Vũ lực không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, đã được các chính quyền kế tiếp của Việt Nam xác lập, quản lý qua nhiều thế kỷ, với những cứ liệu lịch sử không thể phủ định, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, được quốc tế công nhận.
Tác giả trong một chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa cùng Hội đồng Lý luận Trung ương
Là một bộ phận của Thái Bình Dương, Biển Đông, với diện tích khoảng 3,5 triệu km3, có ý nghĩa địa - chính trị, địa - kinh tế vô cùng quan trọng. Đây là vùng biển có lượng lưu thông tàu bè nhiều thứ hai và chiếm 2/3 tổng lượng hàng hóa thương mại toàn thế giới chuyển qua hằng năm. Vùng biển này được xác định có trữ lượng dầu khí rất lớn, ước khoảng 28 tỷ thùng dầu và khoảng 7.500 km³ khí1. Biển Đông còn được biết đến nhờ những quần đảo san hô với hàng trăm đảo lớn nhỏ và nhiều bãi ngầm. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc loại hình này, được thành tạo từ nhiều tầng san hô gốc và vô số sinh vật gắn liền với nó. Loại hình đảo này có quá trình bồi thêm nhờ sóng và dòng chảy mang thêm các vật chất khác đến bồi tụ.
Chỉ với chừng ấy thông tin cũng đủ thấy vì sao Trung Quốc - một quốc gia mới trỗi dậy, nhu cầu về năng lượng vô cùng lớn và đang muốn vươn lên trở thành một siêu cường, lại ráo riết thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông và ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng chiếm một số đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của nước chủ nhà và dư luận quốc tế.
Nhưng theo luật pháp và thông lệ quốc tế, dùng vũ lực để đe dọa và tấn công đánh chiếm lãnh thổ của nước khác không bao giờ làm thay đổi được chủ quyền đích thực.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Biển Đông vẽ bản đồ và đặt tên, làm căn cứ quan trọng cho việc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm Chính Hòa thứ 7 (1686), Đỗ Bá Công Đạo đã vẽ và chú giải tập bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư , trên đó quần đảo Hoàng Sa được ghi bằng chữ Nôm là Bãi Cát Vàng còn Trường Sa là Vạn lý Trường Sa.
Chỉ một tư liệu này thôi đã nói được rất nhiều điều. Từ thế kỷ XVII, người Việt đã lui tới, vẽ bản đồ, đặt tên (rất Việt), khai thác và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo. Loại tư liệu có căn cứ xác đáng như vậy Trung Quốc không hề có.
Phần chú giải tác giả viết: "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; có gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".
Sang thế kỷ XVIII, ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục còn cho biết chính quyền chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền thông qua việc tổ chức quy củ các đơn vị chuyên trách thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải), quy định rõ ràng về phiên chế, phân rõ địa phương thực hiện, quy trình, thủ tục và nhiệm vụ cụ thể. Phần lớn người các đơn vị này là dân xã An Vĩnh (Cù lao Ré). Cho đến nay địa phương và các gia đình còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu chứng minh những hoạt động của Đội Hoàng Sa. Những công việc của các đội đặc nhiệm này được quản lý rất chặt chẽ. Lê Quý Đôn đã tận mắt xem sổ ghi chép của một viên Cai đội tên là Thuyên và cho biết: “Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc…”2.
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép về việc các chúa Nguyễn thành lập Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải để hằng năm ra hai quần đảo này làm nhiệm vụ. Đây là bằng chứng về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Năm 1802, triều Nguyễn thành lập, xây dựng một chính quyền cai trị thống nhất từ Bắc chí Nam. Tiếp tục duy trì sự hiện diện và khai thác các nguồn lợi như các chúa Nguyễn, các hoàng đế nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chủ quyền lãnh hải và trên các đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Các nhà nghiên cứu đã trưng ra được rất nhiều đoạn chính sử, các văn kiện chính thức (châu bản) và những chỉ dụ, sắc lệnh do các hoàng đế nhà Nguyễn trực tiếp ban ra về các công việc liên quan đến hai quần đảo, như việc vua Gia Long ra lệnh cho quân đội ra dựng mốc cắm cờ vào năm 1816, vua Minh Mệnh trực tiếp xử lý việc thưởng phạt đối với các sĩ quan và binh lính thực thi công vụ; trực tiếp phê duyệt kế hoạch xây chùa cùng việc phân bổ ngân sách và nhân lực thực hiện các công việc đó… Những căn cứ không thể xác đáng hơn là cùng với những tư liệu được ghi chép trong các bộ chính sử, các tư liệu trong kho lưu trữ, chủ quyền Việt Nam còn hiển hiện trong các tài liệu được lưu giữ trong dân như những di vật của tiền nhân là những người tham gia Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Đó còn là những di tích như miếu thờ, nghi lễ tế sống các binh lính Hoàng Sa trước khi đi làm nhiệm vụ…
Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII vào năm Gia Long thứ 2 (1803) chép: "Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa".
Có thể nói, đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo. Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.
Năm 1950, Chính phủ Pháp chuyển giao quyền quản lý hai quần đảo cho Chính phủ quốc gia Việt Nam. Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giao là người đứng ra tiếp nhận. Chỉ hơn một năm sau, vào tháng 8-1951, Tân Hoa xã Trung Quốc lên tiếng “khẳng định quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức nói công khai về vấn đề này. Trước tình hình đó, ngày 7-9-1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có bất cứ sự phản đối nào trước lời tuyên bố đó. Trong khi ý kiến giao hai quần đảo này cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã bị 48/51 phiếu chống.
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới tạm thời trước khi Việt Nam thống nhất. Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến, thuộc quyền quản lý của quân đội Pháp và sau đó là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thay quân Pháp thực thi chủ quyền trên hai quần đảo đó. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ quyền của Việt Nam còn được khẳng định bằng rất nhiều tư liệu nước ngoài.
Ngay từ thế kỷ XVII, các thương nhân phương Tây đã hiểu rất rõ chủ quyền trên hai quần đảo này thuộc về ai mà sự kiện tàu Grootebroek của Hà Lan bị đắm ở khu vực Paracel (Hoàng Sa) vào năm 1634, những thủy thủ sống sót đã vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp là một minh chứng. Năm 1701, một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”3.
Vào giữa thế kỷ XVIII, Pierre Poivre, một nhân vật rất nổi tiếng từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp tại kinh thành Phú Xuân. Một trong những cuốn sách của ông là Mémoire sur La Cochinchine (Ký ức về Đàng Trong) xuất bản tại Paris năm 1744, đã nói đến việc nhiều khẩu thần công bố trí trên tường kinh thành mà ông tận mắt trông thấy, là của các con tàu phương Tây bị đắm được lấy về từ Paracel. Đây là những nhận xét khách quan nhưng lại là chứng cớ hết sức thuyết phục về thành quả những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa mà các chúa Nguyễn đã tổ chức ra để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Năm 1838, Giám mục Jean Louis Taberd, người rất am hiểu Việt Nam đã cho công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vàng là tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel.
Bản đồ do J. L. Taberd vẽ năm 1838, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là "Paracel seu Cat Vang" (Paracel hay Cát Vàng). Chú thích trong vòng tròn đỏ
Vào năm 1849, Gutzlaff - hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn một cuốn sách về địa lý vùng đất phía nam của Việt Nam, đã viết: “…Quần đảo Paracel (Cat Vang), ở ngoài khơi bờ bể An Nam, lan giữa 15 đến 17 độ vĩ bắc và 111 đến 113 độ kinh đông…Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc…”4.
Trong khi các tư liệu của Việt Nam và nước ngoài luôn nhất quán với tên gọi của hai quần đảo là Hoàng Sa (hay tên Nôm là Cát Vàng hay Cồn Vàng) và Trường Sa hay Vạn lý Trường Sa, được đồng nhất với các tên gọi của phương Tây là Paracel và Pratley thì tên gọi do Trung Quốc đặt lại rất hỗn loạn, bất nhất. Tên Tây Sa và Nam Sa mới chỉ xuất hiện rất muộn. Đã vậy, trong nhiều tài liệu của mình, Trung Quốc tự phủ nhận chủ quyền trên hai quần đảo này (thực ra là không có trong lịch sử).
Chứng cớ rõ nhất là trên các bản đồ của Trung Quốc. Không kể những tập bản đồ được vẽ sớm, đến tận thời kỳ triều Thanh trị vì vào những năm 1894, 1904, 1908 và dưới thời Trung Hoa dân quốc vào năm 1919 có hàng loạt bản đồ do Trung Quốc vẽ vừa được triển lãm rộng rãi, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) đã gây ấn tượng mạnh cho người xem cả trong và ngoài nước. Càng bất ngờ hơn khi trên bộ Atlas được in trong sách Trung Hoa dân quốc Bưu chính dư đồ, xuất bản năm 1933 cũng hoàn toàn không có hai quần đảo này. Như vậy là căn cứ trên những bản đồ chính thức này thì chí ít đến tận những năm 30 của thế kỷ XX, địa giới cực nam của Trung Quốc khi ấy chỉ là đảo Hải Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư liệu lịch sử do chính người Trung Quốc biên soạn, hoặc người phương Tây thuật lại đều thể hiện sự “vô cảm” của họ về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nhiều tư liệu của chính người Trung Quốc viết còn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Trong tác phẩm Hải ngoại ký sử viết vào năm 1695, nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán đã thuật lại rằng các chúa Nguyễn đã tổ chức các đội binh thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa (mà ông gọi chung là Vạn lý Trường Sa) để “thu lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”5. Điều này hoàn toàn trùng hợp với sử sách Việt Nam.
Cho đến tận thế kỷ XIX, các quan chức ở đảo Hải Nam cũng không có ý niệm gì về cái gọi là chủ quyền Trung Quốc đối với các đảo phía nam Hải Nam. Có rất nhiều tư liệu nói về điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả học giả Trung Quốc, như ông Lý Lệnh Hoa, cán bộ Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, cũng phải phát biểu: “…Chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận “Tây Sa” là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng “Tây Sa” là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng phải đã chứng minh “Tây Sa” từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao?”6.
Như vậy trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tất cả những đảo và bãi đá thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép đều là kết quả của những lần dùng vũ lực tấn công từ giữa thế kỷ XX đến nay.
Việc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, trong thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 2-5 vừa qua là bước đi mới hết sức nguy hiểm, xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông.
Ngụy biện cho những hành động sai trái này, Trung Quốc thường đưa ra luận điệu rằng Hoàng Sa (họ gọi là Tây Sa) và cả Trường Sa (họ gọi là Nam Sa) thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của họ và rằng hạ đặt giàn khoan vào tọa độ 15o29’ vĩ bắc, 111o12’ kinh đông là việc riêng của Trung Quốc, không liên quan gì đến Việt Nam và các nước khác.
Thực ra ngay từ khi cho quân đội đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc đã ra sức chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Không khó khăn để thấy rằng lập luận xuyên suốt của phía Trung Quốc là cố chứng minh rằng họ đã có chủ quyền trên hai quần đảo này từ thời Hán, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm. Sau đó đến các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, và nhất là từ triều Thanh đến nay, Trung Quốc liên tục thực thi chủ quyền. Tuy nhiên, cái gọi là chứng cớ họ đưa ra lại là những trích dẫn cắt xén khiến người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác, rồi giải thích ý nghĩa những đoạn trích ấy theo ý mình. Đó là chưa kể đến những luận điểm rất sai trái, sô vanh, phản động cho rằng Việt Nam từng là một phần của Trung Quốc nên họ có chủ quyền lịch sử trên phần đất ấy (bao gồm cả các đảo).
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc ra sức đề cao sự kiện Đô đốc nhà Thanh là Lý Chuẩn đưa quân ra Tây Sa (Hoàng Sa) kéo cờ, bắn pháo vào năm 1909 và coi đó là mốc thời gian xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Sự kiện này chẳng còn ý nghĩa vì thời điểm diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đó nhiều thế kỷ. Vả lại, chính việc đề cao này lại tự nó bác lại những lập luận mà các học giả Trung Quốc phải dày công xây dựng tư liệu để chứng minh cái gọi là Tây Sa và Nam Sa đã được người Trung Quốc phát hiện và sở hữu từ thời Hán, cách ngày nay tới vài nghìn năm.
Tháng 2-1948, Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ của Trung Hoa dân quốc cho xuất bản bản đồ có tên Bản đồ vị trí các đảo Nam hải (南海诸岛位置图) với 11 đường đứt khúc chiếm khoảng 80% mặt nước Biển Đông, ôm trọn hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bản đồ này được vẽ dựa trên cơ sở một bản đồ cá nhân vẽ trước đó vài chục năm với 11 đoạn đứt khúc (bản đồ đường lưỡi bò). Đến năm 1953, bản đồ đường lưỡi bò do Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xuất bản đã bỏ đi 2 đoạn nằm trong vịnh Bắc Bộ. Mặc dù đường 9 đoạn đang được Trung Quốc dùng như một “căn cứ không thể chối cãi” về chủ quyền của họ trên hai quần đảo, nhưng tính chất phi lý, phản khoa học của nó đang bị phê phán rất mạnh mẽ. Trong thời gian gần đây, lý lẽ khoa học của Trung Quốc không thấy có gì mới, chủ yếu chỉ là những tuyên bố theo kiểu “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi” mà thôi.
Năm 1974, sau nhiều lần đột kích, Trung Quốc đã công khai dùng vũ lực chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là hành vi trái với tất cả mọi luật pháp và công ước quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Nhưng cũng từ đây Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, các biện pháp ngoại giao và gia tăng sức ép quân sự để đơn phương khẳng định chủ quyền của mình không chỉ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn với cả phần lớn biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn". Năm 1988, Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực để chiếm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt nam, Trung Quốc ngang nhiên coi Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của họ. Họ đã phớt lờ sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và dư luận quốc tế. Một điều hết sức đơn giản mà bất cứ một quốc gia nào cũng phải hiểu trong ứng xử hiện đại, phù hợp với luật pháp quốc tế là dùng vũ lực để chiếm đoạt lãnh thổ, biển đảo của nước khác không bao giờ làm thay đổi được chủ quyền. Hành động của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông sẽ khiến họ mất nhiều hơn được. Hình ảnh của một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” đang xấu đi nghiêm trọng trong con mắt nhân loại.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
2. Lê Quý Đôn: Toàn tập, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.115-116.
3. Jean Yves Clayes: Mystère des atolls - Journal de voyage aux Paracels. Indochine No 46-1941.
4. K.Gutzlaff: Geopraphy of the Cochinchinese Empire. The Journal of the Royal Geographical Society ofLondon, tome 19,1849, p. 93.
5. 釋大汕 : 海外記事 .中华书局,1987, 上冊,卷三
6. Dẫn theo Trung Quốc từng luôn thừa nhận “Hoàng Sa là của Việt Nam” đăng trên Infonet, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 4-5-2013.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực