Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 - giá trị lịch sử

Ngày đăng: 14/04/2014 - 09:04

Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã được rất nhiều cuốn sách, nhiều hội thảo khoa học đề cập, nhưng đối với Viện Lịch sử Đảng thì đây là lần đầu tiên Viện tổ chức nghiên cứu chuyên đề về sự kiện phức tạp và có ý nghĩa to lớn này. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng có điều kiện nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học hơn về sự kiện lịch sử đã làm rung chuyển nước Mỹ cũng như có tính chất bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975. Việc tích cực tham gia nghiên cứu của các tác giả cho thấy vấn đề nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trên các khía cạnh và phương diện khác nhau. Các bài viết có nội dung phong phú, chất lượng đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lịch sử quan trọng liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên một số nội dung chủ yếu sau:

 

Một là: Khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn và quyết tâm to lớn của toàn Đảng, toàn quân, nhân dân miền Bắc và quần chúng cách mạng tại miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

mau than web

Nước Mỹ đã "khủng hoảng niềm tin" sau Chiến dịch Mậu Thân 1968

 

Trước những thất bại liên tiếp của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn và thắng lợi dồn dập của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, từ cuối năm 1966 đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, xem đó là sách lược hỗ trợ cho đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Trung ương Đảng nêu rõ: Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải có quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường.

 

Cuối năm 1967, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam - Bắc trong hai năm 1966 - 1967 là to lớn, toàn diện, làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch. Về phía ta, thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến bước ngoặt quan trọng theo phương hướng đánh lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng, đồng thời tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, khiến cho chúng không còn là lực lượng chiến lược trong tiến công và phòng ngự mà Mỹ dựa vào đó để tiến hành chiến tranh.

 

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Chủ trương này sau đó được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 1-1968) thông qua. Cả dân tộc bước vào trận đánh quyết định nhằm tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Từ quyết tâm đánh Mỹ, tìm ra cách đánh Mỹ phù hợp trong những ngày đầu khi quân chiến đấu Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam đến chủ trương mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa cuối năm 1967 đầu năm 1968 nhằm giành thắng lợi quyết định. Chủ trương của Đảng đã thể hiện quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc đụng đầu lịch sử.

 

Ngoài Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, vai trò của một số cấp ủy Đảng như Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V, Khu VI,… cũng được nhìn nhận và đánh giá cụ thể hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiều mặt công tác trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân.

 

Hai là: Khái quát diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân; vai trò của các lực lượng tham gia, vai trò của hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ.

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân diễn ra trên toàn miền Nam. Các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tiến công. Trong đợt 1, từ đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 đến ngày 25-2-1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có bốn bộ tư lệnh quân đoàn, tám bộ tư lệnh sư đoàn, hai bộ tư lệnh biệt khu, hai bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay. Trong đợt 2, từ ngày 5-5 đến ngày 12-5-1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố và thị xã, 58 thị trấn và quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch. Đợt 3 được tiến hành từ ngày 17-8 đến ngày 30-9-1968, quân và dân ta đã tiến công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố và thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ và chi khu quân sự, 47 sân bay, 3 tổng kho lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, các địa bàn tiến công trải rộng khắp miền Nam từ Trị Thiên Huế cho đến mảnh đất cực Nam Cà Mau. Nhưng điểm đặc biệt là lần đầu tiên quân ta tiến công vào hầu khắp các đô thị, nơi tập trung lực lượng quân sự, chính trị chủ yếu của địch. Đó là bất ngờ lớn và trên thực tế đợt tiến công đầu tiên vào những ngày đầu Xuân Mậu Thân đã gây thiệt hại lớn cho địch.

 

Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng với trên 270.000 quân. Các lực lượng vũ trang tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy rất đa dạng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, biệt động thành, an ninh miền Nam đến tự vệ du kích. Mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, trong đó phải kể đến chiến công của lực lượng mũi nhọn biệt động tại các đô thị nhất là Sài Gòn, đã gây bất ngờ và nhiều thiệt hại cho địch, tuy nhiên đây cũng là lực lượng phải chịu những tổn thất không nhỏ.

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, mặc dù mũi nổi dậy, cả về lực lượng và sức mạnh, không diễn ra đúng như dự tính, nhưng trong các đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hàng vạn quần chúng yêu nước, đủ các tầng lớp ở đô thị và ven đô đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm, góp phần vào thắng lợi chung.

 

Ba là: Phân tích ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta hiện nay.

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là đòn tiến công bất ngờ lớn đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mặc dù còn một số đánh giá chưa thống nhất, nhưng Tết Mậu Thân là chiến thắng lớn, mà lớn nhất là làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng được bằng quân sự ở Việt Nam cho dù đã đưa gần nửa triệu quân Mỹ vào tham chiến, tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tác động to lớn, trực tiếp của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân buộc Mỹ phải hạn chế ném bom, bắn phá miền Bắc, tiến đến chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, tham gia đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh điểm là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đã tác động mạnh mẽ đến chính giới Mỹ, làm cho nước Mỹ phân hóa hơn bao giờ hết, làn sóng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam dâng cao trong lòng nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Mặt trận quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam mở rộng và dâng cao hơn bao giờ hết. Rõ ràng là, nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh tháng 4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mậu Thân 1968 là đòn quyết định mở đầu quá trình Mỹ rút quân và quá trình Mỹ bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đi đến kết thúc chiến tranh.

 

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chủ trương lịch sử có ý nghĩa chiến lược của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 1967 đầu năm 1968, đã biến thành quyết tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng trên cả hai miền Nam - Bắc, thể hiện qua sự chuẩn bị chu đáo về chiến trường, về lực lượng, về hậu cần,... cũng như giữ được yếu tố bất ngờ (đợt 1).

 

Thắng lợi cũng như những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân để lại nhiều bài học lịch sử quý báu. Đó là bài học thấu triệt tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bài học về sự chủ động, sáng tạo, sắc bén trong lãnh đạo, chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy trên những địa bàn cụ thể; bài học về chọn thời cơ và thời điểm phát động Tổng tiến công và nổi dậy. Không chỉ có vậy, bài học từ những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy như bài học về đánh giá khả năng và sức mạnh của kẻ thù; về đề ra mục tiêu quá cao cho cuộc tiến công; về phương thức tiến công và sử dụng lực lượng, về buông lỏng địa bàn nông thôn; về giữ gìn lực lượng, hạn chế tổn thất;... đã giúp Đảng ta nhận thức sáng suốt hơn về thực tế chiến trường và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến trong giai đoạn sau Mậu Thân, nhất là từ giữa năm 1970 trở đi.

 

Không chỉ có ý nghĩa trực tiếp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thông điệp từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là nhất thiết phải xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự từ trong thời bình, như di huấn của cha ông, kết hợp kiến quốc với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phú binh cường. Kết hợp hài hoà xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự với xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là thế trận lòng dân, tiềm lực khoa học - công nghệ; nghiên cứu vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong chiến tranh giải phóng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên mọi địa bàn.

 

mau than 1968Nghiên cứu chuyên đề này góp phần khắc họa rõ nét thêm, làm sáng tỏ hơn một số vấn đề mới xung quanh sự kiện lịch sử to lớn diễn ra cách đây hơn 45 năm. Qua đó, một lần nữa, chúng ta thấy rõ tài thao lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã biết giành thắng lợi từng bước, quan trọng nhất là đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc kẻ thù phải tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để "đánh cho Mỹ cút", đưa cuộc kháng chiến chuyển sang mục tiêu "đánh cho ngụy nhào", giành thắng lợi hoàn toàn. Chúng ta cũng thấy được quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở hai miền Nam, Bắc đã dốc sức và lực lượng chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, sự hy sinh to lớn của hàng nghìn, hàng vạn đồng bào và chiến sĩ cả nước. Qua đó, chúng ta cùng thống nhất thêm nhận thức về thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đấu tranh chống những quan điểm thiếu cơ sở khoa học nhằm làm giảm ý nghĩa to lớn của chiến thắng này. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được bên cạnh những thành công là chủ yếu, còn một số sai lầm, khuyết điểm trong quá trình tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Những sai lầm, khuyết điểm đó đã từng bước được khắc phục và trở thành kinh nghiệm xương máu cho quá trình Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong giai đoạn cuối cùng, nhất là sau Hiệp định Paris.

 

Phân tích, đánh giá, ghi nhận thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đồng thời chúng ta tưởng nhớ đến đến công lao, đóng góp, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và quần chúng yêu nước đã chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất đất nước.

 

 

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà

Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trích trong cuốn "Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 - giá trị lịch sử",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 3-2014

 

Bình luận