

Thứ nhất, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đã tạo ra thế và lực mới, mở ra triển vọng phát triển mới của đất nước; đem lại những lợi ích thiết thực đối với nhân dân. Thực tế đó đã động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân tin tưởng, phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, trong hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng, trực tiếp là gần 30 năm tiến hành công cuộc  đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác dân vận, xây đắp quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm củng cố và tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Quyết tâm và sự nỗ lực của Đảng trong việc khắc phục tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước; phát huy dân chủ, đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội và nguy cơ suy thoái trong Đảng,… đã chứng minh năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ ba, gắn với tiến trình cách mạng, thành quả đổi mới và phát triển toàn diện của đất nước, so với trước đây, mức sống, trình độ nhận thức, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân Việt Nam đã có bước tiến lớn. Diễn biến phức tạp của đời sống chính trị quốc tế; sự bế tắc và khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện đại; sự chà đạp thô bạo, can thiệp trắng trợn của các thế lực đế quốc hiếu chiến lên độc lập, chủ quyền, công việc nội bộ của nhiều quốc gia; sự bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế; sự tranh chấp quyết liệt về lãnh thổ, lãnh hải, thị trường, năng lượng, khu vực ảnh hưởng; những bi kịch khởi nguồn từ bạo loạn chính trị, đảo chính, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo,… diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, giúp nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ý nghĩa sống còn của đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng thời với những thuận lợi cơ bản, quá trình xây đắp quan hệ Đảng - nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, kinh tế thị trường phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đan xen với những nhân tố tích cực, tiến bộ là mặt trái, tiêu cực hằng ngày hằng giờ len lỏi, tác động đến đời sống, tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Hệ lụy rõ nhất là tình trạng phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội; là những biến đổi về cơ cấu giai cấp, quan hệ lợi ích,… Sự cách biệt về kinh tế, xã hội làm nảy sinh một cách khách quan tiền đề của sự phân hóa về nhận thức, tư tưởng, tiềm ẩn khả năng hình thành tự phát những nhóm xã hội được liên kết nhất thời bởi lợi ích cục bộ, trước mắt, trong đó có những nhóm xã hội dễ bị các lực lượng xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng, gây khó khăn cho công tác dân vận của Đảng.

Hai là, bối cảnh khu vực, quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; một số yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội chậm được khắc phục; đời sống của một bộ phận nhân dân còn thiếu thốn, vất vả; tính chất lâu dài, phức tạp và cuộc đấu tranh dai dẳng giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu trong bước chuyển quá độ lên chủ nghĩa xã hội… đã tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận quần chúng nhân dân, nảy sinh biểu hiện hoài nghi, dao động về mục tiêu lý tưởng của Đảng.

Ba là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã bị sự cám dỗ, mê hoặc của danh vọng, tiền tài làm cho thoái hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời và đi ngược lại lợi ích của nhân dân, làm tổn thương đến uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin vốn được bồi đắp lâu dài của nhân dân đối với Đảng.

Bốn là, các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội, thù địch cách mạng Việt Nam tìm mọi cách chống phá, mục tiêu chủ yếu là thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lợi dụng những khó khăn của Việt Nam trên con đường phát triển, các thế lực thù địch đã tìm cách xây dựng, móc nối các lực lượng chống đối trong và ngoài nước, triệt để khai thác các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng điện tử, mạng xã hội,… tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ đội ngũ cán bộ, đảng viên, tìm mọi cách phân hoá nội bộ Đảng, kích động nhân dân xa rời Đảng.

3. Trước những đòi hỏi của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp  nhằm không ngừng củng cố sự gắn bó truyền thống giữa Đảng với Nhân dân.

Trước hết, Đảng tiếp tục hoàn thiện, quán triệt sâu sắc, thực hiện nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về  đại đoàn kết toàn dân tộc, về mối quan hệ máu thịt Đảng - nhân dân.

Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu, điều kiện của thời kỳ cách mạng mới; nghiêm túc tổng kết thực tiễn đất nước, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, Đảng đã hoàn thiện, ban hành và quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, trong hệ thống chính trị những nhận thức mới về công tác dân vận với những quan điểm cốt lõi:

- Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ.

- Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

- Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo.

- Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.

- Nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế “ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả5.

Hệ thống quan điểm dân vận toàn diện, thiết thực, thấm đậm tinh thần nhân văn, dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng chính là cơ sở tư tưởng vững chắc tạo nên sự đồng thuận và gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Thứ hai, Đảng coi trọng thực hành dân chủ; đề cao và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nhận thức sâu sắc dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước, thể hiện sự gắn bó mất thiết giữa ĐẢNG - NHÀ NƯỚC - NHÂN DÂN, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở tất cả các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực.

Trước hết, Đảng chỉ đạo Nhà nước và các cơ quan chức năng xây dựng các thiết chế, thể chế bảo đảm để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, gián tiếp  trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; từng bước thực hiện quyền tổ chức, quản lý đời sống cộng đồng theo qui định của pháp luật. Hoàn thiện các cơ chế mở rộng, phát huy dân chủ, bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh đúng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Xuất phát từ quan điểm dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, Đảng hoàn thiện, ban hành cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển quan trọng; giám sát hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên; định kỳ lấy ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân,…

Đảng chú trọng lãnh đạo thực hiện Quychế dân chủ ở cơ sở và Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong các công việc hàng ngày ở ngay địa bàn trực tiếp  nhất.

Tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân thực hiện hiệu quả quyền làm chủ, Đảng chỉ đạo xây dựng chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân; cơ chế cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cơ quan dân cử tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tiếp thu, giải quyết yêu cầu, công việc của nhân dân.

Xây dựng và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài với nhiều cấp độ, mức độ từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Những quyết sách nêu trên thể hiện một bước tiến mới, tạo sự phấn khởi và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng

Thứ ba, Đảng quan  tâm giải  quyết nguyện vọng chính đáng, bảo đảm những lợi ích thiết thân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đi vào kinh tế thị trường, vấn đề lợi ích ngày càng trở thành động lực trực tiếp quan trọng đối với từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng. Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng thực hiện chính sách xã hội song song với chính sách kinh tế; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách. Đảng quan tâm điều hòa hợp lý lợi ích giữa các giai cấp, các vùng miền, các lĩnh vực; từng bước thực hiện công bằng trong phân phối, bình đẳng trong quan hệ xã hội; phát triển hài hòa đời sống vật chất với đời sống tinh thần; chăm lo cải thiện mức sống của người dân về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất; gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội.

Từ năm 2008 đến nay, trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nhiều mặt của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, một mặt, Đảng tập trung lãnh đạo kiềm chế lạm phát, giữ vững cân đối kinh tế vĩ mô, mặt khác, nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là những người thu nhập thấp. Mối quan tâm thường xuyên của Đảng là tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập ngày càng tốt hơn; khuyến khích, tạo cơ hội để người dân vươn lên làm giàu hợp pháp, đồng thời tích cực thực hiện xóa nghèo bền vững, giảm dần sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền, các tầng lớp nhân dân. Đảng chủ trương không ngừng hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, cứu trợ xã hội; cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, nước sạch, dịch vụ giáo dục, y tế, thông tin truyền thông. Chính sách xã hội dành ưu tiên hàng đầu cho những người và gia đình có công với nước, đồng thời chăm lo đời sống người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi - đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương trong điều kiện kinh tế thị trường.

Song song với việc thực thi chính sách, giải pháp đem lại lợi ích thiết thân của người dân, Đảng đặc biệt chú trọng hoàn thiện và thực hiện chính sách giai cấp, chính sách xã hội nhằm xây dựng cộng đồng xã hội văn minh, trong đó các giai cấp, tầng lớp dân cư đoàn kết, bình đẳng về nghĩa vụ, quyền lợi. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng về xây dựng giai cấp công nhân; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về thanh thiếu niên, nhi đồng; về phụ nữ và bình đẳng giới; về đội ngũ doanh nhân; về hội cựu chiến binh; về chính sách đân tộc, tôn giáo; về xây dựng gia đình,… Chính sách giai cấp của Đảng không chỉ chú ý giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội mà rất coi trọng xây dựng bản lĩnh, phẩm chất chính trị, bản sắc văn hóa, đạo đức, nhân cách ngay ở từng khu dân cư, từng đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu.

Đồng thời với chăm lo giải quyết lợi ích thiết thực, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Đảng thường xuyên  chú trọng lãnh đạo quá trình lành mạnh hóa môi trường, quan hệ xã hội. Phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, vấn đề xã hội bức xúc; đấu tranh phòng chống tiêu cực, tệ nạn, tội phạm xã hội, giữ vững trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân,… là mối quan tâm và công việc hằng ngày của các cấp ủy đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở.

Niềm tin, sự gắn bó của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng không trìu tượng mà có thể đo đếm được từ thái độ, tình cảm vui hay không vui, hài lòng hay không hài lòng của nhân dân trước cách giải quyết của Đảng, Nhà nước đối với những nhu cầu, lợi ích cụ thể, thường nhật.

Thứ tư, Đảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân.

Lịch sử cách mạng Việt Nam là lịch sử về mối quan hệ đặc biệt gắn bó, son sắt, thủy chung giữa Đảng với nhân dân. Đảng tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, biến sức mạnh tự phát của nhân dân thành sức mạnh tự giác lay trời chuyển đất, lật nhào ách thống trị của đế quốc phong kiến, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ. Nhân dân một lòng tin theo Đảng, ủng hộ, nuôi dưỡng, bảo vệ Đảng vì Đảng là đội tiên phong chân chính, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc; vì đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, anh dũng, hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Bước vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có nơi, có lúc, một số tổ chức đảng đã đánh mất vai trò lãnh đạo; một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, không còn là hình ảnh người cộng sản tiên phong. Thực trạng đau lòng này đã làm xói mòn niềm tin yêu nhân dân dành cho Đảng. Đây là tổn thất lớn đối với Đảng, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhận thức sâu sắc nguy cơ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đó là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đảng nêu quyết tâm chính trị và tập trung cao độ sức mạnh của toàn Đảng và dựa vào nhân dân, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương ngang tầm nhiệm vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm của người  đứng đầu cấp ủy, chính quyền các các cấp. Đây là những công việc cấp bách về xây dựng Đảng đang được triển khai sâu rộng, nghiêm túc trong toàn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Khi đã trở thành đảng cầm quyền, công tác dân vận của Đảng được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối và lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trước mắt, Đảng tập trung lãnh đạo Nhà nước xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo nền tảng pháp lý để thực hiện và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; tiến hành cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, vì dân, đột phá là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ công chức  thạo việc, có trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phê phán và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm hại quyền dân chủ và lợi ích của công dân.

Đảng tôn trọng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân - những tổ chức vừa đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, vừa là cầu nối gắn kết nhân dân với Đảng, Nhà nước. Với tư cách là thành viên, đồng thời là lực lượng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng tính độc lập, tự chủ của Mặt trận; đề cao vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; đồng thời quan tâm lãnh đạo Mặt trận, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục xu hướng hành chính hóa, tăng cường liên hệ với nhân dân, động viên, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả.

Lãnh đạo vì dân, cầm quyền vì dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, hết lòng vì dân - đó là nhân tố quyết định sự bền vững của quan hệ Đảng - Nhân dân.

Thứ năm,Đảng coi trọng xây dựng tác phong quần chúng; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao nhận thức và tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân.

Ngày nay, trình độ dân trí, ý thức và nhu cầu dân chủ của nhân dân đã được nâng cao; điều kiện và khả năng nắm bắt thông tin cũng tăng lên. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin và sự lên ngôi của mạng điện tử và các phương tiện truyền thông, trong nhân dân cũng xuất hiện tình trạng bội thực thông tin, nhiễu thông tin, và do vậy, việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, thông tin định hướng là vô cùng cần thiết. Để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, theo chủ trương của Đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải trực tiếp làm công tác tuyên truyền, thực hiện phương châm hướng mạnh về cơ sở, xây dựng chế độ, kế hoạch tiếp xúc với dân; định kỳ đối thoại, lấy ý kiến góp ý của dân; mở rộng các kênh thông tin, liên hệ với dân, như mở đường dây nóng, hộp thư góp ý, giao lưu trực tuyến, tọa đàm, hội thoại,... Tác phong quần chúng kiểu mới đang từng bước định hình.

Công tác thông tin, tuyên truyền được đổi mới mạnh mẽ; nội dung phong phú, thông tin cập nhật, kịp thời, sát với thực tiễn; phương pháp tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục với sự góp sức của nhiều lực lượng, loại hình, phương thức, phương tiện - báo chí, văn hóa, văn nghệ, khoa học, giáo dục; tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực tuyến, thảo luận, tranh luận, đối thoại…, trong đó chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng internet. Công tác tuyên truyền hướng vào những vấn đề nhân dân đang quan tâm, bức xúc, băn khoăn nhằm cung cấp thông tin xác thực, giải tỏa tâm lý, tư tưởng, khơi thông hoài nghi, thắc mắc, động viên, cổ vũ nhân tố mới, góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân và sự đồng thuận xã hội.

*

*     *

Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua với bao nhiêu thăng trầm, thử thách đã chứng minh một sự thật: có nhân dân là có tất cả, mất nhân dân là mất tất cả. Mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay, xét từ bản chất, đều hướng về nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân, bởi lẽ, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác.

GS.TS. Phùng Hữu Phú

  Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Trích trong cuốn “ Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.326.

2,3. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 29.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 40-41


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận