Triệu triệu tấm lòng tri ân

Ngày đăng: 24/07/2013 - 14:07

Có không ít nhà báo, nhà sử học ở nhiều nước trên thế giới từng đến Việt Nam nghiên cứu cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, đã đúc kết một nhận xét chí lý: “Trên đất nước này, ra ngõ là gặp anh hùng!”                                                          

Trieu tam long tri an

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước, đã trở thành nét đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam ta. Trong hàng chục năm qua, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể… bằng tấm lòng tri ân đã góp tiền, góp sức xây hàng ngàn “ngôi nhà tình nghĩa” dành tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng hàng chục vạn “sổ tiết kiệm tình nghĩa” cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Thanh niên, thiếu niên ở nhiều làng, xã trong cả nước sáng tạo phong trào giúp đỡ các Mẹ và những thương binh nặng để “đường vào phong quang”, “vườn nhà tươi tốt”, “bể nước luôn đầy”... Phong trào “Phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng” được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương hưởng ứng. Vào các dịp lễ, tết, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… náo nức trồng thêm cây xanh ở các nghĩa trang liệt sĩ. Từ sau năm 1975 đến nay, không ít cá  nhân, tổ chức đoàn thể đã bền bỉ trèo đèo, lội suối, tỏa đi các chiến trường xưa tìm hài cốt các liệt sĩ để quy tập về nghĩa trang quê nhà. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” (27-7), ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (30-4) hằng năm, dòng người gồm đủ mọi lứa tuổi từ vùng ngược đến vùng xuôi, từ miền Nam ra miền Bắc, nối nhau vào các nghĩa trang ở Trường Sơn, Đường 9… với tâm niệm sâu sắc rằng, được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay là từ sự hy sinh xương máu của hàng triệu liệt sĩ đang an nghỉ ở rất nhiều nghĩa trang trên mọi miền đất nước.

Ở  các nơi khói hương trầm mặc ấy, không chỉ trong ngày lễ, mà dường như quanh năm, chúng ta xúc động chứng kiến nhiều lứa đôi trong ngày thành hôn đã tới đây dâng hương, dâng hoa, tỏ lòng thành kính tri ân, cầu nguyện cho vong linh các liệt sĩ thanh thản nơi chín suối và xin chứng giám giờ phút kết tóc se duyên của mình, thầm hứa với nhau sống thủy chung trọn vẹn. Tháng 6 vừa qua, 64 thí sinh đại diện 35 dân tộc trong cả nước dự cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ ba” đã viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thật là ngẫu nhiên, nhưng thật vô cùng ý nghĩa khi cuộc thi này diễn ra ở tỉnh Quảng Nam, vùng đất cực kỳ gian nan và ác liệt trong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - nơi đã sinh ra hàng ngàn anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng ta tự hào về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - người con của huyện Điện Bàn không sợ hiểm nguy đã thực hiện nhiệm vụ ám sát tên tướng Mỹ xâm lược ở Sài Gòn, nhưng không thành. Trước khi bị xử bắn, anh Trỗi vẫn hiên ngang “gọi tên Bác ba lần”! Chúng ta xúc động và trân trọng biết ơn Mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ có chín con cùng một người con rể và một người cháu ngoại là liệt sĩ; trong đó có người con gái của Mẹ cũng được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng! Chưa có ở đâu trên đất nước này, bằng sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự hảo tâm của các tầng lớp nhân dân, giá trị số quà tặng các đối tượng chính sách ở tỉnh Quảng Nam này mỗi dịp Tết đến, xuân về lên tới gần 5 tỷ đồng!

Có không ít nhà báo, nhà sử học ở nhiều nước trên thế giới từng đến Việt Nam nghiên cứu cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, đã đúc kết một nhận xét chí lý: “Trên đất nước này, ra ngõ là gặp anh hùng!”. Nhân ngày thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước, xin phép ghi lại câu thơ trong đoạn kết bài “Ngã ba đất nước” khi tôi viếng thăm ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong lúc lấp hố bom để những đoàn xe ra tiền tuyến:

 “Các em nhân mầm sự sống

Triệu triệu tấm lòng tri ân!”.

 Hồng Vinh

Theo Tạp chí tuyên giáo điện tử

Bình luận