Để cảm hóa thuyết phục nhân tài trong tình hình mới

Ngày đăng: 13/11/2015 - 14:11

Vấn đề nhân tài đã được bàn thảo rất nhiều trong những năm gần đây, thu hút hàng trăm nhà khoa học có chuyên môn sâu và một số nhà hoạt động thực tiễn tham gia. Nhiều bình diện của vấn đề đã được các tác giả đầy tâm huyết nêu ra, nhưng hình như trong thực tiễn vấn đề nhân tài, hiền tài của nước ta hiện nay vẫn đang còn là một điều trăn trở không chỉ riêng ai, nó vẫn đang đòi hỏi phải tiếp tục bàn luận.

anh robocon 1

Một vài khái niệm

Theo cách hiểu thông thường thì:

Trí thức là những người được đào tạo cơ bản trong một lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ nào đó, họ có học vị nhất định (tuỳ theo trình độ phát triển của từng vùng, từng dân tộc trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau mà mức độ học vấn nào được coi là trí thức. Ở nước ta hiện nay thì là những người có bằng đại học) và có khả năng làm một công việc nào đó bằng sức lao động trí óc theo quy định trong guồng máy chính trị, kinh tế, văn hóa... của xã hội.

Còn tài năng là những người có khả năng vượt trội, nổi bật ở một hay một vài lĩnh vực nào đó, đa phần là do họ được giáo dục, đào tạo mà thành; số đông họ có bằng cấp, học hàm, học vị nhất định, được coi là trí thức. Nhưng trên thực tế, xã hội lại không thể đồng nhất trí thức, người có bằng cấp, với người có tài năng. Đó là lằn ranh mà người làm công tác nhân sự tuyệt đối không được phép nhầm lẫn. Ngay như khái niệm nhân tài, theo nghĩa chữ Hán thì là người tài, nhưng trong tiếng Việt, khi dùng khái niệm nhân tài thì hình như cũng có ý khác với khái niệm người tài.

Cần hiểu tài năng của con người thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, tương ứng với các loại hình hoạt động và với các kiểu tư chất thông minh khác nhau. Ví dụ có tài năng toán học, văn học, nghệ thuật (nghệ thuật lại có vô vàn tài năng ở các bộ môn khác nhau như múa, diễn xuất, hội họa, âm nhạc...), tài năng thể thao (thể thao lại có những tài năng rất khác nhau, như đá bóng khác với cử tạ, bơi lội...), tài năng tư tưởng - triết học, tài năng quân sự, ngoại giao, tài năng kinh doanh, tài năng giáo dục,... Do đó mỗi kiểu tài năng hay từng cá nhân được coi là người tài (hay nhân tài) có vai trò khác nhau trong hoạt động thực tiễn. Một người coi là có tài ở lĩnh vực này nhưng nếu đặt họ không đúng chỗ thì họ lại hóa ra người bình thường thậm chí là kém cỏi ở lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, trong công tác nhân sự không nên đặt cán bộ lãnh đạo, quản lý quá xa với năng lực, sở trường của họ. Trong xã hội nhìn chung và phổ biến thì hầu như hiếm có người toàn tài, toàn năng. Do vậy dù ở bất cứ tổ chức chính trị, xã hội nào, ở bất cứ quốc gia nào, giả định được coi là gồm toàn những người có tài, toàn những người ưu tú lãnh đạo, thì cũng không bao giờ được mắc sai lầm là loại bỏ hay xa rời nguyên tắc dân chủ trong khi ra các quyết định. Lịch sử loài người đã có thời kỳ dài lâm vào chế độ chuyên quyền độc đoán, vì thịnh hành chế độ "quân chủ" nên đã làm thui chột nhân tài, thậm chí hãm hại nhân tài, vùi lấp nguyên khí quốc gia. Lịch sử nước nhà ở một số giai đoạn cũng vướng vào sai lầm ấy ở những mức độ khác nhau.

Tài và đức cũng cần có sự phân biệt tương đối, chưa hẳn người có tài ở một lĩnh vực nào đó cũng đều có đức, còn người có đạo đức cũng chưa hẳn là người có tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt rõ: "Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được cho ai"1. Đây cũng là sự phân biệt quan trọng, rất cần thiết, mà những người làm công tác tổ chức và nhân sự thường phải sáng suốt nhận biết để thấm nhuần phương pháp "dùng người cũng như dùng gỗ" của Hồ Chí Minh. Khi sử dụng cán bộ cần xem xét cả tài và đức. Cái mà vào ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị tìm kiếm - và cho tới nay nhân dân ta, dân tộc ta cũng đang tiếp tục tìm kiếm - là tìm người tài đức.

 Hiền tài và nhân tài tuy đều là khái niệm chỉ người có tài, nhưng hai khái niệm này cũng rất khác nhau mà trong chính sách cán bộ cần có sự phân biệt. Hiền tài là khái niệm dùng để chỉ chung một tầng lớp người có cả tài năng và đức độ nổi trội, họ có tài năng xuất chúng, có đóng góp to lớn, tạo nên bước ngoặt của phát triển, tiến bộ xã hội. Xưa nay, trong lĩnh vực chính trị, những người đứng đầu quốc gia hay chế độ nào có tài năng xuất chúng, có công với nước với dân, có đức độ và hành vi cao thượng cũng thường được lịch sử tôn vinh là người hiền tài, hay những bậc hiền minh. Trong chế độ phong kiến trước kia, ở nước ta cũng đã từng có các vị vua được nhân dân muôn đời coi là bậc hiền tài, là các đấng minh quân; cũng có các quan lại một lòng trung với nước, với dân, đem hết tài năng ra phụng sự quốc gia, nêu gương sáng cho đời sau được coi là hiền thần; còn những kẻ gian manh, trụy lạc, ham mê tửu sắc, trù dập người tài, ưa kẻ phỉnh nịnh, tham nhũng... thì dù là vua chúa hay quan lại cũng đều bị nhân dân coi là hôn quân, bạo chúa, hoặc là kẻ gian thần... Còn người có tài, đã có lúc lập được công trạng nhưng mưu vinh thân, phì gia hay bất lương tàn bạo thì bị coi là kẻ gian hùng...

Hiền tài là sức sống, là mạch nguồn của dân tộc; họ là chỉ dấu về sự hưng vong của sơn hà xã tắc. Chính vì thế mà cha ông ta đã nói "hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp". Trong tình hình đất nước ta đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức hiện nay thì việc suy nghĩ về chính sách chiêu hiền đãi sĩ, tìm người tài đức, "trọng dụng những kẻ hiền năng" chính là tìm kiếm và nuôi dưỡng để nguyên khí quốc gia khỏi bị suy vi, để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong đại diện cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, làm cho thế nước mạnh lên, làm cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trở thành hiện thực.

Thiên tài là một đẳng cấp tài năng nổi trội, hiếm hoi, họ có đóng góp vô cùng to lớn vào lịch sử toàn nhân loại trên một hay vài lĩnh vực đỉnh cao, có lĩnh vực như chính trị thì lâu lắm, trăm năm, thậm chí nhiều thế kỷ mới có một người. Do nhiều lý do mà ở nước ta, kể từ ngày lập quốc tới nay, dẫu nhân tài thời nào cũng có nhưng trong lĩnh vực triết học, toán học và khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật... thì những đỉnh cao thật quá hiếm hoi. Do yêu cầu sống còn của dân tộc mà trong lịch sử mấy nghìn năm, nước ta đã xuất hiện một số thiên tài trong lĩnh vực chính trị - quân sự được thế giới tôn vinh. Hồ Chí Minh là một trong số ít trường hợp quá hiếm hoi ấy.

Để phát huy nhân tài - trí thức trong tình hình mới

Trí thức thì phải đào tạo, ít nhất cũng mất một khoảng thời gian 1/4 cuộc đời mỗi con người (tính theo tuổi được nghỉ hưu của luật lao động hiện hành). Tài năng càng không phải ở trên trời rơi xuống, nhân tài cũng không phải từ dưới đất lên, mặc dù điều kiện tự nhiên có phần tham dự không nhỏ. Môi trường xã hội giữ vai trò quyết định cho các nhân tài phát lộ và thể hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, đảng viên tuy được lựa chọn cẩn thận, gồm đại bộ phận là những người ưu tú nhưng Đảng cũng ở trong xã hội, mỗi người khi đã là đảng viên, là cấp ủy, là lãnh đạo cấp cao thì không phải đã trở thành thánh ngay mà tất thảy, họ cũng đều ở trong môi trường xã hội mà họ sinh thành, tồn tại, phát triển. Để có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước gồm những người có tài năng và đạo đức thì cần có một chiến lược lâu dài và hệ thống chính sách đồng bộ về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài cho đất nước. "Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" là với ý thức như vậy.

Kể từ sau khi thống nhất đất nước tới nay, nếu nhìn vào các nghị quyết và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam qua bảy kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và các văn bản pháp luật quy định tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cùng với cách thức đã tiến hành bầu cử, ứng cử, tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, công chức thì tưởng chừng như Đảng và Nhà nước ta đã thâu thái vào trong tổ chức của mình toàn những người có tài, có đức tương xứng với chức quyền, cấp bậc mà họ được giao phó. Nhưng trên thực tế thì không phải hoàn toàn như vậy. Ở đâu, ở cấp nào nhân dân cũng nhìn thấy sự suy thoái yếu kém và bất cập của bộ máy công quyền. Nhờ sự công khai, minh bạch do quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, do sự phát triển của hệ thống thông tin, và do trải nghiệm của chính nhân dân với tư cách vừa là chủ nhân đất nước, vừa là đối tượng của các chủ thể lãnh đạo, quản lý quốc gia mà nhân dân, nhất là giới trẻ và trí thức có thực tài, thấy băn khoăn về việc thực thi chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài của đất nước. Những yếu kém của cá biệt một số lãnh đạo quản lý các cấp trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công, hành vi vô cảm, bất nhẫn còn tồn tại đã làm nhức nhối lòng dân. Vì thế hầu như tất cả nhân dân - những người đang nặng lòng với vận mệnh của chế độ - đều đã đồng tình hưởng ứng Nghị quyết lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI).

Môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường chính trị, cụ thể là môi trường sống và hoạt động trong các cơ quan công quyền, trong các công sở của hệ thống chính trị là tích hợp tất cả những điều kiện để tài năng, nhân tài xuất hiện, thể hiện mình và phát triển hoặc bị mai một, biến mất, thậm chí, nói theo cách của Hồ Chí Minh, là làm hủ hóa cả nhân tài.

Đánh giá nghiêm túc và chính xác tầm quan trọng của công tác nhân sự, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: "Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Môi trường làm việc, chính sách cán bộ chưa tạo được động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ; chưa cổ vũ ý chí phấn đấu vươn lên, sự gắn bó, tận tụy của cán bộ đối với công việc”2.

Một số giải pháp

Để khắc phục khuyết điểm nói trên thì không thể chỉ có kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, mặc dù từ trước tới nay Đảng ta vẫn coi đó là quy luật của sự phát triển và là vũ khí đấu tranh trong nội bộ những người cùng chung một chí hướng với nhau, cùng tự giác thề rằng sẽ giữ khí tiết của người cộng sản là luôn vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ.

Để cho vấn đề nhân tài thực sự là nguyên khí của quốc gia trong đời sống chính trị của đất nước hiện nay, cần:

Một là, cần xây dựng một cơ chế thật dân chủ, tự do trong việc chuẩn bị cán bộ cho các cuộc bầu cử, ứng cử trong các đại hội của Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương.

Hai là, cần sửa đổi, hoàn thiện quy chế giới thiệu người ra ứng cử vào các cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân và Quốc hội) bấy lâu nay vẫn làm. Nên theo kinh nghiệm Hồ Chí Minh đã làm và thực tiễn đã có hiệu quả to lớn khi bầu cử Quốc hội để thành lập Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi ấy một số cán bộ cao cấp của Đảng đã không tham gia ứng cử, dành để các nhân tài ngoài Đảng có cơ hội xuất thân. Hiện nay tỷ lệ người ngoài đảng làm việc trong cơ quan lãnh đạo, quản lý của Nhà nước các cấp còn tương đối hạn chế, nên cần tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa đảng viên và người ngoài đảng, tạo cơ hội cho các nhân tài thể hiện và phát huy năng lực.

Ba là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mọi đảng viên đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm trước kỷ luật Đảng; mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật của Nhà nước. Bình đẳng trong bầu cử, ứng cử và trong thi tuyển vào các chức danh trong các cơ quan nhà nước, không phân biệt người trong Đảng hay người ngoài Đảng. Cần có quan niệm rằng sử dụng cán bộ ngoài Đảng không những không làm cho vị thế của Đảng cầm quyền giảm đi mà ngược lại Đảng sẽ vững mạnh hơn nhờ có thêm nguồn cán bộ phong phú, có nhiều người tốt đứng trong bộ máy công quyền do Đảng lãnh đạo, làm cho sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc ngày một tăng cường và phát huy hiệu quả như Bác Hồ đã dày công vun đắp và khẳng định: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.

Bốn là, nên bầu cử các cơ quan dân cử trước khi bầu cử cấp ủy các cấp. Trên cơ sở tín nhiệm của nhân dân trong các cuộc bầu cử, Đảng sẽ có thêm thông tin để lựa chọn các cấp ủy viên là những người có thực tài, thực đức được nhân dân tín nhiệm.

Năm là, nên duy trì và cải tiến việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh trong chính phủ và trong Ủy ban nhân dân các cấp; coi đây là việc làm bình thường và thực hiện nó một cách công khai, minh bạch, tránh làm hình thức chiếu lệ.

Vấn đề phát hiện và trọng dụng nhân tài liên quan đến thịnh suy, hưng vong của đất nước. Đảng cộng sản ViệtNamlà người chịu trách nhiệm trước lịch sử. Sự thành bại của Đảng xưa nay phụ thuộc nhiều vào chính sách dùng người, trong đó chính sách nhân tài và thực thi chính sách đó là việc hệ trọng mang tính sống còn cả trong lịch sử và hôm nay.d

 PGS, TS. Trần Đình Huỳnh

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011,  t. 10, tr. 345-346.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 173-174.

 

Bình luận