Tác giả: Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên)
Số trang: 328
Giá: 52.000đ
Cuốn sách giới thiệu một số nét khái quát về người Khmer Nam Bộ, giới thiệu sâu về tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội, văn hóa - nghệ thuật, phong tục - tập quán, ngành, nghề truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng bào Khmer Nam Bộ có số dân gần 1.300.000 người, sống tập trung ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua quá trình cộng cư lâu đời cùng với các dân tộc khác, văn hóa Khmer đã có sự giao thoa với văn hóa các dân tộc anh em, nhưng cơ bản vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, những cốt cách, tinh hoa của dân tộc mình.
Những ngôi chùa được bố trí, xây dựng, thiết kế theo những nguyên tắc nhất định, thể hiện tín ngưỡng Phật giáo Tiểu thừa Nam tông, tục đi tu - một “nghĩa vụ tự nguyện của nam giới”… là những nét đặc sắc trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer Nam Bộ. Về lễ hội, có thể kể ra một số lễ hội tiêu biểu của cộng đồng Khmer Nam Bộ, như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ cúng ông bà, Lễ cúng trăng, Lễ hội đua ghe ngo, Lễ hội Miếu Thác Côn, Lễ hội đua bò… Trong những ngành nghề đa dạng, phong phú của người Khmer, có thể coi nghề đóng thuyền, làm diều, dệt thổ cẩm, dệt chiếu, làm gốm cổ truyền, nấu đường thốt nốt, đóng xe bò, chế tác các nhạc cụ truyền thống… là những nghề truyền thống lâu đời, vừa góp phần cải thiện đời sống kinh tế vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer…
Ngoài những nội dung trên, còn nhiều nét văn hóa đẹp, đặc sắc, tiêu biểu của người Khmer Nam Bộ mà bạn đọc có thể tìm hiểu trong cuốn sách Văn hóa Khmer Nam Bộ - Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam.
Giao Linh