Từ bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, suy nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế trong giai đoạn hiện nay

Ngày đăng: 25/08/2016 - 15:08

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được đúc kết trong suốt quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam và ngày càng được bổ sung, nâng cao với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Mục tiêu đó luôn là sợi chỉ đỏ cho từng chặng đường phát triển của Cách mạng Việt Nam, cả trong lịch sử lẫn trong giai đoạn hiện nay.

Cach mang thang tam 1111

Kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực được khẳng định là nền tảng của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Với lý tưởng mà Đảng theo đuổi là chủ nghĩa quốc tế vô sản, nên ngay từ khi thành lập, Đảng đã chủ trương coi trọng vấn đề đoàn kết quốc tế. Chính vì vậy, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (11-1939) đã chỉ thị rằng trước sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, cách mạng Việt Nam cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Từ chỗ chủ trương tiến hành cách mạng dân chủ nhân quyền, cách mạng Việt Nam chuyển sang mục tiêu phản đế, thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Cùng với việc giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, Hội nghị còn nhấn mạnh cách mạng nước ta phải đoàn kết thống nhất với cách mạng Lào và Campuchia, phải liên hệ mật thiết với cách mạng Trung Quốc và gắn bó chặt chẽ với cách mạng thế giới do Liên Xô làm trụ cột.

Tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết khẳng định: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tanh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”[1]. Đảng luôn xem cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và đề ra nhiệm vụ tích cực ủng hộ Liên Xô và cách mạng Trung Quốc. Hội nghị đã thống nhất thành lập Mặt trận Việt Minh và thông qua “Chương trình Việt Minh”, đặc biệt trong đó nhấn mạnh đến lĩnh vực đối ngoại với điểm nhấn là tuyên bố các dân tộc bình đẳng và hết sức giữ vững hòa bình, mật thiết liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới[2]. Chương trình Việt Minh nêu rõ sẽ “hết sức giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh hay là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế toàn Đông Dương”[3]. Đồng thời, về đối ngoại, Bản Tuyên ngôn của Việt Minh được công bố vào 25-10-1941 còn nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ liên hiệp với tất cả nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới[4]. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, vừa bảo đảm tính quốc tế của phong trào cộng sản; đó cũng là nền tảng của bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trong tiến trình vận động tiến tới Tổng khởi nghĩa, Đảng đã đưa ra các biện pháp nhằm xác định rõ các lực lượng Đồng minh trong vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu chống Nhật ở Việt Nam gồm: quân đội Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, quân Anh - Mỹ, từ đó chủ trương sẽ hợp tác có nguyên tắc với các lực lượng bên ngòai. Đó là sự hợp tác cùng chống phát xít Nhật, đưa Việt Nam tới mục tiêu độc lập dân tộc. Sự mềm dẻo, uyển chuyển nhưng có tính nguyên tắc này trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa của cách mạng Việt Nam chính là hạt nhân để trong giai đoạn đổi mới chúng ta đã đề ra phương châm “thêm bạn bớt thù” trong đường lối đối ngoại[5].

Cùng với mục tiêu xây dựng mối quan hệ với các lực lượng tiến bộ chống phát xít trên thế giới, mở rộng quan hệ với bên ngoài nhằm tăng cường sự gắn kết quốc tế, giữa năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới là Hồ Chí Minh đã sang Trung Quốc và Người đã bằng mọi cách để liên hệ với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch. Nỗ lực này là nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng quan hệ với bên ngoài của cách mạng Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề Đông Dương, ngay từ đầu Tổng thống Mỹ Roosevelt đã có ý đồ “ngăn cản không cho Pháp phục hồi lại Đông Dương” và “mong muốn một sự ủy trị của Liên hợp quốc cho đến khi những người dân có khả năng tự cai quản lấy mình”[6]. Nhận thấy sự bất đồng về vấn đề Đông Dương giữa Mỹ với hai nước Anh, Pháp, cuối năm 1944, Hồ Chí Minh lại trở lại Côn Minh (Trung Quốc) để tìm cách gặp gỡ với Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc, tướng Chennault với mục tiêu đặt cơ sở cho sự phối hợp giữa Việt Minh với các lực lượng Đồng minh. Như vậy, có thể nói rằng đến thời điểm này, cách mạng Việt Nam đã hoàn toàn khẳng định sự cần thiết và tối quan trọng của việc gắn kết cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam với xu thế của thời đại là cuộc đấu tranh của các lực lượng chống phát xít trên thế giới.

Những hoạt động không mệt mỏi của Hồ Chí Minh cộng với nhu cầu từ phía Mỹ muốn có thông tin về quân Nhật ở Đông Dương, người Mỹ trong Cơ quan tình báo chiến lược và Cơ quan thông tin chiến tranh đã liên hệ với Việt Minh. Trong tháng 3 và 4-1945, người Mỹ đã gặp Hồ Chí Minh nhiều lần. Cuộc tiếp xúc của Hồ Chí Minh với tướng Chennault vào tháng 3-1945 đã đạt được thỏa thuận: Việt Minh sẽ cứu các phi công Mỹ bị gặp nạn và cung cấp thông tin về quân Nhật, còn Mỹ đưa ra lời hứa thông qua OSS sẽ hỗ trợ về thông tin, giúp đỡ vũ khí hạng nhẹ, thuốc men, điện đài thông tin, giúp đỡ công tác huấn luyện cho bộ đội của Việt Minh…[7]. Từ thời điểm này, một số sĩ quan Mỹ với biệt danh nhóm “Con Nai” được cử đến Khu Giải phóng Việt Bắc để giúp sử dụng điện đài, thu thập tin tức, tham gia huấn luyện quân sự. Máy bay Mỹ còn thả dù tiếp tế đạn dược, thuốc men xuống các căn cứ của Việt Minh ở Việt Bắc. Đây chính là những hoạt động đối ngoại nhằm mục tiêu tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi có thể từ bên ngoài để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh còn chủ trương thăm dò thái độ của Mỹ về vấn đề Đông Dương, cũng như thông qua người Mỹ để tìm cách tiếp xúc với người Pháp, thông báo chủ trương, thiện chí của Việt Minh muốn tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Đông Dương sau chiến tranh. Ngày 25-7-1945, Hồ Chí Minh nhờ Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (OSS) chuyển cho nhà chức trách Pháp đề nghị chính thức của Việt Minh về giải pháp cho tương lai của Việt Nam sau chiến tranh với những nội dung cơ bản: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu ra nghị viện; trong thời gian trước khi trao lại độc lập cho Việt Nam sẽ có một viên toàn quyền người Pháp làm Chủ tịch; nền độc lập của Việt Nam sẽ được trao trả trong vòng 5 - 10 năm;… các quyền tự do mà Liên hợp quốc tuyên bố phải được trao cho người Đông Dương…[8]. Phải nói rằng đây là cơ sở đầu tiên trong việc mở ra con đường đấu tranh ngoại giao và kinh nghiệm này cũng được áp dụng một cách triệt để trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp để đi đến Hội nghị Giơnevơ (1954), trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để tiến hành Hội đàm Pari và sau này là các cuộc hội đàm gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường vai trò, vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 14 và ngày 15-8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng nhóm họp tại Tân Trào để quyết định về khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Ngay sau đó, ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập cũng đã được khai mạc trọng thể. Nhất trí với chủ trương phát động tổng khởi nghĩa của Đảng, Việt Minh đã ban bố 10 chính sách lớn, trong đó về đối ngoại đã nhấn mạnh: “Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ”[9].

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và ngay lập tức lan nhanh đến hầu hết các địa phương trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước đông đảo quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên bình diện quốc tế, bản Tuyên ngôn độc lập là sự tuyên bố về nền độc lập thực sự của nước Việt Nam và kêu gọi các nước Đồng minh công nhận quyền độc lập của nhân dân Việt Nam. Kể từ thời điểm này, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có tư cách pháp nhân để giao thiệp với cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới”[10].

Như vậy, có thể nói quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám là đỉnh cao của nghệ thuật cách mạng, là sự nắm bắt tình hình thực tiễn một cách chính xác là sự vận dụng thời cơ lịch sử một cách tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Nếu không tận dụng thời cơ khi quân Đồng Minh đánh tan phát xít Đức ở châu Âu và chuyển sang mặt trận châu Á Thái Bình Dương để tiêu diệt quân đội Nhật Bản thì có thể cách mạng Việt Nam chưa thể nhanh chóng thắng lợi trên khắp cả nước trong một thời gian nhanh chóng như vậy. Nếu không tận dụng cơ hội Nhật đầu hàng Đồng minh và khi quân đội Tưởng và Anh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật, thì có thể cách mạng Việt Nam còn phải gặp thêm nhiều khó khăn và chướng ngại khác. Quyết định sáng suốt về phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong điều kiện và tình hình cụ thể đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa động viên sức mạnh dân tộc và xu thế thời đại một cách hài hòa, đúng thời cơ lịch sử.

Nội dung gắn kết vấn đề độc lập dân tộc với trào lưu cách mạng thế giới, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại được thể hiện rõ trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” với các nước, “chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”[11]. Điều này cũng thể hiện qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đi thăm Cộng hòa Pháp với tư cách nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và có những hoạt động nhằm thu hút dư luận Pháp cũng như thế giới ủng hộ nguyện vọng độc lập của dân tộc Việt Nam, kêu gọi công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Từ những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân và chính phủ của nhiều nước trên thế giới, trước tiên là các nước xã hội chủ nghĩa, các nước thế giới thứ ba, nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa, các tổ chức quốc tế và toàn thể loài người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình. Cũng trong quá trình đó, Việt Nam không chỉ là thành viên của hệ thống xã hội chủ nghĩa, là thành viên của Cộng đồng tương trợ kinh tế (SEV), mà còn là thành viên của Phong trào Không liên kết, của nhiều tổ chức văn hóa, giáo dục... của Liên hợp quốc.

Sau khi khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, việc áp dụng bài học lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám về việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có những nét khác biệt lớn. Đó là trong bối cảnh quốc tế có sự chuyển biến và thay đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự hai cực Yalta không còn chi phối chính sách đối ngoại của các quốc gia dân tộc nặng nề như trước đó. Các nước đều coi lợi ích quốc gia là tiền đề cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình. Các mâu thuẫn trước đây nói chung đều được hóa giải trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Thêm vào đó xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đưa đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trở thành vấn đề khó tránh khỏi. Bất kỳ một quốc gia dân tộc dù lớn hay bé đều không thể tự mình tách khỏi thế giới, tự cô lập bằng cách dựng hàng rào chắn đối với bên ngoài. Thêm vào đó là sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự liên kết kinh tế trên quy mô toàn cầu càng diễn ra sôi động trên nhiều phạm vi, cấp độ, lĩnh vực… Chính vì vậy, sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực cũng là điều tất yếu để phát triển đối với mỗi quốc gia dân tộc và nếu không nhanh chóng hòa nhập vào xu thế đó thì có thể đất nước sẽ phải tụt hậu so với tốc độ phát triển chung của thế giới, sẽ là kẻ đứng ngoài con đường phát triển chung của nhân loại. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Một đặc điểm nổi bật của thời đại là cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất và đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa các lực lượng sản xuất”[12]. Đảng đã nhấn mạnh đến tính tích cực của quá trình quốc tế hóa và Việt Nam cần thiết phải mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng lại có những điều chỉnh lớn trong việc hướng ra thế giới, hòa nhập với cộng đồng quốc tế với mục tiêu tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã có những bước đột phá trong quá trình tiếp nhận các nhân tố khách quan, tăng cường giao lưu và hợp tác với bên ngoài để có thể tận dụng thành quả của cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới vào công cuộc đổi mới một cách có hiệu quả nhất. Từ phương châm “thêm bạn, bớt thù”, Việt Nam đã bước sang giai đoạn “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[13]. Cụ thể hóa nội dung này, Đảng chỉ rõ sự cần thiết phải “mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi”2. Như vậy, có thể thấy từ bài học tận dụng các yếu tố thuận lợi bên ngoài, cách mạng Việt Nam đã bước từ giai đoạn mở rộng quan hệ đối ngoại đến từng bước phát triển hướng tới khuôn khổ hội nhập quốc tế. Kết quả đó có thể được minh chứng rõ bằng các sự kiện lịch sử sau đây.

Với việc giải quyết xong vấn đề Campuchia, từ tháng 7-1992, Việt Nam trở thành quan sát viên của ASEAN. Đến ngày 17-10-1994, Việt Nam gửi đơn xin gia nhập ASEAN. Đồng thời, cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tín dụng quốc tế như với Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB (10-1993). Tiếp đến, Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ (7-1995), ký kết Hiệp định khung hợp tác với cộng đồng châu Âu (7-1995). Đặc biệt, vào ngày 28-7-1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này và sau đó nhanh chóng ký kết tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA). Với những sự kiện này, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã bắt đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, từ hội nhập kinh tế đến hội nhập toàn diện về kinh tế, chính trị và văn hóa - xã hội. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình Việt Nam tham gia hội nhập khu vực và quốc tế trong giai đoạn mới.

Việc gia nhập ASEAN nói riêng, tham gia các tổ chức quốc tế nói chung không chỉ mở rộng quan hệ đối ngoại mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường tiềm lực quốc gia của đất nước. Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận với tư cách là thành viên đầy đủ của các tổ chức khu vực và quốc tế. Trên bình diện hội nhập khu vực, trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc đàm phán, giải quyết các vấn đề an ninh với các quốc gia có liên quan. Gia nhập ASEAN còn tạo điều kiện cho Việt Nam củng cố môi trường an ninh khu vực. Tham gia ASEAN, Việt Nam có được một vành đai hòa bình và ổn định. Trên bình diện quốc tế, trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam có được những kinh nghiệm bước đầu quý giá trong hợp tác đa phương, là một bước tiến lên hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây cũng chính là điểm mốc bước biến chuyển của Việt Nam từ kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vì mục tiêu độc lập dân tộc đến mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước; từ tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đã chuyển mạnh về chất sang một giai đoạn mới là chủ động tham gia vào đời sống chính trị - kinh tế quốc tế.

Với việc đưa ra khái niệm “hội nhập quốc tế ” trong văn kiện chính thức, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải “...đẩy nhanh quá trình hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới”. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng làm rõ thêm nguyên tắc hội nhập quốc tế của Việt Nam là “tích cực và chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế”[14]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001) đã tiến thêm một bước mới với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới”. Đại hội khẳng định: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đảm bảo độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”[15]. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng ta còn hướng tới mục tiêu: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”[16].

Kế thừa bài học lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ Việt Nam cần phải: “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”[17]. Đại hội XI của Đảng đã chính thức đưa ra quan điểm mới đó là “hội nhập toàn diện”. Đặc biệt, đối với khu vực, Việt Nam “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”3. Việt Nam hội nhập toàn diện trên tinh thần chủ động, tích cực và tiến trình hội nhập đó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng sang các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, chính trị, văn hóa - xã hội… vì lợi ích quốc gia. Một trong những minh chứng cho vấn đề này là Việt Nam với tư cách là thành viên, đang tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột, chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Từ điểm khởi đầu với việc gia nhập ASEAN, cùng với đó là việc chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ (7-1995), Việt Nam đã có bước tiến khá ngoạn mục trong việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại, trong việc nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Hiện tại, Việt Nam không ngừng tăng cường và mở rộng mối quan hệ song phương với các nước trên thế giới; đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước và có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, 43 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các thể chế, diễn đàn khu vực và toàn cầu trong thời gian qua như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), tham gia các cơ chế của ASEAN với bên ngoài như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM); tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và khu vực; nhất là đang tích cực đàm phán để ký kết hai hiệp định mang tầm quan trọng đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác hợp tác kinh tế khu vực (RCEP).

Mặc dù hiện nay Việt Nam đang là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế chỉ mới bắt đầu được các nước chú ý đến nhưng thông qua các quan hệ đối tác chiến lược cụ thể về an ninh và quốc phòng với một số quốc gia có thế mạnh, tiềm năng như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc,... Việt Nam có thể dựa trên những lợi thế đó để nâng tầm quan hệ hợp tác cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong các lĩnh vực khác, với nhiều nước khác. Hiện nay, Việt Nam đã đặt quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với nhiều nước phát triển như Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nhật Bản và Hàn Quốc (2009), Anh (2010), Đức (2011), Italia, Pháp, Inđônêxia, Thái Lan (2013), Malaixia (2015)..., trong đó đặc biệt đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 5 nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ (đối tác toàn diện - 2013)[18].

Như vậy có thể thấy rằng, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã đóng vai trò tối quan trọng đối với cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, thì hiện nay vai trò đó càng được tăng cường mở rộng và hướng theo những mục tiêu mới của cách mạng là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện. Trong giai đoạn trước, chúng ta đã từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề này trong phạm vi tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, thì hiện nay phạm vi còn được mở rộng thêm với sự hợp tác chủ động, tích cực, có trách nhiệm với tinh thần “là bạn, là đối tác tin cậy... trong cộng đồng quốc tế” vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì sự thịnh vượng của đất nước, và để đạt mục tiêu đó vấn đề “phát huy nội lực” được đặc biệt đề cao. Chính đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - bài học lịch sử được đúc kết bằng cả tiến trình phát triển của Cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định rõ: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế ”[19]. Do đó hội nhập quốc tế, củng cố sức mạnh và ảnh hưởng của đất nước, tận dụng có hiệu quả xu thế thời đại là con đường duy nhất không phải chỉ dành riêng cho Việt Nam mà con đường chung của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Qua đó các nước này sẽ có cơ hội để nâng cao tiềm lực quốc gia của mình, hoặc ít nhất là không bị tụt hậu và đây là lợi ích lớn nhất mang tính chiến lược. Trên cơ sở bài học lịch sử được đúc kết trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam đã và đang kết hợp một cách nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với xu thế thời đại trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và giành được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, lợi ích quốc gia, tăng cường vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

PGS. TS. VÕ KIM CƯƠNG*

Trích trong cuốn "Cách mạng Tháng Tám 1945

với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển"

Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.100.

[2]. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.6, tr.151.

[3], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.149, 461.

[5]. Xem Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940 -2010), Hà Nội, 2014, tr.61.

[6]. David Marr: Viet Nam 1945. The Quets for power. University of California Press, Berkley Los Angeles London, 1995, p.226.

[7]. Xem Trần Hữu Đính - Lê Trung Dũng: Quan hệ Việt - Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 7-82.

[8]. Dẫn theo Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940 - 2010), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.63-64.

[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.7, tr.560.

[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.26.

[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.523.

[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.47, tr.368.

[13], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.51, tr.49, 22.

[14]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.60.

[15]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.120.

[16]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.112.

[17], 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.236, 237.

[18]. Cho đến năm 2015, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược đầy đủ với 14 nước, 2 đối tác chiến lược trong lĩnh vực hẹp (Hà Lan và Đan Mạch) và một số đối tác toàn diện.

[19]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.66.

* Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Bình luận