“Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính

Ngày đăng: 12/09/2024 - 18:09

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những lá thư, những trang nhật ký đã trở thành “cầu nối” giữa tiền tuyến và hậu phương; là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm và mong ước hòa bình của người lính nơi chiến trường và khi quá khứ khép lại, những lá thư ấy trở thành hồi ức còn mãi với thời gian. Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ, những trang thư “có lửa” từ chiến trường một lần nữa trở về, thành “những con chữ không im lặng” để kể về khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả thời đại mà chúng ta đang sống qua cuốn sách Trở về trong giấc mơ do nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành.

Trong hành trang của những người lính khi ra chiến trường, ngoài vũ khí thì trong balô còn có cây bút, cuốn sổ nhật ký và giấy để viết thư. Đó là phương thức liên lạc duy nhất giữa họ và gia đình, là sợi dây kết nối tiền tuyến và hậu phương. Những lá thư được người lính nắn nót từng dòng, kể cho người thân nghe về tình hình chiến đấu, gửi gắm nỗi niềm xa cách và luôn vững tin vào một ngày mai đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà. Những cánh thư tay mỏng manh, khi ấy trở thành sức mạnh, động viên và tiếp thêm tinh thần, ý chí cho người ở lại cũng như người ra trận.

Cuốn sách Trở về trong giấc mơ do nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành.

Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng đối với rất nhiều người, ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc vẫn còn vẹn nguyên. Đó là ký ức về những năm tháng chiến đấu hào hùng, gian khổ; về những người vợ, người mẹ nghẹn ngào tiễn chồng, con ra chiến trường, những nam nữ thanh niên quyết tâm xung phong lên đường nhập ngũ... Với thế hệ trực tiếp tham gia kháng chiến, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng thêm trân trọng, biết ơn sâu sắc những con người đã sống trọn cả cuộc đời vì đất nước.

Trong vô vàn những câu chuyện thời chiến, có một câu chuyện cảm động về mối tình của đôi trai tài gái sắc - anh Trần Minh Tiến và chị Vũ Lưu Liên. Trước khi ra trận, anh là một cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và Đội bóng sư đoàn 308; còn chị là một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn văn công xung kích tỉnh Hà Tây. Hai người đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng, cũng như những người trẻ cùng chí hướng thời đó, họ đã lựa chọn chia xa, gác lại tình riêng để cùng góp sức, chung vai vun đắp cho “khối tình chung” - tình yêu đất nước. Và điều giúp họ khỏa lấp nỗi nhớ nhung, động viên nhau vượt qua gian khổ của chiến tranh chính là những trang nhật ký, những cánh thư chan chứa lý tưởng, niềm tin, sự lạc quan và cả niềm thương nỗi nhớ.

Cuốn sách Trở về trong giấc mơ được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn, tập hợp từ những trang nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến viết trong khoảng thời gian từ tháng 11/1966 đến tháng 3/1968, ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu.

Nội dung cuốn sách được kết cấu gồm 5 phần: “Vừa tạm biệt người yêu, trái tim đầy xao xuyến”, “Tam Đảo mùa đông rét buốt thêm một cái Tết lính xa nhà”, “Nhớ em buồn muốn khóc!”, “Khổ luyện cùng những đêm mưa rừng không ngủ”, “Tạm biệt miền Bắc đi B và những trang viết cuối cùng”.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến đưa người đọc trở về những năm tháng đạn lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua những trang viết của chàng lính trẻ, bạn đọc sẽ hiểu được những đơn vị bộ đội chủ lực miền Bắc đã tập luyện gian nan, vất vả như thế nào để chuẩn bị cho cuộc hành quân, vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Đó là những tháng ngày anh cùng đơn vị luyện tập tại Tam Đảo. Bộ đội ta phải tập luyện đeo ba lô nặng và leo núi Tam Đảo nhiều lần là để cho quen, sau này vượt dãy Trường Sơn không bỡ ngỡ. Mà đâu chỉ có leo núi liên tục mấy tháng trời, còn phải tập đánh trận như thật nữa: “Hôm qua, đi 11 giờ liên tục thì đến bến đò Phan Lương. Đây là nơi giáp ranh ba tỉnh nên có phương án giả định “địch” đổ bộ trực thăng xuống. Đơn vị lại đặt balô tổ chức đánh suốt đêm. Tiếng bộc phá nổ giòn, hòa lẫn tiếng la hét và tiếng súng đạn hơi, làm cả khu rừng rộng tới 3km rộn hẳn lên trong đêm vắng. Bóng những cô gái dân quân tải thương chạy ngược xuôi dáo dác. Đánh xong, tiếp tục chơi một vố đeo ba lô vận động 23km xuống phía cầu Bâm để đánh “địch” tiếp viện từ Vĩnh Phúc lên”.

Trong nhật ký, Trần Minh Tiến đã dành nhiều trang kể về những ngày nắng cháy thịt da, những đêm mưa rừng tầm tã, rét tái tê, đơn vị của anh ai cũng đeo nặng, hành quân liên tục hàng trăm cây số; tới nơi tập kết cũng không được nghỉ ngơi, mà phải đào hầm hào, dựng lán trại, học tập chính trị... thậm chí còn lao vào những trận chiến giả định với nhiều tình huống ác liệt. Chính sự tôi luyện đó đã góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam những chiến sĩ và đơn vị ưu tú nhất. Không chỉ ghi chép về chuyện tập luyện gian nan vất vả, mà Trần Minh Tiến luôn coi những trang sổ tay ghi chép của mình là nơi để bộc bạch tâm tư, tình cảm sâu kín nhất trong lòng. Cuốn sổ nhỏ đã trở thành một người bạn tâm tình, chia sẻ với anh những nỗi niềm, tâm tư, giúp anh thêm nghị lực, sức mạnh và niềm tin để vượt lên khó khăn, gian khổ…

Một trong những chủ đề lớn, xuyên suốt cuốn sách này là mối tình nồng thắm, trong sáng, thủy chung giữa chàng trai mê bóng đá - anh lính trẻ Trần Minh Tiến - và cô văn công xung kích xinh đẹp Lưu Liên. Có thể nói hầu như không có trang viết nào, không có ngày nào ghi nhật ký mà Tiến không nhắc tới Lưu Liên với một tình cảm yêu quý, nhớ thương da diết. Ở đó, người đọc dễ dàng cảm nhận được cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé của chàng trai trẻ khi phải đối diện giữa một bên là khát vọng tình yêu lứa đôi và bên kia là ý thức dâng hiến đời mình cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Trong cuốn nhật ký đầy xúc động này, người lính trẻ đã nhắc đến và dành tặng cô văn công xung kích một tình yêu rất sâu sắc. Lần giở từng trang sách, bạn đọc sẽ bồi hồi xúc động trước những nét chữ gọn gàng, được ghi chép cẩn thận của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Có thể nhận thấy rằng, đây là những trang viết nghiêm túc, cẩn thận, chỉn chu, xuất phát từ đáy lòng nhằm truyền tải một thông điệp rất thiêng liêng tới người yêu. Chính tình cảm thương yêu ấy đã khiến cho nỗi nhớ mong, sự chờ đợi của họ càng tăng lên gấp bội. Điều đó đã giúp Trần Minh Tiến có thêm nghị lực và sức mạnh để vượt qua được mọi thử thách gian khổ nhất trong những ngày tháng rèn luyện và trên đường hành quân đi chiến đấu. Và cũng chính tình yêu ấy đã giúp cho Lưu Liên có khả năng cảm nhận bằng những giấc mơ kỳ lạ: Lưu Liên như cùng hành quân ra trận và sống chết với người yêu ngoài chiến trường.

Xuất bản lần đầu năm 2005, Trở về trong giấc mơ đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 2 vào đầu năm nay, 2024. Gần 20 năm qua, cuốn nhật ký đã được nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận, không chỉ bởi nội dung trung thực của thể loại nhật ký thời chiến, mà còn bởi sự cảm động trước mối tình đặc biệt của đôi trai tài gái sắc xứ Hà Đông xưa đã đi qua chiến tranh.

Đặc biệt, trong lần xuất bản này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã làm mới Trở về trong giấc mơ bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang sách có in kèm các mã QR để độc giả đọc những bức thư mà liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi người yêu Lưu Liên và cảm nhận những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ sâu sắc đầy yêu thương và trách nhiệm đối với người yêu, đối với cuộc đời, đối với Tổ quốc của người lính trẻ này.

Tuổi xuân của liệt sĩ Trần Minh Tiến mãi mãi ở tuổi 23 nhưng những kỷ vật của anh vẫn luôn được giữ gìn, trân trọng đến tận hôm nay. Câu chuyện qua những lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến là những mảnh ghép trong hàng vạn mảnh ghép chung của cuộc sống những người đã vượt qua chiến tranh để mang độc lập, tự do và hạnh phúc về cho dân tộc. Những bức thư ấy, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực phi thường và lý tưởng sống cao cả của thế hệ cha anh, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc”. Những trang nhật ký của những anh hùng liệt sĩ, những nhà văn, nhà báo, họa sĩ, bác sĩ... đã có mặt trong cuộc chiến ấy, đã sống những thời khắc sinh tử ấy sẽ góp phần “giải mã” cho phần nào những bí mật có thể đã mãi mãi yên ngủ. Những lá thư cũng là “một tượng đài di sản phi vật thể”, là dấu ấn trí tuệ, tâm hồn, nghị lực mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại cho thế hệ sau. Đồng thời qua đó, tái hiện lại những lát cắt số phận, cuộc đời những con người Việt Nam đã trở thành một phần của lịch sử ấy. 

Những lá thư nhuốm màu thời gian không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng với gia đình các liệt sĩ, cựu chiến binh mà còn có ý nghĩa với xã hội, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người trong cuộc chiến. Vượt lên trên những cảm xúc riêng tư của tình yêu đôi lứa, cuốn sách sẽ khơi nguồn cảm hứng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc cũng như hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước của thế hệ cha anh, để vững vàng bước tiếp trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trở về trong giấc được xuất bản trong bối cảnh hôm nay đã trở thành điểm tựa tinh thần đầy giá trị và nhân văn. Cuốn sách đã chứng minh những điều đẹp đẽ của tình yêu, của lý tưởng cách mạng đã tồn tại, và không phải là chuyện cổ tích. Đọc cuốn sách, độc giả có niềm tin về những giá trị cao đẹp của ngày hôm qua, hôm nay. Tình yêu đất nước cao cả và tình yêu đôi lứa sắt son đã hòa quyện, làm nên sức mạnh phi thường của những chiến sĩ cách mạng năm xưa; thổi bùng lên niềm tin, ngọn lửa bất diệt mà những người trẻ hôm nay lấy đó để soi rọi, tin yêu, sống và cống hiến.

Bình luận