Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức vào nâng cao đạo đức cách mạng hiện nay

Ngày đăng: 29/10/2022 - 00:10

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục, coi đây là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Trên cơ sở làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, bài viết đề xuất một số định hướng nhằm vận dụng tư tưởng của Người vào việc nâng cao đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng ở nước ta hiện nay. 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gian trưng bày sách tại Triển lãm ảnh và sách "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tháng 5/2022 tại Hà Nội

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc giáo dục, đào tạo ra các thế hệ công dân ưu tú cho đất nước. Để làm được điều đó, Người chỉ ra, phải thực hiện giáo dục toàn diện trên nhiều mặt như: giáo dục đạo đức (đức dục), giáo dục tri thức, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ... (trí dục), giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe (thể dục), giáo dục về cái đẹp, biết nhận thức và hướng tới cái đẹp (mỹ dục)... Trong đó, Người đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước”(1).

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức không chỉ là giáo dục lòng từ bi, bác ái, yêu cái thiện, ghét cái ác, yêu nước thương nòi mà còn phải giáo dục cả lòng quyết tâm, ý chí tự lực, tự cường, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Trong tác phẩm Đời sống mới, Người viết: “cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(2).

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức tốt là cơ sở nền tảng hình thành con người có ích cho xã hội, có đóng góp cho quê hương đất nước, nếu có tài mà không có đức thì cũng là người vô dụng. Người luôn quan tâm nhắc nhở việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm, Người nói: “Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục. Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”(3).

Theo Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi trong đức dục chính là giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục các phẩm chất, đức tính: Nhân, Dũng, Trí, Tín, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.

Nhân: giáo dục lòng yêu thương con người, yêu thương nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí, sẵn sàng giúp đỡ tận tình đồng chí, đồng nghiệp với động cơ trong sáng, đồng thời phải có lòng bác ái, khoan dung độ lượng, vị tha(4).

Dũng: giáo dục lòng dũng cảm, sự quả quyết, kiên trì, nhẫn nại, có quyết tâm cao độ với tinh thần “dám làm dám chịu”, không ngại hiểm nguy trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao(5).

Trí: giáo dục để biết phân biệt địch - ta, tốt - xấu, chính - tà, phải - trái... biết nhận thức ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hoàn thiện bản thân, phục vụ tốt hơn cho tập thể, nhân dân và đất nước(6).

Tín: giáo dục để “ngôn tất tín, hành tất quả”, tức nói đi đôi với làm, nói phải giữ lời, làm phải có hiệu quả cho tập thể, cho cộng đồng, cho dân, cho nước, như thế mới được tập thể, quần chúng nhân dân tín nhiệm, tin tưởng(7).

Cần: giáo dục đức tính siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai. Phải chống bệnh lười biếng, bởi “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần”(8). Có như vậy mới đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc, từ đó đóng góp cho tập thể, cho cộng đồng, xã hội.

Kiệm: giáo dục đức tính “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, phải biết phân biệt giữa kiệm và bủn xỉn, keo kiệt, tiết kiệm nhưng việc gì cần thiết phải chi tiêu. “Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ”(9).

Liêm: giáo dục liêm chính, không tham quyền cố vị, không tham sắc, tham tài, không tham ô, hủ hóa, luôn giữ vững sự trong sạch, trong sáng trong công việc để phục vụ tập thể, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc một cách tốt nhất.

Chính: giáo dục lòng chính trực, thẳng thắn, đứng đắn trong xử lý ba mối quan hệ: quan hệ với mình, quan hệ với người, quan hệ với công việc.

Trong quan hệ với mình thì không tự kiêu tự đại, luôn cầu tiến bộ, tự kiểm điểm, tự phê bình những lời đã nói, những việc đã làm, để phát huy điều hay, sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.

Trong quan hệ với người thì không nịnh nọt người trên, không xem thường người dưới, thái độ phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, luôn có tinh thần học người và giúp người tiến bộ, luôn quan tâm thực hành bác - ái.

Trong quan hệ với công việc thì luôn đặt việc nước lên trên việc tư, đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn; không sợ khó nhọc, nguy hiểm, luôn có sáng tạo, sáng kiến để đạt được thành công; việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh(10).

Chí công vô tư: giáo dục tinh thần tận tâm, tận lực vì việc công (việc của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của tập thể), không được tư lợi vì “Nếu tự tư tự lợi, lập trường không vững, tư tưởng không thông, thì tài giỏi gì cũng vô dụng”(11). Luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của tập thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng. “Trọng lợi ích của cách mạng hơn tính mệnh của mình. Phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho Đảng”(12).

Đạo đức cách mạng là suốt đời trung thành với lý tưởng của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, các phẩm chất Nhân, Dũng, Trí, Tín, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư có mối quan hệ mật thiết và thống nhất với nhau. Thí dụ như giữa Cần và Kiệm: “CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. CẦN mà không KIỆM, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”... KIỆM mà không CẦN, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái”(13). Chính vì vậy, các phương diện giáo dục Nhân, Dũng, Trí, Tín, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư cũng có mối quan hệ mật thiết, hữa cơ với nhau, tạo điều kiện, tiền đề cho nhau và thống nhất ở mục tiêu là giáo dục, rèn luyện nên những con người sáng ngời đạo đức cách mạng.

2. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức vào nâng cao đạo đức cách mạng ở nước ta hiện nay

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc, là nền tảng để hình thành người công dân tốt, do đó, giáo dục đạo đức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành đạo đức, nhân cách con người. Kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(14).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vẫn còn những hạn chế nhất định: “Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ”(15). Chính vì giáo dục đạo đức chưa được coi trọng đúng mức, nên tình trạng vi phạm chuẩn mực đạo đức, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn còn diễn ra, trong cán bộ, đảng viên. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(16); “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(17); “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”(18); và “Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”(19).

Để khắc phục những hạn chế nói trên, trong thời gian tới, cần kế thừa, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh vào thực hiện tốt một số định hướng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân như sau:

Một là, thống nhất nhận thức và quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và nội dung của giáo dục đạo đức trong toàn Đảng, toàn dân

Cần nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức, đặc biệt là trong bối cảnh có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân như hiện nay. Trước hết, cần nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục đạo đức trong việc đào tạo các thế hệ công dân ưu tú cho đất nước; tiếp đó là thống nhất nội dung giáo dục đạo đức phải bao gồm toàn diện các phẩm chất như: Nhân, Dũng, Trí, Tín, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Đồng thời, phải đặt giáo dục đạo đức trong mối quan hệ mật thiết với trí dục, thể dục, mỹ dục... nhằm hun đúc các thế hệ công dân Việt Nam phát triển toàn diện về mọi mặt. Việc thống nhất và quán triệt quan điểm giáo dục đạo đức của Hồ Chí Minh phải được thực hiện trên cơ sở thống nhất cao độ, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, cùng nỗ lực thực hiện một cách tốt nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cùng với giáo dục đạo đức, phải không ngừng đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng và là nguồn gốc của nhiều căn bệnh khác như: tham danh, tham lợi, tự tư, tự lợi, lợi mình hại người, tự mãn, công thần, tự kiêu, tự đại, tham ô, hủ hóa... Người cũng lưu ý rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân không trái với lợi ích của tập thể, không vi phạm đạo đức cách mạng thì cần tôn trọng và ủng hộ.

Hai là, chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay. Vì đạo đức là gốc, là cơ sở, nền tảng để hình thành người công dân tốt, có ích cho xã hội, nên trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo, cần coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng. “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”(20) như Đại hội XIII đã xác định, để đào tạo các thế hệ công dân phát triển toàn diện, hội đủ đức và tài, vừa hồng vừa chuyên, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, cả phẩm chất và kỹ năng.

Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phải chú ý việc tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, con người là chủ thể của xã hội, đồng thời cũng là sản phẩm của xã hội, chịu sự tác động của môi trường cộng đồng, môi trường xã hội. Do đó, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng, trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo, phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Giáo dục trong nhà trường rất quan trọng, nhưng giáo dục của gia đình và xã hội cũng tác động rất lớn đến quá trình hình thành, nâng cao đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(21).

Ba là, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nhằm tạo điều kiện, tiền đề, động lực thúc đẩy công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân đạt hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân, trước hết phải nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”(22); cán bộ, đảng viên phải chuẩn mực, gương mẫu để quần chúng nhân dân noi theo.

Cần đặc biệt quan tâm nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục như giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Tấm gương đạo đức sáng ngời của đội ngũ này có khả năng thuyết phục, tạo động lực to lớn đối với người học trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện. Người giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục không chỉ cần trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thấm nhuần đạo đức cách mạng và luôn nêu gương tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức... Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”(23). Do đó, đòi hỏi người giáo viên, giảng viên phải “luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị”(24). Thực hiện theo lời chỉ dạy của Hồ Chí Minh: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”(25).

Như vậy, cùng với giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phải xây dựng cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân(26).

(1), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345-346, 591.

(2), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.120, 260, 260, 259, 260.

(3), (22), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.746, 205, 747.

(8), (9), (10), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.120, 122-123, 129-131, 290, 122.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.48.

(14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.74, 82, 92, 95, 108, 85, 136-137, 179.

(23), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.270, 269.

Theo lyluanchinhtri.vn

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả