20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam

Ngày đăng: 24/05/2016 - 08:05

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam đã làm hàng triệu người bị chết, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương, những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra. Năm 1995, Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trong hơn 20 năm qua, quan hệ giữu Việt Nam - Hoa Kỳ đã có nhiều tiến bộ, cùng nhau hợp tác để khắc phục hậu quả của cuộc chiến gây ra, đồng thời góp phần làm cho quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn.

4. hoạt động rà phá bom mìn

Hoạt động rà phá bom mìn

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ từ năm 1995 đến năm 2005

Ngay từ trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai bên đã đẩy mạnh hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại. Sự hợp tác tích cực với hiệu quả cao của phía Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) đã được phía Mỹ đánh giá là “mẫu mực cho sự hợp tác của Hoa Kỳ với các nước”. Đáp lại, phía Hoa Kỳ cũng có những biện pháp tích cực trong việc giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả chiến tranh như: cung cấp thông tin về người Việt Nam hy sinh và mất tích trong chiến tranh, các dự án giúp người tàn tật, rà phá bom mìn, tẩy độc, xây trường học và giúp khắc phục những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra ở Việt Nam. Những kết quả đạt được trong nỗ lực của cả hai phía nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo đã góp phần vào quá trình hòa giải, xoa dịu bớt những nỗi đau, mất mát vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam cũng như những nỗi đau, mất mát của nhân dân Mỹ, từ đó giúp tăng cường sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau1.

Sự kiện đánh dấu “tan băng” trong quan hệ hai nước đó là vào tháng 9-1985, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành hoạt động chung tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam (MIA). Tháng 1-1986, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Armitage và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ P. Wolfowitz sang thăm Việt Nam để bàn về các vấn đề liên quan đến POW/ MIA2.

Tháng 1-1993, Uỷ ban chuyên trách POW/MIA đệ trình báo cáo cuối cùng ra Thượng viện và Ủy ban này được coi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tới năm 1994, sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ là ngày 3-2-1994, Tổng thống Bin Clintơn tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam và lập Cơ quan liên lạc giữa hai nước. Tháng 10-1994, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật khẳng định vấn đề MIA vẫn là trọng tâm của chính sách Mỹ đối với ViệtNam.

Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đó là ngày 11-7-1995, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Bin Clintơn tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam: “Hôm nay tôi loan báo việc bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ thời gian đầu của chính quyền này, bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đều dựa vào tiến bộ đạt được về vấn đề người Mỹ mất tích trong khi làm nhiệm vụ hay bị bắt làm tù binh. Năm ngoái tôi đã hủy bỏ lệnh cấm vận buôn bán đối với Việt Nam để đáp lại sự hợp tác của họ, và nhằm tăng cường sự nỗ lực của chúng ta bảo đảm tìm kiếm hài cốt của những người Mỹ bị mất tích và xác định số phận của những người mà hài cốt của họ vẫn chưa tìm thấy”3.

Ngày 12-7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam: “Tuyên bố của Tổng thống Bin Clintơn công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng đông đảo của các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Quyết định này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển Đông Nam Á cũng như trên thế giới”4.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu rõ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11-7-1995 của Tổng thống Bin Clintơn và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước… “Chính phủ và nhân dân hai nước sẽ hợp tác có hiệu quả trong việc tiếp tục giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại ở cả hai bên… Xuất phát từ tinh thần nhân đạo, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình hợp tác với Hoa Kỳ nhằm kiểm kê một cách đầy đủ có thể được những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam”5. Sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, theo ghi nhận của phía Hoa Kỳ, “trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bin Clintơn (1993-1996; 1997-2001), Việt Nam đã chuyển gần 300 bộ hài cốt (binh sĩ) cho phía Hoa Kỳ”6,…   

Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2005, hai bên đã từng bước thiết lập các kênh đối thoại, trao đổi thông tin một cách thẳng thắn, mang tính xây dựng nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác cùng có lợi. Nhiều chuyến thăm cấp cao của cả hai phía đã được tiến hành, nổi bật là chuyến thăm Việt Namcủa Tổng thống B. Clintơn tháng 11-2000. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi tại nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực, qua đó hình thành nên sự hiểu biết và lợi ích chung, hướng tới xây dựng một khuôn khổ quan hệ song phương ổn định, lâu dài trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi7.

Tính đến năm 2004, quan hệ hai nước đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. “Nếu như năm 1994, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt 223 triệu USD và đến năm 2001 dừng lại ở mức 1,4 tỷ USD thì năm 2004 con số này đã tăng lên tới 6,4 tỷ USD, gấp hơn 28 lần so với năm 1994”8.

Năm 2005, đánh dấu một mốc đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Kỷ niệm 10 năm ngày hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ và 5 năm ngày ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA). Tháng 6-2005, một sự kiện ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước đã diễn ra. Đó là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải tới Hoa Kỳ. Trong cuộc hội đàm ngày 21-6-2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ra Tuyên bố chung, trong đó có vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh: “… Tổng thống Bush đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang hợp tác trong những nỗ lực nhân đạo chung của hai nước nhằm xác định, ở mức cao nhất có thể, hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là việc nhận dạng và hồi hương hài cốt của hơn 520 lính Mỹ thông qua các hoạt động tìm kiếm hỗn hợp. Thủ tướng tái khẳng định, Việt Namsẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này thông qua việc xúc tiến các biện pháp mà hai bên vừa nhất trí thực hiện. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề do chiến tranh để lại”9.

Chặng đường 10 năm đầu quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau khi bình thường hóa là một chặng đường tuy không dài, nhưng đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, tạo thành dấu ấn trong quá trình cải thiện và phát triển quan hệ hai nước10, chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ: đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới.

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ từ năm 2005 đến 2015

Từ năm 2001 tới năm 2006, các Tổ chức phi chính phủ (NGO) Mỹ đã có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh,… “Có 250 NGO Mỹ hoạt động ở khắp các tỉnh và thành phố của Việt Nam. Các NGO Mỹ đã giải ngân khoảng 45 triệu USD trong tổng số 85 triệu USD phải giải ngân năm 2001; 82 triệu USD trong tổng số 144 triệu USD năm 2004, 83 triệu trong tổng số 175 triệu USD năm 2005 và 110 triệu USD trong tổng số 216 triệu USD năm 2006”11.

Trong hai năm 2006-2007, hai quốc gia đã có nhiều hoạt động ngoại giao tích cực. Tháng 11-2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush sang thăm ViệtNam. Tháng 6-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ, đưa mối quan hệ ViệtNam- Hoa Kỳ sang trang sử mới. Các chuyến thăm, văn bản được ký kết đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Các cơ chế hợp tác cụ thể được thiết lập và đang được triển khai trong lĩnh vực nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần tiếp tục củng cố quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có sự phát triển trên nhiều mặt hơn, nhất là sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ vào tháng 6-2008, “hai nước nhất trí phát triển quan hệ song phương theo khuôn khổ đối tác hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau”12.

Trong giai đoạn 2007-2012, Chính phủ Mỹ đã nhất trí dành 60 triệu USD cho việc giải quyết vấn đề da cam/điôxin tại Việt Nam (49 triệu USD để hỗ trợ dự án “Tẩy độc môi trường ô nhiễm điôxin tại sân bay Đà Nẵng” và 11 triệu USD cho các trợ giúp về y tế liên quan đến các nạn nhân chất độc da cam/điôxin)13.

Tiếp đó, vào tháng 7-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, đưa tới kết quả tốt đẹp, “hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện”. Ngày 25-7-2013, kết thúc cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barắc Ôbama đã ra Tuyên bố chung về quan hệ ViệtNam- Hoa Kỳ: “… Các vấn đề hậu quả chiến tranh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ôbama nhất trí rằng việc tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh đã và sẽ làm sâu sắc hơn sự tin cậy lẫn nhau, cho phép hai nước phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai. Tổng thống Ôbama đánh giá cao sự hỗ trợ của ViệtNamtrong việc tiếp tục hợp tác tìm kiếm đầy đủ quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh.

Tổng thống Ôbama tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ những nỗ lực của ViệtNamtrong việc tìm kiếm bộ đội mất tích. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những đóng góp của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các nỗ lực của Việt Nam trong việc rà phá các vật liệu nổ còn sót lại (UXO), hỗ trợ những nạn nhân bị thương do các vật liệu nổ còn sót lại, và ngăn chặn thương vong trong tương lai.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ôbama bày tỏ sự hài lòng đối với những tiến triển của dự án tẩy độc điôxin tại sân bay Đà Nẵng giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh các kế hoạch của Chính phủ Hoa Kỳ về việc tiến hành đánh giá về mức độ nhiễm độc điôxin đối với môi trường tại sân bay Biên Hòa”14.

Sự kiện mang dấu ấn nổi bật trong 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước là “chuyến thăm lịch sử”15 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ hồi đầu tháng 7-2015. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, trong lĩnh vực nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, “hai nước hoan nghênh những nỗ lực chung nhằm xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh, bao gồm nhiệm vụ nhân đạo tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA), rà phá vật liệu chưa nổ, tẩy rửa chất độc điôxin và hỗ trợ hơn nữa đối với các nỗ lực nhân đạo này”16. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hợp tác nhân đạo giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực. Việt Nam coi việc tìm kiếm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề nhân đạo và sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Hoa Kỳ trong hoạt động này (…) Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hậu quả của cuộc chiến tranh ở ViệtNam còn hết sức nặng nề. Nhiều thế hệ người dân ViệtNam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với những hậu quả chiến tranh khắc nghiệt.

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có các cựu chiến binh Hoa Kỳ, đã triển khai nhiều hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh; Quốc hội Hoa Kỳ hằng năm đã thông qua ngân sách hỗ trợ giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có việc tẩy độc các vùng bị ô nhiễm, rà phá bom mìn... ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Để làm tốt chủ trương gác lại quá khứ, chúng ta nên chung tay hàn gắn những vết thương chiến tranh. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của nhân dân, vì vậy việc hai bên phối hợp giải quyết tốt sẽ là góp phần quan trọng tăng cường quan hệ giữa hai nước”17

Kể từ năm 1995 đến nay, lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước chưa phải là dài, nhưng rõ ràng, thành tựu trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh không hề nhỏ. Đến nay, khoảng 950 bộ hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ đã được tìm thấy, trong đó 700 bộ đã được nhận dạng. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng đã cung cấp hơn 300 bộ hồ sơ, góp phần bổ sung thông tin để quy tập được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam 100 triệu USD để tẩy độc chất da cam - điôxin ở Đà Nẵng, và 80 triệu USD hỗ trợ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. “Năm 2014, Hoa Kỳ giải ngân 29 triệu USD trong khoản ngân sách 84 triệu USD giai đoạn 2014-2016 cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và trợ giúp về y tế cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/điôxin. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng tài trợ cho Việt Nam các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng viện trợ 94 triệu USD thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO), từ năm 1993 đến nay”18. “Tổng giá trị Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam về khắc phục hậu quả bom mìn thông qua các tổ chức phi chính phủ từ năm 1993 đến 2015 trị giá 104 triệu USD”19.

Như vậy, những kết quả đạt được ở các lĩnh vực nhân đạo xã hội từ năm 1995 đến 2015 trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là rất đáng ghi nhận, nó góp phần làm giảm đi những khó khăn, hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại cho cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Những kết quả đó không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại, mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết và gắn bó giữa hai nước. Thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, hợp tác Việt - Mỹ trong khắc phục hậu quả chiến tranh có phần vượt lên trước các quan hệ khác như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… Qua đó có tác động rất lớn đến quá trình hợp tác nhiều mặt giữa ViệtNamvà Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Một vài nhận xét

Với truyền thống yêu hòa bình, tinh thần hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, trong 20 năm qua, mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển.

Trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, di sản chiến tranh đã và đang là những vấn đề nổi lên cần được giải quyết. Vấn đề POW/MIA chi phối đáng kể quan hệ giữa hai nước; nhiều chính khách Mỹ thừa nhận thiện chí và lòng nhân đạo của Chính phủ và nhân dân ViệtNamtrong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích. Vấn đề chất độc màu da cam/điôxin đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ người ViệtNam. Ngoài ra, hậu quả của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam còn để lại không ít những đứa con lai ở Việt Nam, nhu cầu đoàn tụ của những gia đình đã bị ly tán và trên tất cả là trách nhiệm và nghĩa vụ của nước Mỹ đối với hậu quả chiến tranh mà họ đã gây ra ở Việt Nam đều rất lớn. Do vậy, ViệtNamvà Hoa Kỳ cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác để khắc phục những hậu quả của cuộc chiến tranh ở ViệtNam, đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

Tóm lại, trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam- Hoa Kỳ “đã có những chương buồn” (theo cách nói của Tổng thống Mỹ Ôbama), cuộc chiến tranh ở Việt Namđã qua đi, nhưng di sản, hậu quả của nó để lại hết sức nặng nề. Cả hai nước đều đã tích cực cùng nhau khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài vài thập niên trên đất nước Việt Nam và đạt được nhiều kết quả khả quan trong một số lĩnh vực nhân đạo xã hội nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh như vấn đề POW/MIA, chương trình chân tay giả, vấn đề chất độc màu da cam/điôxin, rà soát, tháo gỡ bom mìn… giúp cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những chuyển biến tích cực, từ đối đầu, cấm vận đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hợp tác song phương toàn diện,…Đến nay Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam20. Như vậy, có thể nói quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang ngày càng phát triển tốt đẹp; cơ hội để mở rộng hơn nữa quan hệ giữa hai nước đã được tạo ra vì cả hai bên đều nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đó.

ThS. Nguyễn Văn Biểu

Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

ThS. Trần Đình Phiên

Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 

1, 10. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: “Nhìn lại 10 năm quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ: Kết quả và triển vọng”, Tạp chí Cộng sản, số 14 (tháng 7-2005), tr. 32, 31.

2. POW/ MIA: Vấn đề tù binh Mỹ “Prisoners of War” viết tắt là POW và người Mỹ mất tích “Missing in Action” viết tắt là MIA.

3. PGS. TS. Phạm Xanh: “Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ (1787-2007)”, Tạp chí Xưa và Nay, số 298 (tháng 12-2007), tr. 14.

4, 5. Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc Tổng thống Hoa Kỳ BinClintơn quyết định “bình thường hóa quan hệ với ViệtNamngày 12-7-1995”. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Biên niên Lịch sử Chính phủ ViệtNam1945-2005, Nxb. Văn hóa - thông tin, Hà Nội, 2006, t. 4, tr. 279, 280.

6. Dẫn theo TS. TrầnNamTiến: Quan hệ ViệtNam- Hoa Kỳ: Thực trạng và triển vọng, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2010, tr. 96.

7. Tạp chí Cộng sản, số 14 tháng 7-2005, tr. 32.

8. Tạp chí Cộng sản, số 14 tháng 7-2005.

9. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tuyen-bo-chung-viet-my-2026413.html.

11. Văn phòng Chính phủ, Báo cáo Tổng kết đề tài độc lập cấp Nhà nước “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, Mã số: ĐTĐL 2006/17, Chủ nhiệm đề tài: GS.TSKH. Nguyễn Mại, Hà Nội, 2007, tr. 182.

12. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm: “Ngoại giao ViệtNamnăm 2008 và phương hướng năm 2009”, Tạp chí Cộng sản, số 796 (2-2009), tr. 15.

13. Thông tin cơ bản về Hoa Kỳ và Quan hệ với Việt Nam. Nguồn: Bộ Ngoại giao. http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/america/nr040819114015/ns140304233040/view (ngày 04-03-2014).

14. Báo Quân đội nhân dân, số 18784, ngày 26-7-2013, tr. 7.

15. Xem Nguyễn Thế Kỷ: “Chuyến thăm lịch sử”, Tạp chí Tuyên giáo, số 8-2015, tr. 28-32.

16. “Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam- Hoa Kỳ”, Báo Quân đội nhân dân, số 19489, ngày 9-7-2015, tr. 7.

17. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương ViệtNam- Hoa Kỳ, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới”, Tạp chí Cộng sản, số 874 (8-2015), tr. 5.

18. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: “Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ”, Tạp chí Cộng sản, số 874 (8-2015), tr. 103-104.

19. “Đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ đi vào chiều sâu”, Tạp chí Cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2015/34941/Dua-quan-he-doi-tac-toan-dien-Viet-NamHoa-Ky-di-vao.aspx, ngày 30/8/2015).

20. Trong quan hệ hợp tác kinh tế, từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 36,6 tỷ USD trong năm 2014 (http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2015/34941/Dua-quan-he-doi-tac-toan-dien-Viet-NamHoa-Ky-di-vao.aspx).
 


Bình luận