Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện

Ngày đăng: 15/07/2014 - 08:07

Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương (TW) 5 khóa VIII-một nghị quyết có ý nghĩa như chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới - Hội nghị TW9 khóa XI đã ra nghị quyết về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. So với Nghị quyết TW5 khóa VIII thì tại nghị quyết lần này, xây dựng con người Việt Nam được đưa lên tiêu đề của nghị quyết và là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa. Đây là nét đặc sắc của Nghị quyết TW9 về văn hóa, là kết quả trực tiếp của thành tựu phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới.

Trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta quan niệm văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật (khoa học) và nghệ thuật với vai trò “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 53 năm sau, năm 1998, khi ban hành Nghị quyết TW5 khóa VIII, Đảng ta xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế - xã hội”. Tổng kết 15 năm thực hiện chiến lược văn hóa này của Đảng, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa, một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng thuộc đời sống tinh thần của xã hội và con người. Cốt lõi của các giá trị văn hóa là hệ tư tưởng, vì nó giữ vai trò kết dính, định hướng các chuẩn mực giá trị của các cộng đồng văn hóa. Văn hóa biểu hiện trong các giá trị cơ bản, trong các động cơ, niềm tin khi con người ứng xử trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực đời sống. Do đó ta có thể nói đến: văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa giao tiếp, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tôn giáo, văn hóa gia đình…

Xdung vhoa1

PGS. TS. Đào Duy Quát

Từ những quan niệm cơ bản về văn hóa trên đây, chúng ta nhận thức được những vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa.

Trước hết, nói văn hóa là nói tới con người, là nói tới việc phát huy những năng lực bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Do đó, khái niệm văn hóa chứa đựng tính chất nhân văn. Cơ sở của mọi hoạt động văn hóa là khát vọng hướng tới chân - thiện - mỹ. Vì văn hóa là sự phát huy các năng lực bản chất của con người, là sự thể hiện đầy đủ nhất chất người, nên văn hóa có trong tất cả các hoạt động của con người. Cũng từ quan niệm bản chất văn hóa trên, chúng ta nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa.

Thứ hai, văn hóa là mục tiêu phát triển của kinh tế - xã hội và của đất nước. Văn hóa thể hiện trình độ được vun trồng ngày càng cao, ngày càng toàn diện của con người và của xã hội; khiến con người, xã hội ngày càng đổi mới tiến bộ, tiến tới cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc và văn minh. Trong đó bản chất nhân văn, nhân đạo của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng được bồi dưỡng phát huy và trở thành hệ giá trị cao đẹp và chuẩn mực của toàn xã hội. Mục đích này là khát vọng của toàn nhân loại. Đây cũng là mục tiêu lý tưởng phấn đấu của CNXH khoa học.

Thứ ba, văn hóa là động lực phát triển vì văn hóa kết tinh, khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Trong thời đại ngày nay, để phấn đấu đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh không chỉ phụ thuộc vào nhiều hay ít lao động, vốn, kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên… mà chủ yếu là khả năng phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa, nghĩa là trong ý chí tự cường và khả năng hiểu biết; trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ… của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Để văn hóa trở thành động lực thì giải pháp của mọi giải pháp là phải hướng vào việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; các chính sách, cơ chế cho phát triển phải hướng vào việc tạo điều kiện, cơ sở cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người. Văn hóa trong lãnh đạo, văn hóa trong quản lý, văn hóa trong sản xuất kinh doanh, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa sinh hoạt gia đình và ngoài xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế… Nói cách khác, hàm lượng trí tuệ và văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội con người ngày càng cao bao nhiêu thì khả năng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của đất nước càng trở nên hiện thực bấy nhiêu.

Thứ tư, văn hóa là hệ điều tiết của sự phát triển. Văn hóa phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan, chủ quan, của các điều kiện bên trong và bên ngoài bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong nền kinh tế thị trường, văn hóa dựa vào chuẩn mực của cái đúng, cái tốt, cái đẹp để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả… tạo nên sức cạnh tranh ngày càng cao. Văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, chủ động liên kết, hợp tác để phát triển với sức mạnh của các giá trị văn hóa, mới có khả năng hạn chế, đẩy lùi tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Trong thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, văn hóa góp phần tăng cường sự hiểu biết mở rộng giao lưu hợp tác về nhiều mặt giữa nước ta với các nước khác, trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Trong lĩnh vực kinh tế, mở cửa hội nhập kinh tế là để tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với nước ngoài; song mọi yếu tố ngoại sinh như vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường nước ngoài… chỉ có thể biến thành động lực bên trong của sự phát triển, nếu chúng được vận dụng phù hợp với các yếu tố nội sinh như là yếu tố trọng tâm; tức là con người Việt Nam với truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm hồn, lối sống dân tộc. Ở đây, văn hóa dân tộc phải đóng vai trò định hướng, điều tiết để mở cửa hội nhập nhưng vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng được nền kinh tế độc lập; hợp tác với bên ngoài nhưng không bị người ta lợi dụng biến mình thành kẻ đi vay nặng lãi, thành nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, thành nơi tiêu thụ hàng hóa ế thừa, thành “bãi rác công nghệ lạc hậu”; đặc biệt là thành nơi tiếp nhận lối sống lai căng, trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác.

Xdung vhoa2

Cảnh trong vở chèo “Sáng trong như ngọc một con người” của Nhà hát Chèo Quân đội,

ca ngợi phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Ảnh: Đào Thế

Từ những nhận thức sâu sắc trên đây về nội hàm của văn hóa và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh CNH - HĐH, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… đã tạo cơ sở lý luận cho Đảng ta hình thành bổ sung và phát triển 3 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết TW9 khóa XI là:

1- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

2- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng: Dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

3- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Cũng trên cơ sở nhận thức sâu sắc quan niệm về văn hóa và vai trò của văn hóa trong thời kỳ phát triển mới, Đảng ta đã hình thành mới 2 quan điểm chỉ đạo xây dựng phát triển nền văn hóa rất đặc sắc, thể hiện bước phát triển mới trong tư duy lý luận về văn hóa của Đảng ta đó là: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; và: xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Sự hình thành hai quan điểm chỉ đạo mới này cũng trên cơ sở nhận rõ những yếu kém, hạn chế trong việc xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa thời gian qua. Đúng như Nghị quyết TW9 đã chỉ rõ: So với những thành tựu trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng… môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng.Và đây cũng là một trong những nguyên nhân của “kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh thấp”. Nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới chưa được đẩy lùi mà còn có chiều hướng gia tăng.

Hai quan điểm chỉ đạo trên đây đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị khi triển khai thực hiện phải quán triệt và xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng kinh tế với phát triển văn hóa, phải xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách văn hóa trong kinh tế và chính sách kinh tế trong văn hóa, bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Việc xây dựng các mục tiêu giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu giải pháp văn hóa, chăm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất kinh doanh. Xây dựng văn minh thương nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa sinh thái…

Chương trình xây dựng và phát triển văn hóa phải vì mục tiêu phát triển toàn diện con người, hoàn thiện nhân cách con người. Trong chương trình xây dựng và phát triển văn hóa phải xác định nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Do đó, các lĩnh vực văn hóa như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, VHNT, báo chí truyền thông, di sản văn hóa, thiết chế văn hóa, văn hóa tôn giáo, giao lưu văn hóa… và tất cả các thành tố của môi trường văn hóa (gia đình, các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang, các bản làng, phường, xã…) trong chương trình hoạt động của mình phải hướng tới hiện thực hóa mục tiêu chung: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

PGS. TS. ĐÀO DUY QUÁT

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận,

Phê bình VHNT Trung ương

(Theo Quân đội nhân dân cuối tuần)



 

 

Bình luận