Kinh Viên Giác, kinh Hoa Nghiêm và kinh Lăng Nghiêm là những bộ kinh đồ sộ trong kho tàng kinh điển của Phật giáo thuộc phái Đại thừa. Ba bộ kinh này được đánh giá là những kinh điển quan trọng nhất của Phật giáo, ở đó Đức Phật muốn khai thị về tự tính viên giác, về bản thể chân như hay chân tâm thường trụ của mỗi người. Mỗi người đều có sẵn trong mình giác tâm hay Phật tính như một bản thể không đổi mà do mê lầm, bị vô minh che lấp nên tâm vọng tưởng mới sinh ra bao đau khổ, phiền não. Những quan niệm về bản thể luận của Phật giáo được thể hiện trong kinh Viên Giác, kinh Hoa Nghiêm và kinh Lăng Nghiêm như một sự giảng giải thuyết phục về bản nguyên đầu tiên, bản chất của vạn vật mà ở đó thế giới được nhận thấy trong tính thống nhất của tận cùng xuất phát điểm, đồng thời chỉ ra con đường và cách thức trở về bản thể, đó chính là hành trình đi từ chính mình để tìm ra chính mình và trở về với chính mình.
Trên cơ sở so sánh với các quan niệm về bản thể của các trường phái triết học trong lịch sử, cuốn sách Trở về nguồn sáng của Hòa thượng Thích Quảng Tùng đi sâu bàn luận các vấn đề bản thể luận Phật giáo, chuyển tải một cách linh hoạt, mềm dẻo triết lý thâm sâu của Phật giáo, những ứng dụng của bản thể luận Phật giáo vào đời sống hằng ngày. Với hành văn giản dị, cuốn sách hướng tới khai thị về tự tính viên giác, chân như, chân tâm thường trụ, khai thị con đường và cách thức trở về bản thể - cuộc hành trình đi từ chính mình; đồng thời, tác giả chỉ ra những giá trị, những hạn chế về quan niệm bản thể trong ba bộ kinh; góp phần vào kho tàng nghiên cứu Phật giáo và định hướng nhận thức trong lộ trình tu tập.