Đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Ngày đăng: 28/05/2012 - 15:05

 

 

 

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định mục tiêu tổng quát của 5 năm giai đoạn 2011-2015 là phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế gồm ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách: Tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính.

Mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước, hình thành các doanh nghiệp nhà nước vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu, rộng như hiện nay. Đây là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, để doanh nghiệp nhà nước thực sự khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế nhà nước.

Khái quát kết quả sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001-2010

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước 2001-2010 do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào tháng 12-2011, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết: 10 năm qua, cả nước sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp. Ðã tổ chức lại 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ðến tháng 10-2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, tham gia hoạt động công ích; 857 doanh nghiệp kinh doanh, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia. Tổng vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 700 nghìn tỷ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 653 nghìn tỷ đồng.

Theo cơ cấu chủ sở hữu, có 701 doanh nghiệp do địa phương quản lý; 355 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành; 253 doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty 91. Theo lĩnh vực hoạt động, có 248 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; 114 doanh nghiệp xây dựng; 135 doanh nghiệp giao thông vận tải; 341 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy nông; 471 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã góp phần làm giảm đáng kể số lượng doanh nghiệp nhỏ, làm ăn thua lỗ và doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nhìn chung, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng đã được đổi mới, nâng cao hiệu quả; tạo ra nhiều sản phẩm, thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc tế; đi đầu trong nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều tập đoàn, tổng công ty thực hiện tốt những dự án quan trọng do Chính phủ giao, bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế trong một số lĩnh vực, như: Tập đoàn Dầu khí đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi; Tập đoàn Điện lực đầu tư vào thủy điện Sơn La, Lai Châu, mạng lưới điện ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi, khó khăn; Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Viễn thông quân đội phát triển hệ thống thông tin liên lạc về các vùng sâu, vùng xa; v.v.. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, suy giảm kinh tế những năm sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã góp phần quan trọng trong bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, góp phần để Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô, ổn định xã hội, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua còn có nhiều hạn chế, yếu kém và đang gặp phải những vướng mắc, khó khăn không chỉ từ nội tại doanh nghiệp, mà còn từ phía Nhà nước như: định hướng cơ cấu nền kinh tế, quyết định hợp nhất, chia tách, thành lập tập đoàn kinh tế, cơ chế quản lý, giám sát về sở hữu vốn của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, thủ tục hành chính, sự minh bạch về thông tin... Xuất phát từ những hạn chế, vướng mắc đó, yêu cầu đặt ra là phải đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong thời điểm hiện nay.

Đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò mà phải làm cho doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong các nghị quyết của Ðảng, kết luận của Bộ Chính trị, chỉ thị của Chính phủ, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị nhằm đạt mục tiêu nâng cao nhận thức, từ đó có hành động quyết liệt. Mới đây, ngày 17-1-2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phê duyệt phương án tái cơ cấu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để triển khai thực hiện ngay trong quý I-2012. Trên cơ sở các mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, tái cấu trúc nhằm đạt các mục tiêu: Một là, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tương xứng với nguồn lực được giao. Hai là, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ba là, bảo đảm cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm tốt vai trò công cụ điều tiết vĩ mô, là đầu tàu định hướng sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc thành phần khác cùng phát triển. Bốn là, xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, hầu hết đa sở hữu; đến năm 2020 hình thành một số tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nằm trong số những tập đoàn kinh tế trong khu vực, ở tầm quốc tế và 10 - 15 tập đoàn kinh tế, tổng công ty có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, điều tiết kinh tế trong phạm vi quốc gia.

Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo một số giải pháp sau:

tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập. Từ đó, điều chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển cơ cấu lại vốn, phù hợp cho từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; hoàn thiện cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể cổ phần hóa tất cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo các phương án đã được phê duyệt; Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối ở những tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp quy mô lớn trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư. Có cơ chế xóa bỏ độc quyền kinh doanh đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hoặc lĩnh vực đặc thù (điện, than, xăng dầu...) để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Khuyến khích, thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước để họ tham gia vào quản trị doanh nghiệp và giám sát minh bạch các doanh nghiệp này. Hoàn thiện mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản lý đầu tư, tài chính của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty mua bán nợ (DATC).

Thứ ba, đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà n­ước. Cần tách bạch chức năng của Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước. Hội đồng thành viên và ban giám đốc phải chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ban hành quy chế giám sát, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và minh bạch, công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, cần nghiên cứu vận dụng các quy tắc, thông lệ quản trị mang tính chuẩn mực của thế giới vào quản trị các doanh nghiệp nhà nước; trong đó có việc ban hành mẫu quy chế quản trị nội bộ doanh nghiệp, quy chế về tài chính, quy chế về mua sắm, đầu tư, quy chế về bảo vệ môi trường. Đồng thời, xây dựng và có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp chuyên nghiệp và các nhà quản lý theo chuẩn mực quốc tế và văn hóa Việt Nam; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp.

Thứ năm, cắt giảm chi phí tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu bắt buộc trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. ngày 14-2-2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, đề án tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Tài chính soạn thảo đã được Chính phủ thông qua và chuẩn bị ban hành. Theo đó, mức tiết giảm tối thiểu mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện là từ 5-10% chi phí, nhưng vẫn bảo đảm được lợi nhuận tương ứng như kế hoạch đặt ra.

Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, nhất là nền kinh tế nước ta tuy lạm phát đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao, thì việc tiết giảm chi phí hoạt động, giá thành sản phẩm hàng hóa có ý nghĩa thiết thực không chỉ với nền kinh tế nói chung, mà còn cho chính bản thân từng doanh nghiệp nói riêng.

TS. NGÔ VŨ - BÙI THỊ HẢO

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả