Đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế về văn học

Ngày đăng: 27/03/2015 - 14:03

Sau nhiều năm mở cửa, hội nhập với thế giới, Việt Nam đã đạt được một số bước tiến vượt bậc trong giao lưu, hợp tác về khoa học - công nghệ, kinh tế, y tế,... Tuy nhiên, trên thực tế thì một số lĩnh vực, trong đó có văn học, còn tỏ ra dè dặt, chậm hội nhập với thế giới. Vậy, với văn học - lĩnh vực đặc thù, chúng ta cần làm gì để hội nhập?

Day nhanh qtrinh hoi nhap

Năm 2013, đến thăm Le Phénix - nhà sách châu Á lớn nhất ở Paris, việc đầu tiên của tôi là tìm tới khu vực trưng bày sách Việt Nam. Và tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy giữa các kệ sách trưng bày khá bắt mắt các ấn phẩm văn học đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... là khu vực sách của Việt Nam nằm khá khiêm tốn ở một góc nhỏ trên tầng hai. Ở đó một vài đầu sách văn học đã cũ, đã được tái bản nhiều lần nằm lẫn trong những cuốn sách hướng dẫn du lịch, sách lịch sử, địa lý; sách giới thiệu ẩm thực Việt Nam xuất bản từ khá lâu. Chẳng trách trong buổi giao lưu sau đó, có độc giả Pháp đã thổ lộ rằng mình biết rất ít về Việt Nam, thậm chí có người còn hỏi: "Ở Việt Nam đã hết chiến tranh hay chưa?"! Năm 2014 trở lại Pháp, đến nhà sách Le Phénix, thấy tình hình có phần cải thiện. Khu vực sách Việt Nam được bổ sung thêm hơn chục đầu sách thuộc tủ sách văn học do một tác giả Việt Nam đang sinh sống ở Pháp tổ chức, thực hiện. Dẫu vậy vẫn phải nhìn nhận một thực tế là văn học Việt Nam còn ít được biết đến ở đây và thiết nghĩ đó không phải là chuyện cá biệt, hay chỉ xảy ra ở nước Pháp.

Nhìn sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, văn học Việt Nam cũng ít được biết tới. Thí dụ tiêu biểu là tại Trung Quốc, "vốn liếng" về văn học Việt Nam được giới thiệu từ trước đến nay chỉ có khoảng 150 tác phẩm, phần lớn trong đó là các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và đều đã xuất bản từ lâu. Theo dịch giả Điền Tiểu Hoa, đến năm 2012, độc giả Trung Quốc hoàn toàn không biết gì về văn học đương đại Việt Nam. Chính điều này đã thôi thúc bà thực hiện bằng được một tuyển tập văn học đương đại Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực tìm tác phẩm tiêu biểu, tìm dịch giả và tìm đầu ra, đến cuối năm 2012, một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại gồm 22 tác phẩm của 21 tác giả đã ra mắt tại Trung Quốc. Tại Nhật Bản cũng vậy, tình hình dịch và giới thiệu văn học Việt Nam cũng không khả quan hơn. Dịch giả Katô, người rất gắn bó với văn học Việt Nam, chia sẻ: Ở Nhật Bản, sự quan tâm của công chúng về văn học Việt Nam dường như ngày càng ít đi; các nhà xuất bản cũng dần mất đi nhiệt tình trong việc ấn hành sách dịch văn học Việt Nam; kết quả là công việc dịch thuật cũng như xuất bản văn học Việt Nam tại Nhật Bản có phần bị bế tắc!

Những khó khăn của văn học Việt Nam trong quá trình hội nhập khiến nhà văn Lê Minh Khuê đã phải thốt lên rằng, đó là "sự cô đơn của văn học tiếng Việt"! Vậy phải chăng chúng ta chưa sẵn sàng với việc đưa văn học Việt Nam ra khỏi biên giới quốc gia? Xin nhìn lại một sự kiện diễn ra cách đây 13 năm, đó là Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ nhất tổ chức năm 2002. Tại hội nghị này, Việt Nam mời được 25 dịch giả đến từ 22 quốc gia. Dù số đại biểu quốc tế tham dự không nhiều, nhưng hội nghị ghi dấu sự quyết tâm của Việt Nam trong quá trình đưa văn học Việt đến với thế giới. Từ quan điểm cho rằng, tác phẩm văn học là "hữu xạ tự nhiên hương" và bạn bè quốc tế phải tìm đến rồi dịch tác phẩm của chúng ta, nay nhiều nhà quản lý cũng như giới sáng tác nhìn nhận được tầm quan trọng của việc chủ động tìm đến với thế giới, cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá, tìm đối tác xuất bản sách Việt Nam ở nước ngoài. Thiết nghĩ, sự thay đổi về quan niệm và tính chủ động là rất quan trọng cho các bước hội nhập của văn học Việt Nam với thế giới trong thời kỳ mới. Nhìn từ phạm vi rộng hơn, mở rộng hơn nữa con đường quảng bá văn học cũng chính là góp phần mở rộng, nâng cao hoạt động quảng bá văn hóa. Tám năm sau sự kiện nêu trên, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ hai tiếp tục được tổ chức. Và số lượng khách quốc tế đã tăng vượt bậc: 108 đại biểu đến từ 34 nước. Các số liệu thống kê sơ bộ được công bố tại hội nghị cho thấy hiệu quả bước đầu của chiến lược quảng bá, mở cửa văn học, dù chưa được như kỳ vọng: đó là thêm bốn nước dịch và xuất bản tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tập nghìn năm văn hiến với 15 tập đã được xuất bản tại Nga, nhiều tác giả cổ điển Việt Nam như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi được giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Pháp, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển...

Day nhanh qtrinh hoi nhap 1

Ngay sau Tết Ầt Mùi, tháng 3-2015, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba được tổ chức với 151 khách quốc tế đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều đại biểu hiện là lãnh đạo một số hiệp hội văn học trên thế giới và quốc gia như: nhà văn M. Salmawy - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi và là Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập; nhà văn Oleg Bavykin - Chủ tịch Ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga, Chủ tịch đối ngoại Hội Nhà văn Á - Phi; nhà thơ Andrzej Grabowski - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Ba Lan, Giám đốc liên hoan thơ Galicja, Tổng Biên tập tạp chí Tia lửa; nhà thơ Fernando Rendon - Giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, Tổng Giám đốc điều phối viên phong trào thơ ca quốc tế (Côlômbia); nhà thơ Rati Saxena - Giám đốc Liên hoan thơ Kritya (Ấn Độ)... Điều này cho thấy sự kết nối tích cực, hiệu quả với bạn bè văn học trên thế giới. Tuy nhiên, hội nghị chưa đưa ra được các số liệu thống kê, dù chỉ sơ bộ, về kết quả chúng ta đã đạt được trong hoạt động quảng bá và dịch văn học Việt Nam kể từ hội nghị lần thứ hai đến nay; để qua đó có thể đánh giá tính hiệu quả của hoạt động quảng bá này, có quyết sách phù hợp và hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Một điều đáng tiếc là, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba đã không tổ chức một hội thảo về chủ đề: Làm thế nào để quảng bá văn học Việt Nam một cách hiệu quả? Với một hội thảo như thế, chúng ta có thể lắng nghe những góp ý bổ ích từ bạn bè quốc tế, đặc biệt là từ đại diện các nhà xuất bản. Theo dõi diễn biến của hội nghị, nhà báo Hoài Hương bày tỏ sự băn khoăn: "Không biết sau sự kiện này, có gì thay đổi hay vẫn chỉ là những tham luận chung chung ca ngợi văn chương và lợi ích của giao lưu văn chương... Còn cụ thể làm sao cho văn học Việt Nam ra được với thế giới thì vẫn là bài toán đầy bí hiểm chưa có lời giải. Dẫu sao, việc tổ chức một hội nghị quốc tế quảng bá văn học là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay. Chính vì thế, thiết nghĩ chúng ta cần tận dụng thời gian của hội nghị để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, qua đó chuẩn bị cho bước đi mới, có hiệu quả trong việc quảng bá văn học. Vì như nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, đã thẳng thắn nhìn nhận: "Văn học Việt Nam hiện nay vẫn quẩn quanh trong lũy tre làng"! Để thay đổi điều này, ông cho rằng, cần cởi mở hơn nữa trong việc đề xuất, hoặc định hướng cho văn học, nghệ thuật; đồng thời phải quan tâm tới đội ngũ dịch thuật bằng việc đào tạo, bảo đảm chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này. Còn GS. Chúc Ngưỡng Tu, người dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Trung Quốc, thì đề cập cụ thể hơn: "Để có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài, cần thiết phải giải quyết ba vấn đề: một là có tác phẩm hay, hai là phải có dịch giả giỏi và ba là phải có... tiền"!

Nhận định của GS. Chúc Ngưỡng Tu dường như đã nhận diện được một số điểm then chốt để thúc đẩy công tác "xuất khẩu" văn học Việt Nam ra thế giới. Vậy hiện nay chúng ta đáp ứng được điều này ở mức nào? Trước hết, theo chúng tôi việc lựa chọn tác phẩm, cần bảo đảm tiêu chí hay, tiêu biểu cho văn học Việt Nam và quan trọng không kém là tác phẩm đã được lựa chọn phải đáp ứng được nhu cầu của độc giả nước ngoài. Bởi, dù thế nào thì nếu "cung" không gặp "cầu" thì dễ làm cho quá trình hội nhập mang tính hình thức, kém hiệu quả. Như đại diện một nhà xuất bản nước ngoài chia sẻ bên lề Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba rằng, tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn trung đại và cận đại; thậm chí cả văn học về đề tài chiến tranh dù rất hay nhưng khó đến được với số đông công chúng. Phần lớn độc giả nước ngoài hiện dành nhiều quan tâm tới văn học đương đại, vì với họ đó là cách để nắm bắt và tìm hiểu nhanh nhất về những thay đổi trong đời sống của Việt Nam hiện nay, một Việt Nam đổi mới và hội nhập chứ không phải một đất nước vẫn mang đầy thương tích của một cuộc chiến đã qua cách đây 40 năm. Vì thế cũng nên đa dạng hóa các sản phẩm văn học khi giới thiệu và quảng bá với bạn bè thế giới hơn là chỉ cứng nhắc đưa ra những danh sách có tính trình tự theo niên đại.

Đội ngũ dịch giả cũng cần được quan tâm đặc biệt, vì không có dịch giả thì tác phẩm văn học dù hay đến đâu cũng khó có thể đi xa. Thế nhưng, hiện số dịch giả có khả năng chuyển dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ của thế giới hiện không nhiều, mà lực lượng này đang bị già hóa, trong khi đội ngũ dịch giả trẻ có trình độ nghề nghiệp cao chưa được bổ sung kịp thời. Vì vậy, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thay thế vẫn là khâu trọng yếu, cần được sớm khắc phục. Về kinh phí, ở một số nước như Nga, Nhật Bản,... chính phủ thành lập các quỹ dịch thuật, có đầu tư ngân sách để thực hiện nhiệm vụ quảng bá văn học và văn hóa của quốc gia. Các quỹ này hoạt động rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam, quỹ dịch thuật quốc gia vẫn là mơ ước của nhiều nhà văn và dịch giả, mới chỉ có Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập với kỳ vọng kết nối, tổ chức dịch và xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhưng đến nay, hoạt động của trung tâm còn hạn chế, chủ yếu là do tài chính và nhân lực. Thời gian qua, một số tác phẩm văn học "xuất ngoại" qua con đường cá nhân và đưa lại ấn tượng khá tốt. Nếu có sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước với các tổ chức, cá nhân cùng mục đích thì chắc chắn ngày càng có nhiều tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

PHONG ĐIỆP

(Theo Nhân dân)


 

Bình luận