Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong tình hình mới*
Hơn 90 năm Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là minh chứng thuyết phục cho nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”1 và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Người không chỉ vạch đường chỉ lối, tổ chức con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, mà còn là người thầy trực tiếp tuyển lựa, huấn luyện, đào tạo nên nhiều thế hệ cán bộ cách mạng xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong tình hình mới"
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định nhằm tăng cường trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; trên cơ sở đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành các quy định yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên Công an nhân dân phải nghiêm túc quán triệt và thực hiện những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương. Trong tình hình mới, cần xác định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trên một số mặt sau:
Thứ nhất, nêu gương là thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”2. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người thuyết phục Nhân dân và nhân loại không chỉ bằng mục tiêu chân chính, tốt đẹp của cách mạng Việt Nam, bằng trí tuệ xuất chúng của một nhà tổ chức tài ba, mà còn bằng tấm gương đạo đức cao cả. Được khích lệ bởi tấm gương đạo đức của Người, lớp lớp cán bộ, đảng viên của Đảng đã tự nguyện chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và góp phần làm nên “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: “Kháng chiến là một lò đúc cán bộ”; “Kháng chiến lại là một viên đá thử vàng đối với cán bộ”3, bởi theo Người, cách mạng “là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”4. Người chỉ rõ, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng không chỉ có lý luận tiên phong dẫn đường là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Đảng còn phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa. Đạo đức cách mạng là nền tảng, gốc rễ làm cho bản chất Đảng được giữ vững và phát huy, quyền lực không bị biến dạng và tha hóa, nhân cách đảng viên không bị suy thoái, hư hỏng; bảo đảm cho Đảng làm tròn sứ mệnh của đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Người nêu ra một mệnh đề quan trọng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”5. Đạo đức giúp người cán bộ, đảng viên luôn tiền phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”6. Người chỉ rõ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó, để tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân, vận động quần chúng, được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng thì người cán bộ, đảng viên của Đảng phải nêu gương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều loại bệnh đã phát sinh trong cán bộ, đảng viên. Đó là những bệnh trái ngược với đạo đức cách mạng, như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, hữu danh vô thực, quan liêu, bàn giấy, xa dân, ham danh vị, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa,... Người cho rằng, nguồn gốc chung của tất cả những thứ bệnh đó là do “chủ nghĩa cá nhân” mà ra: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”7. “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”8.
Người căn dặn: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”9. Để làm được điều đó, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, để rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thấm nhuần đạo đức cách mạng, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, để Đảng luôn “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”10.
Thứ hai, nêu gương là một nội dung trọng tâm xuyên suốt và là một phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đảng ta là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đó là tất yếu khách quan của lịch sử, là sứ mệnh nặng nề nhưng vinh quang của Đảng, được Nhân dân giao phó. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ to lớn trước dân tộc, Đảng phải là đội tiên phong lãnh đạo, vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng cũng phải là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu. Đảng không những phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, mà còn phải có phương thức lãnh đạo khoa học, hoạch định được đường lối, chủ trương đúng đắn và có năng lực tổ chức đưa những đường lối, chủ trương đó vào cuộc sống, biến thành hành động sáng tạo của hàng chục triệu con người, tạo được những chuyển biến xã hội tích cực vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ cách thức Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trong đó đặc biệt đề cao nhiệm vụ phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên và coi đó là một phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Nếu Đảng phát huy tốt trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thì hiệu quả đạt được sẽ vô cùng to lớn bởi nó có sức lan tỏa sâu rộng, có khả năng hiệu triệu đông đảo Nhân dân tin Đảng, yêu Đảng và theo Đảng. Ngược lại, nếu người cán bộ, đảng viên của Đảng không cố gắng tu dưỡng rèn luyện, không giữ được mình “làm mực thước” thì hậu quả cũng vô cùng nguy hại, sẽ làm hạ thấp uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã thu hút, tập hợp, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Thành tựu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, đổi mới đất nước đã khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế..., một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994), Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này, coi đó là một trong “bốn nguy cơ” cần phải quan tâm đấu tranh phòng, chống, và sau đó Đảng thường xuyên đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này tại các kỳ Đại hội và nhiều hội nghị Trung ương tiếp theo. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước… sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”11.
Thực trạng này gây hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, gây bất bình trong xã hội và làm tổn thương đến uy tín, thanh danh của Đảng, nếu không được ngăn chặn và đẩy lùi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Vì vậy, Đảng ta xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Tâm trạng xã hội và ý nguyện của Nhân dân lúc này là thiết tha mong muốn, đồng thời nghiêm khắc đòi hỏi Đảng phải trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là tấm gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, trước yêu cầu của tình hình mới, cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, đảng viên Công an nhân dân phải coi thực hành nêu gương là trách nhiệm, là đạo lý, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn xác định, nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lý, tức là nêu gương phải mang tính tự giác, tự nguyện, trở thành một nhu cầu văn hóa trong lẽ sống và nếp sống hằng ngày. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình nêu gương, tự mình làm gương cho người khác noi theo, làm theo. Nêu gương là cách thức mà mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thể hiện trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên”12. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải coi trọng trách nhiệm nêu gương; nêu gương một cách thiết thực, chân thành.
Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định yêu cầu cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là sự tự nguyện, tự giác, mà còn mang tính kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Bối cảnh tình hình mới hiện nay đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn đối với mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, đảng viên lực lượng Công an nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra phức tạp và gay gắt hơn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia - dân tộc. Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, tình hình tranh chấp trên Biển Đông… đang tạo ra những diễn biến phức tạp, khó lường trong khu vực và trên thế giới. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, “bốn nguy cơ” mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng chống phá cách mạng Việt Nam. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững nhưng vẫn còn những nhân tố tiềm ẩn đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự sẽ còn diễn biến phức tạp, tội phạm luôn tìm mọi cách để tác động, lôi kéo, mua chuộc, gài bẫy hòng khống chế, lung lạc ý chí, làm tha hóa phẩm chất, phai nhạt lý tưởng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải nâng cao quyết tâm chính trị, dự báo chính xác tình hình, chủ động thích ứng với mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu của tình hình mới, trên cơ sở Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Quy định số 136-QĐ/ĐUCA, ngày 06/8/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trên cơ sở đó, ngày 28/01/2019, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương, trong đó đặt ra những nguyên tắc cơ bản, như: phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách đảng viên, tư cách người Công an cách mạng, nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm... Những nội dung này tựu trung lại yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân phải gương mẫu, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; phải là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; mẫu mực về đạo đức, lối sống; không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước, Nhân dân, cho danh dự và truyền thống của Công an nhân dân.
Cùng với sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, cán bộ, đảng viên Công an nhân dân đã có những đóng góp quan trọng vào truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Ra đời trong khí thế và thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng cách mạng và Nhân dân cả nước kiên cường, mưu trí, dũng cảm đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Trong tình hình mới, tăng cường nhận thức và hành động thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên Công an nhân dân nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa cấp thiết vừa lâu dài, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phải không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có vai trò lãnh đạo của Đảng trong Công an nhân dân; thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng và của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”13.
Từ đó, chúng ta mong muốn và tin tưởng: cán bộ, đảng viên Công an nhân dân tiếp tục thực hành 6 điều Bác Hồ dạy về “tư cách người công an cách mệnh”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường trách nhiệm nêu gương, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện.
* Bài phát biểu Đề dẫn Hội thảo khoa học "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong tình hình mới", do Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức ngày 29/6/2020 tại Hà Nội.
1, 2, 6, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 403; t. 1, tr. 284; t. 14, tr. 205; t. 13, tr. 272.
3, 5, 7, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 166, 292, 295, 289.
4, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 601, 602.
10, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622, 672.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 23.
Phạm Chí Thành
Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực