Xu hướng phát triển các mối quan hệ không bình thường của những người có chức, quyền trong các doanh nghiệp để trục lợi trong nền kinh tế thị trường

Ngày đăng: 14/09/2016 - 08:09

Theo Bộ luật hình sự, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do dân cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thi hành công vụ. Quyền năng của người thực hiện công vụ xuất phát từ chỗ họ có quyền giải quyết công việc của những cá nhân và tổ chức khác trong những công vụ mà họ được giao. Sức mạnh của quyền năng nằm ở chỗ, người có chức, quyền giải quyết việc đó nhanh hay chậm, có lợi hay có hại cho người được giải quyết. Người có chức, quyền thường có ba loại quyền năng: quyền năng chính quyền (quyền bắt buộc tuân thủ theo quy định của pháp luật); quyền năng lãnh đạo (bổ nhiệm, khen thưởng, tuyển dụng, sa thải, đề bạt, nâng lương...); quyền năng hành chính, kinh tế (giám sát, kiểm tra...).

tham nhung-

Doanh nghiệp, theo Luật doanh nghiệp, là các tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.

Để trình bày chủ đề một cách nhất quán, trong bài viết này người có chức, quyền được hiểu là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội được giao thực hiện một công vụ nào đó có liên quan đến các doanh nghiệp.

Nhận dạng những quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường hỗn hợp việc tồn tại mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân có chức, quyền và các cá nhân quản trị doanh nghiệp là một thực tế khách quan, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Song, cá nhân những người có chức, quyền và cán bộ quản trị doanh nghiệp đã lợi dụng các quan hệ đó phục vụ các mục đích không chính đáng của họ dẫn đến sự phân chia lợi ích và quyền lợi không chính đáng cho họ hoặc làm thiệt hại lợi ích xã hội. Những quan hệ như thế được gọi là quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền với doanh nghiệp. Xét theo nguyên nhân xuất hiện, có các dạng quan hệ không bình thường sau giữa những người có chức, quyền với doanh nghiệp:

Trong nền kinh tế thị trường doanh nghiệp là hình thức tổ chức sản xuất phổ biến, là tổ chức cung cấp khối lượng của cải lớn nhất và quản lý nguồn tư liệu sản xuất quan trọng nhất của quốc gia. Về cơ bản các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường (tự do giải quyết ba vấn đề: sản xuất cái gì, bán cho ai, sản xuất như thế nào theo tín hiệu thị trường, dưới áp lực của cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận). Sự điều tiết của Nhà nước bằng quy chế và các công cụ của thị trường phải tạo được sự hưởng ứng cùng chiều của các doanh nghiệp mới thành công. Song, trong một số trường hợp, do các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Nhà nước không có thông tin chính xác về các doanh nghiệp, nhất là thông tin về các phương thức hành động và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với chính sách kinh tế của Nhà nước, nên công chức phải thiết lập các mối quan hệ và đường dây thông tin với các doanh nghiệp, nhất là với các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp lớn để tìm kiếm các căn cứ hoạch định chính sách hợp lý. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện các chính sách kinh tế, những người có trách nhiệm cũng muốn có sự cam kết nhất định của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hưởng ứng thực hiện chính sách nên họ thường sử dụng các kênh quan hệ với doanh nghiệp để tuyên truyền, thuyết phục doanh nghiệp. Trên thế giới, có nhiều nước thực hiện thành công phương thức quan hệ với doanh nghiệp như vậy để phát triển kinh tế, điển hình là Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và Hàn Quốc thời Tổng thống Pắc Chung Hy.

Trong thực tế, mặc dù ý đồ thiết lập quan hệ giữa giới quản lý nhà nước và giới quản trị doanh nghiệp là có lợi cho quốc gia, xã hội, nhưng trong những tình huống cụ thể, với những con người cụ thể, có cơ hội để quan chức nhà nước lợi dụng quan hệ với doanh nghiệp bán thông tin chưa công khai hoặc móc ngoặc với giới quản trị doanh nghiệp cung cấp ưu đãi riêng cho một số doanh nghiệp nhằm vụ lợi, thậm chí giới quản trị doanh nghiệp mong muốn dùng các quan hệ thân thiết với quan chức để điều chỉnh chính sách có lợi cho họ với một giá rẻ hơn chi phí cạnh tranh. Trong bài viết này, những quan hệ đó được hiểu dưới khái niệm quan hệ không bình thường. Những sắc thái cụ thể của dạng quan hệ không bình thường kiểu này là:

1. Quan hệ nhóm thân hữu

Nhóm thân hữu thường biểu hiện dưới dạng một nhóm cá nhân có quan hệ thân tình với nhau như nhóm thành viên câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích, nhóm quan hệ thân tín trong công việc... Biểu hiện chung của dạng quan hệ này là các chính khách, các nhà quản lý cao cấp thường có chung một số sở thích như chơi gôn, thành viên các câu lạc bộ thể thao, hoặc cùng tham gia các chương trình của Nhà nước. Nhóm này có xu hướng đóng kín, rất ít khi mở ra cho những người chưa được kiểm tra độ tin cậy. Thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên, giới những người có chức, quyền có không gian trao đổi thông tin qua lại với giới doanh nhân, nhất là những người quản lý các hiệp hội ngành nghề hoặc chủ các doanh nghiệp lớn để tìm kiếm thông tin và sự trợ giúp lẫn nhau. Các chính khách và cán bộ quản lý cao cấp có thể tìm được các thông tin đắt giá về tình hình kinh tế, thái độ của cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí cả sự ủng hộ của họ cho việc ra ứng cử vào các chức danh dân cử, cũng như sử dụng các mối quan hệ của doanh nghiệp để được bổ nhiệm vào các vị trí mong muốn. Ngược lại, giới doanh nhân thông qua các giao tiếp này muốn gây áp lực để điều chỉnh chính sách, tìm kiếm các thông tin đắt giá phục vụ việc hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của họ, thậm chí tìm kiếm sự ủng hộ cần thiết cho các hợp đồng mua bán tương lai của họ với các cơ quan nhà nước, nhận được các dự án độc quyền.... Công chức và viên chức, dù có chức, quyền, nhưng không giàu có nên thường được doanh nhân “bao cấp” chi phí đắt đỏ trong các câu lạc bộ hoặc trao đổi quyền - tiền với những người có chức, quyền thông qua cung cấp các dịch vụ đắt tiền như nhận người thân của người có chức, quyền vào làm việc trong doanh nghiệp; đài thọ cho người này đi học với các suất học bổng đắt giá; thực hiện các hợp đồng có lợi cho doanh nghiệp mà người có chức, quyền có quan hệ lợi ích; trao các khoản tiền qua các quỹ liên quan đến người có chức, quyền; cung cấp các loại cổ phiếu ưu đãi đặc biệt cho người có chức quyền; tặng các món quà có giá trị vào các dịp thuận lợi, dưới những hình thức che dấu...

Nhóm thân hữu thường hoạt động kín đáo, qua nhiều tầng nấc trung gian tin cậy nhằm tạo khoảng cách nhất định giữa người có quyền ra quyết định trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội với doanh nghiệp hưởng lợi. Trong nhóm thân hữu thường có sự xuất hiện của những người môi giới làm nhiệm vụ thương thuyết, truyền tin và tổ chức các cuộc giao dịch quyền - tiền. Khi các mối quan hệ quyền - tiền trong nhóm thân hữu có nguy cơ bại lộ, các nhân vật trung gian, môi giới và doanh nghiệp liên quan thường đứng ra chịu hình phạt của pháp luật để bảo vệ nhóm. Những người có chức, quyền sẽ dùng ảnh hưởng của mình bịt đầu mối quan hệ của họ với những người liên quan bằng cách hy sinh một số người có chức quyền thấp và mua sự im lặng của những người khác bằng quyền, thế của họ. Nhóm thân hữu là hình thức quan hệ rất nguy hiểm, vì các quyết định bị bẻ cong bởi người có chức, quyền trong nhóm thân hữu có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, gây bức xúc xã hội, trong khi đó các biện pháp trừng phạt của cơ quan bảo vệ pháp luật thường không thỏa đáng, không đúng địa chỉ do tình trạng o bế thông tin. Vì thế, nhóm thân hữu có sức sống mãnh liệt. Ở châu Á người ta thường gọi nhóm thân hữu là kinh doanh “quan hệ”. Tình trạng kinh doanh “quan hệ” phổ biến đến nỗi một số người không có chức, quyền cũng giả danh người có chức quyền để đi lừa gạt mà cũng có người tin.

2. Quan hệ nhóm chung lợi ích

Quan hệ nhóm chung lợi ích biểu hiện dưới hình thái quan hệ vụ lợi của người có chức, quyền với những doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý của họ. Thông thường, đây là quan hệ vụ lợi chủ động của người có chức, quyền đối với doanh nghiệp. Biểu hiện nhóm chung lợi ích là sự câu kết giữa những người có chức quyền và các doanh nghiệp mà họ quản lý theo cách hai bên cùng có lợi khi người có chức, quyền cung cấp cho doanh nghiệp những ưu đãi hạn chế (giúp doanh nghiệp lập hồ sơ xin ưu đãi liên quan đến thuế, quyền sử dụng đất, chỉ định thầu...), những giấy phép cần thiết, thực hiện những thủ tục quản lý theo pháp luật... còn doanh nghiệp phải “lại quả” những khoản tiền vượt quá mức lệ phí theo quy định.

Nhóm chung lợi ích này rất khó phát hiện, bởi vì rất nhiều doanh nghiệp không am hiểu thông tin về chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như không thông thạo các thủ tục, nội dung hồ sơ xin ưu đãi, xin cấp phép... (nhất là ở các quốc gia có hệ thống chính sách ưu đãi phức tạp, thủ tục hồ sơ xin ưu đãi phiền hà, không công khai..). Trong khi đó, ưu đãi của Nhà nước bao giờ cũng đi cùng với các điều kiện, đôi khi rất nhiều điều kiện. Thủ tục quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đôi khi rất phiền hà khiến doanh nghiệp khó thích ứng nếu không có sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước. Chính vì thế, giữa cơ quan quản lý, nhất là cơ quan xét duyệt ưu đãi, cụ thể là giữa các nhân viên tham mưu, tác nghiệp, thủ trưởng phê duyệt và chủ doanh nghiệp xuất hiện các cá nhân cung cấp dịch vụ thông tin, lập hồ sơ, chạy thủ tục... Ba nhóm người này câu kết với nhau để ăn chia lợi ích xuất hiện từ ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp hoặc chia chác tiền phí ngoài quy định do doanh nghiệp nộp.

Nhóm chung lợi ích này không có mối quan hệ lâu dài và không được tổ chức chặt chẽ như nhóm thân hữu, nhưng xuất hiện rất linh hoạt và đa dạng, ở tất cả các lĩnh vực. Ở các cơ quan có quyền phê duyệt hồ sơ và tham gia vào quy trình thẩm định hồ sơ xin ưu đãi đều có nguy cơ xuất hiện các nhóm lợi ích. Trong xã hội cũng có những người chuyên đảm nhiệm vai trò “môi giới” một cách không hợp pháp như vậy. Họ thường chủ động tìm đến những người có chức, quyền để chạy chọt cho một doanh nghiệp nào đó. Những người có chức, quyền thường có suy nghĩ rằng hành vi của họ là không vi phạm pháp luật vì họ chỉ giúp cho những doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng ưu đãi nhận được ưu đãi của Nhà nước, hoặc thúc đẩy công việc nhanh hơn. Vì doanh nghiệp nhận được ưu đãi có lợi hơn doanh nghiệp không nhận được ưu đãi nên doanh nghiệp “lại quả” cho người có chức, quyền thể hiện “tấm lòng” dành cho người đã giúp đỡ. Kẻ môi giới không hợp pháp ở đây cũng quan niệm đó là tiền công chạy chọt của họ. Chính vì thế, có rất ít các thông tin trình báo về các quan hệ này, nhất là khi các doanh nghiệp có đủ điều kiện được hưởng ưu đãi khác không có thông tin về chính sách ưu đãi cũng như không biết gì về nhóm lợi ích này.

3. Quan hệ lợi ích cục bộ

Quan hệ lợi ích cục bộ xuất hiện giữa những người có chức, quyền với các doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý của họ. Thường đó là các quan hệ không trong sáng giữa người có chức, quyền với các cá nhân trong bổ nhiệm vào các vị trí quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, trong các liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước với tư nhân, hoặc dàn xếp hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thường có một số “đặc quyền” so với cán bộ quản lý doanh nghiệp tư nhân như không phải chịu áp lực phá sản hay cạnh tranh, quản lý một lượng tài sản công rất lớn với quyền chủ động rộng rãi, được Nhà nước hỗ trợ về nhiều phương diện và có khả năng chuyển sang đội ngũ công chức chuyên nghiệp... Những người có chức, quyền trong các cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng muốn có người tin cẩn trong doanh nghiệp để dễ bề kiểm soát. Nếu mối quan hệ giữa cán bộ quản trị doanh nghiệp và cán bộ quản lý cấp trên tốt đẹp thì có nhiều kênh để họ có thể trao đổi thông tin và lợi ích với nhau.

Thông thường, cá nhân muốn được bổ nhiệm vào bộ máy quản lý doanh nghiệp nhà nước phải tạo được sự tin cậy của cấp trên. Nếu không có tài năng và quá trình công tác tốt thì người này phải được sự ủng hộ của cá nhân có quyền quyết định bổ nhiệm. Do đó, hình thành các kênh trao hối lộ nhằm tìm ô dù giữa hai cá nhân này dưới nhiều hình thức khác nhau như quan hệ gia đình, giúp đỡ thủ trưởng giải quyết các nhiệm vụ tế nhị, cánh tay phải của thủ trưởng trong khi tham gia các dịch vụ giải trí, sự tận tụy trong chăm sóc thủ trưởng khi ốm đau.... Sau khi được bổ nhiệm, mối quan hệ giữa hai cá nhân trở thành mối quan hệ giữa hai đơn vị (cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước) về nhiều phương diện như doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ cơ quan quản lý các khoản phúc lợi, cung cấp thông tin sai lạc có lợi cho cơ quan quản lý, có lợi cho cá nhân người có chức, quyền, là nơi sử dụng con em của những người làm việc trong cơ quan quản lý... Doanh nghiệp nhà nước cũng được hưởng lợi trong các dự án chỉ định thầu, được ưu tiên nhận các ưu đãi theo chính sách, được cơ quan nhà nước “đỡ đần” khi bị thanh, kiểm tra... Thậm chí cơ quan quản lý cấp trên còn giúp đỡ chạy tội cho doanh nghiệp thuộc diện sân sau khi các doanh nghiệp vi phạm cơ chế, chính sách của Nhà nước trong hoạt động của họ. Hình thái hai bên cùng có lợi theo kiểu lợi ích cục bộ này là nguyên nhân khiến các sai phạm của doanh nghiệp nhà nước không bị phát hiện và không được xử lý kịp thời.

Một sắc thái khác là doanh nghiệp tư nhân khó có cơ hội len chân vào các hợp đồng của cơ quan nhà nước. Thông thường, giá trị của các hợp đồng này lớn, điều kiện cung cấp đôi khi không khắt khe nên doanh nghiệp tư nhân rất khát khao được trúng thầu. Chính vì thế, giới quản lý doanh nghiệp tư nhân thường chủ động tìm các kênh hối lộ quan chức Nhà nước có quyền quyết định. Nhiều khi giới quản trị doanh nghiệp tư nhân phải sử dụng trung gian là doanh nghiệp nhà nước.

Nhóm lợi ích cục bộ cũng là nguyên nhân của tình trạng cơ quan quản lý trở thành đồng phạm cùng doanh nghiệp.

4. Quan hệ vụ lợi cá nhân hoặc có tổ chức của những người có chức, quyền với doanh nghiệp

Với vai trò điều tiết ngày càng sâu rộng hơn của các cơ quan nhà nước vào các quá trình kinh tế, doanh nghiệp trở thành đối tượng quản lý của các cơ quan nhà nước. Trạng thái này đã trao cho những người có chức, quyền một số quyền hạn nhất định chi phối hoạt động của doanh nghiệp như quyền cấp giấy phép, chứng chỉ thừa nhận cho một số hoạt động nào đó của doanh nghiệp, phê duyệt một số ưu đãi có tính khuyến khích của Nhà nước cho doanh nghiệp.... Những hành vi quản lý này phải được thực hiện một cách công tâm theo đúng pháp luật, chính sách hiện hành của Nhà nước, nhưng nếu người có chức, quyền lạm dụng hành vi này để vụ lợi cho cá nhân họ hoặc những người có quan hệ với họ thì đó cũng được gọi là những quan hệ không bình thường. Những quan hệ này thường biểu hiện dưới các hình thức:

* Cung cấp thông tin không được phép

Trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội thường có những nhân vật nắm được thông tin trước về các thay đổi chính sách cũng như có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạch định chính sách tác động tới doanh nghiệp. Những nhân vật này, do thoái hóa, do tư tưởng muốn “đánh quả” trước khi thôi chức vụ, nên tìm cách liên hệ với các doanh nghiệp liên quan để bán thông tin. Hoặc ngược lại, các doanh nghiệp muốn thông qua quan chức có được thông tin và ảnh hưởng mà họ mong muốn nên tiến hành “bao vây”, dùng tiền, thông tin và thế lực xấu để mua chuộc quan chức. Nếu người có chức, quyền không đủ sức vượt qua cám dỗ sẽ bị doanh nghiệp điều khiển. Những kiểu quan hệ này diễn ra trên thực tế vô cùng nhiều dạng, ở tất cả các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.

* Người có chức, quyền nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp hòng đòi tiền hối lộ

Nguyên nhân của tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp là sự thoái hóa đạo đức của những người có chức, quyền. Họ chủ tâm lợi dụng công vụ để mưu lợi cá nhân bất chấp hành vi của mình gây hại cho doanh nghiệp và xã hội. Đó là những con sâu mọt mà các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội cần phải loại trừ. Hình thức biểu hiện của thói nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp rất đa dạng. Một số hình thái điển hình của nó là:

- Cơ quan giám sát thực thi pháp luật nhũng nhiễu doanh nghiệp khi tiến hành quá nhiều vụ kiểm tra không cần thiết trong một thời gian khiến doanh nghiệp vừa mất thời gian, vừa giảm uy tín nên buộc phải làm vừa lòng những người có chức, quyền để họ hạn chế số lần kiểm tra doanh nghiệp.

- Cơ quan tài chính chậm thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến thuế hoặc thủ tục khiến doanh nghiệp phải bôi trơn bằng các loại quà tặng, điển hình là cơ quan hải quan.

- Cơ quan cấp giấy phép không công khai thông tin và quy trình cấp giấy phép, không hướng dẫn doanh nghiệp chu đáo khiến doanh nghiệp phải chờ đợi lâu buộc họ phải sử dụng “môi giới đẩy nhanh”.

- Cơ quan quản lý thị trường trì hoãn thời gian ra kết luận để giải phóng hàng khiến doanh nghiệp bị tồn đọng vốn buộc phải tìm quan hệ thân quen thúc đẩy.

- Phóng viên báo chí đe dọa đưa thông tin nội bộ doanh nghiệp ra công khai nhằm đòi tiền hối lộ.

- Cá nhân có chức, quyền trong các tổ chức xã hội dọa vận động tẩy chay doanh nghiệp để đòi tiền hối lộ.

* Bảo kê cho các hoạt động phi pháp của doanh nghiệp

Bảo kê cho hoạt động phi pháp của doanh nghiệp là hoạt động phi pháp của những người có chức, quyền. Do lòng tham mà những người này bất chấp pháp luật để kiếm tiền. Hình thái bảo kê thường xảy ra ở các lĩnh vực sau:

- Bảo kê của những người có chức, quyền cho doanh nghiệp buôn lậu: Loại quan hệ này thường có sự câu kết giữa cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường và doanh nghiệp. Các hình thức trao đổi quyền - tiền là “lệ phí” mà doanh nghiệp phải nộp cho cá nhân hoặc cơ quan quản lý theo các chuyến buôn lậu hoặc phí bảo kê theo thời gian.

- Bảo kê của những người có chức, quyền cho các cơ sở kinh doanh các lĩnh vực bị cấm: thường là bảo kê của các cơ quan giám sát pháp luật đối với các hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, khai thác, chuyên chở gỗ lậu...

- Bảo kê để doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực công vụ mang lợi cho họ: Có chính quyền cơ sở nhận một khoản tiền nào đó (cho cơ quan hoặc cho cá nhân) để cho phép doanh nghiệp kinh doanh ở những nơi họ không có quyền như buôn bán trên vỉa hè, ở công viên, hoặc trên diện tích đất công không được phép.

5. Cán bộ, công chức nhà nước câu kết cùng doanh nghiệp gian lận trong thực hiện các giao dịch hàng hóa, dịch vụ của cơ quan nhà nước

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội là những chủ thể mua, bán hàng hóa, dịch vụ rất lớn. Trong các hoạt động mua bán này, cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội phải hành xử như những người mua bán theo nguyên tắc thị trường, tức là mua, bán với giá có lợi cơ quan. Tuy nhiên, do mua và bán bằng tiền công quỹ, nên những người có chức, quyền có thể câu kết với bên bán, bên mua (bên nhận thầu) để dàn xếp các mức giá không theo đúng nguyên tắc giá thị trường cạnh tranh nhằm thu được những lợi ích nào đó (dưới hình thức tiền bạc hoặc không phải tiền bạc). Những quan hệ như vậy cũng được gọi là quan hệ không bình thường. Hình thái biểu hiện của chúng là:

* Hưởng hoa hồng vượt quá mức quy định công khai trong hợp đồng

Những cá nhân có quyền phê duyệt và trực tiếp ký hợp đồng mua hàng hóa cho cơ quan có thể thông đồng với doanh nghiệp bán “gửi giá” bằng cách ghi giá hợp đồng cao hơn giá bán thực, doanh nghiệp có trách nhiệm trích phần chênh lệch giá đó chuyển cho những người có chức, quyền phê duyệt và mua hàng hóa cho cơ quan. Hoặc cơ quan ký hợp đồng mua hàng hóa theo giá thị trường, những người có chức, quyền thông đồng với doanh nghiệp cung ứng thay thế một vài chi tiết để hạ chi phí sản xuất, nhờ đó doanh nghiệp tăng lợi nhuận và phải gửi lại phần lợi nhuận này cho bên mua. Thông thường, phải có một nhóm người tham gia vào quan hệ này, bao gồm cán bộ có quyền phê duyệt, cán bộ trực tiếp mua và cán bộ kiểm định chất lượng. Với những máy móc phức tạp mà cơ quan mua không đủ khả năng thẩm định chất lượng thì cần có thêm người của cơ quan thẩm định bổ sung vào nhóm. Nhóm lợi ích này không bền chặt vì hay mâu thuẫn lợi ích khi ăn chia dẫn đến hé lộ thông tin.

* Làm lộ thông tin đấu thầu mua bán hàng hóa, dịch vụ công

Đấu thầu là hình thức mua và bán dịch vụ của các tổ chức công tuân thủ nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc đấu thầu là cung cấp thông tin công bằng cho các bên đấu thầu và kết quả đấu thầu được công bố công khai với phần thắng thuộc về người có phương án tốt nhất theo tiêu chuẩn của cơ quan tổ chức đấu thầu. Các doanh nghiệp có động cơ thắng thầu với giá cả có lợi cho họ nên không muốn đưa ra phương án trung thực của họ. Để đấu thầu có lợi, từng doanh nghiệp muốn biết thông tin về đối thủ để có sách lược hợp lý. Do đó họ mua chuộc những người nắm được thông tin của các doanh nghiệp cũng như thông tin về chủ định của cơ quan tổ chức đấu thầu. Thậm chí, để chủ động hơn, các doanh nghiệp có thể câu kết với nhau và với cá nhân có trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức đấu thầu để thông thầu nhằm chia lợi cho nhau. Để che dấu hành vi của mình, những người có chức, quyền thường sử dụng một vài doanh nghiệp thân tín đứng ra dàn xếp và là đầu mối lại quả cho quan chức.

* Vụ lợi khi chỉ định thầu

Những người có chức, quyền có thể câu kết với các doanh nghiệp có quan hệ thân quen để giao cho họ những hợp đồng mua bán công với phần lợi ích chênh lệch khá lớn nếu so với đấu thầu công khai (bởi doanh nghiệp thân quen có thể không thắng thầu; bởi khi chỉ định thầu, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với những điều kiện ưu đãi hơn khi tham gia đấu thầu). Do có được lợi ích, doanh nghiệp nhận thầu phải lại quả cho các quan chức có công trong việc giao thầu cho doanh nghiệp. Hình thức lại quả rất phong phú như ký hợp đồng thầu phụ với doanh nghiệp khác là sân sau của quan chức, cung cấp dịch vụ cho gia đình quan chức, cung cấp tài sản đắt giá...

* Cấp vốn và phê duyệt các dự án trái quy định nhằm vụ lợi

Đầu tư công là lĩnh vực mà quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế của những người có chức, quyền đan xen vào nhau. Trong một số trường hợp, quan chức có thể bật đèn xanh cho doanh nghiệp khởi công công trình khi kế hoạch cấp vốn chưa được duyệt. Sau đó, doanh nghiệp phải o bế quan chức để họ chạy chọt sao cho công trình đó được cấp vốn. Thậm chí, khi tài chính công gặp lúc khó khăn, ngân sách nợ vốn các công trình, quan chức có thể can thiệp để doanh nghiệp có quan hệ nhận được tiền trước các doanh nghiệp khác... Những hành động “giúp đỡ’ như vậy phải được doanh nghiệp trả công xứng đáng, nếu không rất ít quan chức sẽ hành động “mạo hiểm” như vậy.

Xu hướng phát triển các mối quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền với doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện đại

Tham nhũng nói chung, các mối quan hệ vụ lợi giữa những người có chức, quyền và doanh nghiệp nói riêng đang trở thành tiêu điểm đấu tranh ở rất nhiều nước. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia đều nhận thấy tham nhũng trong giới quan chức có ảnh hưởng tai hại đến phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như đối với uy tín của chính phủ.

Để phòng, chống tham nhũng trong giới quan chức, một mặt, các quốc gia đều có các điều luật chống tham nhũng và có cơ quan chịu trách nhiệm đấu tranh với tham nhũng. Có nhiều nước rất thành công trong đấu tranh chống tham nhũng như Xingapo do có cơ quan chống tham nhũng hiệu quả, đặc biệt là được sự ủng hộ kiên quyết của Nhà nước. Có những nước không thành công nhưng cũng đã khởi động cuộc chiến chống tham nhũng. Về cơ bản, thế giới đã thức tỉnh trước nạn tham nhũng và dù ít, dù nhiều, các chính phủ đều cam kết công khai chống tham nhũng. Do đó, các mối quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền và doanh nghiệp không còn có thể thực hiện công khai và lộng hành ở nhiều quốc gia như trước kia. Với các hành động kiên quyết, nhiều chính phủ đã giăng một tấm lưới càn quét các cá nhân có quan hệ vụ lợi khi chúng bị phơi ra ánh sáng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều nước, khi các mối quan hệ của quan chức mở rộng trong các tổ chức kinh tế quốc tế thì những quan hệ mờ ám giữa những người có chức, quyền và doanh nghiệp càng trở nên phức tạp và khó bị phát hiện hơn. Nạn rửa tiền xuyên quốc gia cũng góp phần làm cho các khoản tiền “bẩn” trở thành trong sạch. Đồng thời, các công ty đa quốc gia đã góp phần hợp lý hóa các khoản hối lộ quan chức ở nước ngoài một cách bí mật. Chính vì thế các quốc gia đã phải hợp tác với nhau cùng chống tham nhũng. Một vài nỗ lực trong lĩnh vực này là việc xây dựng và thông qua Công ước về chống hối lộ (1997) của các nước OECD, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (2003), Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức minh bạch thế giới, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các hiệp định hợp tác song phương giữa các nước nhằm phối hợp chống tham nhũng...

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, đã xuất hiện những phản đối nhất định với hành vi hối lộ quan chức. Trước đây, đa phần các doanh nghiệp chấp nhận mất một khoản phí để xây dựng quan hệ tốt với những người có chức, quyền với hy vọng rằng các khoản phí bôi trơn đó có thể giúp cho công việc của mình tiến triển nhanh hơn hoặc thu được lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh. Nhiều chính phủ còn thừa nhận các khoản hối lộ quan chức nước ngoài là một dạng chi phí hợp lý được tính trừ khi đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây của các tổ chức quốc tế đã cho thấy, hối lộ quan chức không làm cho công việc kinh doanh có hiệu quả hơn, ngược lại nó làm tăng chi phí có tính phổ biến khi các doanh nghiệp đồng loạt sử dụng phí bôi trơn như vậy. Chính vì thế đã xuất hiện một cuộc vận động nhằm khuyến khích doanh nghiệp tẩy chay hành vi đưa tiền bôi trơn khi tiếp cận những người có chức, quyền.

Đi đầu trong phong trào này là các doanh nghiệp Mỹ. Từ năm 1977, khi nước Mỹ có Luật chống tham nhũng nước ngoài, các công ty Mỹ đã phát triển những quy trình hạn chế việc đưa hối lộ cho những người có chức, quyền. Những yếu tố cấu thành chương trình chống hối lộ về phía doanh nghiệp bao gồm:

- Các chuẩn mực giá trị: Người lao động của các công ty được thu hút để tham gia hệ thống chuẩn mực giá trị của doanh nghiệp, trong đó chú trọng vào các quy tắc đạo đức kinh doanh và hệ thống cảnh báo. Cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp cam kết ủng hộ chương trình.

- Đào tạo và phổ cập hệ thống giá trị đến toàn bộ nhân viên của công ty để mọi người đều hiểu rằng hành vi hối lộ của từng cá nhân có nguy cơ đặt đơn vị trước rủi ro vi phạm pháp luật rất lớn. Quá trình đào tạo và phổ biến giá trị định vị nhiều hơn vào các giám đốc điều hành cao cấp và nhân viên mua bán hàng.

- Các hệ thống thông tin và hỗ trợ nhằm nhận diện các thông tin cảnh báo. Ngay cả ở các nước có truyền thống coi trọng sự đoàn kết nội bộ, các hệ thống thông tin được thiết kế tốt vẫn cho phép nhận được nhiều thông tin cảnh báo sớm về hành vi hối lộ.

Hiện nay, các công ty châu Âu và châu Á cũng đã hưởng ứng phong trào này, nhất là từ khi các nước OECD thông qua Công ước về chống hối lộ (1997). Công ty Jardine Matheson ở Hồng Kông đang áp đặt những yêu cầu đạo đức lên các nhà cung cấp của họ. Chi nhánh ở Hàn Quốc của Merck đang thúc đẩy phát triển một bộ quy tắc đạo đức cho ngành dược phẩm...

Nếu khuếch trương tốt phong trào này thì sẽ hạn chế bên cung trong mối quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền và doanh nghiệp.

Xã hội dân sự, nhất là báo chí truyền thông đã tích cực vào cuộc chống tham nhũng ở quy mô quốc gia và quốc tế. Người dân đã có nhận thức rõ ràng hơn về cơ chế gây tham nhũng cũng như tác hại lâu dài của chúng đến xã hội. Nhờ đó dân chúng tích cực tham gia vào hệ thống thông tin cảnh báo và đấu tranh với tệ nạn tham nhũng.

Đối chọi với các nỗ lực chống tham nhũng từ mọi phía, các quan chức và một số cán bộ quản lý doanh nghiệp vụ lợi vẫn cố kiết bám vào con đường làm ăn mờ ám. Số vụ tham nhũng có liên quan đến quan chức và doanh nghiệp không hề giảm, mà ngược lại quy mô các vụ tham nhũng và số người tham gia vào các đường dây tham nhũng có xu hướng tăng lên. Các quan chức chỉ thận trọng hơn khi quan hệ với doanh nghiệp bằng cách thiết lập các đường dây dài hơn, câu kết, thu hút vào đường dây những cá nhân trong nhiều lĩnh vực để che chắn, bọc lót cho nhau. Chính vì thế các quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền và doanh nghiệp được che dấu kín đáo hơn, hành tung của quan chức và doanh nhân được bọc lót cẩn thận hơn, các vụ tham nhũng có tính tổ chức cao hơn, và do đó các giá trị trao đổi quyền - tiền cũng lớn hơn.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc[1]

Trích trong sách: "Bàn về giải pháp phòng, chống tham nhũng

ở Việt Nam hiện nay", Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2016.


[1] Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Bình luận