Trông đợi hiệu quả hành động nhanh

Ngày đăng: 26/11/2018 - 10:11

Kết thúc sớm hơn kế hoạch 1,5 ngày, với 22,5 ngày làm việc chính thức, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự với nhiều nội dung quan trọng. Điều mà cử tri và nhân dân cả nước trông đợi là hiệu quả hành động của toàn hệ thống chính trị để nhanh chóng bắt kịp rồi vượt lên trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 - từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên nghị trường kỳ này.

Một kỳ họp đạt nhiều kết quả quan trọng

Đó là đánh giá không chỉ của các đại biểu Quốc hội, mà nhiều chuyên gia, cử tri cũng cùng chung nhận định. Dồn nén biết bao công việc cho một kỳ họp cuối năm, đồng thời là kỳ họp giữa nhiệm kỳ 2016-2021, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn bế mạc kỳ họp.

Như một dấu mốc lịch sử, với sự tín nhiệm thống nhất rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 9 luật, một nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Một dấu ấn nữa tại kỳ họp lần này là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được cập nhật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri giám sát. Kết quả này cũng sẽ là động lực và bài học kinh nghiệm cho các lãnh đạo chủ chốt, các bộ trưởng, trưởng ngành nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Qua đó cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao…

Một trong những điểm nổi bật của kỳ họp là sức “nóng” tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Với những cải tiến trong cơ chế hỏi - đáp, tranh luận đã cho thấy rõ hiệu quả của thiết chế giám sát này. Sau ba ngày chất vấn, đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 85 lượt đại biểu tranh luận, hầu hết các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành.

Cần “nóng” từ Quốc hội đến các cấp

Những bàn thảo, quyết sách của kỳ họp sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa khi được triển khai, thực thi hiệu quả trong cuộc sống. Cụ thể hơn, trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, cả đối nội và đối ngoại, muốn tạo nên những bứt phá thành công, trước hết phải dựa trên nền tảng giữ vững kỷ cương phép nước. Vấn đề đặt ra là, sau mỗi kỳ họp Quốc hội, những luật định sẽ đi vào cuộc sống ra sao; những nghị quyết sẽ được các bộ, ngành, chính quyền các cấp, những người giữ trọng trách thực thi thế nào?

Quốc hội biểu quyết Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát...”. “Nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội”, ở trách nhiệm, quyền hạn, vai trò của mỗi đại biểu Quốc hội còn là việc giám sát nghiêm túc, sát sao việc triển khai, xử lý công việc của các cấp chính quyền. Sức nóng trên nghị trường Quốc hội cần được lan tỏa nhanh chóng xuống mỗi địa phương, đến từng cán bộ đang thực thi nhiệm vụ mới mong đạt hiệu quả thực chất.

Không ít chuyên gia đã có chung nhận định, đánh giá cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội thời gian gần đây. Song cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí lo ngại khi những chuyển động tích cực ở Quốc hội dường như lan tỏa rất chậm đến các địa phương.

Có thể nói, địa phương như cái “túi việc”. Nếu những việc ở địa phương không được giải quyết nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả thì còn tiếp tục tái diễn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, đơn thư của người dân vẫn cứ mãi vòng quanh, trách nhiệm bị đùn đẩy, gây mất thời gian và nguồn lực của toàn xã hội, làm chậm sự phát triển của cả đất nước. “Cách mạng công nghiệp 4.0” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất tại kỳ họp Quốc hội lần này và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đời sống, với hàm ý chỉ tốc độ, sự nắm bắt kịp thời cơ hội và nhanh nhạy nhận biết thách thức để có giải pháp hiệu quả, tạo sự bứt phá. Chúng ta sẽ tiếp tục đi sau các nước phát triển, các nền kinh tế lớn nếu vẫn cứ ì ạch bởi mạng lưới thủ tục hành chính chồng chéo, bởi nạn tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” tuy đã được kiềm chế nhưng chưa đạt như mong muốn, bởi ý thức trách nhiệm kém và sự thiếu tu dưỡng, rèn đức luyện tài của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức…

Tất cả những hạn chế ấy đang ràng buộc tiềm lực, sức sáng tạo của mỗi người, khiến chúng ta chưa thể phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên hoàn để cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung: đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới. Đó là điều mà cử tri cả nước mong muốn, sau kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ bắt tay ngay vào hành động, để đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm vì mục tiêu chung, vì sự phát triển của dân tộc.

Theo Báo Nhân dân điện tử

Bình luận