Xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay - từ thực tiễn khu vực Đông Nam Bộ

Ngày đăng: 03/10/2022 - 00:10

Đông Nam Bộ là một trong những khu vực trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước. Quán triệt quan điểm của Đảng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn, Quân khu 7 nói chung và các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực xuất bản sách lý luận, chính trị đã có nhiều đóng góp quan trọng, kịp thời để phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời tuyên truyền kịp thời, nhanh nhạy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giáo dục, y tế… Qua đó củng cố niềm tin, niềm tự hào của nhân dân ta đối với những thành tựu đổi mới của đất nước.

1. Một số vấn đề cơ bản về xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay

Sách lý luận, chính trị là mảng sách có tính đặc thù của ngành xuất bản Việt Nam. Đây là mảng sách sách được Đảng ta đặc biệt chú trọng trong suốt các thời kỳ, từ kháng chiến cho đến khi thực hiện đường lối đổi mới hiện nay. Sách lý luận, chính trị không chỉ góp phần cung cấp tri thức, luận cứ khoa học về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam mà còn chỉ ra phương thức để ngăn chặn, đẩy lùi hành vi chống phá, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong thời kỳ mới của các thế lực thù địch. Nhận thức rõ vai trò của sách lý luận, chính trị, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến vấn đề xuất bản và phát hành mảng sách này. Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003 của Ban Bí thư và gần đây nhất là Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư đã tập trung đưa ra những quan điểm và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.

Từ sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch, phản động ngày càng gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thông qua đó đòi xóa bỏ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Vì thế, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”; đồng thời, cũng nhấn mạnh:“Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Thực tế cho thấy, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được thực hiện thông qua tổng thể nhiều giải pháp và phương thức khác nhau. Trong đó, xuất bản sách lý luận, chính trị là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay.

2. Thực trạng xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại khu vực Đông Nam Bộ

Đông Nam Bộ (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những khu vực trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước. Đồng thời, đây cũng là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đông Nam Bộ là nơi đóng cơ quan đầu não của địch. Do đó, hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ, trọng tâm là Thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn mà các thế lực thù địch tập trung thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ...

Quán triệt quan điểm của Đảng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn, Quân khu 7 nói chung và các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận, chính trị; tăng cường hoạt động quản lý đối với các trang mạng xã hội; xây dựng lực lượng chuyên trách đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường quản lý, giáo dục đảng viên, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng thông qua phản biện xã hội và các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi tọa đàm…

Thông qua các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, xuất bản, các thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến kịp thời để phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, bôi đen của các thế lực thù địch; đồng thời tuyên truyền kịp thời, nhanh nhạy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giáo dục, y tế… Qua đó củng cố niềm tin, niềm tự hào của nhân dân ta đối với những thành tựu đổi mới của đất nước.

Trong thời gian qua, các nhà xuất bản, cơ quan đại diện nhà xuất bản tại khu vực Đông Nam Bộ như Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Nhà xuất bản Công an nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ… đã xuất bản, phát hành nhiều cuốn sách về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể như:

- Sách về chủ nghĩa Mác - Lênin có: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác; Các học thuyết về giá trị thặng dư của C. Mác; Về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của  C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin…

- Sách về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có: Hồ Chí Minh toàn tậpHồ Chí Minh biên niên tiểu sửTừ làng Sen đến Bến Nhà Rồng của Trình Quang Phú; Đường Bác Hồ đi cứu nước của Trình Quang Phú; Tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số chuyên đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo) do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khá làm Chủ biên;  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị năm 2021 và toàn khóa) của Ban Tuyên giáo Trung ương; Hồ Chí Minh: Hành trình tìm đường cứu nước của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Bác Hồ với cuộc kháng chiến chống Mỹ của Phạm Chí Nhân; Hồ Chí Minh vĩ đại một con người của GS. Trần Văn Giàu; Sửa đổi lối làm việc của X.Y.Z; Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương; Vừa đi đường vừa kể chuyện của T.Lan; Học Hồ Chí Minh chúng ta học gì của Phạm Văn Đồng; Một số vấn đề xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Mạch Quang Thắng; Công an nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của PGS. TS. Trần Quang Tám; Từ “Đường cách mệnh” đến “Sửa đổi lối làm việc” - Ánh sáng xuyên thế kỷ của PGS. TS. Bùi Đình Phong… 

- Sách phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực có: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng; Đoàn kết, vững tin đưa đất nước bước vào giai đoạn mới của Nguyễn Phú Trọng; Toàn Đảng, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc của Nguyễn Phú Trọng; Vững bước trên con đường đổi mới của Nguyễn Phú Trọng; Một số vấn đề lý luận - thực tiễn cấp thiết liên quan trực tiếp đến đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông làm Đồng chủ biên; Chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Lôgíc - Đổi mới và phát triển của TS. Nhị Lê; Phòng chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu; Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm làm Chủ biên; Hỏi - đáp về quy định và hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng do PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn làm Đồng chủ biên; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay của PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn; Xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ của PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn; Xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức của PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn…

- Sách về phòng chống diễn biến hòa bình, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có: Đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Chính trị Công an nhân dân; Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng của Hội đồng Lý luận Trung ương; Cơ sở khoa học về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam của Ban Tổ chức Trung ương; Giải pháp ngăn chặn tác động của thông tin sai trái trên không gian mạng đến quân nhân ở đơn vị cơ sở hiện nay do Thượng tá, Tiến sĩ Vũ Thanh Tùng làm Chủ biên; Các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới của Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương…

Một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị cũng như các mảng sách khác đó là công tác truyền thông. Thời gian gần đây, các đơn vị xuất bản, phát hành sách trên địa bàn Đông Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã ngày càng chú trọng đến vấn đề truyền thông và có nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng như: Truyền thông theo đường văn bản (định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý, các đơn vị xuất bản, phát hành sẽ gửi công văn danh mục sách đến các cơ quan, đơn vị, thư viện trên địa bàn và khu vực lân cận để giới thiệu); “truyền thông miệng” (thông qua đội ngũ bán hàng tại các nhà sách); truyền thông thông qua Đường sách, các ngày hội sách; truyền thông sách qua các kênh thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo giấy, báo điện tử; đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì một hình thức truyền thông mới phát triển “bùng nổ” đó là truyền thông trên nền tảng Internet như thông qua các trang web, các trang mạng xã hội (như Facebook, Zalo, YouTube…), các sàn thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki…). Nhìn chung, công tác truyền thông đã góp phần làm tăng hiệu quả của công tác xuất bản, phát hành. Bên cạnh những ưu điểm thì công tác truyền thông nói chung, truyền thông về mảng sách lý luận, chính trị nói riêng vẫn còn một số hạn chế như: Đội ngũ làm công tác truyền thông, chăm sóc khách hàng phần lớn chưa được đào tạo về công tác truyền thông nên thiếu kỹ năng; chưa xây dựng được chiến lược truyền thông riêng cho từng mảng sách mang tính đặc thù, trong đó có mảng sách lý luận, chính trị; chưa có cơ chế phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí; hoạt động truyền thông trên nền tảng Internet dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng…

Khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, với lợi thế là địa bàn tập trung đông dân cư (năm 2019, dân số Đông Nam Bộ có 17,8 triệu người, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 8,9 triệu người), dân trí tương đối cao, có nhiều trường cao đẳng, đại học, học viện, viện nghiên cứu, thu hút lượng lớn trí thức đến sinh sống và học tập, do đó thị trường xuất bản, phát hành sách ở khu vực này phát triển rất sôi động, chiếm khoảng 70% thị phần xuất bản của cả nước1. Tuy nhiên, việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị chưa tương xứng với vị trí, vai trò của mảng sách này trong đời sống xã hội; chưa khai thác hết lợi thế thị trường của khu vực. Điều này thể hiện qua số đầu sách, doanh thu mảng sách lý luận, chính trị qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị chuyên xuất bản sách lý luận, chính trị - chỉ xuất bản được 141 đầu sách, với 278.724 bản in, doanh thu 17,51 tỷ đồng2. Đối với các đơn vị xuất bản, phát hành khác, số lượng đầu sách và doanh thu mảng sách lý luận, chính trị cũng chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các mảng sách khác.

Vấn đề nữa liên quan đến việc xuất bản sách lý luận, chính trị mà các nhà xuất bản, đơn vị phát hành cần quan tâm đó là đối tượng khách hàng và mục đích sử dụng.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, đối tượng khách hàng chủ yếu của mảng sách lý luận, chính trị là các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, còn số lượng khách hàng “bình dân” (tức những người dân không làm trong hệ thống chính trị) rất ít. Thông qua các phong trào, các hoạt động, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã xây dựng các tủ sách. Đầu tiên phải kể đến Tủ sách về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được bắt đầu xây dựng khi Đảng ta ban hành chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị khóa IX về tổ chức Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh). Tiếp đó, từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới thì các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các chi bộ lại có Tủ sách về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (Tủ sách 35). Riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Thành phố đã đề ra chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”3, thì nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh lại xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở và trong không gian văn hóa đó có sách liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nhìn chung, nhiều tủ sách được xây dựng ở nhiều cơ quan, đơn vị nhưng số lượng đầu sách còn khá ít, nội dung chưa phong phú, không thu hút người đọc. Một cán bộ công tác tại Ủy ban nhân dân Phường 26, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ: “Cơ quan đã xây dựng Tủ sách Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tủ sách được đặt ở nơi mọi người hay qua lại để gây sự chú ý”. Tuy nhiên, khi hỏi có nhiều người lấy sách đọc hay không thì câu trả lời là không, đa phần là dừng lại chụp hình, xem lướt qua. Sách chỉ có giá trị, chỉ phát huy tác dụng khi được con người dùng để đọc, để thu nhận kiến thức trong đó. Do đó, nếu tình trạng này diễn ra kéo dài thì các tủ sách này nhiều khi chỉ mang tính hình thức, chỉ có tác dụng trưng bày, để các đơn vị báo cáo thành tích. Làm sao để có tủ sách rồi thì phải phát động phong trào đọc sách trong các cơ quan, đơn vị, tạo nên thói quen đọc sách nói chung và đọc sách lý luận, chính trị nói riêng cho cán bộ, đảng viên, từ đó lan tỏa thói quen đọc sách đến người thân, gia đình và tiếp đến là ra cộng đồng xã hội, góp phần phát triển văn hóa đọc? Đây là một một trăn trở không chỉ riêng đối với những nhà quản lý văn hóa, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị mà còn đối với cả những đơn vị làm công tác xuất bản, phát hành.

Như trên đã nói, hiện nay đối tượng của sách lý luận, chính trị chủ yếu là cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đối tượng cần phải tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ có cán bộ, đảng viên mà là toàn bộ các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là những người dân thường, nhận thức chính trị còn hạn chế, dễ bị lung lay trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Làm sao để đưa sách lý luận, chính trị đến với những người dân thường cũng là một vấn đề đặt ra đối với những cơ quan làm công tác xuất bản, phát hành. Khơi dậy được thói quen đọc sách cho tầng lớp bình dân cũng đồng nghĩa với việc các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sẽ có một lượng khách hàng lớn, lâu dài và ổn định.

3. Giải pháp tăng cường hiệu quả xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian tới

Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng, sách là kho tàng tri thức của nhân loại và hoạt động xuất bản sách giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với lịch sử phát triển của văn minh loài người. Bằng thực tiễn làm việc, nhóm tác giả nhận thấy khu vực Đông Nam Bộ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn chiến lược trong hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị. Hiện nay, xu thế xuất bản sách trên thế giới cũng như ở Việt Nam được chia thành hai xu hướng chính: (i) Đó là sự phát triển tương đối bền vững của sách giấy truyền thống. Các loại sách giấy truyền thống vẫn luôn được các độc giả thuộc nhiều thế hệ lựa chọn; (ii) Sự vươn lên mạnh mẽ của sách điện tử bởi sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ đã giúp cho con người có nhiều cách tiếp cận với tri thức thông qua thiết bị thông minh. Sách điện tử đã và đang là giải pháp được khá nhiều bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ lựa chọn bởi những tính năng ưu việt như: giá thành rẻ, không tốn diện tích và không gian lưu trữ, có thể đọc mọi lúc, mọi nơi… Sách lý luận, chính trị vốn là loại ấn phẩm rất “kén” người đọc. Trong những năm qua, mảng sách này đã có nhiều đổi mới, cải thiện để tiếp cận gần hơn, nhiều hơn bạn đọc trên cả nước. Đặc biệt, thông qua nhiều cuộc thi giới thiệu sách, các nhà xuất bản của Việt Nam nhận thấy, sách lý luận, chính trị, đặc biệt là các sách có liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được bạn đọc ở mọi lứa tuổi quan tâm, đón nhận. Tuy nhiên, với hai xu thế phát triển chính nêu trên, xuất bản sách lý luận, chính trị trong thời gian tới tại khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung sẽ gặp phải những thách thức, khó khăn nhất định về sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ; thị hiếu đa dạng của bạn đọc trẻ cũng như văn hóa đọc sách của người Việt còn ở mức thấp so với thế giới; nhiều ấn phẩm sách nặng về “lượng”, “hàn lâm”, khó hiểu, khó đọc, chưa thu hút độc giả…

Từ sự phân tích thực trạng cũng như tiếp cận dự báo một số xu hướng phát triển xuất bản nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần phát huy vai trò của Tủ sách 35 bởi đây là công cụ chuyên sâu cung cấp các sách lý luận, chính trị gắn liền với Nghị quyết số 35-NQ/TW. Các cơ quan, đơn vị đã trang bị Tủ sách 35 cần phải phát động phong trào đọc sách, tạo nên thói quen đọc sách nói chung và đọc sách lý luận, chính trị nói riêng cho cán bộ, đảng viên. Bên cạnh phong trào đọc sách, cơ quan, đơn vị cần phải thường xuyên có mối liên hệ thông tin với các nhà xuất bản để cập nhật thêm vào tủ sách các ấn phẩm sách lý luận, chính trị có giá trị. Ngoài ra, có thể tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách, đầu tiên sẽ giúp cho cán bộ, viên chức chủ động đọc, tìm hiểu và ghi nhớ về nội dung sách lý luận, chính trị, ngoài ra còn có thể giới thiệu sách trên nền tảng mạng xã hội để cán bộ, công chức lan tỏa sách đến với đông đảo bạn bè và người thân.

Ngoài tủ sách giấy truyền thống, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương có thể xây dựng Tủ sách 35 điện tử; hình thành module riêng, nổi bật trên website của đơn vị để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận; phổ biến và lan tỏa tủ sách điện tử trên nền tảng các nhóm chung Facebook, Zalo… để cùng trao đổi, học tập (nền tảng mở nhưng phải bảo đảm tính bảo mật thông tin cao).

Thứ hai, sách lý luận, chính trị vốn là dạng sách khó đọc, đòi hỏi người đọc phải có niềm yêu thích cũng như vốn tri thức tương đối tốt để tiếp cận. Nếu sách lý luận, chính trị vẫn lựa chọn cách thức trình bày truyền thống, tức là số lượng trang dài, chủ yếu là chữ, kỹ thuật in, trình bày bố cục không có nhiều đổi mới thì tất yếu không thể thu hút bạn đọc, đặc biệt là những độc giả trẻ tuổi. Do đó, trong thời gian tới, các nhà xuất bản cần phải đổi mới xuất bản sách theo cách nội dung trọng tâm như sau:

(i) Về khai thác bản thảo, cần lựa chọn bản thảo có tính “sâu” về lý luận, chính trị, có sự “phân loại” sách đối từng nhóm đối tượng (với bạn đọc trẻ, người có trình độ chuyên môn đến nhà khoa học chuyên sâu…). Phân loại cụ thể sách để từ đó có phương hướng biên tập, thiết kế, phát hành một cách khoa học, hiện đại, hiệu quả. Khai thác bản thảo cần chú trọng loạt ấn phẩm trong nước của các nhà lãnh đạo kỳ cựu, các đơn vị, nhà nghiên cứu chuyên sâu về nghiên cứu lý luận, chính trị cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là sách dịch của các nhà xuất bản uy tín.

(ii) Sau khi khai thác bản thảo, cần tập trung biên tập, xuất bản một cách công phu, không tập trung vào “lượng” đầu sách mà cần hướng đến “chất” ấn phẩm đến tay bạn đọc. Đặc biệt, sách lý luận, chính trị là sách khó, nên tuyệt đối biên tập viên phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm sách được in ra chính xác về mặt nội dung, không trái với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Đổi mới cách thiết kế trình bày bìa, nội dung của ấn phẩm; chuyển tải nhiều hơn các thông điệp, nội dung, ý nghĩa thông qua hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, box ghi chú…

(iii) Về khía cạnh phát hành sách lý luận, chính trị, tập trung đổi mới, mở rộng và lan tỏa nhiều hơn nữa sách đến tay bạn đọc. Đối với những hạng mục sách lý luận, chính trị cơ bản, mang tính “kiến thức phổ thông” thì có thể xuất bản với số lượng lớn, trình bày ngắn gọn tập trung vào những từ khóa, quan điểm chủ đạo; đưa sách vào nhà trường, có thể thí điểm là đối với học sinh trung học phổ thông. Các quốc gia phát triển trên thế giới cũng đã “đơn giản hóa” những kiến thức hàn lâm để phổ biến đến giới trẻ.

(iv) Sau khi phát hành sách, các nhà xuất bản cần phải có kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả xuất bản sách lý luận, chính trị. Các số liệu thu thập được có thể đưa vào các hệ thống phần mềm số hóa xử lý để từ đó đánh giá khách quan về nhu cầu, thị hiếu bạn đọc cũng như cách tiếp cận để đổi mới phương thức xuất bản. Tổng kết, báo cáo cần đi vào thực chất hiệu quả, tránh hình thức, qua loa, đại khái.

Thứ ba, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị khẳng định: “Đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, đặc biệt là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet”. Như vậy, xuất bản sách điện tử là hướng phát triển đã được Đảng ta nhận diện, chỉ đạo sâu sát, cụ thể. Thời gian tới, xuất bản sách điện tử cần phải chú trọng một số nội dung như: (i) Hoàn thiện app mua và đọc sách theo hướng đơn giản trong sử dụng, an toàn và bảo mật khi thanh toán; (ii) Nâng cấp, đổi mới hệ thống lưu trữ sách lý luận, chính trị; hình thành hệ dữ liệu sách trên nền tảng big date, lưu trữ đám mây để không gặp quá tải khi có lượng truy cập lớn; (iii) Nâng cấp đối với các website và gian hàng trên sàn thương mại điện tử; chú trọng đổi mới giao diện theo hướng hiện đại, dễ sử dụng, đồng thời có sự tính toán trong việc phát huy công cụ quảng cáo trên nền tảng Google và các mạng xã hội.

Thứ tư, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và các nhà xuất bản cần có sự phối hợp, tổ chức nhiều hơn các hội chợ sách, đường sách, sự kiện, hoạt động nhân ngày sách Việt Nam để nâng cao văn hóa đọc sách lý luận, chính trị. Chú ý tuyên truyền, phổ biến sách lý luận, chính trị gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước; các dịp sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW. Vận động các đơn vị, địa phương từ Trung ương đến địa phương thực hiện phong trào “Đưa sách đến tay bạn đọc” bằng nhiều hình thức khác nhau như: Đối với người lớn tuổi, có thể xây dựng Tủ sách giấy phát đến các nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; xây dựng Tủ sách điện tử dành cho các bạn học sinh, sinh viên phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức; kết hợp các buổi sinh hoạt hằng tháng, chào cờ với phổ biến nội dung sách lý luận, chính trị có liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

1. Nếu năm 2020, khu vực Đông Nam Bộ chiếm 70% thị phần xuất bản của cả nước thì số lượng đầu sách, số bản in và doanh thu như sau: 32,1 nghìn đầu sách, 287 triệu bản in và doanh thu là 1.890 tỷ đồng.

2. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

3. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

1. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2. Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.

3. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

4. Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Theo Tạp chí Chính trị và Phát triển

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả