Đề cao đạo đức nghề nghiệp khi thu thập, xử lý thông tin báo chí

Ngày đăng: 12/10/2012 - 14:10

(Chinhphu.vn) - Để không mắc phải những lỗi về đạo đức báo chí, người làm báo cần ý thức rõ trách nhiệm của một công dân và trách nhiệm của mình đối với xã hội.

De cao dao duc nghe nghiep lam bao

Nhà báo Đỗ Phượng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 11/10 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí tuyên truyền  tổ chức hội thảo khoa học “Đạo đức nghề trong khai thác và xử lý nguồn tin”, với sự tham dự của đại diện  đông đảo đại diện các cơ quan báo chí.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh những sai phạm về nghiệp vụ báo chí xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây.

Theo nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ  tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu tăng doanh thu bán báo, quảng cáo đã gây áp lực cạnh tranh cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí tăng lên, dẫn đến một loạt sai phạm trong hoạt động báo chí. Nhận diện được những sai phạm đạo đức nghề báo để có giải pháp khắc phục hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà hội thảo hướng đến.

Sai phạm do tắc trách, cẩu thả

Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết năm 2011 cơ quan quản lý báo chí đã xử lý 51 trường hợp đưa tin sai, xử phạt hành chính 460 triệu đồng, áp dụng hình thức cảnh cáo 1 và nhắc nhở 14 cá nhân.

Bốn lỗi sai phạm chủ yếu của đạo đức nghề nghiệp khi khai thác, xử lý thông tin gồm: Đưa tin không phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân, đưa tin bịa đặt, thông tin sai do không kiểm chứng, xâm phạm đời tư cá nhân hoặc xâm phạm thông tin của các vụ án đang điều tra.

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lỗi đạo đức nghề nghiệp trong xử lý nguồn tin xảy ra ở tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Ông lấy dẫn chứng, có trường hợp có báo đưa tin ăn bưởi có thể khiến phụ nữ bị ung thư vú nhưng trên thực tế, các nhà khoa học chỉ nghi ngại các loại bưởi xuất xứ từ Nam Mỹ chứ không phải là bưởi nói chung như các báo nêu. Một ví dụ khác là báo chí từng đưa tin gạo giả xuất hiện tại Hà Nội nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì không phát hiện thấy loại gạo này.

Sai phạm đạo đức báo chí ở đây bắt nguồn từ thái độ tắc trách, cẩu thả của phóng viên khi đi tác nghiệp. Đặc biệt, có phóng viên còn đưa tin sai về hoạt động của doanh nghiệp nhằm gây sức ép để trục lợi.

“Trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường nhưng còn một cái khó nữa là có nhà báo đến quấy nhiễu”, ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về câu chuyện từ một doanh nghiệp phản ánh.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong đạo đức báo chí khi xử lý nguồn tin là do trình độ nhận thức về pháp luật của một bộ phận người làm báo không đầy đủ, ý thức công dân- trách nhiệm xã hội của nhà báo mờ nhạt, nghiệp vụ xử lý nguồn tin kém, chỉ thông tin giật gân thiếu kiểm chứng khơi gợi tính tò mò của nguười đọc, quy trình tác nghiệp của tòa soạn chưa nghiêm.

Để xảy ra lỗi đạo đức báo chí, ngoài trách nhiệm của phóng viên, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm của Ban biên tập: “Phóng viên có thể có lúc đưa tin sai nhưng Ban biên tập không được mắc lỗi. Ban biên tập tờ báo phải có quan điểm rõ ràng khi xuất bản tin".

Rất cần đề cao ý thức công dân

Với cái nhìn của người làm báo lâu năm, nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ, để không mắc phải những lỗi đạo đức, người làm báo cần ý thức rõ trách nhiệm của một công dân và trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Hướng tới các giải pháp khắc phục vi phạm này, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng bên cạnh những biện pháp phạt hành chính, nếu cần thiết có thể đình bản tờ báo sai phạm, xử lý nghiêm khắc ban biên tập cũng như cá nhân phóng viên vi phạm.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nêu quan điểm “thực thi tốt pháp luật về báo chí đã là làm tốt đạo đức nghề nghiệp”.

Nhà báo Đỗ Phượng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát lại nhân sự các Ban Tuyên giáo địa phương và đội ngũ phóng viên để loại ra những cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến nghề và những đồng nghiệp chân chính. Theo ông, làm việc này cũng là để hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Thành Chung

Theo Chinhphu.vn

Bình luận