Xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới trong xu thế hội nhập hiện nay

Ngày đăng: 13/06/2013 - 15:06

Xây dựng thế trận quốc phòng ở khu vực biên giới mang tính tổng hợp bao gồm: thế trận quân sự, an ninh, đối ngoại và “thế trận lòng dân”. Trong đó xây dựng “thế trận lòng dân” giữ vai trò nền tảng, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc” (1).

Sâu rễ, bền gốc vẫn là “nơi sức dân”

Xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới là quá trình khơi dậy, phát huy nhân tố chính trị tinh thần của nhân dân các dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong một thế trận biên phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bài học lịch sử đã chỉ rõ: Khi được “lòng dân” thì thắng, mất “lòng dân” thì thất bại; “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các triều đại phong kiến Việt Nam có nhiều bậc vương gia, đại thần, tướng lĩnh biết dựa vào dân, vào binh sĩ để tạo nên sức mạnh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Vào thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã có tư tưởng “vượt thời đại” - “chúng chí thành thành” - tức là lấy ý chí của dân chúng làm tòa thành kiên cố chống ngoại xâm. Đây cũng được xem là nguyên nhân căn bản để quân và dân nhà Trần ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên. Tư tưởng này của ông còn được thể hiện trong lời di huấn: muốn được lòng dân, muốn dựa vào dân thì kế lâu dài “sâu rễ, bền gốc” vẫn là “nơi sức dân”.

Ngược lại, đến thời Hồ Quý Ly mặc dù quân số đông, vũ khí tốt nhưng mất “lòng dân” nên nền chính trị suy yếu. Trong cuộc họp triều đình bàn việc chống quân Minh xâm lược, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Sau này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên bàn rằng, “mệnh trời là ở lòng dân, câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó”. Đến thời nhà Lê, Nguyễn Trãi cũng đã phân tích Hồ Quý Ly bị dân chúng chống lại, thân thích phân ly, quân sĩ trăm vạn người, trăm vạn lòng nên thất bại. Còn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, trên dưới đồng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ bất quá vài mươi vạn nhưng ai cũng đồng lòng nên đã thành công…

Kinh nghiệm mấy nghìn năm lịch sử cho thấy, những người trị vì đất nước biết trọng dân, yêu dân, dựa vào sự đồng lòng, gắng sức của dân thì có được “quốc phú binh cường”. Trái lại, chỉ lo “vinh thân phì gia”, mặc cho dân đói khổ, lầm than, dẫn đến đối lập giữa triều đình với đông đảo nhân dân thì đất nước suy yếu, làm “mồi” cho giặc ngoại xâm.

Khó khăn trong xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới

Có thể khẳng định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới sẽ không thể hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của “thế trận lòng dân” mà trực tiếp là dựa vào sức mạnh của “triệu tai, triệu mắt, triệu chân tay” của đồng bào các dân tộc đang định cư ở khu vực biên giới.

Những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng, đã thể hiện hình ảnh của biên giới lòng dân, của chiến tranh nhân dân. Biên giới dù sau này có được trang bị công nghệ hiện đại thế nào cũng không thể quản lý nổi nếu không dựa vào thế bố trí chiến lược, thế trận nhân dân ở địa bàn quan trọng đặc biệt này.

Nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến phát triển toàn diện khu vực biên giới, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước. Với nhiều chính sách kinh tế - xã hội mang tính đặc thù, Nhà nước và các tỉnh biên giới đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào khu vực biên giới tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội ở vùng này. Đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, dân chủ xã hội được phát huy, mối quan hệ Đảng, chính quyền với nhân dân và lực lượng vũ trang được tăng cường. Đó chính là cơ sở và môi trường kinh tế - xã hội quan trọng để đồng bào đặt niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào công cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” trong thế trận biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhất là trong xu thế hội nhập, đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới. Đó là chênh lệch giàu nghèo giữa vùng biên giới với các vùng khác trong cả nước có xu hướng gia tăng, bởi những nơi này ít có cơ hội thuận lợi để vươn lên trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 11,76%, trong đó ở các tỉnh miền núi rất cao, khoảng 20 - 30%; thậm chí ở một số huyện biên giới phía Bắc, tỷ lệ này lên tới 60 -70%, như: huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (71,14%); huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng (63,41%); huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (61,42%). Cùng với đó, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, tỷ lệ phát sinh nghèo mới và tái nghèo khoảng trên dưới 10% (2). Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền, có khoảng 75% số xã thuộc khu vực 3 (khu vực chậm phát triển nhất); nền kinh tế vẫn nặng về tự nhiên, tự cung, tự cấp, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn.

Ở khu vực thị trấn, thị xã, cửa khẩu đang phải đương đầu với tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nảy sinh những vấn đề đáng lo ngại về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, như tình hình truyền đạo trái pháp luật, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển ma tuý, buôn bán phụ nữ qua biên giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Biên giới “mở cửa” đã thực sự trở thành thương trường. Vì mục đích làm giàu với bất cứ giá nào, một số người, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên đã bị sa ngã, thoái hóa, biến chất. Đồng bào các dân tộc đang định cư ở đây, nhìn chung đại bộ phận có nhận thức và trách nhiệm tốt đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, tuy nhiên cũng đã xuất hiện những tư tưởng thờ ơ, né tránh, hoặc đòi hỏi quyền lợi khi tham gia bảo vệ biên giới. Thậm chí, một bộ phận bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động có hại cho an ninh quốc gia. Lợi dụng xu thế mở cửa hội nhập và tình hình đời sống đồng bào dân tộc còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, các thế lực thù địch được hỗ trợ đắc lực, trực tiếp về mọi mặt từ bên ngoài tăng cường hoạt động chống phá, nhất là trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, kích động, gây mất lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Một số biện pháp để xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới hiệu quả

Để tiếp tục củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, kết hợp chặt chẽ chính sách kinh tế và chính sách xã hội hợp lòng dân tạo môi trường thuận lợi, ổn định dân cư lâu dài ở khu vực biên giới.

Phát triển kinh tế gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội là bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là định hướng quan trọng trong đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, Đảng ta rất coi trọng sự kết hợp này, nhất là đối với những địa bàn khó khăn như vùng biên giới và đã phát huy hiệu quả nguồn lực con người tại chỗ trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Tuy nhiên, trên thực tế cũng đã bộc lộ những khuynh hướng khác nhau, hoặc quá coi trọng phát triển kinh tế, chưa thực sự coi trọng các vấn đề xã hội dẫn đến tư tưởng làm giàu với bất cứ giá nào ở một số nơi, một số người; hoặc quá chú trọng tới các vấn đề xã hội chưa quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế tạo nên sự trông chờ, ỷ lại trong đồng bào các dân tộc, làm cho nội lực của khu vực biên giới không được phát huy hiệu quả cao nhất.

Vấn đề đặt ra là phải xác định mối quan hệ hợp lý giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, bảo đảm cho những vùng khó khăn như ở vùng biên giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đồng thời vẫn bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Sự kết hợp này phải được thể hiện ngay từ trong chiến lược phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, trong từng kế hoạch dài hạn và hằng năm, trong các chương trình, dự án cụ thể đối với vùng này. Mọi chính sách kinh tế đều phải tính đến hiệu quả xã hội. Mọi chính sách xã hội phải gắn chặt với phát triển kinh tế. Sự kết hợp trên phải được quán triệt tới tất cả các cấp các ngành, đến mọi cán bộ và người dân để tránh mọi khuynh hướng lệch lạc có thể xảy ra.

Với chủ trương đó, trong những năm tới cần tiếp tục đầu tư thỏa đáng nhằm chấn hưng kinh tế vùng biên cương, tạo môi trường thuận lợi để ổn định dân cư tại chỗ và thu hút dân từ nơi khác đến với biên giới. Coi trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo bảo đảm về đất đai, nhà cửa, lương thực, thực phẩm, các phương tiện phục vụ cho việc học hành, chữa bệnh và sản xuất. Tạo điều kiện về giống, vốn kỹ thuật và có chính sách tiêu thụ sản phẩm do đồng bào làm ra, dù trước mắt lãi ít, hoặc chưa có lãi, thậm chí bị lỗ cũng nên làm.

Đồng thời với chính sách phát triển kinh tế, cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội ở khu vực biên giới. Cấp thiết hiện nay là tổ chức dạy chữ, xóa mù và chống tái mù, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học. Tổ chức xây dựng đời sống văn hóa mới cho đồng bào trên cơ sở kế thừa, khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Huy động sức mạnh cộng đồng các dân tộc sinh sống ổn định cuộc sống, định canh, định cư lâu dài ở khu vực biên giới, tích cực sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Hai là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ đảng viên, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới.

Để củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân các dân tộc về truyền thống hào hùng của dân tộc, của địa phương và từng dân tộc trên cả nước. Tuyên truyền hiệu quả cho mọi người dân nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của địa phương về củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng thế trận trong tình hình mới; hiểu biết đầy đủ về xu thế hội nhập cũng như âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm tạo nên sự đồng thuận “ý Đảng lòng dân”. Trên cơ sở đó, mỗi người dân nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương, nâng cao cảnh giác cách mạng, tỉnh táo đề phòng các thủ đoạn chống phá cách mạng của kẻ xấu, tạo sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.

Ba là, vạch rõ các quan điểm sai lầm, luận điệu phản động của các thế lực thù địch; khắc phục hệ lụy và sự tác động tiêu cực mặt trái của kinh tế thị trường trong xu thế hội nhập.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Lợi dụng tình hình hình đó, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, trong đó khu vực biên giới là một trong những địa bàn trọng điểm. Vì vậy, đòi hỏi cấp thiết hiện nay là đề cao cảnh giác, thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, nhân dân, nhất là những diễn biến mới về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch và những tác động tiêu cực mặt trái của kinh tế thị trường. Nắm vững tư tưởng, tâm lý nguyện vọng của nhân dân và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở,... để phân tích, tổng hợp, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp nhằm giáo dục, vận động nhân dân nhận thức rõ tình hình, đánh giá đúng bản chất, âm mưu của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin, biết đấu tranh phê phán những tư tưởng lệch lạc, lối sống lai căng thiếu lành mạnh, đồng thời đưa ra được quan điểm lập trường đúng đắn, có chính kiến đúng - sai rõ ràng, hiểu rõ bạn - thù, đối tượng - đối tác. Đấu tranh mạnh mẽ lối sống quan liêu, chuyên quyền, cơ hội, lãng phí, tham nhũng, bê tha, biến chất, thiếu văn hóa trong xã hội và nhất định không để cho những tác động xấu đó “ngấm” vào địa bàn.

Bốn là, đổi mới công tác vận động quần chúng của bộ đội biên phòng nhằm tăng cường đoàn kết quân dân ở khu vực biên giới trong tình hình mới.

Bài học về tình đoàn kết quân dân bền chặt góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của lực lượng bộ đội biên phòng trong nhiều thập kỷ qua càng khẳng định việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để củng cố, tăng cường quan hệ máu thịt giữa bộ đội biên phòng và đồng bào các dân tộc, một trong những biện pháp quan trọng là phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bộ đội biên phòng phải ra sức phấn đấu, làm tròn vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân; đồng thời có nhiều hình thức, phương pháp tiến hành công tác xây dựng khối đoàn kết quân dân, thực hiện hiệu quả chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Trước mắt cần tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nhất là việc tuyên truyền, vận động, giáo dục hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt phong trào xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai và các tệ nạn xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện tốt phương châm: thận trọng, kiên nhẫn, kiên quyết, hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của địa phương để nghe được dân nói, nói cho dân hiểu. Coi trọng “lời nói đi đôi với việc làm”, “làm trước, nói sau”, làm đến đâu, chắc đến đó, lấy hiệu quả công tác làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội trên từng cương vị được giao. Đồng thời, bộ đội phải luôn có thái độ và ý thức chấp hành nghiêm túc mười hai điều kỷ luật trong quan hệ quân, dân; rèn luyện ý thức tự giác, tính độc lập tự chủ, nhất là trong điều kiện công tác xa đơn vị; tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của địa phương, nhân dân; xây dựng đạo đức lối sống giản dị, khiêm tốn, thương yêu hết lòng đối với đồng bào, tâm huyết, có trách nhiệm trong công việc tạo nên tình đoàn kết quân dân bền chặt bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia./.

Chú thích:

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 109

(2)Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011.

ThS. Nguyễn Xuân Bách, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, Hà Đông, Hà Nội

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Bình luận