Với quan điểm về thực tiễn xã hội và giáo dục của chủ nghĩa Mác-Lênin, các tác giả cuốn sách là Lương Vị Hùng và Khổng Khang Hoa sẽ giúp độc giả hiểu và nhận thức sâu hơn bản chất của giáo dục - đó là sự thống nhất biện chứng giữa con người và xã hội, là hoạt động thực tiễn xã hội cơ bản của sản xuất và tái sản xuất tự thân của nhân loại - thông qua công cuộc cải cách và phát triển giáo dục của Trung Quốc.
Các tác giả đã cố gắng đi sâu vào những vấn đề mang tính triết lý giáo dục hiện đại mà nó có thể chi phối, chỉ đạo các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các cấp của nền giáo dục: tiểu học, trung học, đại học, trên đại học. Phương châm giáo dục của Trung Quốc là phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, phục vụ đường lối cơ bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lấy kinh tế làm trọng tâm. Do vậy, sự nghiệp giáo dục phải thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế quốc dân và xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, ra sức hình thành cơ chế kết hợp có hiệu quả giữa giáo dục và kinh tế.
Trong cuốn sách này, các tác giả cùng với độc giả bàn về: bản chất giáo dục, chức năng giáo dục, mục đích giáo dục, yếu tố giáo dục, cơ cấu giáo dục, cơ chế giáo dục, phương pháp giáo dục nhằm đào tạo lớp người mới có thế giới quan và nhân sinh quan tiến bộ, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết tự mình chiếm lĩnh kiến thức, khám phá chân lý, lẽ phải, từ đó làm chủ cuộc sống của mình và của đất nước.
Sách gồm 561 trang, giá 63.000đ.
GIAO LINH