Xây dựng và phát triển Thái Nguyên ngày càng văn minh, giàu đẹp

Ngày đăng: 28/05/2012 - 11:05

 

 

 

 

Thái Nguyên là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; là địa bàn thuộc chiến khu cách mạng Việt Bắc nổi tiếng. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn một lòng, một dạ theo Đảng, lập nhiều thành tích vẻ vang, viết tiếp những trang sử oanh liệt, hào hùng của ông cha ta trong hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Từ những năm 1940-1941, Thái Nguyên đã có vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm nơi xây dựng Khu căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui độc lập đã phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống sự tái chiếm của thực dân Pháp. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã chọn Việt Bắc là địa điểm xây dựng An toàn khu cho Trung ương.

Với vị trí “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và là “nơi có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt”, sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã chọn Thái Nguyên, Bắc Kạn và Tuyên Quang làm căn cứ địa cách mạng, là Thủ đô của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả nước. Trong đó, Định Hóa - Thái Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn để xây dựng trung tâm căn cứ địa tuyệt mật. Bởi vì, Định Hóa: Do địa hình thuận lợi, nhưng không phải chỉ địa hình, địa hình thì nhiều nơi còn thuận lợi hơn, nhưng mà nhân dân cách mạng, các dân tộc tham gia sớm, cho nên đó cũng là An toàn khu nữa, là chỗ dựa cho cách mạng. Thời gian đó khó khăn, cách mạng mới phát triển, nên việc nhân dân các dân tộc tham gia như thế có ý nghĩa rất quan trọng đối với cách mạng cả nước. Trong miền Nam, miền Trung với các nơi khác đều hướng về đấy.

Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ATK Định Hóa. Cùng với Bác, Tổng hành dinh rút khỏi Hà Nội, tiến về Chiến khu. Cùng với các tỉnh trong vùng Việt Bắc, Thái Nguyên mở rộng vòng tay đón hàng ngàn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận lên tản cư. Từ đây, “Thủ đô gió ngàn” bắt đầu trọng trách lớn lao của mình cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại ATK Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ra nhiều quyết định liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; là nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch Thu-Đông 1947, nơi phát lệnh Chiến dịch Biên giới năm 1950, bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của chiến thắng “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, chiến đấu, bảo vệ Thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng cho cả dân tộc.

Trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, trước cuộc tấn công ồ ạt của địch lên căn cứ địa Việt Bắc, ngày 15-10-1947, tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp” và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích cùng toàn thể đồng bào ra sức đánh giặc.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và hưởng ứng thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng dân quân tự vệ, du kích tỉnh Thái Nguyên đã nêu cao tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 123 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 490 tên địch và làm bị thương hơn 100 tên khác; bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B.24, thu nhiều vũ khí và trang bị, góp phần cùng với quân và dân cả nước đập tan cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các mặt trận, quân và dân Thái Nguyên còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ và cơ quan Trung ương trong các cuộc hành quân cơ động, sơ tán chiến lược từ Điềm Mặc, Định Hóa về Liên Minh, Võ Nhai, từ Liên Minh về Phú Đình, Định Hóa để lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch giành thắng lợi.

Phát huy tinh thần thắng lợi của chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947, quân và dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho Chiến dịch Biên giới 1950.

Với trên 60 trận chiến đấu, quân và dân Thái Nguyên đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 800 quân Pháp, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 3 ca nô, tàu chiến, thu 160 súng bộ binh, làm thất bại hoàn toàn cuộc tấn công “Phôcơ” của thực dân Pháp, trực tiếp bảo vệ an toàn cửa ngõ phía nam của Trung tâm ATK.

Ngày 6-12-1953 tại Tỉn Keo, Phú Đình, Định Hóa, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp nghe Tổng Quân ủy Trung ương báo cáo và quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong cuộc tổng tấn công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Quân và dân Thái Nguyên vừa tiếp tục bảo vệ an toàn cho Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng đóng trên địa bàn, vừa chi viện sức người, sức của góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại chấn động địa cầu”.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa ra sức khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa tích cực xây dựng lực lượng vũ trang cùng với quân dân cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, vì miền Nam ruột thịt, lớp lớp thế hệ con em các dân tộc trong tỉnh đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm ở các chiến trường và lập công xuất sắc. Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên tự hào, vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc Khu công nghiệp gang thép luyện kim đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các nhà ga tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên ngày đêm chuyển quân và chi viện hàng hóa cho chiến trường miền Nam và bắn rơi chiếc máy bay B.52 thứ 1.000 trên bầu trời quê hương Việt Bắc; cùng nhân dân cả nước, đã viết nên trang sử hào hùng đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Thái Nguyên có hơn 120 ngàn con em các dân tộc đã lên đường đánh giặc, trong đó có 10 ngàn người con ưu tú đã hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập tự do của dân tộc; hơn 5 ngàn anh chị em trở thành thương, bệnh binh; hàng ngàn đồng chí đã trở thành dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng trên các mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất.

Đất nước hòa bình, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay lớn lao trên quê hương cách mạng. Từ một tỉnh miền núi, với nền sản xuất tự cấp tự túc, trình độ canh tác lạc hậu, đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân còn hết sức nghèo nàn, đến nay, sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, đặc biệt là từ năm 1997, khi tỉnh Thái Nguyên được tái lập, nền kinh tế của tỉnh đã phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích  cực (so với năm 2000, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng năm 2011 tăng từ 30,37% lên 41,77%; dịch vụ tăng từ 35,94% lên 36,95%; nông, lâm nghiệp giảm từ 33,68% còn 21,28%), đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2009 và trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình của cả nước và phát triển khá trong vùng trung du miền núi phía bắc.

Sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010”, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các chương trình hành động cụ thể qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII, XVIII để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Thái Nguyên phát triển xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh. Trước đây, tỉnh mới chỉ có một số cơ sở công nghiệp, chủ yếu tập trung tại khu vực thành phố Thái Nguyên; đến nay, tỉnh đã có 7 khu công nghiệp tập trung và 28 cụm công nghiệp vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng ở các địa phương; nhiều dự án sản xuất công nghiệp đã và đang được triển khai, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là hạ tầng đô thị và giao thông nông thôn. Tất cả các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đang được cải tạo, nâng cấp và mở mới, trong đó có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Quốc lộ 3 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Thành phố Thái Nguyên được đầu tư xây dựng trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh và thị xã Sông Công được công nhận đô thị loại III trực thuộc tỉnh vào năm 2010; sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh chuyển biến mạnh và vững chắc. Từ chỗ còn thiếu lương thực, đến nay tỉnh đã bảo đảm được an ninh lương thực trên địa bàn, sản lượng lương thực năm 2011 đạt gần 45 vạn tấn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây chè - cây công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghiệp chế biến. Hiện nay, tỉnh đang tích cực chỉ đạo và đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển, đến nay, hệ thống trường, lớp học được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh; tỉnh đã thực hiện xong phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên rõ rệt. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân được đáp ứng ngày càng tốt hơn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, đến nay, tỉnh có 152/181 xã (bằng 83,97%) đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X và hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy cao độ truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2011, nền kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và phát triển; tốc độ tăng  trưởng kinh tế đạt 9,35%; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt trên 37.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 3.612 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,88% (kế hoạch là 2%); tạo việc làm mới cho 22.850 lao động, tăng 42,8% so với kế hoạch; các hoạt động văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ và đạt được kết quả khá toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường, tạo niềm tin tưởng, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân thi đua lập nhiều thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XIII, bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016.

Sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong công cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 84 địa phương, đơn vị trong tỉnh đã được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 134 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 21 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”.

Nhân dịp kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao và cũng là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ tỉnh đã xác định chủ đề “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra từ những tháng đầu, quý đầu.

Trong đó, trọng tâm là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao và bền vững, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; các địa phương, đơn vị cần gắn triển khai kế hoạch năm với việc thực hiện Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm thu hút, lựa chọn đầu tư. Phát huy hiệu quả phương châm Ba thân thiện: thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với người dân, thân thiện với môi trường, không ngừng đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, hội nhập và tạo nền tảng vững chắc để tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Quan tâm rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai; quy hoạch phát triển đô thị, giao thông; quy hoạch các khu thương mại, du lịch, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống và quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển lâu dài, trên cơ sở đặt Thái Nguyên vào vị trí là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm vùng bắc Thủ đô Hà Nội.

Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; phát triển khoa học - công nghệ; giải quyết việc làm; xóa đói giảm nghèo, cải thiện thêm một bước đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về ‘‘Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay’’. Tiếp tục tiến hành củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật và đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng phát triển và giàu mạnh, phấn đấu trở thành tỉnh phồn vinh nhất miền Bắc nước ta như Bác Hồ đã căn dặn, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

TS. PHẠM XUÂN DƯƠNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả