Về công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Ngày đăng: 18/05/2016 - 13:05

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có nhiều điểm mới trong tổ chức bộ máy hoạt động và công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là cơ sở để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

ve cong tac18-5

1. Một số điểm mới về tổ chức chính quyền địa phương nói chung và Hội đồng nhân dân nói riêng

Thứ nhất, quy định của Hiến pháp năm 2013

Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, các quy định về tổ chức chính quyền địa phương đã nhận được sự đồng thuận trong các ý kiến góp ý, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân1.

Về tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” (Điều 111). Việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện thí điểm chủ trương của Đảng về một số nội dung liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 quy định: chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó (Điều 112).

Hiến pháp năm 2013 có những quy định mang tính nguyên tắc cụ thể về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương phải do luật định, đồng thời cũng thiết kế một số quy định mở để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương (liên quan đến tổ chức của chính quyền địa phương)2. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiều quy định mới có tính chất mở đường cho việc phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp “chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định” (Điều 112) và thiết kế mô hình chính quyền địa phương ít tầng nấc hơn, không nhất thiết phải rập khuôn mô hình chính quyền nông thôn cho chính quyền đô thị,…

Các quy định về Hội đồng nhân dân trong Hiến pháp năm 2013 về cơ bản có sự kế thừa các quy định về Hội đồng nhân dân trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Theo tinh thần đó, khoản 1 Điều 113 tiếp tục quy định “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Khoản 2 Điều 113 quy định rõ hơn chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân địa phương, theo đó, Hội đồng nhân dân thực hiện hai loại chức năng là “quyết định” và “giám sát”, cụ thể: Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Như vậy, ở vai trò thực hiện các vấn đề của địa phương, Hội đồng nhân dân sẽ quyết định chính sách về những vấn đề thuộc địa phương trên cơ sở phát huy vai trò khởi xướng chính sách của Ủy ban nhân dân và các tổ chức, cơ quan khác, đồng thời giám sát việc thực hiện các chính sách này. Trong khi đó, đối với các nhiệm vụ mà Trung ương giao cho chính quyền địa phương thực hiện thì Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giám sát việc triển khai công việc này. Quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân như vậy là phù hợp với những điểm mới trong quy định tại Điều 112 của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu việc cải cách hành chính được đẩy mạnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và tạo không gian pháp lý đủ rộng để các địa phương phát huy lợi thế so sánh và những đặc thù vốn có của mình thì vai trò tự chủ của chính quyền địa phương sẽ được phát huy hơn. Tính chủ động thực sự của Hội đồng nhân dân trong khuôn khổ, trên các vấn đề mà các cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền sẽ được khẳng định. Khi đó, tính đại diện của Hội đồng nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân địa phương đã bầu ra mình sẽ rõ nét hơn.

Về địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Hiến pháp cũng sắp xếp lại và làm rõ hơn tính chất, trách nhiệm, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất và mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong tình hình mới (được thể hiện cụ thể ở Điều 113, Điều 114).

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Về cơ bản, các quy định trong Hiến pháp năm 1992 được tiếp tục kế thừa trong quy định tại Điều 116 Hiến pháp năm 2013 về mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Thứ hai, quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Nhìn chung, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, Điều 4 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn. Như vậy, sau một thời gian dài thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính đều phải có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Ngoài ra, một trong những điểm mới nổi bật của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 so với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 đó là có sự phân biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn và ở đô thị, phù hợp với đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng và yêu cầu quản lý ở mỗi địa bàn.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương, đối với Hội đồng nhân dân thì Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được thành lập thêm Ban đô thị vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này (Điều 39). Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 2) và phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã (số lượng là 1) hoạt động chuyên trách; trưởng các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách; phó trưởng ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách; trưởng, phó ban của Hội đồng nhân dân cấp xã hoạt động kiêm nhiệm.

Theo Điều 142 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, từ ngày 1-1-2016 cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Cũng theo Điều 142, từ ngày 1-1-2016, chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

2. Một số điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Về đại biểu Hội đồng nhân dân và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân

Về đại biểu Hội đồng nhân dân, về cơ bản, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 121 và 122 Hiến pháp năm 1992). Cụ thể, Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.

Về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, tính đến ngày bầu cử được công bố (22-5-2016), công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên, có đủ tiêu chuẩn tại Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 và Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quyền ứng cử lần này.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.

Một số điểm mới của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 về công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Ngày 25-6-2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua việc ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015). Luật này có một số điểm đáng chú ý liên quan đến bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ và quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, Luật mới đã quy định quyền này thuộc về Quốc hội. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 4 của Luật này có quy định như sau: “Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia”. Và luật cũng quy định rõ: “Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử” (Điều 5).

Thứ hai, những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Về vấn đề này, tại khoản 5 Điều 29 quy định như sau: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Như vậy, theo Luật này chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là điểm mới đáng lưu ý và là điểm khác biệt hoàn toàn với luật hiện hành.

Thứ ba, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ. Cụ thể, về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định tại khoản 1, 2 Điều 9:

“1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (…), trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;

2. Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội (…), trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương”.

Bên cạnh đó, ngày 4-1-2016 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, cùng với việc tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở các kỳ bầu cử trước và tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Chỉ thị này đã đề ra một số điểm mới là:

1. Giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

3. Lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu.

4. Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật bầu cử.

5. Bổ sung tỷ lệ hợp lý đại biểu đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

6. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân không chỉ trong việc lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn trong công tác bầu cử.

*

*    *

Theo các quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản hiện hành, Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Chính vì vậy, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là một hoạt động chính trị - pháp lý có ý nghĩa rất lớn. Thông qua hoạt động này sẽ chọn ra những đại diện tiêu biểu, sống và làm việc trước hết vì lợi ích, sự phát triển của chính quyền địa phương và nhân dân địa phương.

Các quy định pháp luật về công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có tính ổn định cao qua các giai đoạn khác nhau. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ 2016-2021 cũng ghi nhận những điểm mới rất tích cực như về cơ quan tổ chức, chỉ đạo công tác bầu cử (đổi mới về tổ chức), vấn đề giới trong cơ cấu danh sách người ứng cử (bảo đảm vấn đề bình đẳng giới), mở rộng phạm vi cử tri (bảo đảm quyền công dân). Trước bối cảnh đất nước có nhiều thách thức và yêu cầu đổi mới tổ chức chính quyền địa phương vẫn đang được đặt ra thường xuyên, người đại biểu Hội đồng nhân dân cần thực sự nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, xứng đáng là đại biểu do “dân cử”.

NCS. Trương Hồng Quang

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

1. Xem: Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp): "Những điểm mới trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013", nguồn: http://moj.gov.vn/npl/Pages/dm-tai-lieu-tham-khao.aspx, ngày 10-3-2015.

2. Xem thêm: TS. Nguyễn Văn Cương, NCS. Trương Hồng Quang: “Chính quyền địa phương trong Hiến pháp 2013”, Đặc san Thông tin Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, số 3-2014, tr. 33-41.

 

Bình luận