Tăng cường công tác xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Ngày đăng: 19/10/2016 - 15:10

Là một bộ phận thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đồng hành với công tác tưởng, lý luận để thực hiện nhiệm vụ cung cấp cho bạn đọc một hệ thống những tri thức về khoa học chính trị, triết học, đạo đức, pháp luật,... Chính vì vậy, để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, việc tăng cường công tác xuất bản sách lý luận, chính trị là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung của Nghị quyết; động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện, giám sát, phản biện để việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết trên thực tế đúng theo tinh thần của Đại hội.

sach ly luan 2010

1. Tình tình công tác xuất bản sách lý luận, chính trị

Trong những năm qua, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào việc giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, cung cấp thông tin, luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sách lý luận, chính trị góp phần nâng cao nhận thức chính trị, lý luận, pháp luật và nâng cao trình độ dân trí; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng mục tiêu lý tưởng, giữ vững niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội; phê phán, đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, phát hiện và giới thiệu các điển hình tiên tiến;…

Có nhiều công trình, tác phẩm quan trọng về lý luận, chính trị được xuất bản và công bố có ý nghĩa và giá trị cao như: C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập (55 tập), V.I. Lênin Toàn tập (54 tập), Hồ Chí Minh Toàn tập (15 tập), Văn kiện Đảng Toàn tập (54 tập), Biên niên lịch sử Đảng Cộng sản, Lịch sử Chính phủ, Văn kiện Quốc hội Toàn tập (9 tập), Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007),... sách về các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng. Đặc biệt, có một số tác phẩm quan trọng về lý luận, chính trị, văn hóa, pháp luật, về thành tựu và kinh nghiệm công cuộc đổi mới của nước ta với các nước, các tổ chức quốc tế và độc giả nước ngoài; sách đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, lý luận nhằm phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực phản động, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; sách phục vụ các sự kiện trọng đại, các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, các cuộc vận động lớn của đất nước như: các văn kiện và tài liệu phục vụ quán triệt, học tập cácNghị quyết Đại hội và Hội nghị Trung ương các khóa; sách phục vụ đợt vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sách tham khảo, sách dịch của nước ngoài thuộc lĩnh vực lý luận, kinh tế, pháp luật,... phục vụ cho việc nghiên cứu, tham khảo và học tập kinh nghiệm các nước.

Hiện nay, cả nước có 61 nhà xuất bản do nhiều ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương quản lý. Bên cạnh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị nòng cốt trong việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, còn có một số nhà xuất bản như: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Chính trị - Hành chính và một số nhà xuất bản tổng hợp, chuyên ngành khác theo nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cũng tham gia xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản, đạt 4,1 bản sách/đầu người/năm. Trong đó, sách lý luận, chính trị chiếm trung bình khoảng 10-15% số lượng xuất bản phẩm lưu chiểu toàn ngành.

Tuy nhiên, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Chất lượng sách nhìn chung chưa cao, tính chiến đấu, tính khoa học, tính thực tiễn, tính hấp dẫn còn hạn chế. Nội dung sách chưa phong phú, hình thức còn đơn điệu, chưa phù hợp với các đối tượng và vùng, miền khác nhau. Sách có nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều, chưa thật sắc bén và kịp thời. Nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Còn thiếu cơ chế đầu tư theo chiều sâu, đặt hàng chương trình sách quốc gia về sách lý luận, chính trị; cơ chế, chính sách trợ giá, giảm giá đối với sách lý luận, chính trị; cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, động viên đội ngũ cán bộ biên tập, cộng tác viên, nhất là đối với cộng tác viên có uy tín, những chuyên gia, học giả đầu ngành để giúp các nhà xuất bản tổ chức được những bộ sách có giá trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của xã hội. Chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hệ thống thư viện công cộng với các nhà xuất bản trong việc mua sách có chọn lọc và đưa sách lý luận, chính trị đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân,… Tình trạng thương mại hóa chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy trong hoạt động xuất bản chưa bị đẩy lùi; những bất cập trong hoạt động liên kết chậm được khắc phục, từ đó kéo theo chất lượng sách còn hạn chế, đặc biệt đáng báo động là sách có nội dung sai phạm về chính trị, tư tưởng có chiều hướng gia tăng.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, cùng với sự ra đời của loại hình xuất bản điện tử đang mở ra những triển vọng mới cho công tác xuất bản sách, trong đó có sách lý luận, chính trị. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản ngày càng mạnh mẽ là một động lực để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xuất bản sách lý luận, chính trị. Xu hướng chú trọng chất lượng xuất bản phẩm để thu hút độc giả và tăng số đầu sách, bản sách sẽ được quan tâm hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Mạng lưới các nhà xuất bản nói chung, các nhà xuất bản làm công tác xuất bản sách lý luận, chính trị nói riêng có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, tổ chức hoạt động hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Một bộ phận cán bộ biên tập, xuất bản sách lý luận, chính trị vẫn mang nặng tư duy bao cấp, phong cách và phương pháp làm việc thụ động, thiếu tính sáng tạo, khả năng thích ứng đối với hoạt động xuất bản trong cơ chế thị trường chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn còn thiếu, nhất là những người làm công tác biên soạn sách lý luận, chính trị. Nhịp sống công nghiệp cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông hiện đại đã đưa văn hóa nghe, nhìn lên ngôi và ngược lại, văn hóa đọc lại có xu hướng suy giảm. Sách lý luận, chính trị tiếp tục chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xuất bản phẩm.

Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng - văn hóa được chúng coi là “mũi đột phá”. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp.

Sự xuất hiện và chuyển dịch ngày càng tăng của thiết bị sách điện tử và sách bán qua mạng ảnh hưởng đến số lượng phát hành sách in truyền thống. Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, mặt trái của thương mại hóa, sự cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo thị hiếu tầm thường và lợi nhuận đơn thuần, cùng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội tăng nhanh đều tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất bản, đặc biệt là sách lý luận, chính trị.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xuất bản sách lý luận, chính trị trước yêu cầu, nhiệm vụ mới

Đại hội XII của Đảng diễn ra vào đầu năm 2016, đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, năm năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ Đại hội XII: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”1.

Chính vì vậy, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị có vai trò quan trọng nhằm góp phần triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Ngành xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật với vai trò trụ cột trong công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước, cần hướng tới ba mục tiêu chủ yếu sau:

Một là, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị phải góp phần tích cực vào việc thực hiện các nghị quyết đại hội của Đảng; củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị và tinh thần trong nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy sức mạnh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác xuất bản sách lý luận, chính trị phải nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả, góp phần củng cố tư tưởng, phát triển trình độ lý luận chính trị, khẳng định vai trò tiên phong của Đảng.

Hai là, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, khắc phục một bước quan trọng tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ba là, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Xuất bản sách lý luận, chính trị là phương tiện thông tin, giáo dục, chỉ đạo và là sức mạnh nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực cho đất nước. Công tác xuất bản góp phần làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, hoàn thành quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương, định hướng tư tưởng một cách chủ động, sắc bén, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, tạo động lực to lớn thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cần nhiều giải pháp để công tác xuất bản sách lý luận, chính trị làm tốt trách nhiệm này, trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt rộng rãi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới”, Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” tới các cấp ủy đảng, chính quyền, nhà xuất bản, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của sách lý luận, chính trị trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác phổ biến sách lý luận, chính trị; bảo đảm sách lý luận, chính trị đến được với các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và thông qua đội ngũ cán bộ tuyên truyền các cấp, các đơn vị phát hành.

Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị; phấn đấu bảo đảm đủ sách lý luận, chính trị cần thiết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng xuất bản sách lý luận, chính trị phù hợp với đối tượng và vùng, miền, cụ thể như: tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách chính trị phổ thông; sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”; sách chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống tự diễn biến, tự chuyển  hóa; sách dành cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; sách cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất bản mảng sách thông tin đối ngoại, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần làm cho cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn về tình hình đất nước, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Tiếp tục xuất bản các ấn phẩm sách lý luận, chính trị góp phần nghiên cứu, làm rõ về mặt lý luận các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thứ ba, khẩn trương xây dựng và triển khai quy hoạch, rà soát, sắp xếp hợp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận, chính trị trong cả nước nhằm tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hoàn chỉnh cơ sở pháp lý quy định cụ thể về loại hình hoạt động của nhà xuất bản phù hợp với thực tế và đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị như được ưu đãi trong việc miễn, giảm thuế và vay vốn ưu đãi theo dự án đầu tư phát triển ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhà nước có quy định dành kinh phí để mua và cung cấp sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Xây dựng và triển khai các chương trình quốc gia về xuất bản sách lý luận, chính trị hằng năm và dài hạn, nhằm phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước.

Thứ tư, tích cực nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật cho hoạt động xuất bản, bảo đảm cho hoạt động xuất bản, nhất là xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách lý luận, chính trị. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị theo dự án đầu tư có trọng điểm của ngành xuất bản ở từng khu vực, địa phương trọng điểm cả ở trong nước và nước ngoài.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng sách lý luận, chính trị; khắc phục mặt trái của thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động xuất bản; kiên quyết ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động xuất bản, nhất là nạn in lậu, in nối bản trái pháp luật, trốn thuế, vi phạm bản quyền, xuất bản sai chức năng, nhiệm vụ.

Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống phát hành sách lý luận, chính trị từ trung ương đến cơ sở cho phù hợp với đặc thù của loại sách này; đẩy mạnh công tác giới thiệu, phát hành sách lý luận, chính trị phục vụ công tác thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài.

Quản lý và tổ chức tốt các hoạt động liên kết xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm giữa nhà xuất bản với các cơ quan, tổ chức nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể, tổ chức của nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam... nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

Thứ năm, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao; xây dựng hệ thống cộng tác viên và có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng; có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển mới; đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ biên tập, xuất bản.

Nguyễn Hoàng

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 76.

Bình luận