V. I. Lênin và báo chí trong cuộc đấu tranh cách mạng
Cũng như các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt giai đoạn từ năm 1905 đến 1907, là thời kỳ phát triển và biến động hết sức mạnh mẽ trên mặt trận tư tưởng ở nước Nga. Công việc xuất bản, phát hành báo chí, sách, hoạt động văn nghệ có những thay đổi lớn. Mặc dù chế độ cũ tuy chưa hoàn toàn loại bỏ sự kiểm duyệt, nhưng thực chất xuất bản và báo chí đã hoạt động tự do. Trên tờ báo Tiến lên (tháng 5-1905), V.I. Lênin đã nhận xét về hoạt động báo chí, xuất bản ở nước Nga, mặc dù có sự cấm đoán của chính quyền, nhưng trong thực tế đã diễn ra tình hình tự do trong ngôn luận, hội họp, báo chí, đã khác hẳn so với những năm trước. Theo Lênin, giai cấp vô sản giờ đây có thể tấn công kẻ thù không chỉ bằng sức mạnh của vũ khí trên tay mà còn công khai bằng báo chí, xuất bản. Giờ đây kiểm duyệt thực chất đã bị loại bỏ. Lênin nhận xét: "Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga những tờ báo cách mạng đã xuất bản tự do ở Xanh Pêtécbua và các thành phố khác. Riêng ở Xanh Pêtécbua xuất hiện ba tờ báo xã hội dân chủ với ấn bảng hàng ngày từ 5 vạn đến 10 vạn tờ". Trong thời gian này, Lênin đã trực tiếp hoặc tham gia chỉ đạo và viết bài cho nhiều tờ báo quan trọng như Tia lửa, Tiến lên, Đấu tranh, Tiếng vang, Người vô sản, Đời sống mới, Tiếng nói tự do,...
Như vậy báo chí cách mạng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giai cấp, tập hợp sức chiến đấu và đoàn kết của giai cấp vô sản, của quần chúng lao động. Báo chí cách mạng đã lên án giai cấp thống trị, phê phán những thủ đoạn thâm độc, lừa gạt của giai cấp thống trị trong đời sống chính trị - xã hội nước Nga thời bấy giờ. Bên cạnh những tờ báo cách mạng có định hướng chính trị rõ ràng, còn có những tờ báo của giai cấp tư sản, của các tổ chức đảng phái phản động. Do đó trên mặt trận báo chí đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt, công khai giữa các tổ chức, đảng phái, xu hướng chính trị. Tình trạng lẫn lộn, ngụy trang, cơ hội, tràn lan trên các cơ quan ngôn luận, kể cả trên các tờ báo của giai cấp vô sản đã được Lênin nhắc đến qua nhiều bài báo.
V.I. Lênin đặc biệt quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển của báo chí cách mạng. Người coi đó là vũ khí sắc bén, quan trọng trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền về tay nhân dân. V.I. Lênin luôn luôn chỉ rằng báo chí phải trở thành món ăn tinh thần của giai cấp vô sản, của tầng lớp nhân dân lao động. Nhân kỷ niệm ngày thành lập báo Sự thật, Lênin đã có bài viết mà nhấn mạnh đến sự ủng hộ của công nhân đối với tờ báo Sự thật – tờ báo của công nhân. V.I. Lênin viết: "Từ khi số đầu tiên của tờ Sự thật ra đời tới nay, một năm đã qua. Báo Sự thật đã xuất hiện với tư cách là một tờ báo của công nhân, được thành lập trong cao trào tháng Tư – tháng Năm nổi tiếng của phong trào công nhân ở Nga năm 1912" (V.I. Lênin Toàn tập, tập 23, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2005, tr.119).
Trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội nước Nga đầu thế kỷ XX diễn biến phức tạp như vậy, và lúc này giai cấp vô sản đang lớn mạnh và tiến tới cuộc Cách mạng tháng Mười lịch sử bùng nổ (7-11-1917) đã làm rung chuyển thế giới. Cũng như giai cấp vô sản phải đấu tranh khắc phục những khó khăn và những sự truy nã, thì báo Sự thật đã đứng vững và được củng cố ở nước Nga nhờ sự ủng hộ của giai cấp công nhân. Lênin khẳng định: "Báo Sự thật không phải chỉ mang tên là tờ báo của công nhân: tờ báo mà chẳng có thể tự nhận cho mình một cái tên. Báo Sự thật trên thực tế là một tờ báo của công nhân cả về khuynh hướng, cả về giới bạn đọc của báo là quần chúng công nhân, cả về nội dung của báo nói chung và đặc biệt là về số lượng lớn bài do công nhân gửi đến (1.783 bài do công nhân gửi đến trong 99 số đầu tiên; tổng cộng có gần năm nghìn bài) và cuối cùng là về sự ủng hộ của công nhân nói chung và các nhóm công nhân nói riêng đối với báo Sự thật" (Sđd, tr.119).
Đánh giá vai trò và vị trí, chức năng của báo Sự thật trong đời sống chính trị - xã hội ở nước Nga bấy giờ, Lênin đã đề cập đến việc nâng cao uy tín của tờ báo và tờ báo đã được ủng hộ mạnh mẽ như thế nào. Báo Sự thật đã được công nhân ủng hộ không những về mặt tinh thần mà còn cả về vật chất như quyên góp tiền để ủng hộ báo. Vì thế, "ý nghĩa đó đã vượt xa giới hạn của sự giúp đỡ về tài chính, mặc dù sự giúp đỡ của công nhân về tài chính bao giờ cũng là vô cùng quan trọng của lực lượng công nhân, của cách mạng vô sản "Nhưng xét về mặt ý nghĩa tinh thần, giáo dục và tổ chức thì những khoản tiền do các nhóm công nhân quyên góp cũng chẳng kém phần quan trọng, nếu không phải là quan trọng hơn, đối với toàn thể công nhân giác ngộ, đối với toàn thể giai cấp công nhân ở Nga" (Sđd, tr. 120). Lênin đã đưa ra những con số rất cụ thể về việc công nhân ủng hộ báo Sự thật trong vòng một năm, mà những con số được đăng lên từng quý trong năm, gấp mấy lần so với các báo của các tổ chức chính trị khác. Theo Lênin, những con số đó nói lên khá hùng hồn rằng: ai là người chủ của tờ báo, tờ Sự thật tồn tại bằng tiền của ai và tờ báo đó gắn bó đến chừng nào với quần chúng công nhân.
Sự trưởng thành và phát triển của tờ báo Sự thật đã phản ánh sự vững mạnh của lực lượng công nhân, của giai cấp vô sản ở Nga. Lênin chỉ rõ: "Chúng ta thấy rằng trong năm tồn tại đầu tiên của nó, tờ Sự thật đã được ủng hộ của trên một nghìn nhóm công nhân và đã đặt cơ sở cho tờ báo công nhân của vùng công nghiệp chủ yếu của nước Nga, cụ thể là vùng trung tâm Mátxcơva". Và như vậy, theo Lênin thì giai cấp công nhân đã đưa ra được cả một đội tiên phong "những người tiên tiến", những người đã thiết lập được tờ báo công nhân của mình ở thủ đô, một tờ báo mác xít, thù địch với những sự ngả nghiêng của phái tự do, của những người chống lại quyền lợi của giai cấp vô sản. Và Lênin khẳng định "với những cố gắng chung đồng tâm nhất trí, bằng một hoạt động liên tục, kiên trì, những công nhân tiên tiến được cổ vũ bởi thành công của năm đầu tiên của tờ báo công nhân của mình, giờ đây sẽ tiếp tục sự nghiệp vĩ đại là giáo dục và đoàn kết ngày càng đông đảo quần chúng vô sản chung quanh những tư tưởng của chủ nghĩa Mác".
Cũng trong giai đoạn này, khi báo Sự thật tròn một tuổi và đang khẳng định vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình là phục vụ lực lượng công nhân, đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng thì Lênin cũng phê phán và cảnh báo với những tờ báo, tạp chí có xu hướng đi ngược lại quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động. Đó là Tạp chí tư tưởng Nga là một tạp chí chán ngắt, đã bôi nhọ và phỉ báng cuộc đấu tranh của quần chúng giành tự do; báo Tia sáng là do phái tự do "gớm ghiếc" cho ra thường có những lời hoa mỹ về đấu tranh, nhưng thủ đoạn lại đê tiện, lừa bịp; báo Ngôn luận với những bài xã luận đã lắp lại một cách say sưa; khoái trá những lời của phái thủ tiêu đả kích phong trào đấu tranh, bãi công của giai cấp công nhân.
Trên đây là những suy nghĩ khi tìm hiểu và đọc lại những bài viết của Lênin về báo chí ở Nga trước khi cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại nổ ra. Những ý kiến nhận xét, chỉ bảo của Lênin về vai trò của báo chí, về giá trị và trách nhiệm của nó với sự nghiệp cách mạng lớn biết dường nào. Từ đó, chúng ta cũng thấy được vai trò và chức năng, những giá trị lớn lao mà báo chí cách mạng nước ta đã trải qua các giai đoạn lịch sử kể từ khi tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925. Báo chí nước ta đã làm tròn sứ mệnh cao cả mà Đảng và Bác Hồ đã giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, báo chí nước ta càng phải phấn đấu không ngừng về mọi mặt để nâng cao tính chiến đấu của báo chí, phục vụ tốt sự nghiệp đổi mới của nước ta như Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra.
Nguyễn Minh Ý
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực