Vấn đề quyền lực của Quốc hội

Ngày đăng: 22/05/2013 - 13:05

quoc hoiQuốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhận thức đúng đắn phạm vi quyền lực của Quốc hội là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn.

Quan niệm về quyền lực

Quyền lực là khái niệm được loài người nhận biết và nghiên cứu từ rất sớm. Ngay từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng chính trị đã bàn đến phạm trù quyền lực như là một trong những cơ sở chủ yếu nhất để tổ chức đời sống xã hội. Đến nay, lý luận về quyền lực vẫn còn là vấn đề trung tâm của các nghiên cứu chính trị, xã hội. Mặc dù đã được bổ sung, phát triển rất nhiều nhưng hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh khái niệm quyền lực. Quyền lực theo tiếng Latinh là potere, theo tiếng Nga là vlast, theo tiếng Anh là power (tiếng Anh không có động từ quyền lực, vì thế thường phải gắn thêm một động từ vào đó hoặc sử dụng động từ “ảnh hưởng” hoặc “thi hành”).

Dù quan niệm, cách tiếp cận về quyền lực còn có những điểm khác nhau, nhưng các ngôn ngữ đều có điểm thống nhất: quyền lực liên quan đến sức mạnh, sự ảnh hưởng, định hướng, kiểm soát, quản lý, thống trị...

Từ giữa thế kỷ XX đến nay, khoa học chính trị đã được nghiên cứu và phát triển ở nhiều nước phương Tây. Các nhà nghiên cứu đã nêu ra các quan điểm khác nhau về quyền lực. Nhà xã hội học người Anh B.Russel cho rằng, quyền lực là khả năng tạo ra những sản phẩm một cách có chủ ý. Lebi Lipson xem quyền lực là khả năng đạt tới kết quả nhờ một hành động phối hợp. Avin Toffler khẳng định, quyền lực là cái buộc người khác phải hành động theo ý của ta. Như vậy, theo các nhà nghiên cứu này, với nghĩa chung nhất, quyền lực là cái mà nhờ đó buộc người khác phải phục tùng, là khả năng thực hiện ý chí của mình trong quan hệ với người khác.

Theo các tác giả Tập bài giảng chính trị học, quyền lực là mối quan hệ giữa các chủ thể hành động của đời sống xã hội, trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh, vị thế nào đó trong quan hệ xã hội.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, từ góc độ duy vật lịch sử, đã đề cập đến vấn đề quyền lực từ trong bản chất của nó. Đó là, trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào nắm được quyền kiểm soát tư liệu sản xuất thì giai cấp đó nắm được quyền điều khiển, chi phối các lĩnh vực cơ bản khác của xã hội. Cách tiếp cận này là chìa khóa để nghiên cứu vấn đề quyền lực một cách khoa học và hữu hiệu.

Quyền lực là mối quan hệ giữa các chủ thể hành động, trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh, vị thế nào đó trong quan hệ xã hội. Đó là quan hệ giữa hai chủ thể: chi phối và bị chi phối; chỉ huy, ra lệnh và tuân thủ, phục tùng. Dấu hiệu của sự tồn tại quyền lực và quan hệ quyền lực là người (nhóm người) này có thể bắt buộc người (nhóm người) khác phải tuân theo những mệnh lệnh, ý chí của mình. Quyền lực là mối quan hệ xã hội đặc biệt, ai chi phối được mối quan hệ đó thì sẽ buộc được người khác phải phục tùng; việc vận dụng có kết quả mối quan hệ đó sẽ cho phép đạt được mục tiêu nhờ hoạt động phối hợp; việc nắm giữ và sử dụng mối quan hệ đó sẽ cho phép chủ thể có tác động tới hành vi, phẩm hạnh của người khác.

Từ những cách tiếp cận trên đây, có thể đi đến quan niệm: Quyền lực là quyền sử dụng sức mạnh của một chủ thể buộc các chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ sức mạnh và vị thế nào đó trong quan hệ xã hội.

Bản chất, phạm vi quyền lực của Quốc hội

Theo Điều 83 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”1. Vậy, bản chất quyền lực của Quốc hội là gì?

Trước hết, cần hiểu Quốc hội là một cơ quan trong bộ máy nhà nước, được thành lập thông qua phổ thông bầu cử trên phạm vi cả nước. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Tính quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội được thể hiện ở chức năng, quyền hạn của Quốc hội, chỉ có Quốc hội mới có quyền biến ý chí của nhân dân thành ý chí của nhà nước, thành pháp luật - các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc, tính cưỡng chế nhà nước đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Có được địa vị pháp lý đặc biệt như vậy vì Quốc hội là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước được thành lập do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra. Được xác định là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, nhưng Quốc hội không phải là cơ quan tập trung mọi quyền lực. Nhân dân cử đại biểu Quốc hội là người đại diện cho mình nhưng bên cạnh đó còn thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức trực tiếp như: bầu cử; thực hiện quyền tự quyết định khi nhà nước trưng cầu dân ý; giám sát đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, đại biểu dân cử... Quốc hội chỉ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi nhân dân ủy quyền và được Hiến pháp quy định. Đây là căn cứ để đánh giá đúng đắn phạm vi quyền lực của Quốc hội.

Việc loại bỏ tư tưởng về việc Quốc hội tự quy định thêm quyền hạn cụ thể cho mình hoặc cho phép mình được trao thêm quyền lực cho cơ quan thường trực của Quốc hội hoặc Chính phủ như trong Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 là một khuynh hướng tiến bộ, đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong việc tổ chức, phân công quyền lực ở nước ta.

Một thời gian dài, ở nước ta hầu như chỉ nói đến quyền lực nhà nước của Quốc hội mà không nói đến các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như là các nhánh quyền lực nhà nước. Quốc hội được hiểu như là một cơ quan vạn năng, có thể thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp. Quan niệm Chính phủ chỉ là cơ quan chấp hành của Quốc hội đã dẫn đến tình trạng hiệu quả hoạt động của Quốc hội không cao, bản chất, phạm vi quyền lực của Quốc hội bị hiểu sai lệch.

Có ý kiến cho rằng, thông qua hoạt động lập pháp, Quốc hội quy định tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, có nghĩa là Quốc hội đã tập trung mọi quyền lực và phân công cho các cơ quan này thực hiện quyền lực của mình. Quan niệm này không chính xác, vì xét cho cùng thì quyền lực của Quốc hội có nguồn gốc từ nhân dân, thể hiện ở tính đại diện cho nhân dân. Nhân dân đã ủy quyền cho Quốc hội qua bầu cử đại biểu Quốc hội. Nếu xa rời nhân dân trong tổ chức và hoạt động thì Quốc hội không còn là Quốc hội “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, Quốc hội sẽ trở thành một tổ chức “dân chủ hình thức”, hành chính hóa và quan liêu hóa. Tính đại diện của Quốc hội chính là sự thể hiện nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namlà nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”2.

Quốc hội cũng không thể chọn phương thức ủy quyền cho các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước để thực thi quyền lực của nhân dân. Trên thực tế hiện nay, tuy Quốc hội có ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ thực hiện một phần quyền lực của mình trong lĩnh vực lập pháp nhưng đó chỉ là bước đi trong thời kỳ quá độ. Còn về lâu dài, để bảo đảm cho Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì Quốc hội phải trực tiếp thực hiện quyền lực mà Hiến pháp đã trao cho Quốc hội. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, Quốc hội tiến hành các hoạt động lập pháp, quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước là thực hiện chức năng do Hiến pháp quy định chứ không phải là hoạt động ủy quyền quyền lực theo nghĩa đơn thuần.

Đổi mới nhận thức về quyền lực của Quốc hội

Cùng với thực tiễn phát triển của đất nước, nhận thức về thực hiện quyền lực nhà nước, về chức năng, nhiệm vụ, về phân công, phân cấp của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước trung ương tuy đã có rất nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, sự phân công, phân nhiệm chưa được làm rõ, chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Vì vậy, cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Quốc hội. Quốc hội không thể làm thay công việc của Chính phủ, của tòa án và các cơ quan nhà nước khác. Quốc hội cũng không thể ban hành những văn bản thực hiện những hoạt động thuộc chức năng, thẩm quyền của Chính phủ, tòa án ngay cả trong quá trình giám sát.

Có thể thấy, việc nhận thức và đánh giá đúng bản chất quyền lực của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận và thực tiễn. Chúng ta không nên đi quá xa phạm vi quyền lực của Quốc hội và cần phải thay đổi quan niệm cho rằng mọi vấn đề về tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước đều có thể trở thành hiện thực thông qua hoạt động của Quốc hội. Cần thực hiện tốt các quy định về chức năng, nhiệm vụ đã được quy định của Quốc hội, làm cho Quốc hội hoạt động một cách hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó. Đồng thời từng bước đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm cho Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 ThS. Vũ Thị Mỹ Hằng

Học viện Hành chính

1, 2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.44, 13.

 

 



Bình luận