Hồ Chí Minh và quan hệ của Mặt trận Việt Minh với các nước Đồng minh chống phát xít (1941-1945)

Ngày đăng: 01/09/2016 - 07:09
Trên cơ sở xây dựng và nắm vững thực lực cách mạng, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh thực thi một chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, tận dụng điểm tương đồng về mục tiêu chống phát xít, tranh thủ sự ủng hộ, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của Trung Hoa dân quốc; thiết lập quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của phái bộ Mỹ thông qua Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS). Những hoạt động không mệt mỏi của Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định đến quan hệ đối ngoại của Việt Minh, vừa tranh thủ thời cơ giành độc lập, vừa góp sức cùng phe Đồng minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trên thế giới.
Viet minh
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22-12-1944. Ảnh tư liệu.

1. Đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh của phe dân chủ chống phát xít

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và ngày càng lan rộng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình Việt Nam. Tháng 6-1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương. Pháp hàng Nhật và cùng với Nhật thống trị và bóc lột nhân dân Đông Dương, làm cho nhân dân ba nước ở Đông Dương phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt ra vô cùng bức thiết.

Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chỉ đạo xây dựng thí điểm mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng nhằm rút kinh nghiệm cho phong trào cả nước. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì phân tích tính chất của Chiến tranh thế giới thứ hai, dự đoán phong trào cách mạng thế giới sẽ phát triển và giành nhiều thắng lợi. Hội nghị quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương vận dụng “một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”. Vì thế, mặt trận “không thể gọi như trước là mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn”, đó là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Các đoàn thể trong Việt Minh đều mang tên cứu quốc nhằm đoàn kết mọi người Việt Nam có lòng yêu nước thương nòi.

Giữa năm 1941, trong bài giảng về tình hình thế giới tại lớp học chính trị - quân sự ngắn hạn của cán bộ địa phương tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Bọn phát xít đã tấn công Liên Xô, Tổ quốc của cách mạng thế giới, nhưng nhân dân Liên Xô nhất định sẽ chiến thắng. Việt Nam ta cũng đứng ở trong phe dân chủ mới, ủng hộ Liên Xô chống lại phát xít”1.

Từ ngày 8-12-1941, Anh, Mỹ và nhiều nước khác bắt đầu đánh Nhật. Chiến tranh lan khắp thế giới. Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Trong cuộc thế giới đại chiến này có hai phe. Phe đi xâm lấn có Đức, Ý, Nhật. Phe chống xâm lấn gồm Nga, Tàu, Anh, Mỹ và nhiều nước khác”. Người viết bài Thế giới đại chiến và thân phận dân ta, chỉ rõ “Vì giặc Nhật và giặc Tây mà nước ta biến thành chiến trường”. Người kêu gọi các tầng lớp nhân dân vào các hội cứu quốc do Việt Nam độc lập đồng minh lãnh đạo. “Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”2.

Thông cáo của Trung ương gửi các cấp bộ đảng về “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng” (ngày 21-12-1941) nêu rõ sách lược hợp tác có nguyên tắc với các lực lượng Đồng minh, trên cơ sở phát huy điểm tương đồng là cùng chống phát xít. Trong trường hợp họ xâm lược Đông Dương hoặc tiếp tay cho Pháp tái chiếm Đông Dương thì nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết chống lại. Trong khi tranh thủ khả năng hợp tác với Đồng minh, Việt Nam phải có thực lực và không bị động trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài.

Về vấn đề “Hoa quân nhập Việt”, bản Thông cáo chỉ rõ, Đảng phải lãnh đạo Việt Minh giao thiệp với chính phủ kháng chiến Trung Quốc để thực hiện khẩu hiệu “Hoa - Việt kháng Nhật trên đất Đông Dương”. Phương châm chiến thuật là liên minh với quân Trung Hoa Dân quốc đánh Nhật - Pháp theo nguyên tắc “bình đẳng tương trợ” và làm cho họ thấy rằng: “Họ vào Đông Dương để giúp cho cách mạng Đông Dương tức là tự giúp”, đặng cùng với nhân dân Đông Dương chiến thắng quân Nhật, phá tan sự uy hiếp Hoa Nam, chứ không phải vào Đông Dương để chinh phục Đông Dương.

Đối với quân Anh - Mỹ, thực hiện “nhân nhượng, liên hiệp có điều kiện”. Nếu họ chịu giúp cách mạng Đông Dương thì có thể nhận cho họ hưởng một phần quyền lợi ở Đông Dương. Nhưng nếu họ giúp cho De Gaulle, Catroux khôi phục chính quyền của đế quốc Pháp ở Đông Dương, thì “phải cương quyết cự tuyệt và tiếp tục chiến đấu giành độc lập”.

Với tinh thần độc lập tự chủ đoàn kết quốc tế, bản Thông cáo nhấn mạnh: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy. Nhất là đừng có ảo tưởng rằng: quân Tàu và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải tìm kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời bấp bênh có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết ta phải làm lấy”3.

Ngày 1-1-1942, Mặt trận Đồng minh chống phát xít được thành lập, ra Tuyên ngôn Liên hợp của các dân tộc, quyết dốc toàn lực lượng vào cuộc chiến tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Nguyễn Ái Quốc coi việc quân Đồng minh đánh Nhật ở Đông Dương là một cơ hội để giành độc lập: “Hiện nay tình thế của giặc Nhật vô cùng khốn đốn, do sự phản công của phe Đồng minh”. “Đây là cơ hội duy nhất, nhân dân cả nước ta từ trên xuống dưới, từ giàu đến nghèo, phải cùng nhau góp sức, đấu tranh tự giải phóng để tìm đường sống”4.

Trên cơ sở phân tích tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai, Nguyễn Ái Quốc tiên đoán các nước Đồng minh sẽ thắng lợi, chủ nghĩa phát xít sẽ bị tiêu diệt. Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội đó để giành độc lập. Người viết: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”5.

Tuy nhiên, để giành thắng lợi, dân tộc Việt Nam không bị động trông chờ sự giải phóng của lực lượng bên ngoài, mà phải dựa vào sức mạnh của chính mình. Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, giành độc lập không phải là điều dễ dàng. “Muốn ăn quả thì phải trồng cây. Muốn tự do độc lập thì phải hy sinh tranh đấu. Vậy ngay từ đây, mỗi cán bộ, mỗi hội viên Việt Minh đều phải tuyên truyền tổ chức; phải làm cho các Hội Cứu quốc ngày càng mạnh… Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công”6.

2. Chủ động giao thiệp và hợp tác có nguyên tắc với Trung Hoa Dân quốc

Trước khi về nước (năm 1941), Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Trung Quốc. Lúc đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Hoa Quốc dân Đảng cùng hợp tác chống Nhật (Quốc - Cộng hợp tác). Đó là điều có lợi cho cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống phát xít. Tuy nhiên, lợi dụng việc chống Nhật, Trung Hoa dân quốc có kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” với ý đồ đưa quân đội sang đánh Nhật và thiết lập quyền cai trị của họ đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy cần có một tổ chức hợp pháp trong chế độ của Trung Hoa Dân quốc ở Hoa Nam7, thông qua tổ chức của người Việt Nam khi đó đang được phép hoạt động công khai là Việt Nam độc lập đồng minh hội do Hồ Học Lâm đứng đầu8, giữ mối liên lạc với Trung Hoa dân quốc, đề phòng khi “Hoa quân nhập Việt” thì với danh nghĩa Việt Nam độc lập đồng minh hội ở trong nước có thể buộc họ phải “đàng hoàng nói chuyện với chúng ta”9. Người căn dặn những người cách mạng Việt Nam: “Trong việc giao dịch với Quốc dân Đảng không mong chi nhiều. Điều chủ yếu là làm sao cho chúng không cản trở công việc của ta”10. “Không trông cậy gì họ đâu. Họ sẽ nói như xẻ cửa, xẻ nhà cho ta đấy, nhưng đang chuẩn bị để nuốt tươi chúng ta. Phải giữ gìn cẩn thận, các đồng chí đang ở trước miệng hùm nọc rắn cả đấy”11.

Để tranh thủ hợp tác với Trung Hoa Dân quốc, ngày 13-8-1942, với tên gọi Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh. Người bị chính quyền Trung Hoa Dân quốc bắt giam 14 tháng.

Sau khi được trả lại tự do (tháng 9-1943), Hồ Chí Minh tiếp xúc với một số tướng lĩnh trong Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Theo yêu cầu của tướng Trương Phát Khuê, Người nhận chức Phó Chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Người muốn thông qua đó để liên hệ với các tướng lĩnh của Trung Hoa Dân quốc khi họ đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”.

Đầu năm 1944, Hồ Chí Minh phân tích xu thế của Chiến tranh thế giới thứ hai với thắng lợi thuộc về phe Đồng minh và dự báo: Với sự hiệp đồng của các nước Đồng minh, trên dưới một năm nữa, Trung Quốc có thể đánh thắng Nhật Bản. Chiến tranh thế giới như vậy có thể kết thúc. Việt Nam chắc chắn trong một thời gian không xa lắm sẽ hoàn toàn đánh thắng thực dân Pháp mà giành được độc lập hoàn toàn. Đó là điều không một lực lượng nào có thể ngăn trở được12.

Tháng 3-1944, Hồ Chí Minh dự Đại hội đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại họp tại Lễ đường Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Trong Báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược, Người bày tỏ hy vọng đoàn kết thực sự các lực lượng cách mạng, tranh thủ sự giúp đỡ ở nước ngoài làm cho “sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”13.

Cũng tại Đại hội này, trong Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước, tranh thủ sự đồng thuận của các lực lượng Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, Hồ Chí Minh khẳng định: “Mọi người đều phải theo trào lưu cách mạng thế giới: Nước Trung Quốc tam dân chủ nghĩa, nước Anh đế quốc chủ nghĩa, nước Nga Xôviết cộng sản chủ nghĩa, nước Mỹ tư bản chủ nghĩa đều có thể hợp tác với nhau để chiến thắng quân thù… Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”. Theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của các đảng phái trong nước là phải “mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”14.

Như vậy, trong quan hệ giữa Việt Minh với Trung Hoa Dân quốc, một mặt, Hồ Chí Minh nhận thấy điểm tương đồng trong mục tiêu chống phát xít cần khai thác để hạn chế mặt tiêu cực của họ, thực hiện sự đoàn kết quốc tế của Việt Minh theo phương châm “thêm bầu bạn bớt kẻ thù”, xem đó như một điều kiện để tranh thủ các nước Đồng minh, nhưng mặt khác, Người cũng thấy rõ bản chất và ý đồ xâm lược Việt Nam của Trung Hoa Dân quốc, nên hết sức cảnh giác. Hồ Chí Minh căn dặn các đồng chí của mình “không nên có ảo tưởng với Tưởng Giới Thạch, nhưng phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng minh”15.

3. Thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ chống quân phiệt Nhật Bản

Từ cuối năm 1943, Chiến tranh thế giới thứ hai biến chuyển nhanh chóng. Quân Đồng minh phản công trên khắp các mặt trận. Tháng 11-1943, tại Hội nghị Teheran với sự tham gia của nguyên thủ ba nước Liên Xô, Mỹ và Anh, Tổng thống Roosevelt bày tỏ quan điểm sau khi quân Đồng minh đánh thắng phát xít, “Đông Dương có thể sẽ được tách ra khỏi nước Pháp và đặt dưới sự uỷ trị quốc tế”16.

Phát hiện thấy mâu thuẫn giữa Mỹ với Anh - Pháp trong vấn đề Đông Dương, Hồ Chí Minh chủ trương tranh thủ sự đồng tình của Mỹ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

Đầu năm 1945, Hồ Chí Minh tiếp Trung úy Shaw do tai nạn máy bay rơi ở Cao Bằng, được Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng bắt của quân Pháp và quân Nhật, rồi cùng Shaw đi Côn Minh.

Trong các tháng 3 và 4-1945, tại Côn Minh, nhân danh Việt Minh, Hồ Chí Minh tiếp xúc với cơ quan cứu trợ không quân Mỹ (AGAS), Trung úy Charles Fern, Tướng Chenault và A.Patti, thỏa thuận về phương thức hợp tác giữa Việt Minh và Mỹ. Trong khi đó, do nhu cầu nắm bắt thông tin về quân Nhật ở Đông Dương, Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS) và Cơ quan thông tin chiến tranh (OWI) của Mỹ cũng cần liên hệ với Việt Minh.  

Trong cuộc gặp Tướng Chenault - Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam, Hồ Chí Minh khẳng định bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh17.

Phía Việt Minh nhận cung cấp địa bàn hoạt động. Phía Mỹ nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng chúng.

Đầu tháng 5-1945, trước khi về nước, Hồ Chí Minh gửi cho A. Patti một bức thư cùng hai tài liệu đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Hội nghị Liên hợp quốc, kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 9-5-1945, Hồ Chí Minh viết một lá thư gửi Charles Fern và Berna, cảm ơn sự giúp đỡ của người Mỹ đối với Việt Minh và bày tỏ hy vọng những người của Việt Minh sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác “cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta”. Giữa tháng 5-1945, Hồ Chí Minh yêu cầu Trung úy John, báo vụ cơ quan OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Giữa tháng 6-1945, qua một số lần trao đổi với A. Patti, Hồ Chí Minh đến xóm Lũng Cò (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát địa hình và tìm hiểu tình hình về mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng minh.

Chiều 17-7-1945, Đội “Con Nai” gồm 5 người do Thiếu tá tình báo Mỹ E. Thomas phụ trách nhảy dù xuống Tân Trào, Tuyên Quang (trong Khu Giải phóng Việt Bắc), được Việt Minh đón tiếp nồng nhiệt và chu đáo, mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn. Trong cuộc thảo luận với Thiếu tá Thomas, Hồ Chí Minh khẳng định, Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho tự do và độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam. Người cũng nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam đối với người Pháp18.

Trong thời gian này, Mỹ dùng không quân thả dù tiếp tế một số đạn dược và thuốc men xuống các căn cứ của Việt Minh, giúp đỡ Việt Minh chống Nhật.

Thông qua những người Mỹ ở Tân Trào, Hồ Chí Minh tìm cách tiếp xúc với Pháp để làm cho họ thấy thiện chí của Việt Minh muốn tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Đông Dương, nhất là vấn đề độc lập của Việt Nam, đồng thời thăm dò thái độ của Mỹ. Ngày 25-7-1945, Người nhờ cơ quan tình báo Mỹ (OSS) ở Côn Minh chuyển cho nhà chức trách Pháp bản đề nghị chính thức của Việt Minh. Tuy nhiên, phía Pháp giữ thái độ im lặng.

Đầu tháng 8-1945, Hồ Chí Minh tuyển lựa 200 du kích để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng súng cácbin, M.A.S, tiểu liên Thomson, bazoka, cối và lựu đạn. Ngày 6-8-1945, qua điện đài của nhóm Thomas, Hồ Chí Minh biết Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Trong những ngày hết sức khẩn trương chuẩn bị và phát động tổng khởi nghĩa, trước nguy cơ quân Pháp trở lại xâm lược và quân Đồng minh chuẩn bị vào Đông Dương theo quyết định của Hội nghị Posdam (tháng 7-1945), sau khi họp Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 và 15-8-1945), Hồ Chí Minh nhờ Trung úy John gửi về Bộ Tổng hành dinh của Mỹ bức điện:

“Ủy ban Dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”19.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Kiên quyết tranh thủ thời cơ do thắng lợi của phe Đồng minh mang lại, đồng thời khắc phục nguy cơ, Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản và Việt Minh quyết định phát động nhân dân vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền và đứng ở vị thế làm chủ đất nước đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”20.

Quan hệ hợp tác của Mỹ với Việt Minh thay đổi, do Mỹ muốn để ngỏ cửa cho Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Mặc dù vậy, ngày 18-8-1945, Hồ Chí Minh viết thư cho Charles Fern, bày tỏ tình cảm với những người bạn Mỹ đã phải rời Việt Nam quá nhanh, đồng thời khẳng định rằng, “sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập”. Cùng ngày, trong thư gửi Ph. Tam, Người viết: “Ông hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho tới khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi mong muốn: Độc lập dân tộc”. “Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó!”21.

Trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, để giành và giữ nền độc lập, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh, tăng cường đoàn kết bên trong và tìm bạn bên ngoài, đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh của phe Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít trên thế giới; vừa nỗ lực và khôn khéo tranh thủ các lực lượng Đồng minh, vừa tỉnh táo cảnh giác trước tham vọng xâm lược và thao túng của những thế lực đế quốc; lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

PGS. TS. Vũ Quang Hiển

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

*****

1. Quang Trung: “Đốm lửa chiến đấu”, trong cuốn Pác Bó quê tôi, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1967, tr. 69.

2. Báo Việt Nam độc lập, số 113, ngày 21-12-1941.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t. 7, tr. 244.

4, 5, 13, 14, 20, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 248, 250 - 251, 489, 596, 593.

6. Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1-1-1942.

7. Hoa Nam là khu vực kiểm soát của Trung Hoa dân quốc, còn gọi là Đệ tứ chiến khu.

8. Hồ Học Lâm là một nhà yêu nước, tham gia phong trào Đông du (1906-1908), từng làm sĩ quan trong quân đội Trung Hoa dân quốc. Năm 1936, ông lập ra Việt Nam độc lập đồng minh hội, đăng ký hoạt động hợp pháp ở Trung Quốc.

9. Bộ Ngoại giao: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 17.

10. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 34.

11. Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1985, tr. 270.

12. Diệp Thụy Đình: Đôi điều về hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội ở Liễu Châu cuối thời kỳ kháng chiến. Dẫn theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân Bắc Kinh, 1984, tr. 101.

15. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 41.

16, 18. L. A. Patti: Why Vietnam?, Trường đại học California xuất bản, Berkeley, Los Angeles, London, 1980, p. 54, 127.

17. Charles Fern: Ho Chi Minh, a biographical introduction, Studio Vista, London, 1973, p. 78; dẫn theo Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 164, tháng 8-2005, tr. 90.

19. Robert Shaplen: The Enigma of Ho Chi Minh, Wesley R. Fichel, Ililinois, 1958, p. 54.

Bình luận