Văn hóa - nhân tố đảm bảo cho phát triển bền vững

Ngày đăng: 14/04/2014 - 14:04

“Văn hóa là cái còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi”

(Edouard Herriot)

DSCF0626 mua ngua 10

Văn hóa là một khái niệm phổ biến. Cho tới nay, đã có tới vài trăm định nghĩa về văn hóa mà xem chừng các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn chưa thỏa mãn, vẫn muốn chỉnh sửa, bổ sung nên số lượng các định nghĩa có thể còn tăng thêm nữa. Sự nở rộ về định nghĩa không hẳn do sự khác nhau về quan niệm mà chủ yếu là do tính chất rộng lớn, đa dạng của phạm trù văn hóa nên các nhà nghiên cứu tùy theo góc chọn của mình luôn muốn đưa ra một định nghĩa phù hợp.

Nếu quy tất cả những định nghĩa có nội dung tương đồng vào một tập hợp thì suy cho cùng tất cả chỉ là những dạng thức trình bày khác nhau của hai quan niệm rộnghẹp về văn hóa mà thôi. Nhóm định nghĩa theo quan niệm hẹp cho rằng văn hóa thiên về các giá trị tinh thần, gắn với các quan hệ xã hội và đời sống tâm linh. Ngược lại, những người quan niệm theo nghĩa rộng lại đưa ra định nghĩa văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra vì mục tiêu tồn tại và phát triển. Đây cùng là định nghĩa được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) chấp nhận. Theo quan niệm này, văn hóa bao gồm cả những giá trị vật chấttinh thần (phân loại dựa vào mục đích thụ hưởng), vật thểphi vật thể (phân loại theo dạng thức tồn tại của di sản).

Dù cho định nghĩa đã tường minh, nhưng với nội hàm rộng lớn như vậy, văn hóa vẫn là một địa hạt quá mênh mông, không dễ gì hiểu được một cách vừa cụ thể, vừa hệ thống. Xuất phát từ yêu cầu nhận thức, các nhà văn hóa học đã cố gắng vi phân khái niệm này ra các thành tố, theo đó bất kể một chỉnh thể văn hóa nào cũng có 4 thành tố khác nhau, nhưng không hoàn toàn tách rời nhau.

Thành tố thứ nhất là văn hóa sản xuất của cải vật chất, bao gồm những sáng tạo ra của cải vật chất. Đây là thành tố cơ bản, quy định đặc điểm, tính chất của các thành tố khác. Người ta thường gọi văn hóa truyền thống Việt Nam là văn hóa lúa nước cũng hàm ý chỉ sự chi phối của thành tố thứ nhất này.

Thứ hai là thành tố văn hóa đảm bảo đời sống (hay văn hóa sinh hoạt), bao gồm tất cả những sáng tạo ra các dạng thức phục vụ đời sống hằng ngày như ăn, mặc, ở, đi lại…

Thứ ba là thành tố văn hóa quy phạm, bao gồm những sáng tạo trong lĩnh vực tổ chức xã hội như thể chế, luật pháp, phong tục, tập quán, quy phạm đạo đức… Nói chung là những chế định đảm bảo cho sự tồn tại có tổ chức và phát triển bền vững của cộng đồng.

Cuối cùng là thành tố văn hóa tâm linh, bao gồm tất cả những sáng tạo ra các hình thức đáp ứng nhu cầu gửi gắm đức tin của con người. Đó là tôn giáo, tín ngưỡng và các nghi lễ tâm linh khác.

Tất cả những sản phẩm trên đây đều là kết quả hoạt động của con người, hay nói cách khác, con người chính là chủ nhân sáng tạo ra văn hoá. Tuy nhiên, con người không hoàn toàn tự do mà luôn chịu sự tác động, chi phối của ba nhân tố khách quan: Điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và môi trường xã hội. Tương tác của ba nhân tố này với chủ thể văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa.

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, chỉ có văn hóadân tộc là trường tồn mà văn hóa là “hệ gen” của một dân tộc, là cái phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tuy sự so sánh này có thể không thật chuẩn và mang nhiều ý nghĩa tượng trưng vì một bên là những cấu trúc sinh học, một bên là hệ các giá trị xã hội, nhưng hai thực thể này tương đồng ở tính chất “di truyền”. Bản sắc văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác giữ cho một dân tộc là chính mình, không bị biến dạng, tha hóa.

Tuy nhiên, văn hóa không phải là những giá trị nhất thành, bất biến, một lần sinh ra và mãi không biến đổi. Giống như trong tự nhiên, các thực thể sống chịu tác động của ngoại cảnh theo quy luật sinh tồn khiến hệ gen của sinh vật thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện và tăng khả năng thích ứng, văn hoá cũng luôn diễn ra quá trình giao thoa, tiếp biến.

Xét về địa - văn hóa, Việt Nam nằm ở vùng có vị trí giao tiếp, là nơi gặp gỡ của nhiều luồng văn hoá, văn minh nên chịu tác động hằng xuyên của các đợt xung văn hóa từ bên ngoài. Trên ý nghĩa này sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá, bên cạnh việc chăm lo bảo vệ bản sắc, phải rèn giũa bản lĩnh, chủ động mở cửa, hội nhập và coi sự biến đổi, thích ứng với hoàn cảnh như một tất yếu.

Vấn đề này đã được một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc giải quyết rất tốt. Vào những năm 1990, ấn tượng về việc bảo tồn những giá trị truyền thống của Hàn Quốc nên trong một lần có dịp tới làm việc tại một viện nghiên cứu lớn ở Seoul, tôi đã đưa ra câu hỏi về kinh nghiệm gìn giữ bản sắc dân tộc khi đất nước này mở cửa, hội nhập. Câu trả lời của họ làm tôi thật sự bất ngờ, rằng họ không bận tâm nhiều lắm về chuyện ấy vì họ tin vào sức sống mãnh liệt của dân tộc. Điều khiến họ mất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi lại là những giải pháp biến tất cả những gì người Hàn Quốc có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Và họ đã thành công. Thế giới đã nói nhiều về sức mạnh trong đầu tư mạo hiểm của người Hàn đã giúp họ đưa đất nước trở thành một con rồng kinh tế. Triết lý đầu tư này đã được xây dựng trên nền tính cách người Hàn và văn hóa Hàn Quốc.

Đây là kinh nghiệm rất đáng cho Việt Nam suy nghĩ. Thay vì cứ buồn phiền, chê trách về những “yếu kém, hạn chế” trong văn hoá, tính cách người Việt, hãy tĩnh tâm tìm hiểu xem có thể biến tất cả những gì người Việt có thành lợi thế cạnh canh quốc tế hay không?

Không mấy khó khăn để nhìn ra người Việt có đặc tính linh hoạt đến mức tuỳ tiện, thích ăn bớt công đoạn. Nếu để tự phát thì đây một trong những điểm yếu cốt tử, nhưng xét trên một khía cạnh khác thì tính cách này lại tiềm ẩn tính năng động phi thường và khả năng giỏi xử lý tình huống. Và không mấy ai ngờ rằng trong công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực chế tạo phần mềm (software) tính cách này lại được đánh giá cao như một phẩm chất ưu việt.

Để phát triển bền vững, văn hóa còn cần được coi như một tài nguyên đặc biệt. Khác với tài nguyên thiên nhiên (mà phần lớn là phi tái tạo), văn hóa là nguồn tài nguyên vô tận, nếu biết cách khai thác nó còn sinh sôi này nở thêm. Từ các giá trị văn hóa có thể tạo ra các giá trị kinh tế. Có một thực tế rất thuyết phục là những nước có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào đều có nguồn thu từ dịch vụ du lịch rất lớn. Italia là một trường hợp điển hình. Với một diện tích nhỏ hơn Việt Nam, dân số khoảng 60 triệu vậy mà mỗi năm chỉ từ dịch vụ du lịch, nước này thu được hơn 200 tỷ USD (tương đương với 2 năm GDP của Việt Nam).

Nhưng nói biết cách khai thác ở đây còn hàm ý phải có thái độ trân trọng và phương thức khai thác dựa trên nền hiểu biết khoa học, tránh hiện tượng khai thác bừa bãi, vô trách nhiệm, không khác gì việc “khai thác than thổ phỉ” như đang diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều di sản. Cách làm này sẽ làm biến dạng văn hóa, phá hoại di sản và thậm chí làm tổn thương đến cả nền văn hóa.

Văn hóa là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Thành tố văn hóa quy phạm chính là sợi dây bảo hiểm, trong đó quy phạm đạo đức giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Hệ thống các quy phạm và giá trị đạo đức là những tác nhân điều tiết hành vi xã hội cho từng cá nhân và cả cộng đồng.

Trong những năm gần đây, chứng kiến những gì đã và đang diễn ra, không khó để nhận ra rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp tới mức báo động. Bảng giá trị dường như đang bị đảo lộn, những hành vi vô đạo đức có dấu hiệu ngày càng gia tăng, tội ác hầu như không thể kiềm chế… khiến cho mọi người buồn phiền, lo lắng và hoang mang.

Có ý kiến cho rằng đấy là mặt trái của kinh tế thị trường. Có lẽ cách lý giải có phần đơn giản này không thật thuyết phục vì kinh tế thị trường có ở hầu hết các nước chứ đâu chỉ riêng ở Việt Nam. Những hiện đáng lo ngại về đạo đức xuống cấp ở nước ta hiện nay có lẽ phải truy tìm từ những nguyên nhân nội tại, mà trước hết từ sự thiếu hoàn chỉnh của kinh tế thị trường, là sự khiếm khuyết và không tương thích giữa hệ thống luật pháp với nền kinh tế. Có quá nhiều cơ hội cho những hoạt động làm ăn bất chính, có môi trường thuận lợi cho những hành vi lừa đảo, giả dối tồn tại và phát triển… Thêm vào đó giáo dục đạo đức chưa được coi trọng đúng mức, nhất là giáo dục gia đình.

Đã đến lúc chúng ta phải gióng một hồi chuông cảnh báo, không phải chỉ vì sự suy đồi đạo đức, mà hơn thế là sự tha hóa văn hóa và nguy cơ cho tương lai của cả một dân tộc. Phải nhận thức văn hóa chính là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

GS. TSKH. Vũ Minh Giang

Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Bình luận