Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng

Ngày đăng: 13/04/2012 - 09:04

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội…, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân..., động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước1.

Hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ở cả bốn cấp hành chính. Dưới cấp xã còn có các ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Ở Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 46 tổ chức thành viên, trong đó có năm tổ chức chính trị - xã hội có số lượng hội viên, đoàn viên rất đông là: Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc hoạt động theo nguyên tắc "tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động"2. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bảy Hội đồng tư vấn với nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực.

c39ToancanhDH

Với vị trí đặc biệt trong hệ thống chính trị, cùng với hệ thống tổ chức và nguyên tắc hoạt động như trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những điều kiện cơ bản để tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Thực hiện hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang từng bước được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, nhất là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…

Khác với hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Mục đích hoạt động giám sát của Mặt trận là "nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân"3.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc đã tích cực thực hiện hoạt động giám sát đối với đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ, công chức nhà nước; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành. Nhiều hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc tập trung ở cấp cơ sở thông qua giám sát việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít lĩnh vực giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được cụ thể hóa thành cơ chế nên hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chưa cao.

Thực hiện phản biện xã hội

Vấn đề phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân mà Đảng nêu ra tại Đại hội X, XI, nhất là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), về cơ bản gần giống với những hoạt động đóng góp ý kiến, kiến nghị với Đảng và Nhà nước mà Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã thực hiện từ nhiều năm qua. Theo đó, khi xây dựng dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức bộ máy nhà nước thì "cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự thảo để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp có liên quan tham gia ý kiến"4.

Song, phản biện xã hội là sự đóng góp ý kiến ở mức độ cao hơn, sâu hơn, đòi hỏi tổ chức thực hiện hoạt động phản biện xã hội phải tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc các dự thảo, các dự án, đề án trên cơ sở lý luận và thực tiễn để có kiến nghị phản biện xã hội xác đáng, còn cơ quan được phản biện phải xem xét việc tiếp thu hoặc không tiếp thu thì giải trình và trả lời cho tổ chức phản biện xã hội được biết. Pháp luật hiện hành không có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan chủ trì dự án luật trong việc gửi dự án luật để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia. Các cơ quan chủ trì có thể gửi hoặc không gửi, gửi gấp, gửi chậm… và đặc biệt, không có quy định về sự phản hồi xem có tiếp thu hay không. Mỗi năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tham gia góp ý hàng chục dự án luật, pháp lệnh nhưng nhìn chung chất lượng có nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ phía các cơ quan chủ trì soạn thảo.

Xây dựng Đảng qua quy chế giám sát và phản biện xã hội

Cơ chế đầu tiên để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chính là quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu.

Để làm được điều đó, trước hết, cần có nhận thức thống nhất về sự cần thiết phải có hoạt động phản biện xã hội trong Đảng, Nhà nước và của bản thân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phản biện xã hội không chỉ là việc đóng góp ý kiến, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, cũng không phải là hành động phản đối, bài bác mà là việc bình luận, nhận xét, đánh giá, thẩm định của xã hội đối với sự lãnh đạo, điều hành, quản lý nhằm làm cho sự lãnh đạo, điều hành, quản lý được tốt hơn.

Trước hết là nhận thức đúng đắn và sự thông suốt về tư tưởng của những cơ quan và cán bộ trong bộ máy lãnh đạo và quản lý đối với mục đích, nội dung, phạm vi và phương thức thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Cùng với điều đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm và trình độ, năng lực của các cá nhân, các tổ chức, đoàn thể nhân dân là chủ thể giám sát xã hội và phản biện xã hội.

Cần khắc phục tư tưởng chủ quan, không muốn nghe những ý kiến trái chiều của người chủ trì các dự án, đề án, dự thảo; tâm lý coi thường và bệnh dân chủ hình thức. Đồng thời cũng phải khắc phục trạng thái thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh của chủ thể phản biện không có được ý kiến xác đáng hay do chưa muốn hoặc còn ngại nói thẳng, nói thật.

Phải tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện phản biện xã hội một cách đúng đắn và có hiệu quả. Cần sớm ban hành cơ chế và xác định phạm vi, trình tự, thủ tục phản biện xã hội thống nhất trong toàn quốc. Phản biện xã hội phải thực hiện một cách nghiêm túc, công khai đối với các dự án luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án, theo quy định, phải thông qua phản biện xã hội, nếu không làm đúng quy định thì không được trình ra cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Khi đã có cơ chế thì cần sớm kiện toàn về tổ chức, nhân sự bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc các cấp có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để thực hiện sự phản biện xã hội. Những điều kiện về năng lực, trình độ của cán bộ Mặt trận phải đi đôi với tư tưởng thật sự khách quan, chí công vô tư, hết lòng vì dân, đi liền với bản lĩnh chính trị, lòng trung thành và tâm huyết với nhân dân. Điều kiện để Mặt trận có thể thực hiện chức năng phản biện xã hội còn bao gồm cả điều kiện về phương tiện vật chất và kinh phí bảo đảm cho việc tiến hành phản biện. Tuy nhiên, muốn quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội do Đảng ban hành đi vào cuộc sống thì Nhà nước cần sớm thể chế hóa bằng luật pháp các quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Về việc này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã yêu cầu: "Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua đó, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng"5.

Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề xuất xây dựng dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và đã được Quốc hội khóa XIII nhất trí đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang khẩn trương triển khai thực hiện Dự án luật này để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2013. Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) sẽ là văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

Nguyễn Văn Pha

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chú thích

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 16 (Điều 9).

2. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tr. 13 (Điều 5).

3. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 1999, tr. 11 (Điều 12).

4. Điều 10 Nghị định số 50/2001/NĐ-CP ngày 16-8-2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

5. Thông báo số 237-TB/TW ngày 03-4-2009 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả