Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2016): Võ Nguyên Giáp - Vị Đại tướng giỏi cầm quân, tâm huyết cầm bút
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mệnh danh là bậc thầy số 1 về chiến tranh du kích và là một trong 10 vị tướng giỏi nhất thế giới. Ông nổi tiếng không chỉ bởi tài năng quân sự kiệt xuất với những chiến công lẫy lừng khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục, mà còn bởi ông là một vị tướng đức tài kiêm bị, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân, vì nước và một học giả, nhà viết sách mang nhiều tâm huyết.
Từ người thanh niên yêu nước trở thành "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh là Võ Giáp, sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho, giàu truyền thống yêu nước. Năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Võ Giáp đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác và phong trào đấu tranh trên thế giới, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bãi khoá ở Trường Quốc học Huế, biểu tình đòi để tang cụ Phan Chu Trinh,... Sau này, khi nhớ về quá trình giác ngộ của bản thân, trong một chia sẻ với phóng viên Alain Ruscio (báo L’Humanité), Đại tướng cho rằng: “Khi ở tuổi thanh niên, người ta yêu đất nước mình, hằng ngày phải chứng kiến hàng nghìn cảnh bất công, chuyện phật lòng, đôi khi ghê sợ của chủ nghĩa thực dân, khi phải chia sẻ những nỗi tức giận của một dân tộc bị chà đạp thì thật khó mà quên được (…) Lúc tôi đang còn là thanh niên, chính sự giác ngộ dân tộc đã hướng dẫn chúng tôi”1. Có lẽ hơn lúc nào hết, lòng tự hào dân tộc, tình yêu thương đồng bào cộng với lòng căm thù bè lũ thực dân, tay sai bán nước đã thôi thúc người thanh niên Võ Nguyên Giáp sớm tham gia hoạt động cách mạng: gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào năm 1927; tham gia phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh năm 1930; hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội năm 1936; là biên tập viên các báo của Đảng như: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng... Quá trình hoạt động sôi nổi ấy đã giúp Đại tướng nhanh chóng trưởng thành về bản lĩnh chính trị, giữ vững quan điểm, lập trường giai cấp cũng như nắm bắt được các cách thức đấu tranh cách mạng trong từng điều kiện lịch sử cụ thể.
Tháng 6-1940, Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Đảng cử ra nước ngoài gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người có cùng chí hướng, nguyện vọng đấu tranh đã nhanh chóng giúp Đại tướng dành được trọn vẹn niềm tin yêu và trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi về nước, Đại tướng tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12-1944, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gánh vác trọng trách nặng nề mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, đó là xây dựng lực lượng quân đội Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đáp ứng đòi hỏi của cuộc chiến đang ngày một cam go, ác liệt.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Điển hình là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 diễn ra trong 55 ngày đêm “đầu nung lửa sắt”2. Ngay sát giờ nổ súng, Đại tướng đã hạ lệnh rút hết quân đội, pháo binh ra khỏi vị trí, lùi thời điểm tiến đánh, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định mà Đại tướng đã suy tính rất nhiều trước khi ban lệnh. Đại tướng nhớ lại: “Vào khoảnh khắc cuối cùng, đêm 25 rạng ngày 26 (tháng 4-1954), tôi đã có một quyết định khó khăn nhất đời. Lúc đó tôi đang lên cơn sốt. Tôi phải lấy lá thuốc rịt quanh trán. Trong đầu tôi luôn luôn quay cuồng câu căn dặn của Bác Hồ: “Chỉ được đánh khi nắm chắc thắng lợi. Nếu không chắc thắng, không đánh”. Sáng sớm hôm sau, tôi quyết định: Nếu cứ giữ lệnh cũ sẽ là một tội ác!”3. Nhờ có quyết định kịp thời, dứt khoát đó mà quân ta bảo toàn được lực lượng, có thời gian củng cố sức mạnh, đoàn kết quân dân để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến, đánh bại nhiều cuộc tấn công của quân đội Mỹ trong chiến tranh xâm lược ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Một trong những phương án tác chiến đột phá đó là: Đại tướng đã ra lệnh cho mở Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường huyết mạch, cực kỳ quan trọng, đã góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhìn lại lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, đánh thắng hai “tên” thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất thế giới. Trong chiến công ấy, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao lớn nhất, có nhiều đóng góp nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển lực lượng Quân đội nhân dân của Việt Nam. Từ đội quân chủ lực đầu tiên với chỉ 34 chiến sĩ, trang bị thô sơ, hoạt động du kích, quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành một đội quân hùng mạnh, thiện chiến, chính quy, tinh nhuệ, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Nhận xét về vai trò to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo khẳng định: “Võ Nguyên Giáp là một vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất. Suốt hai cuộc kháng chiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh tinh thần dám đánh, quyết thắng, chỉ được thắng, liên tiếp nhấn mạnh vấn đề cách đánh sáng tạo. Đồng chí luôn luôn làm cho tư tưởng quyết thắng của dân tộc và của Đảng thấm sâu vào tim óc chiến sĩ, để từ đó, các tướng sĩ biến tư tưởng quyết thắng thành hành động quyết thắng trên chiến trường”4.
Khi đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ những cương vị quan trọng của đất nước, tiếp tục đóng góp tâm sức của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Có thể nói, cả cuộc đời, sự nghiệp của mình, bằng trí tuệ, quyết tâm và lòng yêu nước, thương nòi, Đại tướng đã cống hiến hết mình cho đất nước, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được làm nên bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta cùng trí tuệ của một tập thể cán bộ lãnh đạo tài năng, được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng mà Đồng chí là một trong những người tiêu biểu”5.
Vị tướng cầm bút đầy tâm huyết
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo rất coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhất là về lĩnh vực quân sự. Qua tài liệu nghiên cứu cho thấy, Đại tướng đã viết, biên soạn, xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Trước Cách mạng Tháng Tám, Đại tướng đã tham gia viết Vấn đề dân cày (cùng với Tổng Bí thư Trường Chinh). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù bộn bề công việc, Đại tướng vẫn dành thời gian quý báu để viết một số tác phẩm như: Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân; Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng; Đội quân giải phóng; Điện Biên Phủ; Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc…; và nhiều bài luận văn quân sự mà nay đã in thành Tổng tập luận văn… Bên cạnh đó, Đại tướng còn là tác giả của nhiều tập hồi ký như: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Đường tới Điện Biên, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng. Trong những năm đổi mới, Đại tướng dồn tâm huyết làm chủ biên, cùng biên soạn cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam.
Trong các tác phẩm nói trên, Đại tướng đã đi sâu phân tích đường lối cách mạng, những chủ trương chiến lược của ta và địch; làm sáng tỏ tư tưởng cách mạng tiến công, nghệ thuật tạo thời cơ và nắm vững thời cơ, chủ động tiến công quân địch trong mọi tình huống; tinh thần đoàn kết quân dân, trên dưới một lòng, trước sau như một trong đấu tranh vì độc lâp, tự do của Tổ quốc; vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam... Đồng thời, Đại tướng cũng thẳng thắn phê phán những tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trong quá trình chiến đấu của quân và dân ta; rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích để tiến hành đấu tranh tiêu diệt lực lượng địch, đưa hai cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Cuốn sách Điện Biên Phủ là tập hợp các bài viết của Đại tướng, được viết vào những dịp lễ kỷ niệm lớn chiến thắng lịch sử này. Đây là một tác phẩm có giá trị về sử học, khoa học quân sự và văn học. Đại tướng đã phân tích hình thái cuộc kháng chiến của ta vào mùa hè năm 1953, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, trình bày những chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng ta, nhắc lại diễn biến của tình hình chiến sự, nêu rõ ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ và của các chiến thắng Đông - Xuân nói chung. Đại tướng kết thúc cuốn sách với niềm tin, niềm lạc quan rộng mở: “Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại sẽ mãi mãi cổ vũ nhân dân ta, dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kiên quyết tiến lên giành những thắng lợi mới ngày càng to lớn. Với các thế hệ mai sau, Điện Biên Phủ sẽ sống mãi”.
Nhìn lại các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy trong những thời điểm, giai đoạn có tính chất bước ngoặt lịch sử của dân tộc, Ðại tướng đều có những hồi ký mang nhiều giá trị như: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng,… Các ấn phẩm này đã tái hiện một cách sinh động, có hệ thống những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc.
Tập hồi ký Từ nhân dân mà ra chủ yếu nói về những năm tháng đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Qua 30 chương của tập hồi ký, bạn đọc có thể thấy được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân; chiến thắng của Đảng và quân đội ta sẽ không thể có được nếu thiếu sự giúp đỡ của nhân dân. Mỗi người dân đã là mỗi chiến sĩ, tình nguyện che chở, bảo vệ cho quân đội và cán bộ ta hoạt động chính trị và quân sự trong suốt những năm tháng kháng chiến trường kỳ. Tình đoàn kết cũng là một bài học quý báu được đúc rút trong tập hồi ký này. Đó là tình đoàn kết quân dân, tình đoàn kết của các chiến sĩ và tình đoàn kết của bè bạn quốc tế với cán bộ ta. Sức mạnh của tình đoàn kết cộng thêm sự đồng lòng quyết tâm đánh giặc của tất cả những người tham gia kháng chiến đã trở thành một sức mạnh vô địch mà không kẻ thù nào khuất phục được.
Nếu như trong tập hồi ký Từ nhân dân mà ra bạn đọc thấy nổi bật lên vai trò của quần chúng nhân dân đối với cách mạng dân tộc và sự hình thành, phát triển của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thì Những năm tháng không thể nào quên là tập hồi ký mà Đại tướng viết về những tháng ngày khó khăn và gian khổ của đất nước, khi mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vừa bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do. Tập hồi ký còn làm nổi bật lên hình ảnh và vai trò chủ chốt không ai thay thế được của Bác Hồ trong thời kỳ đầu mới giành được chính quyền, khi vận mệnh của Tổ quốc đã có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong tập hồi ký Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Đại tướng đã dành dung lượng chín chương trong tổng số mười chương sách để phân tích các sự kiện lịch sử lớn và dành toàn bộ chương cuối để trình bày những điều tâm huyết, tổng kết cuộc đời cầm quân vinh quang của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Đại tướng hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc, nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất. Với bản tính điềm đạm và đôn hậu vốn có, Đại tướng đã viết về các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan - những người đồng chí, đồng đội - với tình cảm thân thiết, chân thành và trân trọng.
Đọc những trang hồi ức sống động của Đại tướng, chúng ta càng thấy rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quyết đánh và quyết thắng.
Tổng tập Luận văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một công trình vừa có giá trị khoa học lớn, vừa có chất lượng văn học cao, hấp dẫn với nhiều bạn đọc. Tổng tập gồm hai phần chính: Phần thứ nhất: Một số tác phẩm, bài viết, bài nói... của Ðại tướng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ; Phần thứ hai: Một số tác phẩm, bài viết, bài nói... của Ðại tướng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.
Những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng trong phổ biến, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, quân sự của Đảng; giáo dục lịch sử, truyền thống và kinh nghiệm cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta; đồng thời, qua đó chúng ta cũng nhận biết những phát triển mới, những nội dung cơ bản của tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp. Đó thực sự là những tài liệu quý, mang đầy đủ giá trị lý luận và thực tiễn, không chỉ hữu ích với các thế hệ hôm nay mà còn cho mãi mãi về sau.
*
*Â Â Â Â *
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời xa chúng ta, “đi gặp” cụ Các Mác, cụ Lênin và Bác Hồ đã gần ba năm… Trong tim mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè thế giới nói chung vẫn luôn lưu giữ hình ảnh người Anh cả hết mực đáng kính và hết sức gần gũi của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự thế kỷ XX, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn với nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc.
ThS. Nguyễn Thị Thúy
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
*****
1, 3. Alain Ruscio: Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 25-26, 104.
2. Trích trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu.
4. Đại tá Trần Trọng Trung: Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 844-845.
5. Trích trong Điếu văn truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ tang, sáng 13-10-2013.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực