Về sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị 10 năm qua

Ngày đăng: 28/01/2014 - 15:01

Liên tiếp trong hai năm 2003 và 2004, Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới và Chỉ thị số 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản được ra đời, là kết quả quá trình tư duy của Đảng về hoạt động xuất bản trước những đòi hỏi, nhiệm vụ mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hai chỉ thị riêng có tính chuyên đề về xuất bản được ban hành thể hiện sự nhạy bén chính trị, tính kịp thời và tác dụng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta đối với hoạt động xuất bản.

IMG 3578

Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương tham quan Trung tâm phát hành sách lý luận, chính trị,

pháp luật của NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật

Về bản chất, sách lý luận, chính trị có chức năng định hướng về lý luận và tư tưởng. Vì thế, Chỉ thị 20-CT/TW đã có định nghĩa rõ ràng về loại sách này: “trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; giáo dục nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân…”. Trong khi đó, do tác động của kinh tế thị trường, xuất bản phải thích ứng với đặc điểm mới, chịu sự chi phối và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Như vậy, ở đây có một mâu thuẫn phải giải quyết, đó là, sách lý luận, chính trị trong thời kỳ mới phải đảm bảo yêu cầu kép: định hướng tư tưởng lý luận, chính trị đồng thời nuôi dưỡng, phát hiện, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nếu không thực hiện được yêu cầu kép đó, sách lý luận, chính trị sẽ rơi vào một trong hai tình trạng, hoặc là áp đặt đối với công chúng, hoặc là đơn thuần chạy theo nhu cầu của thị trường, sách lý luận, chính trị sẽ đánh mất vị trí của nó.

Về mặt lý luận, Chỉ thị 20-CT/TW đã giải đáp được vấn đề trên của việc xuất bản sách lý luận, chính trị trong thời kỳ mới. Chỉ thị yêu cầu đối với sách lý luận, chính trị không chỉ ở “tính chiến đấu, chất lượng chính trị” mà còn nhấn mạnh “tính khoa học, tính thực tiễn, tính thuyết phục và hấp dẫn” của nó. Đây là một nhận thức mới về mặt lý luận, có vai trò quan trọng trong chỉ đạo thực tiễn việc xuất bản sách lý luận, chính trị. Nói đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với xuất bản sách lý luận, chính trị cần phải hiểu sâu và nhấn mạnh hơn nữa đặc điểm này. Hiệu quả của sách lý luận, chính trị trong 10 năm qua phụ thuộc vào việc thực hiện tư tưởng lý luận trên. Đã xuất hiện những bộ sách đáp ứng yêu cầu “kép” trên, tạo nên tác dụng lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc đổi mới, ổn định chính trị, xã hội, xây dựng con người, nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít những cuốn sách lý luận, chính trị theo kiểu cũ, chỉ nhằm định hướng khô khan, tuyên truyền áp đặt, giải thích dài dòng, thiếu thuyết phục, thiếu hấp dẫn, vì thế không được công chúng tiếp nhận, không tạo nên hiệu quả cần có trong đời sống xã hội.

Trong 10 năm qua, các nhà xuất bản ở nước ta, trong đó Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật là nòng cốt, đã có nhiều nỗ lực xây dựng một số bộ sách lý luận, chính trị mang tinh thần đổi mới. Cùng với những bộ sách đồ sộ về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện của Đảng và Nhà nước, đã xuất hiện những tủ sách phổ cập, phổ thông ngắn gọn, dễ hiểu, phục vụ cho đông đảo quần chúng. Đã xuất hiện những bộ sách phân tích, nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng, cốt lõi về lý luận chính trị theo quan điểm Mácxít, đồng thời cũng từng bước xuất bản và giới thiệu những bộ sách, những tác phẩm lý luận chính trị tiến bộ của thế giới hiện đại. Những công trình nghiên cứu lý luận, chính trị mới xuất hiện trong thế giới hiện đại giúp người đọc, cán bộ tham  khảo, mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn, đó chính là tạo cơ sở khoa học để tiếp tục giữ vững và kiên định mục tiêu chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tư duy khép kín đã một phần được giải tỏa, tư duy mở từng bước được khẳng định. Đây là kết quả cụ thể của tư duy lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với sách lý luận, chính trị ở nước ta 10 năm qua. Những kết quả trên có nguồn gốc từ tầm nhìn, bản lĩnh và năng lực chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trực tiếp là cấp ủy đảng các nhà xuất bản, cơ quan chủ quản và của trung ương.

Những trăn trở, tìm kiếm để mở rộng mạng lưới phát hành, đưa sách lý luận, chính trị đến với công chúng tuy hiệu quả chưa được như mong muốn nhưng vẫn thể hiện sự nỗ lực lớn, là một kết quả đáng mừng của việc chỉ đạo phát hành sách lý luận, chính trị trong 10 năm qua. Trong kết quả này, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến việc nỗ lực phát hành sách lý luận, chính trị dạng phổ cập, phổ thông, ngắn gọn, dễ hiểu cho đông đảo quần chúng. Cần tránh khuynh hướng tập trung cho việc xuất bản những sách lý luận, chính trị có độ dày quá lớn, chỉ nhằm diễn giải, phân tích về mặt lý thuyết những vấn đề lý luận, chính trị, không gắn với thực tiễn đồng thời không có khả năng phát hành rộng rãi trong cán bộ và công chúng.

Hiệu quả của sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đã tạo ra những kết quả thực sự đáng mừng. Vì thế, trong sự phát triển hết sức đa dạng của các loại hình, thể loại sách 10 năm qua, thị phần của sách lý luận, chính trị không bị thu hẹp. Sách lý luận, chính trị chiếm khoảng 10-15% tổng sản lượng xuất bản phẩm. Đó là một cơ cấu, thị phần hợp lý, qua đó, vị trí của sách lý luận, chính trị được giữ vững, vượt qua những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.

IMG 3719

Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tham quan

gian trưng bày sách lý luận, chính trị

Tuy vậy, việc xuất bản sách lý luận, chính trị cũng còn tồn tại một số mặt hạn chế, cần rút kinh nghiệm để tiến tới sự hoàn thiện và vững chắc. Tôi nhớ rằng, trong Chỉ thị 20-CT/TW, có tới 5 lần nhắc đến tính thực tiễn của sách lý luận, chính trị. Có nghĩa là, Chỉ thị 20-CT/TW đòi hỏi 3 nội dung sau: một là, lý luận phải gắn với thực tiễn; hai là, phải từ thực tiễn để tổng kết sâu sắc và trung thực, khách quan từ đó mới có thể tìm ra và xác định những vấn đề lý luận mới; ba là, sách lý luận, chính trị không phải chỉ để nâng cao nhận thức mà sâu hơn, phải góp phần “nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Đối chiếu yêu cầu đó, sách lý luận, chính trị của chúng ta đi từ thực tiễn, bám sát và tổng kết thực tiễn còn nhiều bất cập, không ít những cuốn sách lý luận, chính trị chỉ nhằm giải thích những tư tưởng lý luận chính trị một cách khô khan, thiếu sức thuyết phục, còn khá nhiều cuốn sách né tránh những vấn đề nóng bỏng, “bức xúc do thực tiễn đặt ra”, “vo tròn” những vấn đề lý luận cần phải tranh luận, nghiên cứu dày công hơn nữa. Tính thuyết phục, tính khoa học của những sách này, vì thế, bị hạn chế. Phải chăng, đây là một hạn chế trong tư duy chỉ đạo việc xuất bản, truyền bá sách lý luận, chính trị thời gian qua?

Trong chỉ đạo xuất bản sách lý luận, chính trị, hình như chúng ta quan tâm nhiều đến tạo ra những cuốn sách đúng về chính trị mà còn thiếu sự đầu tư và năng lực chỉ đạo để có được nhiều cuốn sách hay về lý luận, chính trị. Tư duy chỉ đạo đó sẽ khó tạo ra được những tác phẩm lý luận, chính trị có chất lượng cao, người ta sẽ thỏa mãn với cái đúng nhưng ít tác dụng đối với đời sống xã hội mà không dày công đầu tư để có những công trình lý luận, chính trị hay, có sức thuyết phục cao, sức hấp dẫn lớn như Chỉ thị 20-CT/TW đòi hỏi. Cũng từ quan niệm trên, trong chỉ đạo xuất bản sách lý luận, chính trị chưa chú ý khai thác những con đường, phương thức khác nhau để thể hiện các nội dung lý luận, chính trị. Tư duy diễn giải các khái niệm khá phổ biến trong nhiều cuốn sách lý luận, chính trị. Tôi có đọc 1 cuốn sách giới thiệu, truyền bá những triết lý của đạo Tin lành dành cho tuổi trẻ của một nhà xuất bản nước ngoài, cuốn sách chứa đựng trong đó những tư tưởng cốt lõi của đạo Tin lành, được thể hiện bằng những câu chuyện ngắn, súc tích, gắn với các bức tranh, các hình ảnh, cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, phù hợp với giới trẻ. Người ta đã in và phát hành 150 triệu bản trên toàn thế giới, trong đó có bản tiếng Việt. Có lẽ chúng ta cần tìm ra nhiều hơn nữa những phương thức mới để thể hiện nội dung lý luận, chính trị bằng con đường ngắn nhất, dễ đi vào lòng người nhất. Công việc này gắn với 3 yêu cầu sau đây: tiếp tục đổi mới sâu sắc hơn nữa tư duy chỉ đạo; nâng cao trình độ biên tập viên sách lý luận, chính trị; dày công tạo lập và phát triển đội ngũ tác giả và cộng tác viên sách lý luận, chính trị. Cả 3 yêu cầu đó đều cần sự kiên trì trong tổ chức một kế hoạch dài hạn, đặc biệt trong công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành xuất bản, đội ngũ biên tập viên và phát triển đội ngũ tác giả, cộng tác viên - những người trực tiếp tạo ra các giá trị của sách lý luận, chính trị đúng và hay.

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, thành tựu, kết quả đạt được trong 10 năm qua là rõ ràng, song cũng vẫn còn nhiều vấn đề ở phía trước cần tiếp tục tháo gỡ, giải quyết để đi tới mục tiêu lớn của Chỉ thị 20: “Sách lý luận, chính trị góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng con người và văn hóa Việt Nam, công cụ sắc bén trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,

nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương

 

                                                     

Bình luận