Xã hội hóa xuất bản: “Tấm lọc” thưa dần?

Ngày đăng: 20/07/2011 - 14:07

Trong cơ cấu xã hội hóa xuất bản hiện nay, Nhà xuất bản (NXB) đóng vai trò quyết định là tấm lọc cuối cùng trước khi xuất bản phẩm đến tay bạn đọc. NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân về chất lượng xuất bản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, vai trò của các NXB hiện nay đang ngày càng giảm...

Khó xử

Xã hội hóa xuất bản thông qua hình thức liên kết là một chủ trương đúng của Nhà nước trong tình hình hiện nay. Mối liên kết này đã đem lại lợi ích cho các đơn vị liên kết nhưng mục tiêu chính là đem lại những sản phẩm hay, hấp dẫn cho bạn đọc.

alt

Nhà xuất bản khi đủ lực có thể chủ động cả khâu phát hành

Nhờ mối liên kết này, số lượng sách tăng cao, chất lượng sách được nâng lên. Nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới xuất hiện nhanh chóng ở trong nước với các bản dịch được chăm chút, sách được quảng bá nổi bật. Các tác phẩm trong nước cũng không còn phải chờ đợi đến lượt mới được xuất bản như cái thời có nhà thơ do đợi quá lâu nên đặt luôn tên tác phẩm của mình là “Chầm chậm tới mình”.

Hiện nay, nhiều NXB hầu như chỉ có tên, không có cơ sở hạ tầng, không có đội ngũ nhân lực và như vậy, hầu như mọi việc đều khoán trắng cho tư nhân, kể cả ở những khâu sống còn của NXB như biên tập, chỉnh sửa tác phẩm. NXB chỉ còn mỗi nhiệm vụ xin và cấp giấy phép cho xuất bản phẩm. Và dĩ nhiên, nhiệm vụ ít thì doanh thu cũng ít, những NXB như thế chỉ còn trông chờ vào khoản thu từ quản lý phí nhờ cấp phép xuất bản. Trong lĩnh vực xuất bản người ta gọi giễu cợt kiểu làm này là “bán giấy phép” vì NXB sau khi thu phí thì không còn biết gì đến xuất bản phẩm mà mình cấp phép. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến xuất hiện nhiều cuốn sách dưới mức chuẩn của văn hóa, bị dư luận phê phán nặng nề thời gian qua.

Khổ vì tỷ lệ

Không chỉ đơn thuần “bán giấy phép”, nhiều NXB còn cạnh tranh cả “giá bán”, từ mức quản lý phí 7% trên giá bìa, giảm xuống 5% để chào mời nhà “liên kết”, cuối cùng lại giảm xuống chỉ còn 3%!

Vì đâu mà các NXB phải chịu lép như vậy? Giám đốc một NXB tại khu vực miền Trung tại một hội nghị ngành xuất bản từng thổ lộ: “Tôi không cấp phép thì đối tác họ qua NXB khác, rồi cũng được xuất bản trong khi NXB chúng tôi không có doanh thu”. Thực tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua đã có những NXB doanh thu chạm đáy, không còn tiền trả lương cho nhân viên.

Ở đây có cái vòng luẩn quẩn, doanh thu kém thì khó giữ được người tài. Trong khi đó, nhân lực làm xuất bản ngày càng ít như nhận xét của nhà văn Triệu Xuân, Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TPHCM: “Hiện nay, các thế hệ biên tập vàng những thập niên 80-90 đã rời khỏi công việc, thế hệ người trẻ mới cũng có vài người giỏi nhưng như thế là quá ít cho nhu cầu của hơn 60 NXB trên cả nước hiện nay”.

Với thực trạng như trên thì dù có ra quy định mới chặt chẽ hơn thì các NXB nhỏ cũng không có nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý xuất bản theo luật định. Để tồn tại, nhiều NXB đã phải đồng ý xuất bản những thứ không đáng để xuất bản.

Giải thể hay sáp nhập?

Hiện nay trên thị trường lại xuất hiện một thực tế là thương hiệu đã trở thành một yếu tố sống còn. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen chọn sách của bạn đọc giảm yếu tố lựa chọn theo nội dung, chất lượng mà thiên về tên tuổi của doanh nghiệp, NXB. Ví dụ như khi chọn sách văn học  dịch người ta chú ý đến Nhã Nam, ChiBooks, NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn; sách kỹ năng sống có FirstNews; sách thiếu nhi có Phan Thị, Kim Đồng, Trẻ; sách kiến thức, giáo trình có NXB Giáo dục, Tổng hợp… Khi cần chọn sách theo yêu cầu, việc xuất hiện những cái tên trên có vẻ được xem là một bảo chứng cho chất lượng của tác phẩm.

Chính vì thế các NXB có uy tín rất giữ gìn thương hiệu của mình, NXB Trẻ từng từ chối thực hiện cuốn sách “Chân trần Chí thép”, NXB Kim Đồng loại hẳn những bản thảo không phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát và có biện pháp củng cố các NXB kém năng lực, hoặc có thể là giải thể hay sáp nhập thành những tổ hợp xuất bản nhằm tổng hợp được nguồn lực, tăng cường khả năng hoạt động thực tế, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ngày càng cao của xã hội.

                                                                                         Tường Vy

                                                                                         Theo SGGP

Bình luận