Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và góp ý bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo

Ngày đăng: 19/07/2016 - 10:07

Ngày 14-7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí năm 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tham dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; các đại biểu đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí ở 63 tỉnh, thành phố.

15.7.2016 Lan Hội nghị quán triệt thực hiện Luật Báo chí

Đây là hoạt động quan trọng mở đầu Chương trình hành động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Báo chí năm 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu rõ: Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016, Chủ tịch nước công bố Luật vào ngày 29-4-2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Luật Báo chí được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí năm 2016 khẳng định Đảng, Nhà nước đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, nặng nề cho những người làm báo Việt Nam.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức giới thiệu tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Báo chí năm 2016; quán triệt về nội dung Luật Báo chí năm 2016 và góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; triển khai Hướng dẫn số 1092/HD-HNB về tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí năm 2016, những điểm mới so với Luật Báo chí năm 1999... Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định: Những năm qua, những người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân, phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng tiêu cực, tệ nạn xã hội,... góp phần dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo đang diễn ra ngày càng phức tạp, cho thấy dấu hiệu tha hóa trong một bộ phận người làm báo. Đó là hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, bóp méo sự thật... Tình trạng nhà báo lạm quyền - cửa quyền ngày càng gia tăng; vẫn còn hiện tượng nhà báo lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi cá nhân, làm trái pháp luật...

Theo Điều 8 Luật Báo chí năm 2016, một trong những nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là ban hành, tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp Luật Báo chí năm 2016 và luật pháp hiện hành. Thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí năm 2016 và lấy ý kiến sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam diễn ra trong năm tháng, từ tháng 5 đến hết tháng 9-2016.

* Chiều cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Giải Báo chí quốc gia. Trong phát biểu khai mạc, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đánh giá, kể từ ngày 29-3-2007 khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, trao Giải lần thứ nhất cho các tác phẩm xuất sắc nhất năm 2006, đến nay, Giải Báo chí quốc gia đã thật sự là sự cổ vũ to lớn với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo, phát hiện và tôn vinh những tài năng, tâm huyết của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa theo tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Bí thư T.Ư Đảng. Lễ trao giải hằng năm vào dịp 21-6 đã thật sự trở thành ngày hội của giới báo chí cả nước.

Theo nhà báo lão thành Phan Quang, Giải Báo chí quốc gia là “giải thưởng văn hóa đàng hoàng, minh bạch”, là “điểm hẹn, niềm tự hào của báo giới Việt Nam” và là “điểm sáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đất nước”. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang nhấn mạnh: “Nếu cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta ghi nhận Giải Báo chí toàn quốc góp phần làm nên diện mạo báo chí Việt Nam thì ngày nay có thể quả quyết Giải Báo chí quốc gia thể hiện diện mạo thu nhỏ của báo chí Việt Nam, tôn vinh, lưu giữ phần tinh túy của nền báo chí ấy, góp phần gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam. Thành công ấy là sự tích hợp tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mấy thế hệ nhà báo trong cả nước mười năm qua”.

Báo cáo của Hội đồng Giải Báo chí quốc gia do đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia trình bày đã đánh giá toàn diện 10 năm thực hiện Giải Báo chí quốc gia ở năm lĩnh vực: Công tác tổ chức giải; Kết quả 10 năm tổ chức giải; Một số đánh giá và bài học kinh nghiệm; Phương hướng cải tiến tổ chức giải và một số kiến nghị đề xuất, với những con số nhiều ý nghĩa: Trong 10 năm có 12.486 tác phẩm dự giải, trong đó có 1.550 tác phẩm vào vòng Chung khảo để chọn ra 1.003 giải, trong đó có 45 giải A, 206 giải B, 396 giải C và 346 giải Khuyến khích.

Các ý kiến tham luận và báo cáo tại Hội nghị đã chia sẻ, đồng tình với đánh giá của Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, nhấn mạnh nguyên nhân thành công của tác phẩm có chất lượng cao đoạt giải là: Sự quan tâm đầu tư bài bản của các cấp hội, lãnh đạo các cơ quan báo chí từ tạo nguồn lực, giao đề tài và chỉ đạo thực hiện; việc bồi dưỡng, xây dựng cây bút, nâng cao bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ cho các hội viên gắn với Đề án Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao; xây dựng môi trường nghiệp vụ lành mạnh, chuyên nghiệp, khích lệ tinh thần cống hiến, sáng tạo, tâm huyết với nghề; công tác tổ chức giải ở Trung ương và các cấp hội cũng như công tác động viên, khen thưởng kịp thời…

Hội nghị cũng nêu lên một số kiến nghị tiếp tục cải tiến để Giải Báo chí quốc gia ngày càng nâng cao chất lượng, uy tín, góp phần tăng cường sự đóng góp của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(Theo Báo Nhân Dân)

Bình luận