Tầm nhìn chiến lươc của Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc

Ngày đăng: 01/09/2016 - 11:09

Sinh thời, Hồ Chí Minh là người có nhãn quan chính trị vô cùng nhạy bén, sắc sảo và tầm nhìn thời đại. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trên cơ sở am hiểu tường tận lịch sử văn hóa dân tộc, Người đã tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tế ở Việt Nam. Chính sự lựa chọn đó đã mở đường, dẫn đường và soi đường cho cách mạng Việt Nam.

nguyenaiquoc-Tua

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp tháng 12-1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp: Ảnh Tư liệu.

1. Vượt khỏi ý thức hệ phong kiến truyền thống, sang phương Tây tìm đường cứu nước

Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX, mặc dù là nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, nhưng xã hội vẫn chủ yếu chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến. Hệ tư tưởng phong kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… của đất nước nói chung mà còn tác động sâu sắc đến tư tưởng của tầng lớp tri thức nói riêng.

Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh là người cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ Nho giáo. Người sinh ra và lớn lên trên quê hương nhiều danh Nho, thân sinh của Người đỗ đến đại khoa. Bản thân Người có gần 10 năm sống tại kinh thành Huế, được học chữ “thánh hiền” với các bậc đại Nho. Sau này, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, chúng ta thấy rất nhiều những phạm trù, mệnh đề Nho giáo được Người sử dụng như: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, Trung, Hiếu, “thế giới đại đồng”; “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”; “Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; Uy vũ bất năng khuất”… Tất cả điều này cho thấy, trước khi đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã trau dồi được một lượng lớn tri thức từ Nho giáo.

Xét một góc độ nào đó, giữa Hồ Chí Minh và các sĩ phu yêu nước tiến bộ đương thời đều có một điểm chung là mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho học, nhưng đều có xu hướng vượt khỏi ý thức hệ phong kiến và “đi theo con đường của phương Tây”. Cụ Phan Bội Châu hướng sang Nhật Bản - đất nước nổi lên nhờ công cuộc duy tân; cụ Phan Châu Trinh cũng chủ trương dựa vào Pháp để vận động cải cách. Nguyễn Tất Thành cũng “đi ra nước ngoài, xem Pháp và các nước khác”, nhưng điều khác biệt thể hiện tầm nhìn hơn hẳn của Người so với hai chí sĩ họ Phan chính là: Người không chỉ nhìn thấy những bất ổn trong phương châm cứu nước của cụ Phan Châu Trinh là “yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương”, của cụ Phan Bội Châu là “hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp”, mà quan trọng hơn là ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã thấy được tiềm ẩn sâu xa của tư tưởng dân chủ nằm sau những cụm từ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Và muốn hiểu được “ba chữ” đó, Người cho rằng, cần phải đến tận quê hương của nó là nước Pháp để tìm hiểu. Có thể nói, mặc dù mục đích sang phương Tây lúc đó của Người chỉ là muốn tìm hiểu điều ẩn chứa đằng sau những cụm từ hoa mỹ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, nhưng cũng đã cho thấy bản lĩnh, tài năng của Người. Bởi, thật không dễ dàng để một người có tư chất thông minh, lớn lên trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, lại có thể từ bỏ con đường làm quan để “vô sản hóa”, xuống tàu nước ngoài làm thuê để được xuất dương, có cơ hội tìm đường cứu nước; cũng không dễ dàng để có thể vượt qua được tư tưởng cứu nước của các vị tiền bối, có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội thời đó là Phan Bội Châu, Phan Châu Chinh với con đường dựa vào Nhật, Pháp, để quyết định một mình sang phương Tây. Do vậy, chính bản lĩnh trong tầm nhìn đó đã đưa đến cho Người cơ hội khám phá không chỉ có “những gì ẩn chứa trong khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của cách mạng tư sản Pháp, mà còn cả một thế giới rộng lớn, đầy đủ của tư bản và thuộc địa. Quan trọng hơn cả là, sau những tháng ngày bôn ba với đủ nghề mưu sinh vất vả, Người đã tìm ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1.

2. Xác định đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin từ thân phận người dân nước thuộc địa và từ nhu cầu giải phóng dân tộc trước tiên. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin sau quá trình tìm hiểu, khảo sát thực tiễn. Những điều đó là cơ sở để Hồ Chí Minh có được tầm nhìn sáng tạo, đúng đắn khi tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam.

Tầm nhìn này được thể hiện ở những điểm sau đây:

Một là, thấy được mục tiêu, yêu cầu số một của cách mạng thuộc địa là giải phóng dân tộc

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định: Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là phải đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến phản động,“làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”2. Quan điểm này của Người bị Quốc tế Cộng sản phê phán một cách gay gắt là phạm phải những sai lầm chính trị nghiêm trọng, đó là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên đi lợi ích giai cấp”. Bởi, Quốc tế Cộng sản lúc đó coi ruộng đất là điểm mấu chốt của cách mạng dân tộc dân chủ, và chỉ đạo cách mạng ở Đông Dương là phải “đồng thời tranh đấu giành ruộng đất và giải phóng dân tộc”3. Song, ở đây, không phải Hồ Chí Minh quên lợi ích giai cấp vô sản, mà do Người nhận thấy sự phân hóa xã hội ở các nước thuộc địa phương Đông lúc bấy giờ không giống như ở các nước tư bản phương Tây. Nếu như ở các nước phương Tây mâu thuẫn giai cấp (giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản) là mâu thuẫn cơ bản, thì ở các nước thuộc địa, mâu thuẫn dân tộc (các dân tộc thuộc địa với thực dân xâm lược) mới là mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu. Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết của thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là giải phóng dân tộc, có giải phóng được dân tộc mới có điều kiện để giải phóng giai cấp.

Đến Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), tư tưởng trên của Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định lại: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”4.

Hai là, thấy được vai trò và sức mạnh của cách mạng ở thuộc địa

Khi nói về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản với cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, quan điểm của Quốc tế Cộng sản cũng như nhiều đảng cộng sản lúc bấy giờ tỏ ý coi thường cách mạng ở các nước thuộc địa, cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa lệ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Thế nhưng, Hồ Chí Minh cho rằng hai cuộc cách mạng này có quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc và chúng bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải là mối quan hệ lệ thuộc hoặc quan hệ chính - phụ. Cái nào giành thắng lợi trước thì sẽ hỗ trợ cái kia. Người nói trong Đường kách mệnh: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do”5.

Không chỉ vậy, Hồ Chí Minh còn nhận thấy mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa thực dân là các nước thuộc địa. Từ đó, Người nhận định: công cuộc giải phóng thuộc địa không nhất thiết phải chờ sự thành công của cách mạng ở chính quốc, mà trong điều kiện cụ thể, có thể thành công trước và như thế, góp sức đẩy cách mạng ở chính quốc lên. Sở dĩ Người đưa ra nhận định này là bởi: Một mặt, Người cho rằng, nọc độc và sức sống của con “rắn độc” tư bản chủ nghĩa “đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc”, tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế “đều lấy ở các xứ thuộc địa”, vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa “gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”6, v.v.. Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng nhận thấy rõ sức mạnh cũng như khả năng của nhân dân các nước thuộc địa. Người cho rằng, một dân tộc dù nhỏ, đất không rộng người không đông, nhưng nếu biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính thì nhất định sẽ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Hơn nữa, Người còn nhận thấy, chủ nghĩa dân tộc là một trong những cột trụ vững chắc để nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng mình. Có thể nói, đây là quan điểm vô cùng sáng tạo của Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Người. Nó có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, là một cống hiến rất quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. luận điểm này đã được thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong thế kỷ XX chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Như vậy, tầm vóc lớn lao của Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ: trong sự vận động phức tạp của tình hình trong nước cũng như bối cảnh thế giới lúc bấy giờ, Người đã có những nhìn nhận, đánh giá vô cùng sáng suốt, thể hiện khả năng đặc biệt mà nhiều người lúc bấy giờ không có được. Dưới sự lãnh đạo của Người, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng góp phần rất to lớn vào sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và hòa bình của nhân dân thế giới. Điều đó nói lên cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại tiến bộ trên thế giới.

ThS. NGUYỄN NGỌC HÀ

Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Giao thông vận tải

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

*****

1, 2, 5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. IX; t. 3, tr. 1; t.2, tr. 287; t., tr. 295-296.

3. Hà Huy Tập - Một số tác phẩm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 271.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 113.

Bình luận