Xuất bản lần đầu vào năm 1997, cuốn sách Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ của PGS.TS. Doãn Chính đã được độc giả đón nhận, đánh giá cao và được xem là một trong những tài liệu tham khảo cần thiết về Ấn Độ và triết học Ấn Độ. Lần tái bản này, cuốn sách đã được sửa chữa, bổ sung nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu bạn đọc. Có thể nói, đây là một đề tài rất hấp dẫn, bởi tư tưởng giải thoát đã trở thành vấn đề trung tâm trong triết lý đạo đức nhân sinh của triết học và tôn giáo Ấn Độ - một trong những chiếc nôi triết học lâu đời, phong phú và tương đối đặc biệt của nhân loại.
Được biểu hiện dưới nhiều hình thức ở khắp nơi trên thế giới, nhưng Ấn Độ chính là cội nguồn và đỉnh cao của tư tưởng giải thoát. Đối với các trường phái triết học và tôn giáo Ấn Độ, mục đích tối cao của đời sống con người là phải vượt qua sự mê ngộ, vô minh, nhận ra bản tính của mình và thực tướng của vạn vật, hoà nhập được vào với bản thể vũ trụ tuyệt đối, chân thực, bằng nhận thức trực giác, "thực nghiệm tâm linh" hay là sự chiêm nghiệm, vén mở chính thế giới nội tâm con người. Đó chính là sự giải thoát.
Tuy cùng một mục đích chung là đi tìm lẽ sống, đạo sống của con người, nhưng các trường phái triết học Ấn Độ cổ đại lại phát triển theo nhiều khuynh hướng mang tính chất khác nhau, khác trong quan niệm về thế giới cũng như quan niệm về nhân sinh, dẫn đến sự khác nhau trong việc đi tìm con đường giải thoát.
Tư tưởng giải thoát trong kinh Véda chủ yếu nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là những mối đe doạ đến sự sinh tồn, sống chết của con người bởi những lực lượng thiên nhiên mạnh mẽ, huyền bí với một bên là ý chí, ước vọng vươn lên để khẳng định sự tồn tại của bản thân con người, cầu mong một cuộc sống an lành. Vì vậy cách giải thoát của kinh Véda thiên về con đường thờ phụng, cầu xin sự trợ giúp của các đấng thần linh.
So với kinh Véda, kinh Upanishad đã thể hiện một bước biến đổi về chất trong nội dung, con đường và phương pháp. Sự giải thoát trong triết lý Upanishad được thực hiện bằng chính sức mạnh trí tuệ, lý trí và sự tu luyện đạo đức của con người.
Sau thời kỳ Véda là thời kỳ cổ điển. Trong thời kỳ này, hệ thống triết học chính thống có sáu trường phái chính, mỗi trường phái lại có những quan điểm và phương pháp giải thoát khác nhau. Có trường phái chủ trương giải thoát bằng nghi thức tế tự, có trường phái chú trọng cách giải thoát bằng con đường tu luyện trí tuệ, lại có trường phái đề cao sự rèn luyện thể xác, tinh thần đạo đức nhằm diệt mọi dục vọng và vô minh…
Với những ảnh hưởng sâu rộng mà triết học và văn hoá Ấn Độ lan toả hàng ngàn năm qua ở Đông Nam Á, việc suy ngẫm, nghiên cứu về nền triết học thâm trầm nhưng sống động, cổ xưa mà vẫn luôn tươi trẻ ấy là một việc rất cần thiết. Độc giả có thể tìm mua sách tại Nhà sách 24 Quang Trung, Hà Nội và các hiệu sách với giá 21.000đ./.
VIỆT PHONG