Tuổi trẻ của anh Phan Đình Khải trong phong trào cách mạng tại quê hương Nam Định

Ngày đăng: 14/10/2011 - 14:10

Trần Minh Ngọc*

Tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc thuộc quê hương Nam Định, vốn có truyền thống yêu nước, hiếu học với nhiều danh nhân văn võ của cả nước, Phan Đình Khải được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo, nền nếp, hội tụ được tư chất thông minh, hiếu học và giàu lòng nhân ái. Ngay từ ngày còn thơ ấu ở quê nhà, Phan Đình Khải đã được tận mắt chứng kiến cảnh những tá điền lao động quần quật, đầu tắt mặt tối quanh năm mà cuộc sống vẫn chìm trong cơ cực đói rách.

LDT-6

Phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ làm việc với cơ sở Cầu Yên (Ninh Bình)

trên đường từ chiến khu Việt Bắc vào Nam Bộ (năm 1948)

(đồng chí Lê Đức Thọ - người ngồi đầu tiên từ phải sang)

Năm 1925, giã biệt quê hương Địch Lễ lên Thành Nam, thành phố dệt để học tại Trường tiểu học Cửa Bắc (tức Juile Ferry), được chứng kiến cảnh sống xa hoa của bọn thực dân, quan lại cùng kiếp sống lam lũ, đói nghèo của những công nhân, dân nghèo thành thị, càng khiến cho Phan Đình Khải hết sức xót xa.

1. Lúc Phan Đình Khải lên thành phố Nam Định đi học cũng là lúc phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh của nhân dân và học sinh Thành Nam diễn ra sôi động. Anh hòa mình vào phong trào học sinh yêu nước, biểu tình, bãi khóa với tư tưởng chỉ học thôi mà cứ để cho đất nước đắm chìm trong nô lệ thì làm sao xứng đáng với truyền thống quê hương, đất nước.

Từ cuối năm 1926, nhiều học sinh tham gia phong trào bãi khóa bị chính quyền thực dân phong kiến đuổi học đã tìm đường sang Trung Quốc học tập tại các lớp học của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Được kết nạp vào tổ chức này, các thanh niên đem chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thể hiện trong cuốn Đường Cách mệnh) về tuyên truyền vận động quần chúng tiến hành cách mạng theo lập trường vô sản. Một nguồn sinh lực mới bổ sung cho tinh thần yêu nước của Phan Đình Khải khiến bầu máu nóng của anh thêm sôi sục. Năm 1928, anh tích cực hoạt động trong Học sinh hội dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh nhà. Lý tưởng cộng sản được xác định; tháng 10-1929, người thanh niên ưu tú Phan Đình Khải được thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, giáo viên Trường Tân Tiến giới thiệu và kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, tại chi bộ trường Cửa Bắc.

Để làm nhiệm vụ mới phụ trách công tác thanh niên học sinh, Phan Đình Khải xin chuyển sang học ở Trường tư thục Avơnia (Avenir). Những năm 1929 - 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định, phong trào công hội, nông hội, tổ chức học sinh đoàn phát triển mạnh. Đồng chí Phan Đình Khải đã tuyên truyền giác ngộ và tổ chức được nhóm "học sinh Đoàn" gồm các anh Phan Văn Tùng, Dương Khắc Niệm, Trần Đức Quý và nhiều người khác. Cùng thời gian trên tại Trường Avơnia, đồng chí đã tổ chức được một chi bộ lúc đầu có bốn học sinh do đồng chí làm bí thư.

Không chỉ tuyên truyền, giác ngộ thanh niên học sinh ở thành phố, mỗi dịp về nghỉ hè ở quê nhà, Phan Đình Khải đều chú ý tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho lớp thanh niên trẻ, cho những người ruột thịt trong gia đình mình như Phan Đình Dinh (tức Đinh Đức Thiện), Phan Đình Tạc, Phan Đình Thiều và Ngô Văn Ngoạn - những người đã tổ chức và thành lập chi bộ Đảng ở Địch Lễ ngay từ năm 1930.

Nhiệt huyết cách mạng sục sôi đã đem đến cho thời học sinh của Phan Đình Khải những tháng ngày đầy ý nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Nam Định chủ trương mở đợt hoạt động mạnh tại thành phố để khuếch trương thanh thế của Đảng trong quần chúng. Các chi bộ nhà máy, trường học, đường phố cùng đồng loạt hành động. Tối ngày 6 và 7, đồng chí Phan Đình Khải cùng các đảng viên trong chi bộ học sinh đem truyền đơn đi rải và treo cờ Đảng ở nhiều đường phố và cũng tối hôm đó, gần như cùng một lúc, các đảng viên và quần chúng cách mạng đã gây sáu tiếng nổ lớn. Năm giờ sáng 7-11, giữa lúc công nhân Nhà máy dệt sợi đang đổi ca thì hai quả pháo bồ và một tràng pháo nổ vang, công nhân hò reo náo nhiệt. Sự kiện này làm náo động Thành Nam, bọn địch hoảng hốt đưa lính đi lùng sục ráo riết khắp nơi, bắt 54 đảng viên và quần chúng cách mạng, trong đó có đồng chí Phan Đình Khải. Khám nơi ở tại nhà chú ruột Phan Đình Ngô ở phố Hàng Cau, mật thám thu được nhiều sách báo cách mạng như Tia đỏ, Tin tức, Tranh đấu, Người Lao khổ, Cộng sản huấn luyện.

Chúng giải đồng chí về giam tại Sở Mật thám, ở đó Chánh Thanh tra Đơloóc đã dùng mọi cực hình để tra tấn Phan Đình Khải, nhưng đồng chí đã bất chấp mọi cực hình, quyết không khai báo bất cứ một người nào, một cơ sở nào của Đảng cũng như những nhiệm vụ mà Đảng giao cho mình. Thấy không khai thác được gì, một tên lấy cung nói: "Một đồng đội của ông đã khai hết những hoạt động của ông rồi. Ông đừng quanh co". Đồng chí Phan Đình Khải kiên quyết trả lời: "Nếu có ai đó nói khác với những điều tôi nói thì đó là một sự vu cáo".

Sau khi hỏi cung và tra tấn hơn một tháng, chúng đưa đồng chí giam riêng ở xà lim, cùm hai chân suốt ba, bốn tháng ròng. Ngày 27-1-1931, chúng đưa đồng chí ra xử ở Tòa án Nam Định. Mặc dù đồng chí không nhận những hoạt động trong Đảng Cộng sản nhưng với những tang vật và những điều chúng nắm được, đồng chí Phan Đình Khải bị kết án tù khổ sai chung thân. Khi đồng chí ký đơn chống án, chúng giải đồng chí lên Hà Nội xét tại Tòa Thượng thẩm; án được giảm xuống 10 năm khổ sai. Đây là mức án cao nhất của vụ án này. Giữa năm 1931, đồng chí bị đày ra Nhà tù Côn Đảo. Năm ấy đồng chí tròn 20 tuổi... Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và được sự ủng hộ tích cực của phong trào Bình dân Pháp, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho một số lớn tù chính trị, trong đó có đồng chí Phan Đình Khải.

2. Trở về Nam Định, đồng chí Phan Đình Khải sớm bắt liên lạc với các đảng viên cũ tiếp tục hoạt động; đồng thời tìm cách an ủi người mẹ thân yêu là cụ Đinh Thị Hoàng đã ngày đêm cầu trời khấn Phật, thường xuyên lên chùa để cầu xin cho con mình được thoát khỏi nhà tù. Lúc đó cụ Đinh Thị Hoàng là bà quả phụ của cụ Phan Đình Quế, một mình nuôi dạy tám người con. Đồng chí Phan Đình Khải đã dùng lý lẽ, tình cảm và thực tế cảnh áp bức nô lệ của thực dân để giác ngộ mẹ và từ đó, cụ đã động viên con cháu hoạt động cách mạng và trở thành bà mẹ cơ sở, có công nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ của Đảng, trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Bùi Lâm... Thật là vinh dự cho quê hương Địch Lễ, Mỹ Lộc, Nam Định đã có một gia đình hầu hết là cán bộ thoát ly, trong đó có ba đồng chí trải qua quá trình hy sinh phấn đấu lâu dài, trong nhà tù và trên các chiến trường ác liệt nhất, đã được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà có hai người là Uỷ viên Bộ Chính trị. Riêng cụ Đinh Thị Hoàng đã được Đảng, Nhà nước tặng Bằng "Có công với nước".

Sau khi bắt được liên lạc với các đồng chí hoạt động công khai của Nam Định (đồng chí Mẫn Cò, đồng chí Phúc, đồng chí Trí...), đồng chí bắt được liên lạc với đồng chí Hoạt (tức Bảo, sau này là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn), lúc đó là Xứ uỷ viên phụ trách Nam Định; đồng chí được giao phụ trách công tác báo chí công khai của tỉnh Nam Định và tham gia xây dựng cơ sở bí mật của Đảng ở địa phương. Một đại lý phát hành sách báo cánh tả mang tên "Phan Khải", sau đổi tên "Tin tức" được thành lập nhằm công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giới thiệu đường lối, chủ trương của Đảng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh kết hợp hoạt động công khai và bí mật. Đồng chí Phan Đình Khải đã vừa giác ngộ công nhân, học sinh, vừa tổ chức xây dựng cơ sở bí mật. Chính trong thời gian này, đồng chí thường xuyên lui tới gia đình đồng chí Lê Văn Lương (đang mang án tử hình, giam ở Côn Đảo) và đặc biệt liên hệ với nhà văn Nguyễn Công Hoan, khích lệ, giúp đỡ tư liệu cho nhà văn này xây dựng hoàn thành tác phẩm Bước đường cùng.

Là một cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai thời kỳ 1936 - 1939, đồng chí cùng các đảng viên đã khéo léo hướng phong trào đấu tranh của nhân dân Thành Nam theo hướng dân sinh, dân chủ, buộc Công sứ Alơmăng phải tỏ ra "biết điều" chịu nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ mà quan trọng nhất là phải thực hiện cải cách "thuế đinh". Cho là Alơmăng bất lực, thực dân Pháp tìm cách điều đi nơi khác và đưa Lốt De về thay. Nhân dịp này, Tỉnh uỷ Nam Định đã chỉ đạo các đảng viên hoạt động công khai, lấy tư cách là Mặt trận dân chủ tổ chức một cuộc biểu tình với danh nghĩa "đưa tiễn" Công sứ Alơmăng, cuộc biểu tình được tổ chức ngay tại sân ga Nam Định có hàng nghìn quần chúng mọi tầng lớp tham dự... Đồng chí Phan Đình Khải thay mặt quần chúng nói lời "tiễn biệt", đồng thời nêu những yêu cầu bức thiết của nhân dân Nam Định đối với nhà cầm quyền địa phương. Đây là cuộc biểu tình hợp pháp lớn nhất thời kỳ 1936 - 1939. Bọn mật thám rất tức tối nhưng không làm gì được.

Từ khi về Nam Định (tháng 3-1938), Lốt De tìm mọi cách ngăn chặn và khủng bố phong trào cách mạng. Cùng với hàng loạt chính sách phản động, chúng ra lệnh đình bản báo Tin tức - tờ báo công khai của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng phản đối lệnh đó, ngày 18-10-1938, đồng chí Phan Đình Khải và Bùi Xuân Mẫn với danh nghĩa là đại diện nhân dân lao động Nam Định đã gửi cho Toàn quyền và Thống sứ bản yêu cầu đòi bãi bỏ lệnh đình bản báo Tin tức và đòi công bố các quyền tự do dân chủ ở Đông Dương. Lúc này nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng tới gần. Tình hình thế giới, trong nước và ở Nam Định rất căng thẳng. Bọn phản động thuộc địa đã thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ và ngày càng bóp nghẹt phong trào cách mạng. Địch biết rõ đồng chí Phan Đình Khải là người phụ trách phong trào công khai ở Nam Định, nên đã theo dõi ráo riết đại lý sách báo "Phan Khải", là trụ sở báo chí công khai của Đảng ở nhà số 2 phố Nhà Thờ, thành phố Nam Định. Ngày 9-9-1939, khi đồng chí Phan Đình Khải vừa bước vào trụ sở báo thì bất ngờ bị bắt. Địch nhốt ngay vào xà lim ở Nhà tù Nam Định. Đồng chí bị địch tra tấn dã man, hòng tìm ra những cơ sở cách mạng của Đảng, nhưng chúng không khai thác được gì trước khí phách bất khuất của đồng chí Phan Đình Khải. Đồng chí bị kết án 5 năm tù, và bị giải lên giam ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Đến cuối năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp đày đi Nhà tù Sơn La.

Một quãng đời tuổi trẻ gắn bó sinh tử với phong trào cách mạng Thành Nam, đồng chí Phan Đình Khải đã anh dũng, bất khuất, đem hết nhiệt tình, trí lực phấn đấu cho lý tưởng cộng sản và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Chính những năm tháng hoạt động không mệt mỏi, không quản khổ ải hy sinh, vào tù ra tội qua các phong trào ở Nam Định, và trong các nhà tù trên đây đã tôi rèn bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ cách mạng để sau này đồng chí trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, xuất sắc của Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng ta tuyên dương những công trạng to lớn vì Đảng vì dân tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Với đồng chí Phan Đình Khải, tức đồng chí Lê Đức Thọ kính mến, Đảng bộ và nhân dân Nam Định rất tự hào về người con ưu tú của quê hương đã tiếp nối cha ông, làm rạng danh thêm cho mảnh đất Nam Định vốn đã nổi tiếng có nhiều anh hùng hào kiệt và danh nhân của ngàn năm văn hiến và đã trở thành một nôi cách mạng đã nảy sinh ra nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng mà tiêu biểu nhất là đồng chí Trường Chinh kính mến.



* Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả