Tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ

Ngày đăng: 27/05/2014 - 15:05

Trong tiến trình phát triển của xã hội, bình đẳng giới đang ngày càng trở thành một giá trị chung, là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là sau năm 1981, khi Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) của Liên hợp quốc có hiệu lực. Đối với Việt Nam, bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện bình đẳng giới trong chính trị, tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

1-PN

1. Phụ nữ là một lực lượng to lớn, có vai trò, vị trí đặc biệt trong mọi mặt của đời sống xã hội. Dân tộc Việt Nam đã ghi lại những tấm gương sáng chói của người phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhận thức đúng đắn vai trò của phụ nữ, tầm quan trọng của bình đẳng nam nữ trong chính trị, Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”, “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền”. Kế thừa và phát huy Hiến pháp 1946, các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, đặc biệt trong bản Hiến pháp 2013 đã ghi nhận cụ thể, đầy đủ hơn quyền bình đẳng nam, nữ trong lĩnh vực chính trị: “Không ai phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”, “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt…Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với chủ trương giải phóng phụ nữ, thực hiện nguyên tắc năm nữ bình quyền, công tác cán bộ nữ được Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng, xem đây là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Quan điểm này được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, được đưa vào trong các văn bản luật và dưới luật như Chỉ thị số 37-CT/TW về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Luật bình đẳng giới...

Dựa trên nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng ghi nhận, Luật bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua năm 2006, đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Tại Điều 11, quy định rõ: 1- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. 2- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức. 3- Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 4- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Để từng bước thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ giữa nữ giới và nam giới tham gia ứng cử và được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan dân cử, đại diện cho quyền lợi và lợi ích của nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu quốc hội năm 2001, Điều 10a ghi rõ: “Số đại biểu Quốc hội là phụ nữ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng”.

2. Hoạt động chính trị là một lĩnh vực đặc thù của đời sống xã hội, của các quan hệ người. Nó rất cần tới sự có mặt, sự tham gia nhập cuộc của phụ nữ - sự cân bằng giới như một sự cân bằng tâm lý, đồng thời, nó bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu giới, tạo ra sự hài hòa trong phát triển. Tham gia chính trị của phụ nữ là quá trình nữ giới thực hiện vai trò của mình trước hết với tư cách là một công dân vào quá trình giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị, tham gia vào công việc của hệ thống chính trị, sau nữa là tham gia vào lãnh đạo và ra các quyết sách chính trị. Tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ là thúc đẩy quá trình bình đẳng giới trong chính trị.

Trong thời gian qua, sự tham gia chính trị của phụ nữ ở Việt Nam được đẩy mạnh. Tỷ lệ nữ đảng viên trong tổng số đảng viên mới kết nạp đã có xu hướng tăng lên hằng năm. Trong năm 2010, tỷ lệ nữ đảng viên đạt 32,8%, tăng đáng kể so với năm 2005, khi số nữ đảng viên chỉ chiếm 20,9%1. Tỷ lệ nữ trong cấp ủy cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã cũng tăng qua các kỳ đại hội gần đây, đặc biệt là cấp huyện, xã. Nhiệm kỳ 2001-2005, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện chiếm 12,89%, đến nhiệm kỳ 2011-2016, tăng lên 15,01%2. Việt Nam cũng đã có những mô hình công bằng, bình đẳng giới trong lãnh đạo ở nhiều nơi như mô hình luân phiên lãnh đạo ở xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk - nhiệm kỳ này nữ làm bí thư đảng ủy, nam làm chủ tịch; nhiệm kỳ sau nữ làm chủ tịch, nam làm bí thư3. Phụ nữ tham gia Quốc hội cũng ngày càng tăng và có chất lượng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn là quốc gia có số lượng nữ đại biểu chiếm tỷ lệ cao trong Quốc hội.Theo Báo cáo về phát triển con người của UNDP, Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao thứ hai trong ASEAN. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, có hai (trong số bốn) Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ, tăng một nữ Chủ tịch Quốc hội so với hai nhiệm kỳ trước. Thành viên nữ trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tăng dần qua các nhiệm kỳ, nhiệm kỳ 1992-1997 chỉ có 13, 3% đến nhiệm kỳ 2011-2016 tăng lên 23,5%. Tỷ lệ đại diện nữ với tư cách là thành viên của các ủy ban Quốc hội ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ 2007-2011, 22,8% thành viên các ủy ban là nữ, trong khi nhiệm kỳ hiện nay là 23,6%. Tại các cơ quan dân cử cấp tỉnh, huyện, xã sự tham gia của phụ nữ cũng có chiều hướng tăng trong những nhiệm kỳ gần đây. Phụ nữ giữ vị trí phó chủ tịch nhiều hơn và tỷ lệ tăng đáng kể qua các năm. Ở cấp tỉnh, giai đoạn 1999-2004, chỉ có 8,19% nữ phó chủ tịch hội đồng nhân dân và 12,05% nữ phó chủ tịch ủy ban nhân dân nhưng đến giai đoạn 2004-2011 tăng lên 28,13% và 16,08%4.

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, việc phụ nữ Việt Nam tham gia chính trị, đặc biệt là nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế. Từ khi thành lập cho đến này, tỷ lệ đảng viên nữ trong Đảng không cao và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ đảng viên nam. Tỷ lệ đảng viên nữ thấp dẫn tới tình hình có rất ít phụ nữ để đưa vào các vị trí lãnh đạo trong cơ quan hành chính và đề cử làm ứng viên trong bầu cử. Ở cấp trung ương, tỷ lệ nữ rất thấp trong các cơ quan ra quyết sách của Đảng. Ở cấp đảng bộ cơ sở, tỷ lệ nữ giữ các vị trí chủ chốt còn thấp và không đại diện cho số lượng đảng viên. Mặc dù xếp hạng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, nhưng tỷ lệ phụ nữ được bầu vào Quốc hội có sự sụt giảm, đặc biệt nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, thấp hơn ba nhiệm kỳ trước. Điều này đã cho thấy các nghị định và nghị quyết nhằm tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong hệ thống chính trị chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, số lượng nữ ứng viên được lựa chọn hoặc đề cử trong bầu cử rất thấp. Theo số liệu của Liên minh Nghị viện Thế giới, phụ nữ chỉ chiếm 31,4% ứng viên trong bầu cử trên toàn quốc năm 20115. Trong số 260 ứng cử viên nữ, chỉ có 122 người trúng cử (47%), trong khi đó tỷ lệ trúng cử của các ứng cử viên nam là 67%. Trong lĩnh vực hành chính, mặc dù phần trăm nữ cán bộ, công chức lớn nhưng tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí ra quyết định không cao. Khi xét đến số lượng nữ bộ trưởng, Việt Nam chỉ xếp thứ 124 trên 129 quốc gia6. Những con số này nói lên sự sụt giảm tỷ lệ phụ nữ tham gia và đại diện ở cấp trung ương. Điều này ngược với xu thế tăng của thế giới. Theo báo cáo của Liên minh Nghị viện Thế giới, tại thời điểm cuối năm 2011, tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị tại Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới, giảm so với thứ 36 vào năm 2010 và 2009, thứ 33 năm 2008, thứ 31 năm 2007, thứ 25 năm 2006 và thứ 23 năm 2005. Việt Nam là một trong 21 quốc gia có sự sụt giảm rõ rệt tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị vào năm 20117.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều nhưng tựu chung lại có thể thấy lỗi về mặt thể chế và yếu tố quan niệm đã giúp duy trì ưu thế của nam giới so với nữ giới trong quá trình tham gia chính trị. Việt Nam tuy có khung pháp lý ấn tượng với các văn bản hướng dẫn không chỉ không cho phép các thực tiễn phân biệt đối xử với phụ nữ mà còn khuyến nghị các biện pháp tăng cường vai trò của phụ nữ hướng đến đội ngũ lãnh đạo mạnh. Tuy nhiên, ở các văn bản pháp lý này yêu cầu các cơ quan thực hiện chính sách nhưng không có các biện pháp chịu trách nhiệm. Rà soát các văn bản pháp lý và hỗ trợ cũng thấy rằng, không có các sáng kiến khuyến khích để ghi nhận các cơ quan, các bộ thực hiện chính sách và đạt được mục tiêu. Thêm vào đó, ở Việt Nam, các quan niệm trong văn hóa truyền thống, tập tục phong kiến trở thành những rào cản ảnh hưởng rất sâu đậm đến việc tham gia chính trị của phụ nữ. Quan niệm chung của mọi người là nhiệm vụ chính của phụ nữ là trong gia đình và phụ nữ bị “thách thức kép”: ở nhà thì việc nội trợ là việc của đàn bà, con gái; còn ở cơ quan thì việc làm quan là của đàn ông, con trai. Đây là áp lực xã hội mang tính hệ thống khiến cho thành tích của phụ nữ tham gia chính trị bị hạn chế, gia tăng chậm và không liên tục.

Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết, việc tăng cường đẩy mạnh sự tham gia chính trị của phụ nữ cần được quan tâm hàng đầu. Có như vậy mới tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững cho nền chính trị ở Việt Nam.

3. Bình đẳng giới trong chính trị là một trong những nguyên tắc cơ bản của mọi nền chính trị dân chủ. Việt Nam đang hướng tới xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì vậy việc tăng cường thúc đẩy sự tham gia chính trị của phụ nữ là một mục tiêu quan trọng. Các biện pháp tăng thêm tiếng nói của phụ nữ trên chính trường và trong quá trình hoạch định chính sách có thể có những ý nghĩa lớn lao đối với sự bình đẳng giới, bởi vì chúng nâng cao năng lực hành động thay mặt cho chính mình của phụ nữ. Để đạt được mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính trị ở Việt Nam trong giai đoạn tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà trước hết là giải pháp cải thiện chính sách và thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ.

Về chính sách, cần phải xem xét loại bỏ những chính sách phân biệt đối xử với phụ nữ, đặc biệt là giới hạn tuổi và chỉ tiêu đối với phụ nữ trong tuyển dụng, đề cử bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo. Đồng thời cần mở rộng và tăng quyền lựa chọn cho phụ nữ một cách hợp lý nhằm phát huy tiềm năng, sức lực của nữ giới vào sự phát triển bền vững của xã hội. Hoàn thiện khung pháp lý về công bằng và bình đẳng giới trên cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu giám sát cụ thể, kết hợp với tiếp tục hoàn thiện hơn nữa bộ luật bình đẳng giới, đổi mới hệ thống pháp luật, chú trọng tính dân chủ và công bằng cho người phụ nữ. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thích đáng dưới dạng luật định nhằm giúp phụ nữ giảm thiểu gánh nặng gia đình trong khi tham chính. Thực hiện tốt chính sách dành riêng các vị trí chính trị cho phụ nữ, đặc biệt trong các cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là “một cách tiếp cận để làm tăng sự hiện diện của phụ nữ trong chính quyền địa phương và trung ương”8, là chiến lược có thể tạo cho phụ nữ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong Quốc hội, nhất là trong các vấn đề thuộc mối quan tâm của phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong các cơ quan chính quyền cấp cao nhằm củng cố tính hợp pháp dân chủ của các cơ quan dân cử. Tuy nhiên, cũng không nên xem chiến lược này là “thuốc chữa bách bệnh giúp cải thiện tình thế chính trị và quyền lực của phụ nữ chỉ qua một đêm”.

Về biện pháp, cần phải tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức hướng tới các quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả khi có sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí ra quyết sách. Đồng thời cần tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức hướng tới xã hội thông qua nêu gương các lãnh đạo nữ ở Việt Nam. Tiến hành xã hội hóa công tác cán bộ nữ kết hợp với việc nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc tuyên truyền nguyên tắc công bằng, bình đẳng giới trở thành lẽ sống của mọi người trong xã hội cũng như trong việc bảo vệ lợi ích chính trị của người phụ nữ. Ủng hộ truyền thông tham gia vào quá trình tuyên truyền bình đẳng giới trong chính trị bằng việc cộng tác nhiều hơn với các lãnh đạo nữ nhằm nêu quan điểm của phụ nữ đối với các vấn đề chính trị thời sự; đồng thời khuyến khích truyền thông tìm kiếm và giới thiệu các quan điểm của phụ nữ đối với các vấn đề một cách bình đẳng và công bằng. Tiến hành các khóa tập huấn, bồi dưỡng lãnh đạo nữ tại các trường cao đẳng và đại học nhằm thu hút nữ thanh niên, khuyến khích và cung cấp cho họ kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để trở thành lãnh đạo trên con đường tham chính. Thu hút thanh niên vào các phong trào về bình đẳng giới, ủng hộ quyền của phụ nữ trong chính trị.

Bình đẳng giới trong chính trị có vai trò quan trọng trong sự phát triển của công tác bình đẳng giới cũng như của tiến trình dân chủ. Để tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ cần phát huy sức mạnh của hệ thống xã hội, của hệ thống chính trị mà đặc biệt là những người lãnh đạo cấp cao. Riêng đối với từng phụ nữ, năng lực làm chủ kiến thức, bản lĩnh chính trị và có ý chí quyết tâm trưởng thành chính là những yếu tố cần thiết để họ được tiếp tục chú ý, quan tâm, dìu dắt trong con đường tham chính.

Phan Duy Anh

Đại học Quốc gia Hà Nội

___________

1, 2, 4. UNDP: Báo cáo Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam, Hà Nội, tháng 12-2012.

3. Võ Thị Mai: Về công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 3-2007, tr. 17.

5, 7. UNDP: Phụ nữ tham chính tại Việt Nam.

6. UNDP: Phụ nữ tham gia khu vực hành chính công tại Việt Nam.

8. Ngân hàng Thế giới: Đưa vấn đề giới vào phát triển thông qua sự bình đẳng giới về quyền, nguồn lực và tiếng nói, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 293.

 

 

 

 

Bình luận