Tác giả: Phạm Văn Chung
Số trang: 380 trang
Giá tiền: 61.000 đồng
Cùng với sự phát triển không ngừng của lịch sử xã hội, lịch sử loài người, đạo đức học cũng trải qua một quá trình lịch sử hình thành và phát triển hết sức phong phú. Qua từng thời kỳ lịch sử trong nền văn minh nhân loại với các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, những quan điểm, tư tưởng về đạo đức mang những nội dung khác nhau, đồng thời các khái niệm, phạm trù nội hàm của đạo đức học cũng được xác định với những chuẩn mực, tiêu chí riêng, được quy định bởi đặc điểm và trình độ chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội… của xã hội đó.
Những thay đổi sâu sắc, toàn diện mạnh mẽ và nhanh chóng của thế giới ngày nay đang làm bộc lộ ngày càng rõ không chỉ những giá trị đặc thù của mỗi dân tộc, khu vực, mà đặc biệt, cả những giá trị chung của con người. Trong điều kiện ấy đạo đức học cũng như nhiều môn khoa học xã hội – nhân văn khác đang đứng trước những yêu cầu phải đổi mới cả về nội dung và hình thức để có thể thâm nhập có hiệu quả nhất vào thực tiễn đời sống xã hội, góp phần đem lại hạnh phúc nhiều hơn, lớn hơn cho con người. Vấn đề đặt ra là cần biểu hiện thế nào cho thật đúng, nổi bật đời sống đạo đức hiện thực của con người. Nói cách khác là đòi hỏi phải sáng tạo ra những hình thức nhận thức, tinh thần phù hợp, tương thích với một đời sống đạo đức đang có những thay đổi sâu sắc, lớn lao như hiện nay.
Tìm ra những phương pháp cải tạo thế giới, xây dựng xã hội ngày càng phát triển, văn minh, tiến bộ, duy trì sự tồn tại của con người luôn là mục tiêu hướng tới của mọi xã hội, trong đó nhân tố quan trọng nhất và mang tính quyết định nhất vẫn là con người. Mà con người, để tồn tại với đúng nghĩa là “người”, thì không thể ở ngoài phạm trù đạo đức học.
Góp phần tìm hiểu thêm về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản Tập bài giảng Đạo đức học của Phạm Văn Chung. Nội dung tập bài giảng góp phần làm sáng tỏ và cụ thể hơn về lịch sử, lý luận và thực tiễn những vấn đề, nội dung đạo đức cơ bản, quan trọng vốn được nêu lên và giải đáp trong lịch sử và lý luận đạo đức như các vấn đề về bản chất, tính chất, nguồn gốc, cơ sở của đạo đức, của các phạm trù: thiện, ác, hạnh phúc, lương tâm, nghĩa vụ, lẽ sống. Căn cứ vào việc luận giải, chứng minh nội dung của các vấn đề, phạm trù đạo đức cơ bản, quan trọng này, tập bài giảng đã cơ cấu chúng thành những bài giảng độc lập. Tác giả của cuốn sách đã cố gắng xem xét mối liên hệ bên trong giữa các phạm trù, quan niệm đạo đức học theo một trình tự nhất định trong hệ thống của chúng và cuối mỗi bài thường có sự nhận định về vị trí và ý nghĩa của mỗi phạm trù, quan niệm này. Sau mỗi bài giảng đều có những câu hỏi để người học chuẩn bị thảo luận, ôn tập nhằm củng cố kiến thức, đồng thời gợi mở hướng tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng những tri thức đạo đức vào cuộc sống.
Tập bài giảng là tài liệu tham khảo cần thiết đối với sinh viên, học viên các trường đại học và cao đẳng. Với mong muốn hướng đến xây dựng giáo trình đạo đức học đáp ứng được yêu cầu hiện nay, tập bài giảng đã đưa ra một số tiếp cận mới về đạo đức học.
Cuốn sách gồm 8 bài:
Bài thứ nhất: Những hiểu biết chung về đạo đức học
Bài thứ hai: Về đạo đức nói chung
Bài thứ ba: Hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống
Bài thứ tư: Thiện và ác
Bài thứ năm: Nhân hay tình yêu thương
Bài thứ sáu: Lương tâm
Bài thứ bảy: Nghĩa vụ
Bài thứ tám: Lẽ sống.