Liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng - an ninh tại 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung

Ngày đăng: 08/09/2016 - 16:09
Các vùng duyên hải nước ta, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung (DHMT) có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước. Do vậy, kết hợp phát triển kinh tế biển, đảo với bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Bài viết này đánh giá thực trạng liên kết vùng (LKV) ở 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung1 trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp thúc đẩy LKV trong phát triển kinh tế biển, đảo gắn với QP-AN trong thời gian tới.
cang DTLH

Liên kết vùng - Một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng - an ninh

LKV là liên kết các ngành, các lĩnh vực, các chủ thể kinh tế với các ngành, các lĩnh vực, các chủ thể quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế mang tính hợp tác, bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH), phân bố dân cư... nhằm tăng cường sức hút đầu tư, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng dựa vào những lợi thế đặc trưng của địa phương đó. Phương thức liên kết rất đa dạng, có thể là tập trung phát triển một hạt nhân trung tâm, xung quanh là các vệ tinh hoặc cũng có thể là một thành phẩm mà mỗi địa phương đảm nhận một vai trò, một công đoạn trong chuỗi giá trị sản phẩm đó. Theo đó, quan điểm về LKV chủ yếu xoay quanh hai ý tưởng là liên kết trung tâm - ngoại vi, liên kết đầu vào - đầu ra.

Thực hiện LKV được xem là một giải pháp quan trọng là bởi:

Thứ nhất, mỗi vùng đều có những thế mạnh và hạn chế đặc thù, tạo ra những lợi thế tuyệt đối và tương đối nhất định đối với quá trình phát triển kinh tế.

Thứ hai, DHMT không phải là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp truyền thống. Do vậy, các địa phương khu vực này chọn biển và những ngành kinh tế dựa vào biển làm lối thoát cho mình.

Thứ ba, những khó khăn của ngư dân gặp phải đã phần nào làm giảm sút hiệu quả của chiến lược phát triển kinh tế biển. Do các yếu tố khách quan tác động, dẫn đến thu nhập lao động đánh bắt hải sản trên biển còn thấp.

Thứ tư, đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Hơn nữa, các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.

Thứ năm, nhiều vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như: biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; khô hạn và quản lý nguồn nước; quản lý rừng và sinh thái vùng; phát triển hạ tầng, quản lý ô nhiễm và đầu tư ở vùng kinh tế trọng điểm...

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là việc phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn chặt với bảo đảm QP-AN.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng - an ninh ở 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung

Để thúc đẩy LKV, Ban điều phối vùng và Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng đã được thành lập và đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp lớn trong vùng. Ban điều phối vùng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng ký kết các biên bản nhằm khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp trong vùng tăng cường sự liên kết hợp tác; xây dựng một không gian kinh tế thống nhất, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, đặc biệt là trong liên kết phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển KT-XH của từng địa phương và toàn vùng2.

Ngoài ra, Ban Điều phối vùng và Quỹ Nghiên cứu phát triển miền Trung đã chỉ đạo triển khai xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử vùng DHMT với tên miền www.vietccr.vn và đang tiến hành xây dựng giai đoạn 1 của hệ thống cơ sở dữ liệu về KT-XH vùng DHMT. Bên cạnh đó, đã tổ chức huy động đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động LKV vẫn còn tồn tại những bất cập:

Một là, chưa cụ thể hóa các cam kết thành kế hoạch cụ thể, chưa xác định lộ trình và cách thức thực hiện cho từng nội dung để tổ chức nghiên cứu, đề xuất với Ban điều phối vùng và lãnh đạo các địa phương thực hiện nội dung liên kết.

Hai là, chưa nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển KT-XH bền vững.

Ba là, các “cực tăng trưởng” trong vùng như Đà Nẵng, Nha Trang chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng chưa được thu hẹp; LKV còn rất yếu giữa các tỉnh, thành phố; thiếu các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng.

Bốn là, thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả, do đó thiếu cơ chế ra quyết định và cơ chế điều phối tập thể liên kết giữa các địa phương để thúc đẩy quá trình ra quyết định kinh tế vùng.

Năm là, chất lượng quy hoạch phát triển KT-XH vùng hiện còn hạn chế, tình trạng quá nhiều quy hoạch ở cấp địa phương, nhiều quy hoạch không cần thiết đã gây ra lãng phí và phức tạp trong thực hiện.

Thời gian tới, việc LKV cần chú trọng tới các hoạt động cụ thể sau:

Liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực vùng DHMT thuộc nhóm nhân lực trẻ khá dồi dào, trong đó lao động làm nghề nông - lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng hơn 50%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của lực lượng lao động đạt 28%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 23%3.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Vùng chưa thực hiện được việc phân bố các trường theo hướng chuyên ngành. Dạy nghề cho nông dân vùng DHMT đóng vai trò quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo nhưng chưa được đầu tư xứng đáng.

Tốc độ phát triển như hiện nay đòi hỏi vùng DHMT cần phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, trong đó thực hiện LKV để đào tạo các ngành đang có nhu cầu lớn như: nguồn nhân lực cho KKT, KCN ven biển; nhân lực cho ngành du lịch sinh thái biển; nhân lực phục vụ nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, trong đó quan tâm đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ. Các hình thức liên kết như: liên kết đào tạo đa ngành, đa cấp; trao đổi kinh nghiệm đào tạo, quản lý; trao đổi giáo viên thông qua mời thỉnh giảng, hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ; liên kết trong biên soạn giáo trình, xây dựng chương trình; liên kết mở các lớp đào tạo ngắn hạn tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; liên kết trong dạy nghề. Ngoài ra, cũng cần có kế hoạch thực hiện liên kết trong nghiên cứu khoa học để khai thác đội ngũ cán bộ khoa học, các chuyên gia của vùng...

Liên kết trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng biển, đảo theo hướng kết hợp kinh tế và quốc phòng

Hệ thống giao thông của cả khu vực với đường bộ trải dài và mặt đường hẹp, lưu lượng xe lưu thông lớn đã làm tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1 xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống sân bay tại các tỉnh DHMT chưa có sự kết nối với mạng bay khu vực và quốc tế. Cả 7 tỉnh, thành phố đều chưa quy hoạch và xây dựng cảng chuyên dụng đón tàu biển du lịch dù nằm ngay trên đường giao lưu của hệ thống tàu du lịch biển quốc tế. Chính sự thiếu kết hợp trong đầu tư hạ tầng đã dẫn đến hiện tượng “lệch pha” trong đầu tư cơ sở hạ tầng ngành giao thông và đầu tư cơ sở hạ tầng cho sự phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố DHMT.

Trước tình hình đó, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố DHMT thống nhất tìm kiếm cơ chế đầu tư phát triển và tạo bước đột phá trong xúc tiến triển khai những công trình giao thông có tầm ảnh hưởng lớn, tạo ra LKV: xây dựng tuyến đường cao tốc Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang trên cơ sở tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; hoàn chỉnh và kết nối các đoạn tuyến du lịch ven biển; triển khai hầm đường bộ qua các đèo Phước Tượng, Phú Gia, đèo Cả, đồng thời, tiến hành nâng cấp các đường hành lang Đông Tây (Quốc lộ 49, 14B, 14D, 14E, 19, 24, 25, 26) kết nối các cảng biển lên Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế ở biên giới phía tây.

Đối với các KKT, KCN ven biển, trong quá trình đầu tư, phải thực hiện mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi tỉnh và của vùng theo hướng CNH-HĐH; lấy hiệu quả KT-XH làm tiêu chuẩn và bảo đảm phát triển bền vững.

Cần có những điều khoản quy định cụ thể nhiệm vụ bảo vệ QP-AN cho mỗi chủ thể dự án đầu tư cũng như các doanh nghiệp khai thác, phát triển kinh tế biển, đảo, gắn quyền lợi kinh tế với trách nhiệm QP-AN trên địa bàn.

Phải có sự kết hợp giữa ngành kế hoạch - đầu tư với các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ QP-AN trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo. Từ đó, có sự phối hợp một cách chặt chẽ nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mới.

Nhà nước cần nghiên cứu ban hành thể chế, cơ chế phối kết hợp giữa lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố Quân khu 4 và Quân khu 5, các bộ, ngành, lực lượng bộ đội, hải quân, công an biên phòng, cảnh sát biển, các loại hình doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển các công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng mang tính lưỡng dụng vừa phát triển kinh tế biển, vừa đảm bảo QP-AN.

Xây dựng cơ cấu ngành nghề phù hợp nhằm tăng cường phát triển các ngành kinh tế mang tính lưỡng dụng: kinh tế và QP-AN có tính thực thi để đối phó kịp thời với các tình huống bất trắc xảy ra trên biển, đảo vùng ven biển. Trong quá trình xây dựng các mô hình phát triển kinh tế biển đảo gắn với QP-AN, cần áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật - công nghệ mới, hiện đại để nâng cao tính tiện ích và hiệu quả sử dụng. Để thực hiện mô hình nói trên có hiệu quả, cần quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục quốc phòng nhằm nâng cao năng lực, trình độ, ý thức chính trị, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công nhân, người dân, cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo QP-AN trên biển, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và lực lượng đang làm việc và sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo.

Liên kết trong xây dựng tiềm lực và thế trận kết hợp kinh tế với QP-AN trên biển, đảo

Ở các tỉnh DHMT, trong vấn đề xây dựng tiềm lực và thế trận kinh tế và QP-AN, vẫn còn tình trạng khó khăn do địa thế, địa hình, nên chia cắt manh mún, thiếu tính hệ thống. Chiến lược đầu tư xây dựng, phát triển các lĩnh vực ở vùng ven biển, hải đảo vẫn còn lúng túng, bị động. Chưa có những quy định cụ thể để làm cơ sở pháp lý cho quá trình hợp tác, liên kết, hỗ trợ, hiệp đồng giữa các cơ quan nhà nước, các lực lượng lao động thuộc thành phần kinh tế, doanh nghiệp với lực lượng bộ đội biên phòng, doanh nghiệp quân đội, lực lượng hải quân, cảnh sát biển trên địa bàn để cùng nhau thực hiện hai mục tiêu này.

Để xây dựng tiềm lực và thế trận kết hợp kinh tế với QP-AN trên biển, đảo ở 7 tỉnh, thành phố DHMT, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, bảo đảm quyền lợi, chế độ, chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp để khuyến khích những cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ xây dựng các công trình liên quan đến thực hiện hai mục tiêu nói trên. Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích các loại hình doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở ven biển và các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm phát huy vai trò, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các loại hình doanh nghiệp trong xây dựng các công trình kinh tế gắn với QP-AN. Tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp quân đội trên cơ sở đổi mới cơ chế quản lý có tính khả thi trong quá trình hoạt động vùng biển, đảo. Đối với các đơn vị, cá nhân đã, đang và sắp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến biển, đảo, cần áp dụng cơ chế, chính sách có tính đặc thù, gắn chức năng kinh tế với QP-AN.

Thứ ba, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đưa dân ra sinh sống, làm việc ổn định lâu dài tại một số đảo. Coi trọng đối tượng là hộ ngư dân, những người có nguyện vọng, tự nguyện ra đảo sinh sống lâu dài, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, có thể động viên cả vợ con cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp ra sinh sống tại các hải đảo đủ điều kiện dân sinh. Có chính sách thỏa đáng nhằm động viên những chiến sĩ hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển khi hết hạn nghĩa vụ quân sự ở lại định cư sinh sống lâu dài nơi họ đã từng công tác. Phát động phong trào tình nguyện ra sinh sống ở các đảo đối với lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng, đại học. Chính quyền địa phương cần phải quan tâm đúng mức đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên đảo, nhất là hệ thống điện, nước ngọt, bệnh viện, hệ thống thông tin liên lạc.

Thứ tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. Đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng của nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt nhằm thực hiện hai mục tiêu vừa nâng cao năng suất khai thác, tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho ngư dân, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh hải của nước ta ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi đánh bắt hải sản trên biển gặp rủi ro do bão tố gây ra nhằm giảm một phần thiệt hại, ổn định vật chất và tinh thần để ngư dân có thể bám biển lâu ngày. Tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. Các địa phương cần bảo đảm 100% việc cung cấp quỹ bảo hiểm để giúp cho ngư dân yên tâm bám biển, giảm thiệt hại khi gặp rủi ro, góp phần thực hiện các mục tiêu nói trên. Thực hiện chính sách miễn các loại thuế đối với ngư dân đánh bắt hải sản trên biển trong thời gian hai năm, trừ thuế môn bài4.

Phát triển mô hình Khu kinh tế - quốc phòng ở hải đảo

Về cơ bản, ở Việt Nam hiện nay đang thiếu quy hoạch tổng thể cũng như các quy hoạch chi tiết về phát triển KT-XH hải đảo. Việc áp dụng mang tính rập khuôn mô hình quản lý KT-XH trong đất liền cho hải đảo là không phù hợp, bởi vì không gian kinh tế biển đảo hoàn toàn khác không gian kinh tế trong đất liền. Hơn nữa, vì biển và hệ thống đảo trải dài qua nhiều vùng tự nhiên nên thế mạnh của từng vùng biển, từng hòn đảo có khác nhau. Do đó, công việc quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển kinh tế hải đảo, từ đó đưa ra những chính sách và biện pháp quản lý phù hợp.

Một biện pháp khả thi cho vấn đề phát triển kinh tế ở các hải đảo là xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP). Để xây dựng Khu KT-QP có hiệu quả, cần giải quyết mấy vấn đề sau:

Một là, về cơ chế hoạt động, điều hành của Khu KT-QP trên biển, đảo có sự khác biệt so với các Khu KT-QP trên đất liền. Thành phần tham gia dự án với nhiều lực lượng: Bộ đội hải quân trên đảo, lực lượng tàu cá hải quân kết hợp KT-QP; dân tham gia thực hiện dự án về sản xuất, dịch vụ; cán bộ chính quyền đất liền ra đảo tham gia thực hiện dự án…

Hai là, với mục tiêu xây dựng các Khu KT-QP, trong đó có Khu KT-QP trên biển, đảo, công tác di dân, bố trí các điểm dân cư trên khu vực biên giới, biển đảo và ổn định đời sống dân cư được coi là nội dung quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Để thu hút nhân dân ra các đảo sinh sống, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, chú trọng việc tuyển chọn lực lượng, ưu tiên lực lượng thanh niên tình nguyện, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giáo viên, cán bộ, y tế, các hộ gia đình có kinh nghiệm khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hàng hải; đồng thời, phải có chính sách ưu đãi, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định để họ yên tâm gắn bó làm ăn lâu dài trên đảo và thu hút sự quan tâm của nhân dân trên bờ ra đảo sinh sống…

Ba là, nguồn vốn bảo đảm và cơ chế đầu tư xây dựng các Khu KT-QP trên biển, đảo cần được ưu tiên từ vốn đầu tư tập trung của ngân sách nhà nước theo một kênh riêng. Bên cạnh đó, các binh đoàn KT-QP biển, đảo cần chủ động phối hợp liên kết với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện lồng ghép chương trình, dự án khác của nhà nước, nhất là các chương trình biển Đông, hải đảo, khuyến ngư, trồng rừng trên đảo, ven biển…; có kế hoạch huy động các nguồn vốn để hỗ trợ dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống và để đảm bảo vốn đầu tư thực hiện tiến độ các mục tiêu dự án.

TS. Cung Thị Tuyết Mai - ThS. Nguyễn Quốc Toàn

Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

*****

1. Vùng duyên hải miền Trung được đề cập trong bài viết này bao gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

2. Hồ Kỳ Minh, Lê Minh Nhất Duy: Liên kết kinh tế vùng: từ lý luận đến thực tiễn, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, 2014.

3. Trang thông tin điện tử vùng duyên hải miền Trung (http://www.vietccr.vn/xem-gioi-thieu-vung/the-seven-coastal-provinces-default.html).

4. Nguyễn Thế Tràm, Lê Nam Hải: “Phát triển kinh tế biển, đảo các tỉnh duyên hải miền Trung gắn với an ninh - quốc phòng”, Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, 2014.

Bình luận