Vài mẩu chuyện về anh Sáu

Ngày đăng: 02/11/2011 - 16:11

Nguyễn Thị Yến*

Về mặt Đảng, anh Sáu giữ trọng trách cao, nhưng chúng tôi, những người thân thiết của anh Sáu, vẫn gọi anh thân mật theo thứ là anh Sáu - Anh Sáu Thọ, cũng như đã gọi các anh Ba (Lê Duẩn), anh Hai (Phạm Hùng), v.v..

ldt17a

Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ sau cuộc họp Quân ủy Trung ương, tháng 7-1976

Tháng 4-1950 có cuộc Hội nghị mở rộng Phụ nữ toàn Nam Bộ, đây là cuộc hội nghị lớn nhất đầu tiên họp ở Khu 9 khi cơ quan vừa ổn định nơi ở, sau cuộc di dời từ Đồng Tháp Mười về Khu 9. Cơ quan Phụ nữ Nam Bộ lúc đó đóng tại nhà ông Tư Mẹo, ấp Rạch Ruộng, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá. Cuộc hội nghị mở rộng này nhằm đẩy mạnh phong trào phụ nữ lên những bước tiến xa hơn sau khi có chủ trương hợp nhất các tổ chức phụ nữ vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đến dự Hội nghị có đông đủ đại biểu phụ nữ các tỉnh Nam Bộ. Tất nhiên có mặt cả các đồng chí Trung ương. Hội nghị được đón đoàn cán bộ Trung ương vào dự, trong đó đồng chí Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn. Ngoài ra, đi cùng với đoàn còn có các anh Nguyễn Đức Thuận, Lê Toàn Thư... Cuộc hội nghị này cũng là lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với anh Sáu. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng hình ảnh anh đọng mãi trong tôi. Sau lần ấy, đến tháng 12-1953, tôi tập kết ra Bắc, có gặp anh trong các hội nghị hay những lúc anh đến thăm chị Mười Thập (Nguyễn Thị Thập).

Mặc dù không trực tiếp làm việc với anh Sáu nhiều, nhưng những lần tiếp xúc với anh tạo cho tôi một sự quý trọng kính mến, không chỉ đối với một người lãnh đạo cao trong Đảng, mà còn ở tình cảm chân tình, điềm đạm và cương nghị của anh. Có hai mẩu chuyện về anh làm tôi nhớ mãi.

Cuối tháng 12-1977, giáp những ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tiết trời se se lạnh của mùa chuyển tiếp đông sang xuân, anh Sáu đến nhà tôi chơi. Tôi thực sự bất ngờ và xúc động bên bàn trà hương, trà móc câu chính hiệu xứ Thái nóng hôi hổi, tỏa lan vị thơm ngọt ngào càng làm cho câu chuyện của chúng tôi thêm đậm đà. Anh Sáu vui vẻ và cởi mở hỏi thăm từng người trong gia đình tôi, hỏi thăm về công tác, công việc và cuộc sống của tôi. Sau đó anh hào hứng kể chuyện Chiến dịch Hồ Chí Minh mà anh trực tiếp tham gia chỉ đạo. Nghe anh kể mà tôi như thấy khí thế hừng hực của quân và dân ta trong Chiến dịch đại thắng mùa Xuân năm 1975 "Thần tốc, thần tốc, đại thần tốc" tiến thẳng vào Sài Gòn như vừa mới diễn ra; như thấy niềm hân hoan, rạo rực của dân Nam Bộ quê hương mà tôi xa cách đã hơn 20 năm, mừng vui đón chiến thắng. Anh Sáu kể: trước khi lên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Ba (Lê Duẩn) đưa tiễn ân cần dặn dò quyết tâm của Đảng, của Chính phủ phải toàn thắng trong Chiến dịch này. Và anh có làm bài thơ hứa với anh Ba chiến thắng mới trở về. Từng trận đánh, từng ngày đêm, từng diễn biến lớn nhỏ của Chiến dịch đều được anh Sáu ghi chép tỉ mỉ, báo cáo ra Trung ương, ra Bộ Chính trị... Sau đó anh Sáu có tặng tôi tập thơ của anh làm ngay trên đường Chiến dịch, giữa mưa bom đạn nổ, trong sự thoái chạy thảm hại của quân địch và chiến thắng của ta. Tôi vô cùng tâm đắc và xúc động khi đọc lại những bài thơ của anh, và tôi có mấy dòng thơ nôm na gửi lại anh Sáu:

Xuân về rừng núi đón anh đi

Tóc bạc đường xa có sá gì

Thuận lợi thời cơ ta nắm được

Bên tai lời dặn nước non nhà

Giục giã miền Nam tiếng pháo xa

Vượt suối băng đèo tam cá nguyệt

Nhịp bước chân anh chiến thắng về

Rộn ràng pháo trận thiếp anh đưa

Đảng dặn lòng ghi buổi tiễn đưa

Hôm nay đến nhờ anh đề tặng

Nhật ký niềm vui buổi xuân về.

Tình cảm của anh Sáu đối với gia đình tôi thật là sâu đậm, thân thương. Tình cảm càng đậm đà hơn khi câu chuyện thứ hai xảy ra khiến tôi canh cánh mãi trong lòng. Không phải do mình mà nghe sao nhức nhối như có tội với Đảng, với dân. Đã hai mươi năm trôi qua mà sao câu chuyện ấy chẳng hề phai trong tôi. Dù đó chỉ là chuyện hiểu lầm nhưng nó cũng chứng tỏ sự quan tâm của anh đối với gia đình tôi. Đúng hơn đó là sự quan tâm của người lãnh đạo cao cấp đến sinh hoạt của đồng đội, của người dân.

Bây giờ tôi đã ngoài bảy mươi tuổi đời, năm mươi tuổi Đảng, đã thuộc lớp người xưa nay hiếm. Nhân đầu xuân Canh Thìn, thế giới sắp bước sang thế kỷ mới và kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Hồ, lại đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2000), cả nước đang trong giai đoạn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi xin kể chuyện này như một bài học quý báu về đạo đức người đảng viên, cũng là nhắc kỷ niệm khó quên giữa tôi và anh Sáu.

Lúc ấy sắp vào Đại hội Đảng lần thứ V, anh Sáu là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, tôi đang là Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp đồ hộp miền Nam. Một buổi sáng ở phòng làm việc tại cơ quan tôi, bỗng chuông điện thoại đổ dồn, tôi nhấc máy, đầu dây bên kia vang lên một giọng nói đàn ông:

- Alô! Có phải chị Yến không?

- Xin lỗi ai ở đầu dây đấy? - Tôi hỏi.

- Tôi là thư ký của anh Sáu đây. Anh Sáu có việc gấp muốn gặp chị.

- Có việc gì quan trọng không anh? - Tôi lo lắng hỏi lại.

- Có, anh Sáu muốn gặp trực tiếp chị hỏi vài chuyện. Chị thu xếp đến T78 gặp anh Sáu nhé. Tôi sẽ chờ đón chị.

Tôi không biết chuyện gì nhưng cũng đoán được chuyện khá quan trọng nên anh Sáu mới gặp gấp như vậy. Tôi vội vã thu xếp công việc, bồn chồn ra xe đưa đi. Tại T78, anh Sáu đã đợi tôi sẵn sàng ở phòng làm việc của anh. Khi chỉ có tôi và anh, anh vẫn giữ thái độ điềm đạm, ân cần nhưng trong sắc mặt, giọng nói kém vui, không như các lần gặp mặt trước. Tôi thầm nghĩ: "Chà! Chắc là có việc gì làm anh Sáu bận tâm lắm đây nên anh Sáu không được vồn vã lắm". Tôi điểm nhanh trong đầu những việc mình đã làm gần đây không có gì sai phạm nên cũng hơi yên tâm. Sau những lời hỏi thăm về sức khỏe, công việc, anh Sáu nhìn tôi đăm đăm hỏi đủ chuyện. Tôi không nhớ hết cuộc đối thoại nặng nề ấy, nhưng ý chính là: Anh Sáu biết về tôi nhiều, tin tưởng tôi và gia đình tôi. Anh bằng lòng về công tác và công việc của tôi. Nhưng gần đây anh có nghe chuyện không hay xảy ra trong gia đình tôi nên gặp hỏi thẳng xem hư thực thế nào. Tôi lo lắng hỏi lại anh:

- Anh Sáu nghe chuyện gì về tôi?

Lưỡng lự giây lát, anh nói chậm rãi:

- Gần đây tôi có nghe nói về việc chị đối xử với con dâu thế nào đó để đến nỗi nó phải tự tử!

Tôi bàng hoàng cả người, thực ra đã khá lâu tôi và anh Sáu không gặp nhau. Anh lại giữ một trọng trách lớn của Đảng, công việc bận nên anh có thể ít biết về gia đình tôi sau này. Tôi ngập ngừng hỏi lại anh Sáu:

- Anh nói gì nghe kỳ vậy! Anh Sáu biết rất rõ về em và gia đình em mà. Mấy chục năm trời theo cách mạng, theo Đảng, em chưa làm gì sai trái cả. Xin báo cáo với anh Sáu yên lòng, đến ngày hôm nay mấy đứa con em còn ở trong quân đội, kể cả con gái, chưa có cháu nào lấy vợ gả chồng, thì lấy đâu ra dâu với rể để em đối xử khắc nghiệt với chúng đến nỗi nó phải tự tử.

Nghe nói đến đó, anh Sáu cướp lời, đập mạnh tay xuống bàn:

- Bậy thiệt! Người ta đồn như vậy có chết người ta không kia chứ. Nếu tôi không gặp chị thì nguy to. Tôi biết chị mà, đâu thể có chuyện đó được. Vì thế tôi mới gặp trực tiếp chị là vậy.

Đúng là tính cách của anh Sáu, việc gì cũng làm đến nơi đến chốn, chuyện gì cũng phải hiểu cặn kẽ, không tin lời đồn đại. Anh lại cười ha hả nắm chặt bàn tay tôi như vừa thoát được khỏi đám mây mù sắp có cơn giông, và kể vui cho tôi nghe một câu chuyện thật là thấm thía:

Ở đời này có bốn ông thầy:

Một là, ông thầy giáo, ta phải hết lòng kính trọng.

Hai là, ông thầy thuốc, người mà ta phải quý mến.

Ba là, ông thầy mo, làm ta mê tín.

Bốn là, ông thầy dùi, khiến ta phải cảnh giác mọi lời đồn đại, tin vịt cũng từ ông thầy dùi mà ra. Riêng với ông thầy dùi, nếu mất cảnh giác, không chỉ con người từ tốt thành xấu mà ngược lại, tổ chức Đảng cũng tan nát. Làm người lãnh đạo càng phải đề phòng những thầy dùi này. Là người làm công tác tổ chức cán bộ lâu năm không phải lúc nào cũng trực tiếp gặp gỡ cán bộ cấp dưới được, tất nhiên cũng không thể tránh khỏi sự sai sót qua những thông tin như trên, nhất là sự đánh giá cán bộ trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh.

Bây giờ dù đã nghỉ hưu nhưng ấn tượng về lần gặp mặt cách đây hai mươi năm ở T78 ấy vẫn như bài học quý đối với tôi trong cuộc sống. Đó cũng là bài học chung đối với người lãnh đạo, nhất là đối với người làm công tác tổ chức Đảng.



* Nguyên:   - Uỷ viên Trung ương Đảng,

 - Đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm,

 - Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả