Tưởng nhớ bác Võ Chí Công

Ngày đăng: 06/08/2012 - 10:08

 

Bác Võ Chí Công quê ở xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Theo các đồng chí ở Quảng Nam, bác Công đã giác ngộ cách mạng qua các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân Nam Trung Kỳ, đặc biệt đám tang cụ Phan Chu Trinh đã có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời hoạt động yêu nước của bác.

dc-Vo-Chi-Cong31

Đồng chí Võ Chí Công thăm xí nghiệp may mặc xuất khẩu huyện  Núi Thành  (Quảng Nam), tháng 10-1990

Bác được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1935, và từ đó suốt 60 năm, bác tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ xâm lược, không hề lùi bước trước bất cứ sự hy sinh gian khổ nào. Bác đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Bác đã có những chủ trương đấu tranh rất táo bạo, nhưng cũng rất sáng suốt, mà anh em từng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Bác kể lại như những huyền thoại… Tất cả những cống hiến quan trọng đó xuất phát từ lòng yêu nước thiết tha, luôn gắn bó sâu sắc với dân, coi trọng nguyện vọng và lợi ích của dân, từ đó mà dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong những tình huống quan trọng, quyết định.

 Tôi thuộc thế hệ đàn em, không được sống và làm việc với bác Võ Chí Công nhiều, nhưng với tất cả những điều được nghe, được biết về bác, tôi cảm thấy hết sức tự hào về con người đặc biệt ưu tú của đất Quảng, quê hương tôi.

Khi về Hội An, tôi được các đồng chí kể lại về cuộc cướp chính quyền ở Hội An năm 1945. Sau khi ra tù tháng 3-1945, bác Công tham gia chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Chủ trương ở nhiều nơi là phải giành chính quyền ở nông thôn trước, rồi tạo áp lực giành chính quyền ở đô thị. Nhưng khi phân tích cụ thể tình hình địch ở địa phương, bác Công quyết định phải cướp chính quyền ở thị xã Hội An trước. Thực tế cho thấy nhận định cũng như chủ trương của bác Công là đúng. Ngày 17-8-1945, nhân dân Hội An đã đứng lên giành chính quyền - trước hơn nhiều địa phương trong tỉnh.

Năm 1959-1960, trong lúc ở miền Nam, địch khủng bố khốc liệt, nhiều cơ sở của ta ở đồng bằng bị tan vỡ, bác Công cùng với một số lãnh đạo của Khu 5 đã sớm phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng làng chiến đấu ở vùng miền núi, đồng thời có phương thức đấu tranh thích hợp ở đồng bằng. Trên cơ sở đó, bác đã xin Trung ương được vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang, thực hiện chiến thuật "hai chân, ba mũi". Những suy nghĩ sáng tạo của bác xuất phát từ tình hình thực tế đó chắc chắn đã góp phần quan trọng để Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, chuyển hướng cuộc đấu tranh vừa kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đẩy địch vào thế ngày càng lúng túng, thất bại, ngược lại đã tạo thế cho quân dân ta giành thắng lợi từng bước, đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.

 Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, theo tôi được biết, cũng do đề xuất của Bác, quân dân ta đã chọn đánh chiếm sớm Đà Nẵng, một căn cứ chiến lược quân sự quan trọng của ngụy quyền Sài Gòn, tạo đà cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 Sau năm 1975, trong hoàn cảnh mới, trên cương vị khác nhau, người ta cũng ngạc nhiên thấy bác Công cũng phát hiện ra nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế và xã hội… Nhiều người vẫn nhớ đến vai trò của bác đối với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chủ trương "khoán 10" của Bộ Chính trị. Làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp một thời gian ngắn, qua khảo sát tình hình trì trệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt qua nghiên cứu ở Hải Phòng, bác phát hiện một số nơi thực hiện "khoán chui" đều đạt kết quả vượt trội so với những nơi khác. Đi sâu, bác thấy trong sản xuất nông nghiệp cần có quan hệ sản xuất phù hợp, tạo điều kiện cho người nông dân có động cơ, có điều kiện để phát huy sản xuất tốt hơn. Bác đã đề xuất với Trung ương ra Chỉ thị 100. Để làm cho lãnh đạo Đảng đồng tình, cũng phải trải qua đấu tranh và thuyết phục. Với tính tình luôn luôn điềm đạm, kiên trì, bác Công đã làm được điều đó.

 Thời gian bác Công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, với cương vị là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tôi được dự một số cuộc họp do bác chủ trì. Bác luôn khoan thai giải quyết mọi vấn đề sau khi lắng nghe ý kiến mọi người.

 Tôi được nghe nhiều đồng chí nói lại, bác thường nhắc nhở anh em "nên lắng nghe dân". Khi một chủ trương của Đảng mà cán bộ và nhân dân có nhiều ý kiến, thì cần xem lại chủ trương đã chính xác chưa, vấn đề nào sai với thực tiễn cuộc sống, sai với lợi ích của dân.

 Tôi nghĩ, bài học lớn nhất tôi rút ra từ những suy nghĩ và hành động đúng đắn, sâu sắc của bác Võ Chí Công chính là "lấy dân làm gốc".

 Nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của bác Võ Chí Công, tôi muốn được nói lên lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Bác đã làm rạng rỡ thêm truyền thống của đất Quảng Nam "trung dũng, kiên cường".

 

 NGUYỄN THỊ BÌNH

Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Bài trích trong cuốn Đồng chí Võ Chí Công -  người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2012)

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả