Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 29/07/2016 - 09:07

toan cau hoa97Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan, đã và đang tác động sâu rộng, mạnh mẽ đến mọi quốc gia, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và trên phạm vi toàn cầu. Cuốn sách Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam của các tác giả PGS. TS. Nguyễn Thế Nghĩa, TS. Nguyễn Thị Hương Giang sẽ cung cấp nhiều thông tin làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa cũng như vấn đề toàn cầu hóa ở Việt Nam, đặc biệt là toàn cầu hóa cùng với việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Cuốn sách được kết cấu thành ba phần:

Phần thứ nhất: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế;

Phần thứ hai: Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa;

Phần thứ ba: Phương hướng và giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cuốn sách trình bày các quan niệm về toàn cầu hóa, phân tích quá trình hình thành và phát triển, bản chất đặc điểm của toàn cầu hóa, cũng như phân tích tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, những thời cơ và thách thức trong tiến trình đó. Từ đó cuốn sách đi sâu phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa đến giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự biến đổi của giá trị truyền thống dưới tác động của toàn cầu hóa.

Thực tế đã có nhiều quan niệm khác nhau về toàn cầu hóa, tuy nhiên theo các tác giả: toàn cầu hóa là quá trình xã hội khách quan tác động, chi phối và làm tăng lên các mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trong mọi lĩnh vực của đời sống trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực. Từ việc dựa vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và mức độ phát triển tự thân của nó mà toàn cầu hóa được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất (khoảng 1870-1914), giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ hai (1945-1980), giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ ba (từ cuối những năm 1980 đến nay). Mỗi giai đoạn lại có những đặc điểm và sự phát triển riêng.

Có thể nói, từ sự phát triển của lực lượng sản xuất và được thúc đẩy với sức mạnh vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến tất cả các quốc gia và trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, giáo dục, y tế,... đã tạo ra những điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn cho sự phát triển của nhân loại trong các lĩnh vực. Nó là hiện tượng xã hội đa dạng, đa diện và phức tạp; trong đó toàn cầu hóa kinh tế là trung tâm, tác động chi phối đến toàn bộ quá trình toàn cầu hóa. Với lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế nhanh ở tất cả các khu vực và hầu hết các quốc gia trên thế giới, đồng thời giúp xóa bỏ những rào cản ngăn cách giữa các quốc gia, dân tộc, mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới. Toàn cầu hóa đã và đang làm tăng quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các tổ chức quốc tế và khu vực, tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp cận được nguồn vốn, tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến... Tuy nhiên bên cạnh những thời cơ và thuận lợi mà toàn cầu hóa mang lại, nó cũng bộc lộ những hạn chế và tính phức tạp như: làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp, thất học, nghèo đói, bất bình đẳng; làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường,... Hàng loạt những thuận lợi và thời cơ, thách thức do toàn cầu hóa đó tạo ra sẽ được trình bày và phân tích một cách cụ thể trong cuốn sách.

toan cau hoa58

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng nhanh và để lại nhiều tác động không nhỏ đến sự phát triển của các nước thì Việt Nam đã và đang đứng trước những khó khăn và thách thức như thế nào, phải đối mặt với vấn đề này ra sao? Với tác động thì sự biến đổi của giá trị truyền thống Việt Nam thường chỉ có thể diễn ra theo hai xu hướng: thích ứng, phát triển và mở rộng nội dung của những giá trị truyền thống; hoặc phai nhạt, suy giảm và xuống cấp của một số giá trị truyền thống. Vậy làm thế nào để những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc không bị mất đi mà vẫn tiếp thu được những yếu tố tích cực của toàn cầu hóa? Để làm rõ vấn đề này, cuốn sách cũng phân tích khá cụ thể những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như: chủ nghĩa yêu nước, ý chí tự lập, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương con người và lòng nhân ái, khoan dung,... Trên cơ sở những phân tích và lập luận đó, cuốn sách cũng đã đưa ra được những phương hướng và giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích góp phần giúp bạn đọc, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách có được những hướng đi phù hợp với tình hình và xu thế hiện nay của đất nước.

Bình luận