Xác định đối tượng, đối tác trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc
Xác định đúng đối tượng, đối tác trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện quốc tế hóa và toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, sự liên kết giữa các quốc gia dân tộc trở nên ngày càng chặt chẽ, gắn bó hữu cơ trong một thế giới đầy biến động.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Obama tại phòng Bầu dục (Nhà Trắng)
Nằm ở vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị xung yếu trong khu vực, cửa ngõ một lục địa cổ, là bao lơn tiến ra biển có thể kiểm soát các tuyến thông thương giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, trong lịch sử, dân tộc ta luôn phải đối phó với nhiều thế lực ngoại xâm lớn mạnh. Do đó, “dựng nước đi đôi với giữ nước” đã trở thành quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, việc xác định đối tượng, đối tác chiến lược có một vị trí đặc biệt quan trọng, đây là một trong số những điều kiện căn bản nhất để triển khai đường lối đối nội, đối ngoại, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng; định hướng nghiên cứu về nghệ thuật quân sự; tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang sẵn sàng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc.
Để phát huy thuận lợi, hạn chế thách thức, cần có cách nhìn nhận mới và thống nhất về vấn đề đối tác và đối tượng theo nguyên tắc mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đề ra:
- Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta.
- Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta đều là đối tượng đấu tranh.
- Trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể.
Nhờ những định hướng chiến lược mang tính nguyên tắc trên, trong những năm qua, nước ta đã có chủ trương, chính sách đúng đắn để “thêm bạn, bớt thù”, tăng cường sự hợp tác, hữu nghị với các nước trên thế giới. Chúng ta đã tranh thủ khai thác, phát huy được các mặt tích cực của các đối tác trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế được những mặt tiêu cực của các đối tượng, góp phần bảo đảm được sự ổn định chính trị, trật tự xã hội làm nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, có một nội dung căn bản nhất là phải xác định được mục tiêu chiến lược, đối tượng đấu tranh quốc phòng. Nếu không xác định được đối tượng cụ thể thì sẽ không có cơ sở để xây dựng thành chiến lược. Có chỉ ra đối tượng cụ thể mới xác định được âm mưu, thủ đoạn, lực lượng chống phá, từ đó mới đề ra được chủ trương, biện pháp chiến lược đúng đắn, có đối sách phù hợp trong quan hệ và đấu tranh quốc phòng. Không thể xây dựng chiến lược mà không có đối tượng đấu tranh quốc phòng và đối tượng tác chiến cụ thể.
Việc công khai phân loại đối tượng, đối tác hiện nay là một vấn đề rất “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Nhưng không vì thế mà né tránh, bỏ qua, không bàn đến, nói đến, thậm chí chỉ “hiểu ngầm” với nhau vì sợ “va chạm, mất lòng”. Đây là công việc phải làm vì: nếu không chỉ rõ được đối tượng, đối tác trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc sẽ dẫn đến sự mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu tính định hướng về đường lối, chủ trương trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt tác động đối với lực lượng vũ trang trong tổ chức, xây dựng lực lượng, xây dựng các phương án tác chiến, huấn luyện chiến đấu… hoặc dẫn đến những thông tin thiếu tính chính thống lan truyền một cách tự do, tùy tiện kích động dư luận làm tổn hại đến quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Hiện nay, trong quan hệ đối ngoại đã có thể phân loại một số đối tác theo mức độ quan hệ như: đối tác truyền thống, đối tác tin cậy, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện... Đối tác truyền thống, tin cậy là những nước không có khả năng bị lôi kéo chống phá ta; đối tác cảnh giác, đề phòng là nước có thể chuyển thành đối tượng; đối tác đồng thời là đối tượng là những nước đang có âm mưu và hành động chống phá ta. Việc phân loại đối tượng là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự phân tích toàn diện, khoa học, khách quan trên cơ sở đánh giá chính xác cục diện chính trị, xã hội thế giới, khu vực với tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Trong nghiên cứu phân loại đối tượng cần tập trung vào một số nước lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng chi phối đến tình hình quốc phòng, an ninh nước ta. Trong đó cần chú ý đến ba dạng đối tượng: đối tượng đối lập về ý thức hệ có âm mưu tập trung xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đối tượng vì lợi ích dân tộc hẹp hòi đang có tham vọng về chủ quyền lãnh thổ nước ta; đối tượng có thể bị chuyển hóa bởi sự thao túng của nước lớn có âm mưu chống phá ta.
- Đối tượng đối lập về ý thức hệ có âm mưu tập trung xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Với bản chất đối lập về ý thức hệ, đối tượng này cầm đầu liên kết với một số nước đồng minh dùng nhiều thủ đoạn, biện pháp thâm độc hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ kết hợp với nhiều loại hình can thiệp khác (kể cả can thiệp vũ trang) nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền, dựng lên một chính quyền mới chịu sự chi phối về lợi ích chiến lược của chúng. Mục đích chủ yếu của đối tượng này không phải là chiến tranh đánh chiếm đất đai, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, nhưng nếu ta sai lầm trong xử lý các vấn đề về chiến lược, đưa nước ta vào thế đối đầu có thể chúng sẽ tạo cớ, tạo thời cơ tập hợp đồng minh, tiến hành chiến tranh lật đổ. Đây là đối tượng đã được xác định rõ ràng, ta luôn cảnh giác phòng chống. Tuy nhiên, trong quan hệ đối tác về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng còn một bộ phận không nhỏ nhấn mạnh đối tác và xem nhẹ đối tượng, mơ hồ, ảo tưởng chạy theo lối sống thực dụng; mặt khác cũng có bộ phận nhận thức máy móc, cực đoan, nhấn mạnh đối tượng, đòi công khai chỉ mặt, vạch tên, có thể đẩy nước ta vào thế đối đầu trực tiếp, gây bất lợi trong quan hệ hợp tác cùng chung sống hòa bình trong bối cảnh toàn cầu hóa.
- Đối tượng vì lợi ích dân tộc hẹp hòi đang có tham vọng về chủ quyền lãnh thổ nước ta
Đây là đối tượng có thể tương đồng về ý thức hệ, cùng thống nhất con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng đấu tranh để bảo vệ sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội, nhưng vì lợi ích dân tộc hẹp hòi đã và đang có tham vọng về chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ nước ta. Thực tế độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ nước ta đã bị xâm phạm công khai, trắng trợn và sẽ tiếp tục bị uy hiếp, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ diễn ra xung đột vũ trang và chiến tranh giới hạn khi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo nước ta bị chiếm đoạt. Nhận thức về đối tượng này không khó vì những sự kiện đã diễn ra. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hai luồng ý kiến trái chiều. Một là, sự tương đồng về ý thức hệ sẽ giúp ta vượt qua một số rào cản, tạm gác các bất đồng, nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện về lợi ích, cùng tồn tại phát triển một cách hòa bình, ổn định. Ý kiến này có thể dẫn đến sự chủ quan coi nhẹ mặt đối tượng, dẫn đến sự bị động, bất ngờ về chiến lược, thiếu chuẩn bị để có biện pháp đối phó hiệu quả khi chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm, chiếm đoạt. Hai là, sự bất đồng về lợi ích chiến lược trong tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ khó có khả năng dung hòa, nhất là khi nước ta cả thế và lực chưa phải là đối thủ xứng tầm để có thể tự bảo vệ, do vậy phải chỉ rõ để có các biện pháp chiến lược liên kết, phòng ngừa. Đây là ý kiến dễ bị lợi dụng, kích động dư luận, gây phân hóa nội bộ, đòi hỏi liên kết với nước này để chống nước kia bảo vệ mình, nhưng thực chất là rơi vào thủ đoạn của một số nước lớn trong kiềm chế lẫn nhau, đưa nước ta vào thế đối đầu với nước khác.
Đối tượng nêu trên rất “nhạy cảm” trong quan hệ ngoại giao, nhưng không thể không xác định. Đối với loại đối tượng này, về mặt mục tiêu chiến lược, ta phải kiên định giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và bảo đảm toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ. Về biện pháp chiến lược phải khôn khéo, mềm dẻo, nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện, kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược, phát huy những mặt tương đồng, tranh thủ tối đa mặt đối tác cùng tồn tại, phát triển hòa bình; từng bước thu hẹp những bất đồng trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặt khác, ta cũng cần nghiên cứu kỹ đối tượng, có những biện pháp phòng ngừa trong một số tình huống có những xử lý sai lầm ở cấp chiến lược, không để bị động, bất ngờ khi xảy ra xung đột, chiến tranh.
- Đối tượng có thể bị chuyển hóa bởi sự thao túng của nước lớn có âm mưu chống phá ta
Đây là một số nước bị các nước lớn thao túng về lợi ích. Trong điều kiện bình thường họ có thể là những đối tác tốt, tương đồng về lợi ích, tuy có thể còn có một số khác biệt về chế độ chính trị, về lợi ích đối ngoại. Ở trong những điều kiện nhất định, họ có thể bị lôi kéo, thao túng, phụ họa. Trong nghiên cứu chiến lược, các đối tượng này cần phải có sự phân tích, đánh giá chính xác, sâu sắc theo xu thế phát triển về tương quan lực lượng, phát triển về lợi ích dân tộc, để có chủ trương, biện pháp chiến lược đúng đắn nhằm xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị bền vững giữa các dân tộc, phát huy tối đa mặt đối tác trong liên kết, liên doanh về lợi ích, chống sự chuyển hóa đối tác thành đối tượng để phá thế phong tỏa, kiềm chế của địch khi xảy ra tình huống chiến tranh.
Như vậy, các loại đối tượng nêu trên đều là những đối tượng mà chiến lược bảo vệ Tổ quốc đang và sẽ phải thường xuyên liên tục đấu tranh, phòng ngừa. Tuy nhiên, trong đối tượng vẫn có mặt đối tác, trong đối tác vẫn có mặt đối tượng, hai mặt đối tượng, đối tác tồn tại song song không ngang bằng nhau, trong đó mặt đối tượng cần phải đặc biệt quan tâm. Mặt khác, xét về tính chất của các loại đối tượng cũng không giống nhau, thậm chí có mặt khác nhau căn bản liên quan đến chủ trương, giải pháp chiến lược.
Điều đó cho thấy, không thể đánh đồng các đối tượng khi nghiên cứu đề ra chủ trương, giải pháp chiến lược. Mặt khác, trước các diễn biến mau lẹ, phức tạp về tương quan lực lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng, phân tích đánh giá một cách khách quan, khoa học, khắc phục khuynh hướng cứng nhắc trong nhận thức về đối tượng, đối tác.
Trung tướng, PGS. TS. NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực