Vấn đề gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo nguồn nhân lực
Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu xuất phát từ lợi ích của cả hai phía nhà trường và doanh nghiệp, cũng như nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo. Sự gắn kết này không chỉ diễn ra trong quá trình tổ chức đào tạo mà còn diễn ra trước và sau quá trình này, đó là việc xác định nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như đánh giá kết quả đào tạo để có những điều chỉnh phù hợp cho những quá trình đào tạo tiếp sau.
Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp - nhìn từ góc độ đào tạo
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2009 có tới 63% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, 37% được tuyển dụng mà trong đó có tới 9,7% làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, 6,5% không đáp ứng được công việc. Các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí, công sức đào tạo lại thì mới sử dụng được.
Thực tế này chỉ ra rằng việc đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta đang gây lãng phí rất lớn. Tìm nguyên nhân cho những bất cập về cung và cầu của nguồn nhân lực nước ta hiện nay là rất cần thiết để có những đáp án đúng giải quyết bài toán này. Sự lãng phí nhiều nguồn lực cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay là do nhà trường, cơ sở cung cấp nguồn nhân lực và các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực chưa có sự gắn kết với nhau. Nhà trường thì “đơn phương” đào tạo, tổ chức đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa phát triển các chương trình đào tạo, các ngành đào tạo mà xã hội cần. Các doanh nghiệp lại đứng ngoài cuộc, chỉ biết “tuyển chọn” những sản phẩm đào tạo có sẵn để rồi lại “phê phán” nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu của họ. Việc đào tạo một số lượng lớn sinh viên ở những ngành nghề mà xã hội không cần gây tốn kém nhiều nguồn lực về tài chính, thời gian cho cả bản thân người học và xã hội nhưng lại không hiệu quả, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo cũng không gắn với doanh nghiệp để biết những doanh nghiệp này cần những kỹ năng, trình độ, phẩm chất gì ở người lao động để đào tạo theo đúng yêu cầu của họ, dẫn tới việc sinh viên ra trường dù đúng ngành nghề mà doanh nghiệp cần nhưng lại không thể đáp ứng được ngay yêu cầu của công việc mà vẫn phải trải qua một quá trình đào tạo lại tại doanh nghiệp. Như vậy, sau quá trình đào tạo với sự chi phí nhiều nguồn lực, lại tiếp tục tốn kém một số nguồn lực khác của xã hội mới có thể sử dụng được.
Vì vậy, để sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực của xã hội vào quá trình đào tạo mà vẫn đạt mục tiêu là sinh viên ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu của các cơ sở sử dụng nguồn lao động thì phải gắn các cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng. Khi nhà trường đào tạo đúng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp, sinh viên ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề đào tạo và đáp ứng được ngay công việc thì đó là kết quả lý tưởng nhất, các nguồn lực của xã hội được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu. Để làm được điều này thì cách duy nhất là gắn kết nhà trường với doanh nghiệp.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc hợp tác đào tạo với nhà trường
Lợi ích của sự hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã rõ, vấn đề chính là tìm kiếm những mô hình, cách thức liên kết phù hợp, hiệu quả. Sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của nhà trường cần diễn ra ở mọi khâu đoạn, ở đây chỉ tập trung vào khâu tổ chức đào tạo - khâu quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Sự tham gia của doanh nghiệp vào việc tổ chức thực hiện đào tạo tại nhà trường nên tập trung vào một số hoạt động sau:
Trước hết, doanh nghiệp nên tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo bao giờ cũng được tiến hành trên cơ sở chương trình đã định sẵn. Vì vậy, một chương trình chuẩn sẽ là một cơ sở tốt, định hướng tốt cho việc tổ chức thực hiện. Việc xây dựng chương trình đào tạo bao giờ cũng dựa trên yêu cầu về kỹ năng, kiến thức, thái độ đối với người lao động ở từng vị trí công việc. Nhà trường cần biết doanh nghiệp đang cần những gì ở người lao động để xây dựng chương trình đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo. Sự tham gia của doanh nghiệp có thể diễn ra bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị cộng tác viên, các seminar khoa học, tạo ra nhiều diễn đàn để doanh nghiệp có thể nói lên những yêu cầu của họ đối với người lao động, từ đó định hướng cho quá trình biên soạn nội dung, chương trình đào tạo của nhà trường. Thậm chí, việc biên soạn các chương trình đào tạo của nhà trường cũng cần tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia đánh giá, góp ý, phản biện.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho sinh viên đến thực hành, thực tập. Thông thường, các cơ sở đào tạo có hai phần thực tập. Một là cho sinh viên thực tập tại trường sau khi học lý thuyết. Hai là thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp cụ thể do nhà trường sắp xếp hoặc cho sinh viên tự liên hệ. Phần thực tập này là điều kiện để sinh viên dự thi tốt nghiệp (đào tạo theo niên chế) hoặc để công nhận tốt nghiệp (đào tạo theo tín chỉ). Tuy nhiên, việc thực tập cuối khóa tại doanh nghiệp trong một thời gian ngắn (khoảng 2 tháng), lại thiếu sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, chủ yếu là giảng viên ở trường đánh giá thông qua báo cáo thực tập của sinh viên dẫn tới hiệu quả thực tập của sinh viên cũng không cao, thậm chí nhiều trường hợp chỉ mang tính hình thức. Nhiều nhà trường đã nhận thức được những hạn chế này nên đã tổ chức “học kỳ doanh nghiệp” cho sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập chứ không đợi đến khi sinh viên chuẩn bị kết thúc khóa học mới đi thực tập. Những đợt thực hành ngắn ngày nhưng liên tục trong suốt quá trình đào tạo giúp sinh viên được củng cố những kỹ năng, kiến thức đã học trên giảng đường và có những điều chỉnh phù hợp. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các nhà trường đều gặp khó khăn về trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thực hành của sinh viên. Nếu nhà trường có trang thiết bị máy móc thì cũng lạc hậu hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy, sinh viên có sử dụng được các máy móc này thì khi ra làm việc thực tế tại các doanh nghiệp, họ cũng phải tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng. Vì vậy, nếu sinh viên được thực hành ngay tại các doanh nghiệp thì họ sẽ rèn luyện được những kỹ năng sử dụng các máy móc hiện đại nhất, khi ra trường họ sẽ đáp ứng được ngay công việc. Thực hành tại các doanh nghiệp, sinh viên không chỉ được học tập nâng cao các kỹ năng thực hành mà khi đóng vai trò của một người lao động thực thụ, được làm việc trong một môi trường làm việc thực sự, sinh viên còn được rèn luyện một cách toàn diện, đặc biệt là tinh thần, thái độ, kỹ năng giao tiếp nghề nghiệp, những kỹ năng mềm rất cần thiết cho quá trình làm việc của họ. Thông qua những lần thực tập, thực hành của sinh viên, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn được những nhân viên vừa có năng lực, vừa có những đức tính phù hợp với yêu cầu của cơ quan. Rõ ràng đây là một cách tuyển dụng nhân viên chính xác hơn hẳn các cuộc thi tuyển thông thường. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp đều nhiệt tình, tạo mọi điều kiện cho sinh viên đến thực hành, thực tập thì cần phải có cơ chế phối hợp, giao kết hợp đồng chặt chẽ với những điều khoản có lợi cho cả hai bên. Để nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của sinh viên thì doanh nghiệp cũng sẽ phải là người cùng đánh giá kết quả quá trình thực tập của sinh viên.
Thứ ba, doanh nghiệp tham gia bổ sung kiến thức thực tế, thực hành cho đội ngũ giảng viên của nhà trường. Các doanh nghiệp không chỉ tham gia vào quá trình thực hành, thực tập của sinh viên mà còn có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng những kinh nghiệm thực tiễn cho chính giảng viên của nhà trường. Đội ngũ giảng viên có thể nắm rất vững, rất sâu lý luận, kiến thức nhưng nếu thiếu “lăn lộn” với thực tiễn thì không thể có được những kinh nghiệm thực tế giúp cho người học có khả năng thích ứng với yêu cầu của xã hội khi ra trường. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho giảng viên đi thực tế, quan sát, tham quan, tìm hiểu từ đó bổ sung thêm những kinh nghiệm thực tiễn, cộng với kiến thức lý luận sâu rộng của giảng viên chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng khâu tổ chức đào tạo của nhà trường. Điều đó giúp cho bài giảng của giảng viên vừa có kiến thức nhưng cũng vừa chú ý rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm cho sinh viên.
Thứ tư, các nhà kỹ thuật, chuyên môn trong doanh nghiệp cần tham gia có hiệu quả vào quá trình đào tạo của nhà trường. Thực tế cho thấy, những nhà quản lý doanh nghiệp hoàn toàn có thể trở thành những cộng tác viên tin cậy và có chất lượng cho các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay ở một số trường, xuất hiện tình trạng giảng viên thì mạnh về kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nên bài giảng nặng về lý thuyết mà ít rèn kỹ năng, cùng với đó, những chuyên gia được mời do có kinh nghiệm, kỹ năng phong phú nên chỉ tập trung giảng kỹ năng, kinh nghiệm mà thiếu đi phần kiến thức cơ sở, nền tảng gắn với những kỹ năng, kinh nghiệm đó. Vì vậy, các trường cần có “điều phối viên” để phối hợp cũng như bảo đảm chất lượng của việc mời giảng này. Mỗi bài giảng của chuyên gia được mời cần phải được xây dựng trên cơ sở đặt hàng mục tiêu của nhà trường để phù hợp với từng môn học, chương trình học.
Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của nhà trường là biện pháp cơ bản nhất bảo đảm đào tạo theo nhu cầu của xã hội, bảo đảm tính hiệu quả của công tác đào tạo. Trong đó việc tổ chức thực hiện đào tạo là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của quá trình đào tạo. Những định hướng trên chỉ mang tính tổng quát, tuy nhiên, nếu thực hiện có hiệu quả, chất lượng cả bốn định hướng đó sẽ phần nào khắc phục được những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực của nước ta hiện nay.
ThS. HÀ THỊ THÙY DƯƠNG
Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực