Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với bài học xây dựng hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay
Hệ thống chính trị là toàn bộ các thiết chế (cơ quan được tổ chức và hoạt động theo pháp luật quy định như: thiết chế Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, thiết chế các cơ quan dân cử…) và các tổ chức chính trị, lực lượng chính trị chi phối xã hội, thể hiện chế độ chính trị, đường lối phát triển đất nước; nắm quyền lãnh đạo, quản lý, thực hiện quyền lực chính trị được xã hội và pháp luật thừa nhận.ÂÂ
Hệ thống chính trị xuất hiện cùng với sự thống trị của giai cấp, nhà nước nhằm thực hiện đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền. Do đó, hệ thống chính trị mang bản chất giai cấp.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu sự hình thành ở Việt Nam một hệ thống chính trị mới - hệ thống chính trị dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc không phân biệt giống nòi, giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ; đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Kể từ khi ra đời, hệ thống chính trị dân chủ nhân dân ở Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ: đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng phát triển đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng hệ thống chính trịÂÂ của Việt Nam là: “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”; thông qua hệ thống chính trị, nhân dân thực hiện quyền lực chính trị của mình.
Về cơ cấu, hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm các cơ quan:
- Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - là trung tâm của hệ thống chính trị, tổ chức mọi mặt của đời sống xã hội và là công cụ để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội…) là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.ÂÂ
Hệ thống chính trị ở Việt Nam được xây dựng từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
2. Trải qua nhiều biến động của tiến trình cách mạng, hệ thống chính trị ở Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định về hình thức tổ chức và phương thức vận hành
Giai đoạn 1945-1975: Đặc thù của cách mạng Việt Nam đặt ra nhiệm vụ cho hệ thống chính trị Việt Nam nhiệm vụ cấp bách: Bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1945 - 1951), Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng và phát triển hệ thống chính trị. Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị đặt lợi ích của dân tộc lên cao nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng một chính quyền được xác định là công bộc của dân, coi dân là chủ và dân làm chủ. Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đặc thù của đất nước, ở giai đoạn này, vai trò lãnh đạo của Đảng được ẩn trong vai trò của Quốc hội và Chính phủ, trong vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của các đảng viên. Đồng thời hệ thống chính trị được phát huy vai trò thông qua Mặt trận Liên Việt và các tổ chức quần chúng rộng rãi khác. Phương thức vận hành mang tính tự nguyện với tinh thần kháng chiến, kiến quốc đã phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân trong hệ thống chính trị và là cội nguồn của sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ.
Giai đoạn 1955-1975, hệ thống chính trị chuyên chính dân chủ nhân dân tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện nhiệm vụ của chuyên chính vô sản ở miền Bắc.
Giai đoạn từnăm 1975 đến nay:
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chuyên chính vô sản trên phạm vi cả nước. Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) về đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới khẳng định: nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Ngày 18-12-1980, Quốc hội khoá VI thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản”.
Hệ thống chuyên chính vô sản ở Việt Nam ở giai đoạn này được xây dựng theo mô hình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, việc xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản được quan niệm là xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; tức là xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các quan hệ xã hội thể hiện ngày càng đầy đủ sự làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa bằng pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng được hiểu là bảo đảm cao nhất cho chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, cho sự tồn tại và hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, là cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống chuyên chính vô sản ở giai đoạn này cũng đã bộc lộ rõ hạn chế lớn là mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ở từng địa phương, đơn vị, tổ chức,… chưa được xác định thật rõ, chưa làm tốt chức năng của mình. Chế độ trách nhiệm không nghiêm, pháp chế xã hội chủ nghĩa còn nhiều thiếu sót. Bộ máy nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả mà cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp là nguyên nhân trực tiếp.
Những hạn chế, sai lầm nêu trên cùng những yêu cầu khách quan từ tình hình thế giới và trong nước đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới hệ thống chính trị. Cụ thể là nhận thức mới về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị, trong đó phải tập trung đổi mới kinh tế trước hết, vì có đổi mới thành công về kinh tế mới tạo được điều kiện cơ bản để tiến hành đổi mới hệ thống chính trị thuận lợi. Mặt khác, nếu không đổi mới hệ thống chính trị, thì đổi mới kinh tế sẽ gặp trở ngại, khó khăn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã khẳng định rõ tiêu chí của đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) cũng nhấn mạnh, thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị ở Việt Nam là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.
Đại hội lần thứ IX và các đại hội X, XI, tiếp tục khẳng định: động lực chủ yếu để phát triển hệ thống chính trị vẫn là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội; khẳng định quá trình đổi mới hệ thống chính trị với việc xác định rõ mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Rõ ràng mục tiêu chủ yếu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm hướng đến xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
3. Một số bài học về xây dựng hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam hiện nay
Trước hết, hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình xây dựng, hoàn thiện và đổi mới không ngừng từ hệ thống chính trị đã ra đời từ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị đã có những thay đổi nhất định để phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của đất nước, song nguyên tắc xây dựng hệ thống chính trị vẫn kiên định “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thông qua hệ thống chính trị, nhân dân thực hiện quyền lực chính trị của mình. Do đó, đổi mới hệ thống chính trị để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước là yêu cầu khách quan. Bài học đặt ra là đổi mới hệ thống chính trị phải toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có lộ trình và phương thức thích hợp.
Thứ hai, về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong hệ thống chính trị: Hệ thống chính trị vận hành theo cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Trong đó, Đảng vừa là một bộ phận của hệ thống chính trị, vừa là “hạt nhân” lãnh đạo hệ thống ấy, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, có chức năng thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng. Nhân dân là người làm chủ xã hội, làm chủ thông qua Nhà nước và các cơ quan đại diện, đồng thời làm chủ trực tiếp thông qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; làm chủ thông qua hình thức tự quản. Quá trình xây dựng và phát triển hệ thống chính trị phục vụ cho công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước thực chất là quá trình đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị với nhau và với xã hội, tạo ra sự vận động cùng chiều theo hướng tác động, thúc đẩy xã hội phát triển; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ các chủ trương, giải pháp giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội; làm cho nước ta phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các chủ thể trong hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các chủ thể đó sẽ góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó làm cho hệ thống chính trị hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với đường lối đổi mới đất nước, với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, hiện tại, việc cải cách nền hành chính quốc gia còn rất hạn chế. Bộ máy hành chính còn nhiều tầng nấc làm cho việc quản lý các quá trình kinh tế - xã hội chưa thật nhanh nhạy và hiệu quả. Tình trạng quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu của một bộ phận công chức nhà nước và ngay cả trong các tổ chức chính trị xã hội vẫn chưa được khắc phục. Kỷ cương, phép nước bị xem thường ở nhiều nơi. Vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế, chưa có cơ chế thật hợp lý để phát huy... Do đó, việc đổi mới hệ thống chính trị cần được quan tâm đúng mức và phải đồng bộ với đổi mới kinh tế; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hoạt động của hệ thống chính trị phải ngày càng hướng về cơ sở là một yêu cầu bức thiết nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS. TS. TRẦN THỊ MAI*
Trích trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới,
hội nhập và phát triển", Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016
* Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực