Xây dựng Đảng ở tầm cao đạo đức và trí tuệ

Ngày đăng: 19/07/2013 - 09:07

Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng không có lợi ích gì khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chỉ ở tầm cao về đạo đức và trí tuệ, Đảng mới thật sự bảo đảm vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của đảng cầm quyền.

 Xay dung Dang2

Xây dựng Đảng về đạo đức

Đạo đức thuộc phạm trù ý thức xã hội và là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng xã hội. Đạo là đường hướng mà con người vươn tới để hoàn thiện mình - đạo làm người. Đức là những chuẩn mực để hoàn thiện bản chất của đạo.

Đạo đức có vai trò rất quan trọng trong cải biến xã hội. Lênin cho rằng, đạo đức cộng sản góp phần phá hủy xã hội cũ và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Đạo đức mang tính giai cấp và tính dân tộc. Mỗi giai cấp, mỗi quốc gia, dân tộc có những điểm chung và cũng có những điểm riêng trong chuẩn mực đạo đức. Từ mục tiêu và lý tưởng cách mạng của giai cấp vô sản mà làm nổi bật những giá trị của chuẩn mực đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, suốt đời chăm lo xây dựng một đảng cách mạng chân chính, một đảng lấy đạo đức cách mạng làm gốc. Người luôn luôn nhấn mạnh đạo đức cách mạng là gốc của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã nêu ra 23 điểm về tư cách của người cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, trong Sửa đổi lối làm việc, Người đề ra 12 điều về tư cách của đảng chân chính cách mạng, trong đó hàm chứa tầm cao đạo đức và trí tuệ của đội tiền phong lãnh đạo cách mạng mà nếu thiếu những điều này thì Đảng không thể vững bền mà sự nghiệp cách mạng cũng không thể thành công.

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Người quan niệm: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”1. Đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”2. Đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng, lãng phí, không vụ lợi, khuất tất. Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân mới nâng cao được đạo đức cách mạng.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và hội nhập, “đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng”3. Tuy vậy, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (1-2012) đã đánh giá: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó là một trong những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Cần nhận diện sự suy thoái về đạo đức, lối sống để có giải pháp khắc phục. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, cơ hội, tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước, cuộc sống của nhân dân và uy tín của Đảng. Là sự mất đoàn kết, cục bộ, lợi ích nhóm. Là sự thờ ơ, vô cảm đối với cuộc sống của nhân dân, quan liêu, xa dân. Là sự tha hóa về phẩm chất, tư cách, ăn chơi, hưởng lạc.

Tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng; tăng cường giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên dựa trên Điều lệ và những quy định chặt chẽ của Đảng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng và của nhân dân, là những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Một điều hết sức quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện theo những chuẩn mực về đạo đức cách mạng, tự mình vượt qua những cám dỗ vật chất, những hoàn cảnh gây ảnh hưởng tiêu cực. Trong các chuẩn mực ứng xử thì đối với tự mình là cái căn bản. Mỗi người tự suy nghĩ nghiêm túc về mình, cố gắng gạt bỏ cái xấu, cái hư hỏng để vươn tới cái tốt, sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đạo lý của dân tộc, nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa. Làm được như vậy thì mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng thật sự ở tầm cao về đạo đức.

Xây dựng Đảng về trí tuệ

Trình độ trí tuệ của một đảng cách mạng là khả năng xác định đường lối chiến lược, tổ chức và lãnh đạo quần chúng hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đặt ra ở từng thời kỳ cách mạng phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử. Lênin đòi hỏi những người cộng sản phải chống tính “kiêu ngạo cộng sản”, sự dốt nát và nạn hối lộ. Người nhấn mạnh, những người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tổng số những tri thức mà nhân loại đã tạo ra.

Ở mọi thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách đội tiền phong lãnh đạo cách mạng, đều chú trọng nâng cao trình độ trí tuệ. Để thắng được những kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến giữ nước, Đảng phải ở tầm cao trí tuệ. Nếu chỉ có sự quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng thôi thì chưa đủ. Đó thật sự là những cuộc đấu trí, đấu lực và cuối cùng bản lĩnh, trí tuệ ViệtNammà Đảng Cộng sản là tiêu biểu đã chiến thắng. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa càng đòi hỏi Đảng phải nâng cao trình độ trí tuệ, bởi xây dựng một xã hội hoàn toàn mới đòi hỏi sự sáng tạo trong tư duy, sự hiểu biết và khối lượng tri thức toàn diện.

Trí tuệ của Đảng trước hết là trình độ lý luận. Không có lý luận tiền phong soi sáng thì Đảng không thể làm tròn vai trò của đội tiền phong lãnh đạo. Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng mà không có chủ nghĩa tức học thuyết lý luận khoa học thì cũng giống như người không có trí khôn. “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”4. “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”5. Vì vậy, Đảng thường xuyên tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam cả trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, đổi mới và hội nhập. Phải khắc phục bệnh lý luận suông không gắn với thực tiễn, đồng thời phải chống bệnh coi thường lý luận, phê phán nghiêm khắc tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngại học tập, nghiên cứu lý luận. Lười học tập, lười suy nghĩ cũng là biểu hiện của sự suy thoái.

Trí tuệ của Đảng là khả năng nhận thức và hành động theo quy luật khách quan và đó là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng giải phóng và bảo vệ Tổ quốc có những quy luật khách quan, đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển sáng tạo đạt tới tầm cao trí tuệ, bảo đảm giành thắng lợi. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải nắm vững và vận dụng đúng đắn những quy luật của thời kỳ quá độ dẫn tới thành công của sự nghiệp đổi mới.

Với trình độ lý luận và năng lực nhận thức, vận dụng quy luật khách quan, với sự phân tích và nắm bắt thực tiễn của đất nước và với bản lĩnh chính trị, tinh thần dân tộc, tự chủ, sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng đắn bảo đảm cho cách mạng không ngừng phát triển và giành thắng lợi. Sự đúng đắn của cương lĩnh, đường lối thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng. Cương lĩnh, đường lối được bổ sung, phát triển phù hợp với sự biến đổi của hoàn cảnh trong nước và quốc tế, đồng thời phản ánh tầm tư duy chiến lược và xử lý đúng đắn các mối quan hệ trong quá trình vận động, phát triển của cách mạng.

Trình độ cao về trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trí tuệ của toàn Đảng. Vì vậy, Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt từ trình độ học vấn, lý luận chính trị đến trình độ chuyên môn, khoa học mà mình phụ trách, hoạt động. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người ở cương vị lãnh đạo, quản lý, cần thiết và không ngừng rèn luyện nâng cao tầm tư duy chiến lược, am hiểu sâu rộng các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phỏng, an ninh, đối ngoại. Cương vị càng cao càng đòi hỏi cao hơn về trí tuệ.

Đối với đất nước, xã hội, phải phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao làm khâu đột phá, phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân gắn liền với phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ. Đối với Đảng, phải phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao rõ rệt trình độ trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên mới có thể lãnh đạo tốt và giải quyết có chất lượng, hiệu quả mọi vấn đề phức tạp, đa dạng do cuộc sống đặt ra.

PGS. TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr. 603, 612.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.21.

4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 273, 342.

Bình luận