Tôn Đức Thắng – người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 19/08/2012 - 14:08

TDuc-ThangHoạt động trên nhiều cương vị, đặc biệt là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, Tôn Đức Thắng đã góp phần to lớn mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bằng tấm lòng chân thành, thật sự vì nước vì dân, đặt trách nhiệm phụng sự Tổ quốc lên trên hết của mình, Tôn Đức Thắng đã gây được tình thân ái mật thiết giữa mọi người khiến cho tất cả anh em học tập, noi gương Bác mà biết giúp đỡ, yêu mến, quý trọng nhau, lo toan cho nhau.

Tôn Đức Thắng cũng nắm vững các quan điểm có tính nguyên tắc về đại đoàn kết dân tộc. Đặt mục tiêu “giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân, hoà bình cho thế giới”, Tôn Đức Thắng đã quy tụ được cả một “rừng cây đại đoàn kết”. Cống hiến lớn của Tôn Đức Thắng là đã làm rõ được “đại đoàn kết là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến”. Vì vậy, những mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp phải được điều giải hợp lý. Tôn Đức Thắng đã đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của đông đảo quần chúng cần lao vì họ là nền tảng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, là lực lượng chủ yếu của kháng chiến.

Đoàn kết theo hướng đích “ích nước, lợi dân”, vì thống nhất, độc lập, dân chủ, nhưng Tôn Đức Thắng không chủ trương kiểu “dĩ hoà vi quý”, mà phải “vừa đoàn kết vừa đấu tranh. Đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ Mặt trận dân tộc một cách có lợi, hợp lý, có chừng mực, để chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì lực lượng đoàn kết của nhân dân ta là vô địch và Mặt trận Dân tộc thống nhất đã nhiều lần thắng lợi. Mặt trận Việt Minh đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Mặt trận thống nhất Việt Minh – Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mọi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Như vậy công lao to lớn của Tôn Đức Thắng trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Điếu văn do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đọc trong lễ truy điệu đồng chí Chủ tịch Tôn Đức Thắng khẳng định: “Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh1.

Võ Chí Công, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hình ảnh tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt đời hoạt động của mình, Bác Tôn hết lòng chăm lo đoàn kết đồng chí, đoàn kết đồng bào, đoàn kết cả nước trong cuộc chiến đấu chung vì độc lập thống nhất của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”2.

Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Bác đã lãnh đạo Mặt trận giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó "Đánh thắng bọn đế quốc xâm lược và mọi thế lực phản động của thời đại" để hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh… Bác là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân”3.



1. Điếu văn do đồng chí Trường Chinh, đọc trong lễ truy điệu đồng chí Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong Tôn Đức Thắng -  Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Sđd, tr.16.

2. Võ Chí Công: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ quốc tế kiên cường”, trong Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Sđd, tr.35.

3. Vũ Oanh: “Vị Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam -  nhà cách mạng lão thành, kiên trung bất khuất, tấm gương trong sáng tiêu biểu của phong trào cộng sản yêu nước của Đảng và dân tộc ở thế kỷ XX, trong Tôn Đức ThắngNgười cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Sđd, tr.48.

Trích trong cuốn Tôn Đức  Thắng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả