Ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 08/11/2013 - 10:11

Ngày 7-11-1917, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga thắng lợi, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa t­ư bản lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Cho đến nay, mặc dù còn có những đánh giá khác nhau, song một thực tế không thể chối cãi là, kể từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, lịch sử nhân loại đã bước sang một trang mới với những biến đổi vô cùng sâu sắc.

Đúng như V.I. Lênin đã khẳng định, Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ”, “sự nghiệp sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”. Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến nước Nga Sa hoàng lạc hậu trở thành một siêu cường đứng đầu hệ thống XHCN; một loạt quốc gia khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã vùng dậy giành quyền độc lập dân tộc; nhiều quốc gia trong số đó đã công khai tuyên bố mục tiêu xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột người, xây dựng một xã hội mà người chủ đích thực là nhân dân lao động. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ hàng trăm dân tộc bị áp bức, đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại, những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người... mà nhân dân lao động có được là nhờ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. 

Cach mang thang 10 Nga2

V.I.Lênin, lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại

Tuy nhiên, điều đau xót đã xảy ra: Sau hơn 70 năm tồn tại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân chủ yếu là những sai lầm chủ quan về đường lối của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự phản bội của những người cầm đầu, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đó là một tổn thất to lớn không chỉ đối với những người cộng sản chân chính mà còn đối với phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Song, sự kiện đó không phải là hồi kết của chủ nghĩa cộng sản, như luận điệu của những thế lực thù địch với CNXH tuyên truyền. Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại vẫn soi sáng con đường phát triển của CNXH trong thế kỷ XXI. Trong xã hội tư bản toàn cầu hóa, trong “một thế giới không thể chấp nhận được” thì lý tưởng XHCN vẫn còn sức sống lâu bền, tầm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn hết sức sâu rộng trong đời sống nhân loại trên khắp hành tinh. Kết luận trên đây được rút ra từ những thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…, từ sự hồi sinh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở châu Âu và ở các châu lục trên toàn thế giới và từ các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. Vì vậy, có thể nói rằng, mặc dù phong trào cộng sản trên thế giới còn gặp muôn vàn khó khăn, song lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sẽ là lý tưởng, mà rốt cuộc, nhân loại sẽ từng bước vươn tới bằng con đường riêng của từng dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, làm thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”1. Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”2. Người đã chỉ rõ những bài học đó là: Cần có sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; phải thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản ViệtNam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ViệtNam, nhân dân ta đã đánh thắng các đế quốc sừng sỏ trong thế kỷ XX, nêu gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế phải bảo đảm giữ vững định hướng XHCN, giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm an ninh quốc gia, từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có được những thắng lợi hết sức lớn lao trong tiến trình xây dựng đất nước, trước hết là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản ViệtNam. Đảng luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của dân tộc. Đảng đã sáng suốt lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, tiến tới CNXH và chủ nghĩa cộng sản - xu thế tất yếu cho thời đại mới đã được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới đặt ra hiện nay là đư­a đất n­ước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nư­ớc công nghiệp theo h­ướng hiện đại; chính trị-xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”3. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, có năng lực, nhất là "Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân"4. Đây là vấn đề rất mới, rất cấp bách cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm đến năm 2020 đội ngũ cán bộ có số l­ượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ có phẩm chất tốt và đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất n­ước và phục vụ nhân dân.

Trong chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề nền tảng tư­ tưởng chính trị, bản chất giai cấp công nhân của đội ngũ cán bộ các cấp. Bác khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng t­ư tư­ởng của Đảng. Bác coi vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp công nhân là mấu chốt nhất. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, người coi đây là công việc gốc của Đảng. Bản lĩnh người cán bộ cách mạng là sự kết tinh những phẩm chất nhân cách ở họ, tạo nên năng lực "dĩ bất biến, ứng vạn biến", thể hiện tập trung ở tính kiên định, sáng tạo, quyết làm và biết làm. Theo Bác, phải có một đội ngũ cán bộ như thế cách mạng mới thắng lợi. Người khẳng định: "Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Có thế Đảng mới thành công”5. Người cán bộ có bản lĩnh là người rất trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi. Đó cũng là người biết tùy cơ ứng biến, hết sức sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Không có sáng kiến, không phải là người lãnh đạo"6.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng phải là người trung thành và hăng hái trong mọi công việc. Đó là những người gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, hiểu biết nhân dân, luôn luôn chú ý đến lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Trong bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ cũng là vấn đề trọng yếu. Công tác cán bộ chẳng những có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, mà còn góp phần quyết định đến việc thành bại trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Bác chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"7. Cán bộ phải là ng­ười có năng lực tương xứng với nhiệm vụ đ­ược giao, phải có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Ngư­ời cán bộ còn phải có phong cách lãnh đạo và công tác khoa học. Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiện nay "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi". Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt để chống phá Ðảng ta và chế độ ta.

Thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười đã chứng minh tính cách mạng, tính khoa học trong luận điểm nổi tiếng của V.I. Lênin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến CNXH, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”8.

Với phương châm đúng đắn, cầu thị “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã chỉ rõ những khuyết điểm trong tư duy giáo điều, rập khuôn, máy móc trong nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở ViệtNam. Chỉ có sự lãnh đạo của một Đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS. NGUYỄN HUY HIỆU

(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

Theo QĐND

 ----------------------------------------

 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 300. 

 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 303. 

 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 31.

 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 31.tr 262.

 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr. 494.

 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 287.

 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 287.

 8. C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.22, tr.613-614.



Bình luận