Từ bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 suy nghĩ về việc phát huy vai trò khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia hiện nay

Ngày đăng: 18/08/2016 - 09:08
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được tạo nên bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, song trong số những nhân tố có tính chất quyết định có nhân tố cả dân tộc Việt Nam đồng lòng đấu tranh để giành lại độc lập dân tộc về tay mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bắt nguồn trên nền tảng truyền thống lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam, được Người nâng cao và áp dụng một cách linh hoạt, tài tình trong quá trình hoạt động cách mạng, trong việc lãnh đạo Đảng tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và được hiện thực hóa trong cuộc Tổng khởi nghĩa tiến đến giành chính quyền về tay nhân dân và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vào năm 1945.
Dai doan ket toan dan

Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo xu thế chung của thời đại. Đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, biến những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà được cụ thể hóa thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng mà bao trùm nhất là mặt trận dân tộc thống nhất.

Từ năm 1930, sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú trọng xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất nhằm đưa quần chúng nhân dân vào những tổ chức yêu nước phù hợp với từng giai tầng, từng giới, từng ngành nghề, từng lứa tuổi, từng tôn giáo và phù hợp với từng bước phát triển của phong trào cách mạng. Mỗi giai đoạn lịch sử, khối đại đoàn kết dân tộc được tập hợp trong những tổ chức với những tên gọi khác nhau, nhưng dù trong điều kiện nào thì khối đoàn kết dân tộc vẫn luôn được biểu hiện là tổ chức chính trị rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức và cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước, phấn đấu vì mục tiêu chung là giành và bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, sự toàn vẹn và thống nhất của đất nước Việt Nam và tự do hạnh phúc của nhân dân. Các tổ chức đoàn kết dân tộc với tên gọi là Mặt trận luôn hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng.

Có thể thấy, ngay sau khi được thành lập, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh (1930-1936). Đây là hình thức mặt trận đoàn kết dân tộc đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tháng 9-1937, một loạt các tổ chức như Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội ra đời cùng với việc hoạt động công khai và nửa công khai của các tổ chức quần chúng như hội ái hữu, tương tế, các hội hoạt động âm nhạc... từng bước hình thành một Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tháng 6-1938, Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư công khai cho các đảng phái đề nghị gác các ý kiến bất đồng để “bước tới thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương”. Như vậy, từ những phong trào, mặt trận đã dần hình thành mang tính chất của một tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình ra đời và hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939) chính là sự kế tiếp thành quả của Hội Phản đế Đồng minh. Đến ngày 19-5-1941, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (thành lập theo Quyết nghị của Hội nghị Trung ương 6, tháng 11-1939).

Mặt trận Việt Minh đã tập hợp, huy động được sức mạnh to lớn của mọi giai tầng trong xã hội, vì lợi ích chung của cả dân tộc Việt Nam. Mặt trận Việt Minh “chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập”[1]. Mặt trận Việt Minh là nơi tập hợp lực lượng của cả dân tộc Việt Nam, là hình ảnh khối đại đoàn kết các tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc ngày càng thu nhận thêm tổ chức thành viên mới, những trí sĩ yêu nước. Mặt trận Việt Minh là tập hợp của các đoàn thể cứu quốc như: Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Nhi đồng cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc... Đứng trong hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh có hàng triệu người Việt Nam yêu nước, đồng lòng không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Về tổ chức, Mặt trận có một cơ chế riêng, khác hẳn với cơ chế tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Về hệ thống tổ chức, ở các xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kỳ có Ban Chấp ủy Việt Minh cấp ấy; Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ. Ngoài những đoàn thể cứu quốc có tính chất chính trị, cách mạng rõ rệt (như Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc,...) còn có những đoàn thể không có điều lệ, hoạt động công khai và bán công khai như hội cứu tế thất nghiệp, hội tương tế, hội hiếu hỉ, nhóm học quốc ngữ, nhóm đọc sách, xem báo,... Chủ trương cụ thể của Việt Minh là: liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở. Việt Nam Độc lập Đồng minh lại còn hết sức giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh hay là Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế toàn Đông Dương để đánh được kẻ thù chung giành quyền độc lập cho nước nhà. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc.

Trên nền tảng của những thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự tiếp nối của Mặt trận Việt Minh được biểu hiện dưới tên gọi Mặt trận Liên Việt (tồn tại từ năm 1951 đến năm 1955 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Mặt trận Liên Việt đã góp phần to lớn cùng cả dân tộc vượt bao sóng gió làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Qua chín năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành một trong những trụ cột thống nhất của nhà nước dân chủ nhân dân.

Sau năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền Nam -Bắc với hai chính thể khác nhau. Mục tiêu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Để huy động lực lượng toàn dân thực hiện mục tiêu này, Đảng Lao động Việt Nam quyết định chủ trương thành lập một tổ chức chính trị ngoại vi mới. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích “đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Từ bài học được thực hiện trong Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, động viên toàn dân phấn đấu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam được đúc kết trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chứng minh: Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp… đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Tư tưởng đó đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của tất cả những người Việt Nam yêu nước và tạo thành sức mạnh vô địch trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, với mục tiêu xây dựng và củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết, ba tổ chức mặt trận đoàn kết dân tộc ở hai miền Nam - Bắc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam đã họp từ ngày 31-1 đến ngày 4-2-1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất ba tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sự thống nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước khẳng định sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh.

Phát huy vai trò to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay đang đòi hỏi chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc ở chiều sâu. Đoàn kết toàn dân tộc là sự đoàn kết, hợp lực, hợp tác rộng lớn của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, của các cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trên cơ sở thống nhất về lợi ích cơ bản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời, tôn trọng sự khác biệt không cơ bản.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc không ngừng được củng cố, phát triển và mở rộng; ngày càng tăng cường vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức chính trị - xã hội hay chính trị - xã hội - nghề nghiệp là nhằm mục đích đoàn kết các tầng lớp xã hội có chung nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, giới tính, độ tuổi... như: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, Hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, Tổng hội Y dược học Việt Nam… Các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thể hiện vai trò, vị trí trong đời sống chính trị - xã hội, tăng cường, củng cố khối đoàn kết các giai tầng trong xã hội. Sự thống nhất của các tổ chức chính trị - xã hội hay chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Đảng nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần đưa Việt Nam bước qua thời kỳ bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, mở rộng hợp tác cùng các nước và các tổ chức quốc tế, hòa mình vào dòng chảy của thời đại, tăng cường vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đưa đất nước có bước phát triển kỳ diệu như hiện nay, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường và củng cố thông qua việc động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân và đã có những đóng góp hết sức to lớn, thực sự là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Cách mạng Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới có sự khác biệt về chất so với thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và giải phóng đất nước, thậm chí cũng đã khác rất nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Từ nhận thức đó, các kỳ đại hội sau đổi mới đều luôn khẳng định nhiệm vụ xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết các giai tầng trong xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) khẳng định: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế của xã hội”[2]. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức được mở rộng hơn, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006) tổng kết 20 năm đổi mới đã cụ thể hóa đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc và đặc biệt nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngòai; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội”.

Từ quan điểm trên về đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và để thực hiện được trong thực tế, trong mỗi kỳ đại hội thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đều đưa ra những chủ trương cơ bản đối với từng giai cấp và từng tầng lớp xã hội nhằm xây dựng và đoàn kết các giai cấp và các tầng lớp xã hội ấy, đó là: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, đồng bào định cư ở nước ngoài. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chú trọng đến vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội[3].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã xác định: Hơn bao giờ hết cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.

Về vấn đề đoàn kết dân tộc, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ:

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngòai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.

Các đoàn thể nhân dân tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã được xác định, vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; giúp đoàn viên, hội viên nâng cao trình độ về mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”[4].

Như vậy, có thể thấy rõ rằng với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nghiệp tăng cường vai trò và ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh một cách mạnh mẽ. Nhờ có tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cho nên một lực lượng đông đảo kiều bào Việt Nam ở nước ngoài ngày càng góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế của đất nước bằng các nguồn tài chính không hề nhỏ; cùng với sự hưởng ứng trên tinh thần dân tộc, kiều bào Việt Nam góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với cộng đồng quốc tế, nâng cao vai trò và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Toàn thể dân tộc Việt Nam cùng đồng lòng với đường lối hội nhập quốc tế của Đảng để đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, như: Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 23-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định số 110/QĐ-TTg, ngày 23-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ thông qua Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Chính phủ cũng đã quyết định đổi tên Ban Việt kiều Trung ương thành Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài như một cơ quan quản lý trực thuộc Chính phủ.

Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Để huy động được hết mọi tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị quyết còn nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nâng cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đoàn kết, đùm bọc yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước bà con sinh sống với nước nhà, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người góp phần xây dựng quê hương, đất nước, chủ động đấu tranh với các biểu hiện cố tình đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc”.

Hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt Nam sống, làm việc ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được các vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp, các công ty quốc tế lớn, như: Boeing, IBM, HP, Google, Oracle, NASA... Rõ ràng một thế hệ trí thức mới những người có nguồn gốc Việt Nam đang hình thành và phát triển, chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Ôxtrâylia, họ tham gia vào nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế mũi nhọn, như: công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, vật liệu mới, công nghệ sinh học, chế tạo máy, tự động hóa, năng lượng nguyên tử, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…

Do đó, việc thu hút cũng như sự đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng đất nước, nhất là của giới trí thức sẽ là những cầu nối hết sức quan trọng không chỉ phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn phục vụ cho cả việc tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng và chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút kiều hối lớn trên thế giới. Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng như hiện nay cũng đồng thuận với việc lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau cao hơn năm trước. Tính trung bình, một người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước khoảng 1.000 USD một năm. Những dòng vốn này thật sự đã có những tác động to lớn đối với các cá nhân nhận tiền nói riêng cũng như sự phát triển của đất nước nói chung. Từ đó cho tới nay, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam luôn tăng với tốc độ ngày càng cao. Năm 2000, lượng kiều hối gửi về là 1,75 tỉ USD, đến năm 2005, con số này đã tăng lên là 3,8 tỉ USD (tăng 117% so với năm 2000). Đến năm 2008, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam không những không bị suy giảm mà còn tăng vọt lên ở mức 7,2 tỉ USD. Năm 2010, với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Việt Nam tiếp tục nhận được dòng kiều hối với giá trị 8 tỉ USD, tăng 1,7 tỉ so với năm 2009. Cũng trong năm này, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào vị trí 16/20 nước tiếp nhận nguồn kiều hối lớn nhất thế giới, đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Philíppin. Năm 2012, Việt Nam đón nhận 9 tỉ USD, xếp thứ 7 sau Hy Lạp (18 tỉ USD), Pakixtan và Bănglađét (14 tỉ USD). Và theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2013, Việt Nam lọt vào tốp 10 quốc gia được đón dòng sóng kiều hối, với lượng kiều hối đạt tới 11 tỉ USD - cao nhất từ trước đến nay[5].

Trên thực tế, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nhờ kiều hối, Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài cũng như sức ép tỷ giá của đồng đôla Mỹ, góp phần cân đối trong cán cân thanh toán thương mại. Mặt khác, kiều hối giúp tạo thêm công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều, đồng thời góp phần cải thiện ngân sách cho nhà ở, y tế, giáo dục...

Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong nhiều giai đoạn, giá trị của kiều hối còn tăng vượt so với vốn đầu tư trực tiếp FDI. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thì kiều hối vào Việt Nam luôn có giá trị lớn hơn và luôn có tính ổn định cao hơn cả.

Cũng trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam đã vai kề vai cùng đoàn kết nhất trí trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc (đặc biệt là việc động viên phát huy vai trò của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay). Chúng ta có thể thấy, phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, trong những năm gần đây, trước những hành động xâm lấn của nước ngoài trên lãnh thổ vùng biển đảo Việt Nam, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, cả trong và ngoài nước, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, tôn giáo... cùng chung sức đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc. Nếu như trong Cách mạng Tháng Tám có Tuần lễ vàng, hiến tặng tài sản cá nhân cho cách mạng, thì trong giai đoạn hiện nay đã hình thành nhiều đợt ủng hộ quyên góp cả về mặt vật chất cũng như tinh thần cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, giúp đỡ gia đình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đó là những đợt quyên góp, ủng hộ vật chất cho các chiến sĩ ở Trường Sa và Hoàng Sa, cho cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư Việt Nam, điển hình như phong trào toàn dân hướng về biển đảo quê hương, những cuộc vận động “viết thư gửi lính đảo Trường Sa”, “Vì biển đảo thân yêu”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Vì biển xanh quê hương”… với các em học sinh tiểu học, trung học, tình yêu quê hương, đất nước, hướng về biển đảo được thể hiện khi cùng nhau xếp hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cờ Tổ quốc.

Có thể nói, đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các giai tầng trong xã hội là đường lối chiến lược của Đảng, của cách mạng vì mục tiêu chung của dân tộc không nhằm phục vụ cho lợi ích của riêng một giai cấp, tầng lớp nào, không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì vấn đề đoàn kết dân tộc, các giai tầng trong xã hội càng được Đảng quan tâm chỉ đạo, thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau hướng tới tương lai; cần tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, đề cao tinh thần dân tộc. Từ bài học lịch sử được rút ra trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, chúng ta có quyền khẳng định rằng, vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong giai đoạn cả nước đang tiến hành đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện cũng như trong sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền dân tộc không chỉ trên đất liền mà cả trên vùng trời, vùng biển của Tổ quốc Việt Nam.

ThS. LÊ THỊ THU HẰNG*

Trích trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự nghiệp đổi mới,

hội nhập và phát triển", Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016




* Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập,Sđd, t.7, tr.149.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 122.

[3]. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.116-124.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.85-87.

[5]. http://www.business.gov.vn/tabid/99/catid/432/item/13400/.

Bình luận