Xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Kinh tế thị trường và toàn cầu hóa là những xu thế khách quan, tất yếu đối với mọi quốc gia, dân tộc, tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội, không chỉ trên lĩnh vực sản xuất vật chất, mà cả lĩnh vực sản xuất tinh thần.
Ảnh minh họa
Hiện nay, với cơ chế kinh tế thị trường, chúng ta đã dần dần xóa bỏ tâm lý thụ động, ỷ lại của người dân đối với Nhà nước và xã hội. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là một nét mới trong đạo đức xã hội do cơ chế kinh tế mới mang lại. Trước đây, khi chưa mở cửa và hội nhập, sự hiểu biết của chúng ta về thế giới quá ít ỏi, đã làm nảy sinh hai khuynh hướng: hoặc tự kiêu về những thành tựu và giá trị của dân tộc mình, coi thường các giá trị và thành tựu của các nước hoặc xu hướng ngược lại, tự ty, mặc cảm về dân tộc mình. Hai khuynh hướng đó đều để lại những khuyết tật về văn hóa. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta có sự đánh giá khách quan hơn về bản thân chúng ta và các nước khác. Tâm lý ngờ vực và thù địch với các quốc gia có chế độ chính trị khác đã được thay thế bằng thái độ hiểu biết, thông cảm, hợp tác. Đó cũng là một bước tiến trong đạo đức xã hội.
Tuy vậy, trong khi ta chưa chú ý tập trung phát huy những khía cạnh tích cực về mặt đạo đức mà kinh tế thị trường và toàn cầu hóa có thể mang lại, thì chúng ta lại chậm nhận thức ra mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa về phương diện sản xuất tinh thần, đặc biệt về đạo đức, lối sống, do đó chưa có những đối sách cần thiết và hữu hiệu.
Để xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống có văn hóa ở nước ta hiện nay, cần trở về với những bài học lớn của cha ông ta, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết, khái quát và nâng lên một tầm cao mới.
Thứ nhất, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng
Đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, bởi vì trong xã hội, mỗi người có đời sống riêng, có lợi ích riêng, có sở thích riêng. Nhưng xã hội không thể có những người chỉ lo cho bản thân, thích gì làm nấy, không quan tâm đến mọi người và lợi ích của cộng đồng. Về phương diện này, việc giáo dục tính cộng đồng là một câu trả lời cần thiết đối với điều kiện sống trước đây. Từ tinh thần cộng đồng, làm nảy sinh sự quan tâm, thương yêu đùm bọc nhau. Nhờ phát huy cao độ tính cộng đồng truyền thống, ở Việt Nam trước đây, chủ nghĩa cá nhân hầu như khó xuất hiện, khái niệm cá nhân hầu như không được quan tâm trong xã hội, thậm chí rất ít người dám khẳng định cái tôi của cá nhân mình.
Ngày nay, không chỉ cái tôi cá nhân được đề cao mà chủ nghĩa cá nhân đang có nguy cơ trở thành lối sống phổ biến trong xã hội. Những năm 60 thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tập thể đang được xã hội đề cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” nhằm cảnh báo sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận xã hội, đặc biệt trong một số cán bộ, đảng viên. Đáng tiếc, chúng ta chưa thực hiện tốt lời dạy đó của Người. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra hiện nay đã hoàn toàn chứng thực lời cảnh báo của Người. Nếu trước đây, khi bài báo của Người ra đời, chủ nghĩa cá nhân mới chỉ là sự tham lam, ích kỷ, sự kiêu ngạo, sự kèn cựa, đố kỵ… trong một số rất ít cán bộ, đảng viên, thì ngày nay, trong cơ chế kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, nó đang trở thành một lối sống, một triết lý sống trong một bộ phận xã hội, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… Để làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần làm trong sạch bộ máy của Đảng, của Nhà nước bằng những cơ chế chính sách chặt chẽ, nhằm ngăn chặn nguy cơ tha hóa của bộ máy công quyền. Việc tạo ra những cơ chế, chính sách buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành hạt nhân trong các phong trào quần chúng, và phải thường xuyên tiếp nhận sự kiểm tra giám sát của quần chúng, sẽ là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao đạo đức cách mạng và quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần
Kinh tế thị trường và toàn cầu hóa thôi thúc con người chạy theo những lợi ích trước mắt, những lợi ích vật chất, từ đó bỏ qua hoặc coi nhẹ các nhu cầu và lợi ích tinh thần.
Ở Việt Nam, trong vài chục năm lại đây, xu hướng chạy theo các lợi ích vật chất, bỏ qua hay coi nhẹ các nhu cầu và lợi ích tinh thần đã diễn ra trong một bộ phận xã hội, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Bậc thang các giá trị xã hội đang có chiều hướng biến động, và điều đó tác động trực tiếp đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Về phương diện này, những lời dạy và những tấm gương sáng của cha ông sẽ có sức cảm hóa nếu được khai thác, phát huy một cách đúng lúc, đúng chỗ. Nhu cầu vật chất hay nhu cầu tinh thần đều là những nhu cầu thiết yếu của đời sống. Khi đời sống vật chất nghèo nàn và thiếu thốn thì điều kiện phát triển của con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, nhu cầu vật chất, thường có giới hạn của nó. Nhu cầu ăn, uống chỉ xuất hiện khi chúng ta đói và khát. Khi đã đủ no, thì dù ăn “cao lương mỹ vị” cũng không thấy ngon miệng. Mặt khác, khi nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất vượt quá khả năng lao động và đóng góp của mỗi người cho xã hội, thì sẽ nảy sinh hàng loạt những thói hư tật xấu như thói tham lam, sự giả dối lừa lọc,… Đến với các nhu cầu và giá trị tinh thần thì khác. Đây là các nhu cầu hướng tới sự hoàn thiện nhân cách, làm đẹp cho đời. Một xã hội mà mọi người chỉ nghĩ đến các nhu cầu vật chất, chỉ lo làm giàu, mà không lo trau dồi đạo đức, lối sống tình nghĩa, thì đó sẽ là một xã hội bất an, một xã hội chứa đựng những nguy cơ tan vỡ.
Về phương diện này, lịch sử dân tộc để lại cho ta nhiều bài học vô giá. Từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh, cách nhau hơn 500 năm, thuộc các ý thức hệ khác nhau, nhưng đều cùng là những đỉnh cao của chung một cội nguồn văn hóa. Cũng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh có một tấm lòng nhân ái bao la, một tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, một đức hy sinh cao cả. Tất cả sự phong phú, cao đẹp về tâm hồn đó càng được tỏa sáng hơn nhờ lối sống khiêm nhường, giản dị. Từ Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều khẳng định một chân lý:
Sự thật vốn không ưa trang trí
Đời thanh cao quen dáng đơn sơ
(Thơ Tố Hữu)
Khi con người quan tâm nhiều hơn đến ý nghĩa cuộc đời, đến đạo lý làm người, đến các phạm trù lẽ phải, tình thương và trách nhiệm, thì sự đam mê những nhu cầu và tiện nghi vật chất chắc chắn sẽ bị đẩy lùi và khắc phục. Đó sẽ là một bước tiến quan trọng trong quá trình giải phóng con người khỏi xiềng xích nô lệ vào hàng hóa mà kinh tế thị trường thường tạo ra.
Thứ ba, tăng cường vai trò của các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội đối với việc xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa
Xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa là một quá trình có ý thức, có chủ đích của toàn xã hội, trước hết của những người lãnh đạo và quản lý xã hội.
Kinh nghiệm lịch sử chỉ ra rằng, trong những thập niên vừa qua, rất nhiều quốc gia chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế, coi GDP là chỉ số duy nhất, là mục tiêu của sự phát triển. Điều đó đã dẫn tới hàng loạt hậu quả: môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề; nguyên tắc công bằng xã hội bị vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội; sự xuất hiện một bộ phận trở nên giàu có nhanh chóng (một phần trong đó do gian dối, thủ đoạn mánh khóe, “lách luật”…). Tình hình đó đã phần nào tác động tới niềm tin vào công lý, làm đảo lộn các giá trị xã hội, ít nhiều đã diễn ra và tác động xấu đến đời sống tinh thần của xã hội.
Về nhận thức, Đảng ta đã sớm phát hiện những bất cập, mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Dư luận xã hội cũng góp nhiều ý kiến về một số dự án, chương trình, mà nếu được triển khai sẽ gây tổn thương về văn hóa và xã hội (trong đó có vấn đề đạo đức và lối sống).
Luận điểm mà Hội nghị Trung ương 10 khóa IX đề ra: gắn nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng chỉnh đốn Đảng với xây dựng nền tảng tinh thần là văn hóa, là luận điểm cực kỳ quan trọng, tạo nên cái thế 3 chân kiềng vững chắc cho sự nghiệp đổi mới. Song chưa thể nói rằng luận điểm quan trọng đó đã được triển khai sâu sắc trong toàn xã hội. Việc chạy theo những lợi ích kinh tế trước mắt, không quan tâm đến những hậu quả về văn hóa, đạo đức, xã hội… vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương. Vì vậy, việc thể chế hóa luận điểm quan trọng đó bằng các chủ trương, chính sách, bằng luật pháp là điều không thể thiếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Đó là một chân lý. Vậy đạo đức lối sống có nằm ngoài kinh tế và chính trị không? Chắc chắn là không, vì đạo đức, lối sống là những thành tố cơ bản của văn hóa. Vấn đề đặt ra đối với chúng ta hiện nay là xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa trong nền kinh tế thị trường và hội nhập thế giới như thế nào.
Chuyển sang kinh tế thị trường là đúng quy luật. Nhưng hiểu quy luật kinh tế thị trường, tính tích cực và tiêu cực của nó đối với các lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần, thì không đơn giản. Vì sao C.Mác khẳng định: kinh tế thị trường thù nghịch với một số lĩnh vực sản xuất tinh thần, đặc biệt nghệ thuật, thơ ca. Câu hỏi được đặt ra đối với nhiều quốc gia hiện nay là: chúng ta điều khiển, quản lý nền kinh tế thị trường, hay để kinh tế thị trường lôi kéo chúng ta. Bài học về sự khủng hoảng kinh tế hiện nay có phải do nền tài chính ngân hàng ở một số nước lớn đã lũng đoạn nền kinh tế đó không? Và bao hệ lụy xã hội đã xảy ra. Theo nhiều nhà nghiên cứu, kinh tế thị trường hiện đại, giống như con ngựa bất kham. Ngựa chạy nhanh, khỏe, nhưng người điều khiển phải khéo, giỏi. Nếu không, ngựa sẽ quật ngã người. Nhà báo nổi tiếng Mỹ T.Friedman, trong tác phẩm Chiếc Lexus và cây ôliu đã đưa ra hình ảnh: chiếc xe Lexus (kinh tế thị trường toàn cầu) đi đến đâu thì rừng ôliu (giá trị văn hóa của các dân tộc) sẽ bị tàn phá đến đó.
Kinh tế thị trường của nước ta vừa mới hình thành, chưa vươn tới nền đại thương nghiệp. Những thói hư tật xấu của lối kinh doanh tiểu thương còn khá phổ biến. Thêm vào đó xu hướng thương mại hóa các lĩnh vực đời sống tinh thần đang có nguy cơ phát triển. Đó là cơ sở trực tiếp làm nảy sinh hàng loạt sự xuống cấp về đời sống văn hóa, đặc biệt trên lĩnh vực đạo đức, lối sống. Việc quản lý tốt nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà nội dung cơ bản là xác định những chuẩn mực văn hóa của nền kinh tế thị trường, là gắn tăng trưởng kinh tế với phúc lợi xã hội, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, thu hẹp dần các khoảng cách về thu nhập, về thụ hưởng các thành quả của công cuộc đổi mới, giữa các ngành nghề, các vùng miền, sẽ là điều kiện quan trọng để xây dựng văn hóa đạo đức, lối sống văn hóa ở nước ta hiện nay.
Cùng với việc quản lý tốt nền kinh tế thị trường là quản lý tốt quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế ngoài việc mang lại những cơ hội, thời cơ cho sự phát triển đất nước, cũng có không ít những nguy cơ tác động xấu đến đời sống xã hội. Trong số những nguy cơ tác động trực tiếp tới đạo đức, lối sống của con người (đặc biệt đối với thế hệ trẻ) là mặt trái của công nghệ thông tin viễn thông. Ai cũng thừa nhận, công nghệ thông tin - viễn thông nhân lên rất nhiều sức mạnh trí tuệ của con người, có thể giúp con người hiểu biết về nhau, thông cảm với nhau và hỗ trợ cho nhau. Nhưng sức công phá của công nghệ thông tin cũng thật ghê gớm. Trước sự gia tăng những thông tin rác rưởi làm vẩn đục tâm trí con người, các trò chơi điện tử đang lôi kéo thế hệ trẻ vào thế giới hư ảo, bạo lực, phi nhân tính, đã có nhiều lời kêu cứu từ các phụ huynh, các thầy cô giáo và cả các đại biểu trên các diễn đàn Quốc hội, trong các hội thảo,… Câu hỏi được đặt ra là chúng ta có khả năng kiểm soát các hoạt động này không? Kiểm soát như thế nào? Và ai sẽ là những người chịu trách nhiệm chính?
Vai trò to lớn của các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội còn là ở chỗ tổ chức bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo và quản lý, vừa nêu gương sáng cho toàn xã hội. Đảng ta đã coi công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng là công tác then chốt. Sự tồn tại của một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức quyền, bị suy thoái biến chất về đạo đức, lối sống, đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân, đặc biệt của thế hệ trẻ, vào những giá trị đạo đức truyền thống của cha ông và của cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã dầy công vun đắp. Gắn Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, cải cách bộ máy hành chính, thực hiện nghiêm túc quy chế công chức của Nhà nước… đều mang theo ý nghĩa giáo dục văn hóa đạo đức, lối sống văn hóa cho toàn xã hội.
Hơn bao giờ hết, sự nghiệp xây dựng đạo đức và lối sống đang đòi hỏi hành động nêu gương, trước hết từ trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, từ những người có trọng trách trong xã hội (bao gồm những người lãnh đạo, quản lý ở mọi cấp mọi ngành, những thầy cô giáo, các bậc cha mẹ). Nhân dân ta từ lâu đã tổng kết: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: một tấm gương sáng còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn hoa mỹ. Những thành tựu trong xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống trước đây, suy đến cùng, đều có liên quan đến sự hình thành những cá nhân, những lớp người nêu gương sáng. Những đấng vua hiền, tôi sáng, những quan lại thanh liêm, những gia phong trong các gia đình có truyền thống, trong các thời kỳ phong kiến thịnh trị trước đây, cũng như tấm gương đạo đức tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những nhân tố không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống văn hóa của dân tộc ta qua các thời đại.
GS, TS. Trần Văn Bính
Học viện Chính quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Lý luận chính trị)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực